Chân phước I-men-đa Lam-be-ti-ni (13.5)

  • 15/01/2023 18:39
  • I-men-đa cũng gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la Lam-be-ti-ni sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng quý tộc tại Bô-lô-ni-a vào đầu thế kỷ XIV. Ngày 12.5.1333 Chị đã về với Chúa. Ðức Lê-ô XII đã chuẩn y việc phong chân phước cho chị I-men-đa ngày 20.12.1826. Ðức Pi-ô X đã đặt chân phước I-men-đa làm bổn mạng và mẫu gương cho các em thiếu nhi rước lễ lần đầu.

     

    Ngày 13 tháng 5

    Chân phước I-men-đa Lam-be-ti-ni

    B. Imelda Lambertini

    Trinh nữ (+1333)

    1.  Tiểu sử
    Chân phước I-men-đa cũng gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la Lam-be-ti-ni sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng quý tộc tại Bô-lô-ni-a vào đầu thế kỷ XIV.

    Ngay từ thuở thiếu thời, chị đã được nhận vào đan viện Van-li Pê-tơ-ra, gần Bô-lô-ni-a như một nữ đan sĩ Dòng Ða Minh. Cũng ở đan viện này, vào ngày 12.5.1333, hai ngày trước lễ Thăng Thiên, sau khi đã được rước Mình Thánh Chúa cách lạ lùng, chị I-men-đa đã qua đời khi còn rất trẻ.

    Trong "Danh mục các thánh" của đan viện có ghi rằng : "Ngày thứ Tư trước Rằm tháng Năm (tức ngày 12.5), chị I-men-đa Lam-be-ti-ni đã về với Chúa. Trước khi chị qua đời, Bánh Thánh từ trời ngự xuống và đã được linh mục đón nhận rồi trao cho chị rước lấy trước sự chứng kiến của nhiều người, và tức khắc, chị trút hơi thở cuối cùng."

    Thi hài chị được an táng trọng thể tại nữ đan viện Van-li Pê-tơ-ra. Năm 1582, theo lệnh Ðức Pi-ô V, các nữ đan sĩ di chuyển về đan viện thánh Ma-ri-a Mác-đa-la trong nội thành Bô-lô-ni-a, nên thi hài của chị cũng được dời về đó. Sau này, khi Na-pô-lê-ông ra lệnh bãi bỏ các dòng tu, thi thể của chân phước được đưa về nhà thờ thánh Xi-gít-mun-đô cho giáo dân kính viếng và được lưu giữ cho đến ngày nay.

    Ðức Lê-ô XII đã chuẩn y việc phong chân phước cho chị I-men-đa ngày 20.12.1826. Ðức Pi-ô X đã đặt chân phước I-men-đa làm bổn mạng và mẫu gương cho các em thiếu nhi rước lễ lần đầu.

     

    2.  Yêu mến Thánh Thể

    Chuyện kể về tiểu sử chân phước I-men-da Lam-bê-ti-ni rất ngắn ngủi, thậm chí không có ngày tháng năm sinh. Tuy nhiên, vài dòng ngắn ngủi ấy lại kèm theo nhiều nét thi vị. I-men-da có lòng yêu mến Thánh Thể Chúa ngay từ thời ấu thơ. Chị đã được nhận vào đan viện Van-li Pê-tơ-ra, gần Bô-lô-ni-a như một nữ đan sĩ Dòng Đa Minh khi tuổi còn rất trẻ. Trong Dòng, mọi người luôn thấy chị kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể, chị tha thiết khao khát say mến và chìm mình trong tình yêu Thánh Thể. Ngày ấy, ngày chị được gọi về với Chúa, chị khao khát được rước Mình Thánh Chúa lần cuối. Thế là, "trước lúc chị qua đời, Bánh Thánh từ trời ngự xuống và đã được linh mục đón nhận rồi trao cho chị rước lấy trước sự chứng kiến của nhiều người. Tức khắc, chị trút hơi thở cuối cùng." (BđKS ngày 13.5)

    Việc tôn kính chân phước I-men-da đã được Đức Lê-ô XII châu phê và Đức Pi-ô X đã đặt chân phước I-men-da làm bổn mạng và mẫu gương cho các em thiếu nhi rước lễ lần đầu.

    Chân phước I-men-da  đã vào trời với ngọn lửa của lòng yêu mến Bàn tiệc Thánh Thể Chúa. Lòng khao khát mến yêu đã cho chân phước I-men-da được nên một với Chúa. Khắp nơi trên thế giới, mỗi ngày trong từng khoảnh khắc, Giáo Hội vẫn cử hành Bữa Tiệc của Chúa. Mỗi lần tham dự tôi tự hỏi, tôi có thật sự xác tín, tôi có tràn lửa mến yêu khao khát chưa? Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô xác tín: “Trong Thánh Thể ta nên một với Thiên Chúa, như lương thực nên một với thân xác”. Còn thánh Gio-an Vi-an-nê thì dạy: “Không rước lễ, thì chết khát bên dòng suối”.

    Quả thực, nếu đến bên dòng suối mà bạn chẳng khát thì dòng suối quả thực không có ý nghĩa cần thiết với bạn. Sự ngọt ngào, mát lạnh, bổ dưỡng của dòng nước chẳng là gì cho chính bạn. Vì thế, ta cần tự hỏi, nếu như chính bản thân ta chưa có được lòng khao khát thật, khi đến với Bí tích Thánh Thể - suối nguồn của tình yêu và ân sủng, thì ta hãy thành tâm xin Chúa qua lời chuyển cầu của chân phước I-men-da cho ta được ơn cao cả này.

    Xét lại bản thân, rất nhiều lần ta đã vô tâm vô ý khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, rất nhiều lần ta kém tin bất xứng, rất thường khi ta chỉ đón rước Ngài như một nghi lễ bên ngoài, hay như thói quen, rồi sau đó lại bỏ quên Ngài ngay. Vâng, chắc chắn Thiên Chúa Tình Yêu thấu hiểu sự yếu kém và giới hạn trong con mắt đức tin của ta. Nhưng trong một chừng mực nào đó, Thiên Chúa vẫn cần đến lòng ao ước khao khát của ta. Bởi chính lòng khao khát ấy sẽ bù lại cho sự giới hạn của đức tin. Vì thế, mỗi khi đến cùng Chúa Giê-su Thánh Thể ta hãy tỏ lòng khao khát và khiêm nhường nhìn nhận sự yếu đuối mà thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành sạch” (Mt 8, 8).

    Giây phút này, ta hãy lắng đọng tâm hồn và hướng lòng về Chúa Giê-su Thánh Thể, để xin Ngài tha thứ vì bao lần ta đã đến với Ngài bằng một thái độ thờ ơ và kém tin. Ta hãy xin cho được lòng khao khát và yêu mến Thánh Thể Chúa như chân phước I-men-da, cùng xin cho được ơn đức tin, ơn biến đổi hầu luôn xác tín mỗi khi lãnh nhận chính Mình Thánh Chúa. Xin mượn lời của Ru-y Bro-eck để thân thưa cùng Chúa:

    Lạy Chúa, Chúa là thức ăn, thức uống của con. Càng ăn, con càng đói; càng uống, con càng khát; càng sở hữu, con lại càng ước ao. Chúa ngọt ngào trong cổ họng con hơn cả tảng mật ong, vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời. Lúc nào con cũng thấy đói và ước ao, vì con không sao múc cạn được Chúa.

    Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài? Con chẳng rõ, vì ở thẳm sâu lòng con, con cảm thấy cả hai.

    Chúa đòi con nên một với Ngài, đòi hỏi đó làm con đau đớn, vì con không muốn từ bỏ những thói quen của con để ngủ yên trong tay Chúa. Con chỉ biết tạ ơn Chúa, ca ngợi và tôn vinh Chúa, bởi đó là sự sống đời đời cho con. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan