1 - Dấu Thánh Giá
2 - Hát xin ơn Chúa Thánh Thần
3 - Hát về Thánh Thể
4 - Dẫn vào giờ chầu:
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con nơi đây để chiêm ngắm Chúa trong bí tích Thánh Thể và cùng nhau suy niệm mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên, Chúa về trời là niềm hy vọng cho chúng con. Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những thiếu nhi, chúng con đang sống trong lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, nhưng chúng con cũng có nhiều thiếu sót. Giờ đây chúng con được mời gọi đến bên Chúa để được tâm sự với Chúa trong giờ phút linh thiêng này. Vì thế chúng con nài xin Chúa an ủi, vỗ về chúng con là những tâm hồn bé nhỏ, yếu đuối đang cần được Chúa dìu dắt và ban ơn trợ lực. Xin Chúa che chở chúng con dưới cánh tay của Chúa nhân từ để chúng con luôn sống bình an, và được lớn lên trong tình yêu của Chúa. Tin tưởng Chúa, sau những gian nan thử thách và cả cái chết ở đời này, đến ngày tận thế, thân xác chúng con sẽ được Chúa cho phục sinh để hưởng phúc vinh quang.
- Thinh lặng ít phút
5. Tin Mừng (cộng đoàn đứng) - Mc 16, 15-20.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Máccô
15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
- Thinh lặng ít phút
6. Suy niệm (cộng đoàn ngồi)
Suy niệm 1:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa về trời biểu lộ quyền năng và tình yêu của Chúa. Chúa mang lại cho chúng con niềm hy vọng nước trời và hướng vọng chúng con về trời cao. Chúa trở về nơi mình phát xuất ra và phục hồi phẩm giá của chúng con. Chúa là Vua thống trị toàn cõi địa cầu, và cho chúng con được dự phần vào vinh quang của Chúa, bởi mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được Chúa Cha ban cho Người. Và chính trong quyền năng sức mạnh của Thánh Thần, Chúa nâng đỡ và cứu vớt những ai biết cậy trông nơi Chúa.
"Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20,17). Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13). Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”, không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là đầu và là thủ lãnh của chúng con đã đến trước”. Như vậy, việc thăng thiên chỉ là sự chia tay vắng mặt với các môn đệ. Từ nay các ngài không thể thấy Chúa Giêsu bằng mắt, sờ bằng tay. Nhưng thăng thiên không phải là Chúa biến mất luôn. Lý do là vì ngay trước khi về trời Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: "Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế". Chúa ở như thế nào? Chắc không phải là như trước đây, khi Chúa đã ở giữa các môn đệ của Ngài suốt ba năm như thế. Chúa có mặt, gần gũi, xương thịt, đến nỗi tông đồ Gioan đã phải thốt lên: "Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống". Phêrô cũng phải xác nhận trước cộng đoàn những người Do thái: "Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người". Sự có mặt như thế quả là rất cụ thể. Lịch sử cũng đã xác nhận. Đây không còn phải là một vấn đề phải tranh cãi. Nhưng với sự việc lên trời hôm nay, chúng ta thấy rõ, sự có mặt cụ thể như thế không còn, hay nói đúng hơn: không cần nữa. Rõ ràng với việc được tôn vinh trong biến cố lên trời hôm nay Chúa đã đổi cách thức có mặt của Ngài: Đổi từ hữu hình sang vô hình. Đổi từ cuộc sống xác thịt sang cuộc sống thần linh, đổi để Người có thể có mặt rộng lớn hơn, phổ quát hơn. Cha Teilhard de Chardin gọi sự có mặt này là sự có mặt tràn lan, tràn lan khắp địa cầu. Chắc chắn lúc đầu các môn đệ chưa có thể chấp nhận được điều đó. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã phải để một thời gian tương đối dài: 40 ngày sau Phục Sinh để tập cho các môn đệ làm quen với sự có mặt đó bằng những lần hiện ra với các ông, cá nhân cũng như với tập thể để rồi sau đó các ngài dám sống cuộc sống chứng nhân một cách triệt để hơn, mạnh dạn hơn, bất chấp những thách đố, bắt bớ và kể cả sự chết vì có Chúa luôn ở với các ngài.
- Thinh lặng ít phút
Suy niệm 2:
Vâng! Nhờ có Chúa ở cùng mà cuộc sống của các tông đồ sau đó đã hoàn toàn đổi mới. Rồi cộng thêm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi trên con đường rao giảng và làm chứng. Lạy Chúa Giêsu, lần hiện ra cuối cùng của Chúa kết thúc bằng việc nhân tính của Chúa vĩnh viễn tiến vào vinh quang thần linh, để ngự bên hữu Chúa Cha. Bước cuối cùng này liên kết và hoàn tất bước đầu tiên khi Chúa nhập thể làm người. Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”. “Chúa lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước”. Từ mầu nhiệm tử nạn, phục sinh và lên trời, Chúa đã hoàn tất việc khai mở nước Chúa tại thế. Vương quốc vĩnh cửu và vô biên, đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Vương quốc do chính Chúa làm Vua, là Mục Tử nhân lành. Chúng con không phải đợi chờ để bước vào vương quốc này sau khi chết, mà đi vào ngay tại thế, khi tin và quy phục Chúa, khi khao khát tìm kiếm Chúa và làm theo thánh ý Chúa, đó là sống thánh thiện, sống ngay lành. Khi chúng con tin tưởng và phó trọn đời mình cho thánh ý Chúa dẫn dắt, chúng con đang ở trong vương quốc của Chúa, và ngay lúc này, cuộc đời chúng con đã tìm thấy sự an toàn tuyệt đối trong tay Chúa, tìm thấy niềm vui, bình an và hy vọng đích thực mà thế gian không thể ban tặng.
- Thinh lặng ít phút
7. Cầu nguyện kết (cộng đoàn quỳ)
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con mừng đại lễ Thăng Thiên, chúng con thật vui mừng và hãnh diện tuyên xưng Chúa chính là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa để mở đường về trời cho chúng con, để dọn chỗ cho chúng con và đến ngày tận thế Chúa sẽ trở lại để đem chúng con lên trời với Chúa. Vâng lạy Chúa, chúng con là những trẻ thơ, là những người nhỏ trong gia đình, trong giáo xứ, trong Giáo hội. Nhưng, chúng con được hưởng thụ một đặc ân cao cả, một đặc ân trọng đại mà chúng con không nhìn ra. Chúng con cúi xin Chúa ban thêm cho chúng con ơn khôn ngoan, sự sáng suốt, để chúng con cảm nhận sự ưu ái mà Chúa đã dành cho chúng con. Và lạy Chúa xin ban thêm sức mạnh Thánh Thần Chúa, để chúng con đủ sức sống sao cho xứng với ơn Chúa đã dành cho chúng con, và ngày một lớn lên trong tình yêu thương của Chúa. Amen
8 - Kinh viếng Mình Thánh.
9 - Hát “Này con là đá”- Cầu cho Đức Giáo hoàng.
10 - Hát cất Mình Thánh (Tantum Ergo).
11 - Lời nguyện.
12 - Phép lành Thánh Thể.
13 - Kết thúc: Bài hát về Đức Mẹ.
Học viện Đa Minh Thái Bình
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 27 | Tổng lượt truy cập: 3,035,767