Đây không phải là một trường học bình thường. Một trung tâm chăm sóc trẻ em ở tầng một của tòa nhà hai tầng, nơi đặt trường học, là một phần quan trọng của dự án. Trung tâm chăm sóc các em bé nên mẹ của các bé có thời gian rảnh rỗi để đến lớp.
Sơ Mary Kevin Avaro, giám đốc điều hành trường chia sẻ: "Nếu bạn không chăm sóc các trẻ em thì các bà mẹ sẽ không đến". Các nữ tu Truyền giáo Comboni mời các học sinh mang con nhỏ dưới 3 tuổi đến cho các chị chăm sóc, để các bà mẹ trẻ có thể đi học và có tương lai tốt hơn một chút.
Dự án Đào tạo Thăng tiến Phụ nữ Kariobangi được bắt đầu từ một phong trào ủng hộ sự sống của Giáo xứ Công giáo Chúa Ba Ngôi ở Kariobangi; vào đầu những năm 1990 họ đã thuyết phục nhiều phụ nữ trẻ mang thai không phá thai. Tuy nhiên, họ không biết phải làm gì với những người phụ nữ này hoặc làm cách nào để giúp các phụ nữ chăm sóc những đứa con mà họ đang mong đợi. Vì vậy, "các giáo dân quyết định bắt đầu một dự án giúp phụ nữ có thể tự nuôi sống bản thân".
Giáo xứ đã bắt đầu một dự án trong đó phụ nữ sẽ đến trong nửa ngày để được tư vấn và học đan lát. Sau đó, họ đến thăm Chợ Kariobangi gần đó để học cách may quần áo từ các thợ may, nhưng việc học chưa đầy đủ và sự hỗ trợ từ giáo dân cũng không đều đặn.
Năm 1992, lãnh đạo giáo xứ yêu cầu các Nữ tu Truyền giáo Comboni tiếp quản dự án, và với sự hỗ trợ của tổ chức Manos Unidas (Những bàn tay hiệp nhất), hội dòng đã xây dựng tòa nhà làm cơ sở cho trường học và lên chương trình đào tạo các phụ nữ.
Trường bắt đầu bằng việc cung cấp các khóa học về cắt may, làm hạt và đan lát. Hai nữ tu cũng giới thiệu các lớp học kỹ năng sống, bao gồm đào tạo tính cách, đào tạo và tư vấn thiêng liêng, cũng như các kỹ năng cơ bản về kinh doanh và máy tính.
Ngày nay, Học viện Đào tạo Thăng tiến Phụ nữ Kariobangi được Ủy ban Giáo dục và Đào tạo Kỹ thuật và Dạy nghề (TVETA) công nhận, cung cấp các khóa học về thời trang và thiết kế, sản xuất thực phẩm và đồ uống cũng như làm tóc và làm đẹp.
Sơ Avaro chia sẻ rằng ngay khi học sinh đến trường, họ sẽ bắt đầu các bài học về đào tạo tính cách. Sơ nói: "Chúng tôi có một số buổi hội thảo và chúng tôi có các dịch vụ tư vấn vì người dân của chúng tôi cần điều đó".
Lynn Chepng'eny, 21 tuổi và Scovia Nakato, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành thời trang và thiết kế, là những người được từ tổ chức này giúp đỡ. Họ đã cùng nhau bắt đầu kinh doanh may mặc với sự hỗ trợ của AOSK, tổ chức đã tài trợ cho năm đào tạo thứ hai của họ và giúp họ xây dựng doanh nghiệp bắt đầu hoạt động vào tháng 5 năm nay (2023). Họ sản xuất quần áo cho trẻ em và người lớn. Mặc dù công việc kinh doanh bắt đầu chậm chạp nhưng Nakato tin rằng nó sẽ phát triển. Cô nói: "Đó là nhờ Chúa bởi vì chúng tôi không còn hy vọng gì. Tôi muốn cảm ơn các nữ tu đã giúp đỡ các thiếu nữ và tôi mong họ cũng giúp đỡ những người khác. Xin Chúa chúc lành cho họ".
Đối với Chepng'eny, cuộc sống không hề dễ dàng và công việc kinh doanh mang đến cho cô hy vọng có thể cải thiện cuộc sống cho bản thân và cô con gái 3 tuổi. Văn phòng ủng hộ sự sống tại giáo xứ Kariobangi đã giải cứu Chepng'eny và đứa con 2 tuần tuổi của cô khỏi đường phố và đưa cô đến trú ẩn tại nhà của Dòng Truyền giáo Bác ái Mẹ Teresa trong khu ổ chuột Huruma. Khi Chepng'eny đến, cô nói với các nữ tu rằng cô muốn có một công việc có thể giúp nuôi con nhưng họ nhấn mạnh rằng cô còn quá trẻ và cần phải học một kỹ năng nào đó.
Cô kể tiếp: "Nhà trường đã giúp đỡ tôi bởi vì bây giờ tôi đã biết may quần áo và có việc làm. Tôi ở nhà thuê. Ngoài việc may quần áo, tôi được giúp đỡ nhờ các lớp đào tạo tính cách vì lúc đó tôi rất tự ti. Tôi còn rất trẻ và tôi nghĩ mình là người duy nhất có con. Tôi xấu hổ. Bây giờ tôi đã chấp nhận rằng mình có một đứa con".
Scovia Miriam, một sinh viên đã lập gia đình và có hai con ở Korogocho, được một người hàng xóm tốt bụng tài trợ cho đến trường. Cô chia sẻ: "Khi đến đây, tôi nghĩ mình là người duy nhất phải trải qua khó khăn, nhưng tôi đã tìm thấy những người khác và điều đó giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục. Các nữ tu đối xử với chúng tôi một cách tôn trọng...".
Koseki Joyce, người dạy dịch vụ và bán thực phẩm và đồ uống, đã giảng dạy ở 13 trường khác nhau và nói: "Ngôi trường được Công giáo bảo trợ này là độc nhất". Cô lưu ý rằng họ sống như một cộng đồng và tôn trọng học sinh. "Ưu tiên của họ là người học và họ rất quan tâm đến họ".
Ban quản lý trường chia sẻ rằng việc thực hiện dự án là một thách thức vì chi phí, bao gồm việc cung cấp thiết bị và tài liệu mà học sinh cần. Và học phí thấp hơn so với các trường cao đẳng khác. Để hỗ trợ dự án, trường điều hành một đơn vị sản xuất sản xuất quần áo, đồng phục, bộ dụng cụ trò chơi và các sản phẩm nhuộm cà vạt, sau đó được bán cho công chúng để giúp trợ cấp chi phí vận hành trường học. Đơn vị sản xuất đã tuyển dụng các cựu sinh viên của trường và thường mời sinh viên đến để hỗ trợ sản xuất khi có đơn hàng lớn.
Sau khi đào tạo, một số học viên đi làm ở chợ địa phương, một số tự mở doanh nghiệp riêng, một số khác được nhà trường tuyển dụng làm giảng viên hoặc làm việc tại các đơn vị sản xuất.
Sơ Avaro lưu ý rằng nhà trường theo dõi sinh viên để xem tình hình của họ sau khóa đào tạo như thế nào và tỷ lệ có việc làm và tự kinh doanh của sinh viên là 80-85% trước đại dịch Covid. Với đại dịch, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50% và bây giờ đang bắt đầu tăng trở lại khoảng 75%.
Theo Sơ, Học viện đào tạo thăng tiến phụ nữ Kariobangi đã đạt được mục đích khi bắt đầu một dự án giúp các thiếu nữ tự hỗ trợ bản thân bởi vì nhiều phụ nữ đã được hỗ trợ. (Global Sisters Report 09/11/2023)
Hồng Thủy
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 94 | Tổng lượt truy cập: 4,167,483