Sơ Rosemary Nyirumbe và các trẻ em Uganda
Dorota Abdelmoula-Viet
Sơ Rosemary bắt đầu kể về công việc của sơ khởi đi từ hội dòng của sơ. Mặc dù sơ được gọi là "Mẹ Têrêsa người Uganda" và cách đây nhiều năm, tạp chí Time đã công nhận sơ là một trong 100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới, nhưng bản thân sơ vẫn nhấn mạnh rằng sơ có được sức mạnh và lòng can đảm do Chúa ban, nhờ lời cầu nguyện và các nữ tu khác.
Những người tị nạn như Thánh Gia Nazareth
Như Sơ Rosemary nhấn mạnh, việc đối mặt với khó khăn đã là một phần trong lịch sử của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu kể từ những ngày đầu được thành lập. Được thành lập vào năm 1954 tại Nam Sudan, chỉ 10 năm sau, nơi đây đã trở thành một cộng đồng của những người tị nạn, vì do xung đột leo thang trong nước, các nữ tu đã phải đưa ra quyết định khó khăn là chạy trốn đến Uganda, mang theo những người mà họ chăm sóc hàng ngày, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Sự chuyển giao đầy kịch tính này, cho đến ngày nay vẫn được so sánh với cuộc chạy trốn của Thánh Gia đến Ai Cập, như được tường thuật trong Kinh Thánh, đã làm nảy sinh nhiều ơn gọi. Trong số những ơn gọi khác nhau, phải kể đến Sơ Rosemary, một cô gái trẻ đã quyết định cống hiến cuộc đời mình cho Chúa khi mới 14 tuổi.
“Thiên Chúa gọi chúng ta làm những gì chúng ta có thể làm”
Sơ Rosemary giải thích ngắn gọn: “Tôi đã nghe nói về các nữ tu chăm sóc trẻ em và tôi nghĩ đây sẽ là nơi phù hợp với mình vì tôi yêu trẻ em và tôi từng chăm sóc con cho chị gái của tôi”. Sơ tin rằng Chúa gọi chúng ta “làm những điều Người biết chúng ta có thể làm”. Sơ sớm nhận ra sơ “có thể làm gì”: cùng với các chị em của mình, sơ quyết định chăm sóc những phụ nữ trẻ bị phiến quân bắt cóc, bị chúng lạm dụng tình dục và huấn luyện để giết người, và cuối cùng bị chính cộng đồng của họ từ chối.
Sơ Rosemary nhắc lại như thể sơ đang nói về việc mời những vị khách đến thăm: “Mọi người sợ họ vì nhiều người trong số họ tay vấy máu của những người thân yêu. Thế nên, tôi mở cửa và nói: hãy đến với chúng tôi. Tôi cũng phát một thông điệp trên đài phát thanh địa phương, điều này khá mạo hiểm vì phiến quân có thể nghe được. Nhưng điều đó rất đáng giá: rất nhiều phụ nữ, cô gái trẻ đã đến đây, thường là mang theo con cái của họ, những người không được yêu thương và có thai do bị cưỡng hiếp”.
Một chiếc máy may, không phải để giết người
Khi được hỏi liệu sơ có sợ chăm sóc những phụ nữ không chỉ cần hỗ trợ về mặt tâm lý mà còn cần hỗ trợ về mặt y tế không khi một số người trong số họ đang mang thai, Sơ Rosemary trả lời mà không cần suy nghĩ một chút nào: “Tôi không sợ, tôi là một nữ hộ sinh chuyên nghiệp”. Sơ không phải là thợ may, nhưng điều này không ngăn cản sơ “hàn gắn” cuộc sống của những người được sơ trợ giúp và gieo mầm hy vọng nơi họ.
Ý tưởng của sơ rất đơn giản: biến súng máy thành máy may và khiến những người nô lệ trước đây cảm thấy cuộc sống đau thương của họ có thể được ghép lại thành một tổng thể đẹp đẽ và quý giá, giống như những mảnh vật liệu biến thành những chiếc túi xinh đẹp nhờ đôi bàn tay. “Ồ, nhìn này, cái này được làm từ nắp chai Coca-Cola”, Sơ Rosemary vừa nói vừa khoe chiếc túi xách được khâu tinh xảo mà sơ không bao giờ rời nó khi ra khỏi nhà. Sơ nói với các học trò của sơ: “Hãy nhìn xem những chiếc túi này đẹp thế nào”. Các bạn đã khâu chúng lại từ những thứ mọi người vứt đi và cẩn thận ghép lại. Và các bạn cũng có thể xinh đẹp như thế!”.
Nhìn thấy Chúa trong khuôn mặt của một kẻ nổi loạn
Vì tiếp cận phụ nữ, ngay từ đầu các nữ tu đã bị đe dọa giết chết. Đặc biệt là vì Sơ Rosemary biết nhiều người nổi loạn khi sơ còn làm việc ở thành phố với vai trò là một nữ hộ sinh. “Nỗi sợ lớn nhất của tôi là họ biết tôi và một ngày nào đó họ sẽ giết chúng tôi.” Sơ tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua lời cầu nguyện do chính sơ sáng tác. Sơ chia sẻ: “Tôi cứ nói, ‘Lạy Chúa, nếu một ngày nào đó con gặp những kẻ nổi loạn này, xin giúp con nhìn thấy khuôn mặt của Ngài trong họ và để họ nhìn thấy khuôn mặt của Ngài nơi con’”.
Lời cầu nguyện đã được đáp lại. Một ngày nọ, khi một người đàn ông có vũ khí xuất hiện tại nhà các nữ tu, ngay trước khi họ chuẩn bị bữa ăn, Sơ Rosemary đối mặt với anh ta. Tuy nhiên, kẻ giết người không hề ra tay với sơ mà còn xin thuốc men và thức ăn. Sơ kể: “Tôi đưa cho anh ấy những gì chúng tôi có, và tôi dừng lại, nhìn anh ấy bước đi qua bên kia đường”. Sơ nhớ lại, như thể sự kiện đó vẫn đang diễn ra trước mắt sơ, “và đột nhiên tôi thấy anh ấy quay lại. Và anh ấy nói: Sơ đã rất tốt với tôi, tôi không muốn sơ bị tổn thương. Sau đó, anh ta vào bếp và lấy ra số thuốc nổ đã giấu bên trong từ chiếc lò nướng mà chúng tôi sắp bật lên! Hành động tử tế của anh ta đã cứu tất cả chúng tôi”.
Tên cô ấy là Susan
Khi được hỏi cho đến nay họ đã giúp được bao nhiêu phụ nữ, Sơ Rosemary trả lời: “Có hàng ngàn người”. Câu chuyện của một người trong số họ đặc biệt khiến sơ ấn tượng.
“Tên cô ấy là Susan. Cô đã bị quân nổi loạn bắt cóc cùng với đứa em gái cô cõng trên lưng. Khi họ sắp băng qua sông, cô đã nhờ những kẻ bắt cóc giúp đỡ vì cô không thể vượt qua sông khi cõng em gái mình trên lưng. Họ bảo cô phải lựa chọn: mạng sống của chính cô hoặc mạng sống của em gái cô. Và sau đó, họ bảo cô giết em gái của cô. Cô đã giết đứa em và bỏ đứa em lại đó, rồi tiếp tục đi”. Sơ Rosemary nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ dành cho Susan đã diễn ra trong nhiều năm. Sơ kể: “Tôi đã trở thành bạn với cô ấy, tôi luôn gần gũi với cô ấy. Và tôi cứ nói, Susan, hãy tha thứ cho bản thân mình. Họ ép bạn phải làm điều đó. Và Chúa đã tha thứ cho bạn. Câu chuyện này sẽ lưu lại với tôi mãi mãi", sơ nói và đồng thời nhấn mạnh rằng vai trò của sơ luôn là "gieo mầm hy vọng".
"Tôi không nói về Chúa"
Trung tâm Thánh Monica không phải là công trình duy nhất của nhà truyền giáo người Uganda. Sơ cho biết: “Vào tháng 12 năm ngoái, tôi đã bắt đầu một dự án mới ở Nam Sudan để cung cấp thực phẩm cho trẻ em di cư nội địa đang sống trên đường phố. Chúng tôi có 450 trẻ em ở đó, chúng tôi cũng dạy các em đọc, viết và tạo cho các em không gian để vui chơi”.
Khi được hỏi liệu sơ có nói về Chúa với các học trò của mình không, sơ trả lời là không. "Và bạn có biết tại sao tôi không nói về điều đó không?" Sơ hỏi với một nụ cười, "Bởi vì sự hiện diện của tôi là đủ để nói với họ rằng tôi ở cùng họ, bởi vì tôi tin vào Chúa. Tôi tuyên bố điều đó bằng sự hiện diện của mình. Để đồng hành với họ ngày và đêm, bảy ngày một tuần, bạn phải có Chúa trong trái tim mình".
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 231 | Tổng lượt truy cập: 5,043,127