Chân phước Phan Sinh Pô-xa-đát (20/9)

  • 15/01/2023 16:40
  • Cậu Phan Sinh Pô-xa-đát sinh vào năm 1644 tại Co-đua trong một gia đình không mấy danh giá. Cha qua đời ngày 20/9/1713 và 100 năm sau (1818), đức giáo hoàng Piô VII đã tôn cha lên hàng chân phước.

    Ngày 20 tháng 9

    Chân phước Phan Sinh Pô-xa-đát

    B. Franciscus de Posadas

    Linh mục (1644-1713)

    1.  Tiểu sử

    Cậu Phan Sinh Pô-xa-đát sinh tại Co-đua năm 1644. Song thân cậu làm nghề buôn bán trái cây. Khi còn trẻ, cậu được một tu sĩ Ða Minh và một tu sĩ dõng Tên giúp cậu làm quen với công việc đèn sách. Thế nhưng, khi mẹ của cậu tái giá, người cha kế đã cắt đứt việc học và bắt cậu đi làm thuê cho một ông chủ tàn nhẫn. Dần dần, chẳng những cậu đã chinh phục được ông chủ bằng đức tính dịu hiền của mình, mà còn nhận được sự ủng hộ của ông để tiếp tục việc học còn đang dang dở. Cậu hăng say thi hành những công việc bác ái đến mức sẵn sàng phân phát cho người nghèo phần lương thực của mình.

    Cậu muốn gia nhập cộng đoàn thánh Phao-lô của các anh em Ða Minh ở Co-đua, nhưng các vị bề trên đã từ chối vì mẹ cậu thuộc tầng lớp "buôn thúng bán bưng". May mắn thay ! cậu lại được tiếp nhận ở tu viện Ca-la Cơ-li gần Co-đua. Thế là thầy Phan Sinh được gửi lên miền Gia-en để theo học tại tu viện thánh Ca-ta-ri-na Nữ hoàng. Thầy tuyên khấn vào năm 1663 và ít lâu sau được lãnh tác vụ linh mục, cha được bổ nhiệm đến Ca-la Cơ-li. Từ đây, cha đã trở nên vị tông đồ bừng cháy lửa nhiệt tình theo gương thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê và danh tiếng của cha lan rộng khắp nước Tây Ban Nha.

    Vì động lòng thương những người nghèo, bệnh nhân và các tù nhân, cha thường chia sẻ cho họ quần áo, giày dép, thuốc men và tất cả những đồ dùng cá nhân. Cha có tài hùng biện nổi tiếng đến mức có thể chinh phục được thính giả, khiến cho những buổi diễn kịch nhảm nhí ở Co-đua đành phải tháo lui. Ðồng thời, nhờ biết luyện tập đức khiêm nhường, cha luôn cố gắng chu toàn những công việc hèn mọn nhất, vui tươi trước những lời chỉ trích và châm chọc của những kẻ muốn vu oan cáo vạ cho người và còn từ chối những chức vụ cao trọng anh em dành cho người như chức giám tỉnh và giám mục. Cha nói : "Thật vô lý khi thấy chiếc mũ giám mục lại đội trên đầu một người lớn lên giữa những giỏ trái cây..."

    Cha đã viết một tiểu sử về thánh Ða Minh và một khảo luận chống lại phái Mô-li-nô và chủ nghĩa an tịnh. Người qua đời ngày 20-9-1713 ở tuổi 69, như người đã linh cảm và tiên báo trước.

    Ðức thánh cha Pi-ô VII tôn phong người lên hàng chân phước năm 1818.

    2.  Cầu nguyện cho người li dị tái hôn

    Mái ấm gia đình với sự yêu thương của mẹ cha vốn là miền đất tốt để ươm mầm cho hạt giống nhân đức của mỗi người con. Tuy nhiên, khi hôn nhân của cha mẹ kết thúc vì sự chia lìa bởi cái chết, vì sự chia xa bởi những bất hòa - khó khăn - hiểu lầm, rồi cha hoặc mẹ “bước thêm bước nữa”, thì các cuộc hôn nhân ấy sẽ không ngừng tác động và tạo nên giông bão phá vỡ sự bình yên ban đầu ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình và con cái.

    Thế nhưng, từ mảnh đất khô cằn và đầy tai ương, vẫn có thể có rất nhiều mầm non vươn lên thành những cây cao lớn tỏa bóng mát cho đời, trong sự quan phòng yêu thương của Chúa. Cuộc đời chân phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát, dù phải gánh chịu những khắt khe của người cha kế, nhưng ngài vẫn làm nổi bật lên bao giá trị đáng trân quý. Trong phút cầu nguyện này, cùng với chân phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát, ta hãy hướng đến các gia đình li dị tái hôn và cầu nguyện cho những người con trong các gia đình ấy.

    Nhờ sự giúp đỡ của các tu sĩ, Phan-xi-cô Pô-xa-đát được làm quen với việc học. Cuộc đời cậu rẽ sang một bước ngoặt mới khi mẹ cậu tái giá. Các tài liệu liên quan không cho biết nguyên do cuộc hôn nhân lần thứ hai này, nhưng ta được biết kết quả bước đầu là việc học của Phan-xi-cô bị người cha kế làm gián đoạn. Ông bắt cậu đi làm thuê cho một ông chủ khó tính thay vì đi học. Vốn hiền lành và có tấm lòng với mọi người, nhất là với các tù nhân, bệnh nhân, người nghèo khó… Qua việc sẻ chia phần lương thực cho họ, Phan-xi-cô khiến ông chủ quý mến và cho cậu tiếp tục việc học.

    Thiếu vắng tình thương từ người cha kế, nhưng cậu lại dạt dào yêu thương dành cho mọi người. Tiến xa hơn, Phan-xi-cô mong muốn được dấn thân và kết hiệp với Chúa qua ơn gọi dâng hiến. Gặp cản trở trong lần đầu xin vào tu viện Đa Minh ở Co-đua chỉ vì lý lịch gia đình, nhưng ít lâu sau, cậu đã được nhận vào tu viện Ca-la-cơ-li gần đó. Trong sự vui mừng, cậu chuyên chăm học hành, mở rộng kiến thức và trở thành một linh mục đạo đức, tài giỏi với khả năng hùng biện. Đồng thời, nhờ khiêm nhường và nhân đức, cha Phan-xi-cô Pô-xa-đát vui sống với thái độ hòa nhã, an bình trước mọi biến cố hay những lời châm chọc, chỉ trích hoặc bị từ chối trao những trách vụ quan trọng vì nguồn gốc xuất thân của cha.

    Trước thực trang Giáo hội và xã hội hôm nay đầy dẫy những gia đình li dị, tái hôn. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nói: “Những người li dị tái hôn phải tự hỏi xem mình đã cư xử thế nào đối với con cái khi hôn nhân của mình bị khủng hoảng? Có những cố gắng giải hòa hay không?... Đâu là hậu quả của quan hệ mới đối với phần còn lại của gia đình và cộng đồng các tín hữu? Đâu là tấm gương mà họ mang lại cho những người trẻ đang chuẩn bị kết hôn?”[1]

    Giờ đây, nhờ lời chuyển cầu của chân phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát xin các gia đình đang khủng hoảng trong hôn nhân, cùng hiệp dâng lên Chúa lời cầu nguyện:

    Lạy Chúa, con đã trải qua một cuộc hôn nhân, giờ đây con đã chọn một cuộc hôn nhân mới, và con đang có một gia đình mới. Nguyện Chúa thương nâng đỡ gia đình con, để con chu toàn tốt trách nhiệm làm chồng - làm vợ, làm cha - làm mẹ. Xin đừng để con sống bất công hoặc phân biệt đối xử giữa con chung và con riêng, nhưng xin giúp con biết dạy dỗ chúng, ngày một trưởng thành về nhân đức và nhân cách.

    Với lòng thương xót của Chúa, con ước mong nhìn thấy điểm tựa và ánh sáng cho niềm tin qua lời của vị cha chung rằng: “Những người li dị tái hôn không nên cảm thấy mình bị tuyệt thông, nhưng còn có thể sống và trưởng thành như những chi thể sinh động của Giáo hội, cảm thấy Giáo hội như một người Mẹ đón nhận, chăm sóc với tình yêu thương và khích lệ mình trong hành trình đời sống và Tin Mừng…”[2]

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục về gia đình, số 85.

    [2] Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục về gia đình, số 84.

    Bài viết liên quan