6 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill

  • 16/02/2022 14:27
  • Vatican News ( 15.02.2022) - Từ cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill của Chính Thống Nga vào ngày 12/2/2016 tại thủ đô La Habana của Cuba, mỗi năm, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, và Đức tổng giám mục Chính Thống giáo Hilarion, Đặc trách ngoại giao của Toà Thượng phụ Mátxcơva, đều gặp nhau vào ngày 12/2, tổ chức một hội nghị về các đề tài chung, để tiếp tục con đường đối thoại.

    Đức Hồng y Kurt Koch và Đức tổng giám mục Chính Thống giáo Hilarion trong cuộc gặp gỡ ngày 12/2/2020

    6 NĂM SAU CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ GIỮA ĐTC PHANXICÔ VÀ ĐỨC THƯỢNG PHỤ KIRILL

    Hồng Thủy

    Lần kỷ niệm đầu tiên (2017)

    Lần kỷ niệm đầu tiên vào ngày 12/2/2017 được tổ chức tại thành phố Fribourg của Thụy Sĩ. Trong một cuộc phỏng vấn “kép” dành cho trang web của Đại học Fribourg, Đức tổng giám mục Chính Thống giáo Hilarion nhấn mạnh rằng chính Đức Thượng phụ Kirill đã yêu cầu cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha diễn ra ở Cuba, xa lục địa châu Âu, nơi đã diễn ra các cuộc xung đụng giữa Công giáo và Chính Thống giáo. Đề tài thảo luận chính liên quan đến Ucraina và Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina.

    Lần kỷ niệm thứ hai (2018)

    Lần kỷ niệm thứ hai diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo vào ngày 12/2/2018, với chủ đề về sự dấn thân dành cho Ki-tô hữu tại Trung Đông. Đức tổng giám mục Hilarion nhấn mạnh rằng Tòa Thượng Phụ Mátxcơva không chỉ quan tâm đến việc phân phối viện trợ nhân đạo mà còn đóng góp đáng kể vào việc tái thiết cuộc sống của Giáo hội ở Syria. Ngài cũng lưu ý rằng Giáo hội Chính thống Nga cũng phân phối viện trợ cùng với Giáo hội Công giáo và các giáo hội khác.

    Về phần mình, Đức Hồng Y Koch lưu ý rằng chính mối quan tâm cụ thể này đối với tình hình khó khăn của các Kitô hữu ở Trung Đông có lẽ là một trong những lý do chính khiến Đức Thượng phụ Mátxcơva đã nghĩ rằng đã đến lúc có cuộc gặp lịch sử đầu tiên với Đức Thánh Cha. Đức Hồng y nhấn mạnh rằng “chúng ta không thể, cũng như không nên tưởng tượng một Trung Đông không có Ki-tô hữu”, bởi vì điều này sẽ không chỉ là “sự mất mát văn hóa và tôn giáo không thể tưởng tượng được”, mà sẽ làm tổn hại đến toàn bộ tình hình ở Trung Đông, bởi vì sự hiện diện của các Ki-tô hữu là không thể thiếu đối với hòa bình của Vùng này.

    Vì lý do này, Đức Hồng Y đã mời gọi các Kitô hữu trở thành “nghệ nhân của hòa bình”, đóng góp vào hòa giải dân tộc, và đóng góp giữa chính họ, cũng bởi vì các Kitô hữu bị đàn áp “đơn giản chỉ vì là Kitô hữu”, và không vì phụ thuộc vào bất kỳ Giáo hội cụ thể nào.

    Lần kỷ niệm thứ ba (2019)

    Lần thứ ba kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill của Chính Thống Nga được tổ chức tại Mátxcơva vào ngày 12/2/2019, với chủ đề chung là bảo vệ sự sống, điều được hai vị lãnh đạo tối cao của Công giáo và Chính Thống giáo nói rất nhiều trong tuyên ngôn chung ký tại cuộc gặp gỡ ở La Habana vào năm 2016.

    Trong tuyên ngôn chung, Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill yêu cầu “mọi người tôn trọng quyền sống bất khả xâm phạm” bởi vì “hàng triệu trẻ em bị tước đoạt khả năng được sinh ra trên thế giới”; các ngài tố cáo rằng “sự phát triển của cái gọi là an tử làm cho người già và người bệnh bắt đầu cảm thấy gánh nặng quá mức cho gia đình và xã hội nói chung”; các ngài bày tỏ mối quan tâm đối với “sự phát triển của các kỹ thuật sinh sản được hỗ trợ về mặt y tế, bởi vì việc thao túng sự sống của con người là một cuộc tấn công vào nền tảng của sự sống của con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”.

    Lần kỷ niệm thứ tư (2020)

    Trong lần thứ tư kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill, hai phái đoàn Công giáo Latinh và Chính Thống Mátxcơva đã gặp nhau tại Roma vào ngày 12/2/2020 và thảo luận về chủ đề “Các thánh. Những hạt giống và dấu chỉ của hiệp nhất”. Một sự kiện quan trọng theo viễn tượng này là việc chuyển các thánh tích của thánh Nicola ở Bari đến Nga hai năm trước.

    Đó không phải là một trường hợp cá biệt. Người ta có thể nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo đuổi một chiến lược đại kết thực sự về các thánh tích: năm 2018, thánh tích của thánh Philípphê đã được gửi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi vào năm 2019, Đức Thánh Cha đã tặng những vật được cho là thánh tích của thánh Phê-rô cho Tòa Thượng Phụ Constantinople. Năm 2019, Đức Thánh Cha cũng đã cho phép Giáo hội Anh giáo mượn chiếc áo của thánh Thomas Beckett, để cử hành lễ kỷ niệm 850 năm ngày tử đạo. Nhưng đại kết các thánh không chỉ qua các thánh tích, mà còn qua cuộc đời và gương sáng của các ngài.

    Lần kỷ niệm thứ năm (2021)

    Năm ngoái, 2020, do đại dịch, lần kỷ niệm lần thứ năm vào ngày 12/2 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tựa đề của cuộc gặp gỡ là “Giáo hội và đại dịch: các thách đố và các viễn tượng”.

    Lần kỷ niệm thứ sáu (2022)

    Năm nay, Tòa Thượng phụ Mátxcơva đã đăng cai tổ chức cuộc gặp gỡ tại Trung tâm Văn hóa và Tinh thần Chính Thống giáo Nga tại Quai Branly, ở thủ đô Paris của Pháp. Và nếu năm ngoái đại dịch là một chủ đề thảo luận gần như bắt buộc, thì năm nay chủ đề nói về việc trở lại với cuộc sống. Cụ thể, đề tài của cuộc họp lần này là “Vai trò của các đền thánh chung và các cuộc hành hương trong mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo Roma”.

    Nói về những gì hiệp nhất, nhiều hơn những gì chia rẽ. Và nói về điều đó trước dấu hiệu cho thấy có sự hiệp nhất của Ki-tô hữu bất chấp sự chia rẽ, bởi vì Ki-tô hữu là bất cứ ai tin rằng Đức Ki-tô là Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng đã chết trên thập giá và sống lại từ cõi chết. Do đó, thật là một ý nghĩa biểu tượng đặc biệt khi các phái đoàn của Tòa Thánh và Tòa Thượng phụ Mátxcơva, ngày 12/2 vừa qua, đã cùng nhau tôn kính Mão gai của Chúa Giê-su, được kính giữ trong nhà thờ Đức Bà Paris, và đã được cứu khỏi đám cháy gây thiệt hại nặng nề cho nhà thờ.

    Còn nơi nào tốt hơn và mang tính biểu tượng hơn Paris, thành phố bị thương tích bởi trận hỏa hoạn của Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi lưu giữ một thánh tích có tầm quan trọng đối với cả các tín hữu Công giáo lẫn Chính Thống giáo như Mão gai? Đức ông Patrick Chauvet, cha sở Nhà thờ Đức Bà, đã tham dự cuộc gặp gỡ Công giáo Chính Thống.

    Trong cuộc gặp gỡ, Đức tổng giám mục Hilarion nhấn mạnh vai trò của các đền thánh trong sự phát triển các mối quan hệ song phương giữa Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính Thống Nga, và trích dẫn như một ví dụ về việc di chuyển các thánh tích của thánh Nicola từ Bari, miền nam nước Ý, sang Nga. Ngài cũng nhắc lại rằng ở Bari, các nghi lễ Chính Thống giáo tôn kính thánh tích luôn được cử hành với sự cho phép của Giáo hội địa phương. Và một lần nữa, có sự hợp tác tốt giữa Phái bộ Giáo hội Nga tại Giêrusalem và Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, có sự tương tác mạnh mẽ giữa Chính Thống giáo và Công giáo trong một số giai đoạn của cuộc hành hương đền thánh Giacôbê ở Compostela bên Tây Ban Nha.

    Ngoài cuộc gặp gỡ chung, Đức Hồng y Koch và Đức tổng giám mục Hilarion của Chính Thống Nga đã có cuộc hội kiến riêng. Theo Văn phòng Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mátxcơva, “các bên đã thảo luận một số vấn đề hiện tại về hợp tác song phương giữa Giáo hội Công giáo Latinh và Giáo hội Chính Thống Nga, bao gồm trao đổi các đoàn hành hương, trao đổi sinh viên và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa”. Đỉnh điểm của cuộc gặp gỡ năm nay là việc tôn kính Mão gai Chúa Giê-su.

    Mão gai Chúa Giê-su

    Mão gai bao gồm một vòng tròn lau sậy nối thành từng bó và được giữ với nhau bằng những sợi chỉ vàng; mão gai có đường kính 21 cm, trên đó có gai.

    Các lời đề cập đến Mão gai có thể được tìm thấy trong tường thuật của những người hành hương đến Giêrusalem vào thế kỷ thứ tư.

    Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, các thánh tích dần dần được chuyển đến Constantinople trong nhà nguyện của các hoàng đế Byzantine, đặc biệt để bảo vệ chúng khỏi bị cướp bóc giống như đã xảy ra với những thánh tích ở Mộ Thánh trong các cuộc xâm lược của đế quốc Ba Tư. Năm 1238, miền Byzantium được cai trị bởi hoàng đế La Mã Baldwin di Courtenay. Gặp khó khăn lớn về tài chính, ông quyết định cầm cố di vật cho các chủ ngân hàng ở Venezia để lấy tiền.

    Đó là thời điểm mà Vua thánh Louis của Pháp đã can thiệp; ngài đền bù cho người Venezia và mang Mão gai đến Paris vào ngày 19/8/1239, cùng với 22 thánh tích khác. Trước các thánh tích này, nhà vua mặc một chiếc áo choàng đơn giản và đi chân trần, mang Mão gai đến Nhà thờ Đức Bà Paris trước khi ký gửi tất cả các thánh tích trong nhà nguyện của nhà thờ. Để bảo tồn các thánh tích này, ngài đã xây dựng một nơi lưu giữ thánh tích, ngày nay được gọi là Sainte Chapelle.

    Trong thời kỳ Cách mạng Pháp, các thánh tích được gửi vào Thư viện Quốc gia. Sau Hiệp ước năm 1801, các thánh tích được chuyển đến cho Tổng giám mục Paris và được ngài để vào kho báu của Nhà thờ vào ngày 10/8/1806, nơi chúng vẫn được lưu giữ ngày nay.

    Kể từ đó, những thánh tích này đã được giao cho các kinh sĩ của nhà thờ Đức Bà, những người phụ trách việc tôn kính các thánh tích, và được đặt dưới sự bảo vệ theo luật định của các Hiệp sĩ Mộ Thánh của Giêrusalem. Vua Napoléon I và Napoléon III, mỗi người đã tặng một bình đựng thánh tích; những bình này có thể được nhìn thấy trong Kho báu của Nhà thờ Đức Bà. Cho đến năm 2019, các tín hữu có thể tôn kính các thánh tích này tại nhà thờ Đức Bà Paris. (ACI Stampa 14/02/2022)

    Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/

    Bài viết liên quan