Chỉ số bách hại toàn cầu, do Open Doors, một tổ chức theo dõi bách hại Kitô giáo có trụ sở tại Hà Lan, công bố vào ngày 15/01, liệt kê 50 quốc gia nơi các Kitô hữu sống và tuyên xưng đức tin của mình gặp nguy hiểm nhất. Lần thứ ba liên tiếp và là lần thứ 23 kể từ lần đầu tiên công bố Chỉ số vào năm 1993, Bắc Hàn đứng đầu bảng xếp hạng. Kể từ năm 2002, nước này lúc nào cũng đứng số 1, ngoại trừ năm 2022, đứng thứ hai sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan.
Ngoài sự đàn áp ngột ngạt mà các Kitô hữu hầm trú ở Bắc Hàn đã phải chịu đựng trong một thời gian dài, Chỉ số 2025 nêu bật các xu hướng tiềm ẩn khác, chẳng hạn như bạo lực chết người kéo dài trên khắp lục địa châu Phi. Gia tăng bạo lực chống các Kitô hữu ở Trung Á là xu hướng mới lớn nhất cho năm 2025.
Hơn 200 triệu Kitô hữu phải di dời
Phúc trình năm 2025 cho biết hơn 380 triệu Kitô hữu (1/7 Kitô hữu trên thế giới) bị bách hại và phân biệt đối xử mạnh mẽ vì đức tin, so với 365 triệu vào năm 2024. Như vậy, có 4.476 Kitô hữu đã bị giết trên toàn thế giới vì đức tin, nhưng số vụ không được ghi nhận còn cao hơn nhiều. Và 209.771 Kitô hữu đã bị buộc phải di dời do bạo lực và xung đột, trong đó có gần 136.000 người chỉ riêng ở châu Phi cận Sahara.
Trung Á: bách hại của các chính phủ chuyên quyền
Điểm số của Kyrgyzstan trong Chỉ số bách hại toàn cầu tăng 7,5 điểm, quốc gia này tăng 14 bậc lên vị trí thứ 47, trở lại top 50 lần đầu tiên kể từ năm 2013. Đây là tình trạng đi xuống rõ rệt nhất của một quốc gia trong năm nay. Việc thắt chặt kiểm soát nhà nước ở nước láng giềng Kazakhstan đã nâng điểm Chỉ số của nước này lên 3 điểm, đẩy quốc gia này tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 38.
Nội chiến và tình trạng vô chính phủ ngày càng gia tăng bách hại
Tổ chức Open Doors khẳng định, trong xã hội Hồi giáo nghiêm khắc của Yemen, các Kitô hữu phải chịu đựng sự bách hại khắc nghiệt trong nhiều năm. Cuộc nội chiến nổ ra từ năm 2015 cũng dẫn đến tình trạng vô chính phủ ngày càng gia tăng và tạo không gian cho sự bách hại các nhóm thiểu số như Kitô hữu. Yemen tăng 4,6 điểm trong phúc trình mới nhất và nước này đứng thứ 3.
Giao tranh giữa quân đội Myanmar và nhiều lực lượng dân quân đối lập cũng đã đẩy nước này vào danh sách “bách hại cực đoan” của phúc trình, bao gồm 13 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng. Điểm số của Sudan tăng 3 điểm trên bảng xếp hạng do nội chiến ngày càng gia tăng.
Giáo hội ngày càng bị đẩy vào hầm trú ẩn
Việc trục xuất các Kitô hữu khỏi xã hội và sự suy yếu của các Giáo hội là một điều đã được thấy ở một số quốc gia. Ở Algeria, Libya và Afghanistan, sự hiện diện hữu hình của Kitô giáo đang giảm dần, buộc thiểu số Kitô giáo phải gặp nhau một cách bí mật. Ở Algeria, sau nhiều lần đóng cửa nhà thờ, hiện nay không có nhà thờ Tin lành nào mở cửa thường xuyên.
Ở Trung Quốc và các quốc gia chuyên quyền khác, các Kitô hữu ngày càng thận trọng trong việc công khai tuyên xưng đức tin của mình, dù là trong xã hội hay trong các hoạt động trực tuyến, do sự giám sát ngày càng tăng.
Bạo lực tiếp diễn ở châu Phi cận Sahara và Ấn Độ
Châu Phi là lục địa có dân số Kitô giáo nhiều nhất thế giới. Trong những năm gần đây, do sự triển khai của các nhóm Hồi giáo ở châu Phi cận Sahara, cuộc sống của các Kitô hữu ở châu lục này ngày càng tồi tệ. Bạo lực chống các Kitô hữu được xếp vào loại “cực kỳ cao” ở 13 quốc gia châu Phi, gồm Burkina Faso, Mali và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Chad xếp ở vị trí thứ 49 do sự yếu kém của chính phủ, khiến các chiến binh Boko Haram hoạt động kéo dài, cùng với việc các Kitô hữu phải đối diện với sự tẩy chay, giám sát và đe dọa nghiêm trọng từ xã hội. Tình hình ở Nigeria vẫn cực kỳ bạo lực. Quốc gia này đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng 50 quốc gia bách hại các Kitô hữu. Ấn Độ đứng thứ 11. Kể từ khi ông Narendra Modi được tái bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2024, các cuộc tấn công chống các Kitô hữu đã gia tăng.
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 29 | Tổng lượt truy cập: 4,138,802