Với tiêu đề “Được kêu gọi trở thành những người kiến tạo hòa bình”, tài liệu trình bày một cách tiếp cận của Công giáo đối với việc kiểm soát và giải trừ vũ khí, dựa trên một số thông điệp của Đức Thánh Cha và các văn kiện của Giáo hội.
Nhắc lại vũ khí đang kích động các cuộc xung đột trên toàn cầu với những hậu quả thảm khốc đối với những người dễ bị tổn thương nhất, các Giám mục nói các Kitô hữu có nghĩa vụ đạo đức trong việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, hạn chế sản xuất, buôn bán vũ khí.
Tài liệu dài 20 trang lập luận rằng nếu người Công giáo đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô trở thành những người xây dựng hòa bình trong thế giới nhiều phức tạp, thì một phần không thể thiếu của sứ vụ này liên quan đến việc hạn chế phổ biến vũ khí và thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
“Được kêu gọi trở thành những người kiến tạo hòa bình”, bao gồm phần giới thiệu, ba chương, mỗi chương xem xét một chủ đề cụ thể và kết thúc bằng một loạt các điểm hành động cũng như suy tư cuối cùng.
Trong phần đầu tiên, các Giám mục nhắc lại rằng Giáo hội đã kiên trì kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân giải trừ loại vũ khí này, và nhấn mạnh rằng người Công giáo có trách nhiệm trong việc đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong việc chống lại nỗi lo sợ bằng đạo đức trách nhiệm, thúc đẩy bầu khí tin cậy và đối thoại.
Phần thứ hai đề cập đến lời kêu gọi của Giáo hội về giải trừ quân bị một cách tổng quát và hoàn toàn. Tài liệu giải thích, điều này không có nghĩa là loại bỏ tất cả các loại vũ khí và khả năng phòng thủ, nhưng đúng hơn là loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, quản lý vũ khí thông thường, giảm chi tiêu quân sự bằng cách sử dụng tiền mua vũ khí để chống đói nghèo và thay vào đó là phát triển con người toàn diện, và tăng cường các cơ chế vì hòa bình.
Phần thứ ba đề cập đến những tác động đạo đức nghiêm trọng của việc sử dụng máy bay không người lái có chức năng quân sự và vũ khí tự động gây chết người (LAWS), đó là loại vũ khí được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo, chứ không phải bởi con người. Các Giám mục tái khẳng định lập trường của Giáo hội kêu gọi tạm dừng phát triển và sử dụng những loại vũ khí như vậy, đồng thời kêu gọi đưa các công nghệ mới vào phục vụ nhân loại.
Tài liệu đặc biệt mời gọi chính phủ Anh thực hiện một số hành động để hỗ trợ hòa bình: từ bỏ kho chứa vũ khí hạt nhân, giúp tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân; thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để theo đuổi việc chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân; thúc đẩy giải trừ vũ khí đa phương, kiềm chế sự mở rộng kho vũ khí của mình và nỗ lực giảm thiểu nó khi có cơ hội sớm nhất; ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, và cho đến thời điểm này, tham gia một cách có ý nghĩa vào khuôn khổ hiệp ước, bao gồm cả việc tham gia với tư cách quan sát viên trong các cuộc họp tương lai của các bên ký kết. Các Giám mục tiếp tục yêu cầu chính phủ Anh chuyển hướng các nguồn lực kinh tế, xã hội và chính trị dành cho vũ khí hạt nhân theo hướng thúc đẩy công ích toàn cầu.
Trong suy tư kết thúc “Được kêu gọi trở thành những người kiến tạo hòa bình”, các vị mục tử thúc giục người Công giáo Anh và xứ Wales chú ý đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu trở thành những người kiến tạo hòa bình trong thế giới đầy hỗn loạn, đồng thời nhắc lại rằng chính Chúa Giêsu đã sống trong thời kỳ bạo lực, nhưng đã đưa ra một cách tiếp cận dựa trên nền tảng tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa và bất bạo động.
Theo các Giám mục, trong thực tế người Công giáo có nhiều cách thúc đẩy sứ vụ này: tham gia các tổ chức hoạt động vì công lý và hòa bình; thu hút các đại diện chính trị để đảm bảo rằng họ phải chịu trách nhiệm; đưa những cuộc trò chuyện về đề tài này đến các giáo xứ và trường học, hoặc tham gia vào các hoạt động công khai thể hiện sự ủng hộ hòa bình.
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 37 | Tổng lượt truy cập: 3,035,807