Đức Thánh Cha phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc 2015
CHIẾN SỰ THẾ GIỚI VÀ LỜI KÊU GỌI
CẢI TỔ LIÊN HIỆP QUỐC CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Ngọc Yến
“Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu” là một dự án nghiên cứu quốc tế mới do các tình nguyện viên xúc tiến, với mục đích thúc đẩy các giá trị giáo dục Công giáo tôn trọng bản sắc và đối thoại.
Liên Hiệp Quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập vào ngày 24/10/1945, sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc khởi đầu tổ chức quốc tế này có 50 quốc gia thành viên, và hiện nay có 193 quốc gia tham gia. Tòa Thánh không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng có đại diện thường trực tại tổ chức này từ tháng 10/1957.
Liên Hiệp Quốc có sứ mạng duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền và đại diện cho trung tâm dung hợp các sáng kiến quốc gia.
Theo thời gian, khi các cuộc xung đột quốc tế giảm nhiệt thì các cuộc nội chiến gia tăng do các căng thẳng chính trị, kinh tế, sắc tộc và tôn giáo dẫn đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và vi phạm nhân quyền. Liên Hiệp Quốc ngày càng được kêu gọi tìm ra các hình thức và công cụ mới để ứng phó với các cuộc khủng hoảng mới.
Tổ chức này cũng đã dự tính có một cuộc cải cách để đạt được dân chủ, đại diện, trách nhiệm và minh bạch hơn. Nhưng thực tế tổ chức vẫn chưa đạt được điều này. Điều này thấy rõ trong chiến tranh bùng nổ ở Ucraina.
Thất bại của các Tổ chức Quốc tế trong chiến tranh ở Ucraina
“Trong cuộc chiến ở Ucraina hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của các Tổ chức Quốc tế”. Những lời của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến thứ Tư hàng tuần vào ngày 06 tháng 4 vừa qua đã khơi dậy một tiếng vang lớn trên thế giới. Và những lời trước đó cũng không kém phần quan trọng liên quan đến vai trò của các Tổ chức Quốc tế. Đức Thánh Cha đã có những lời nhận xét buồn: “Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã có nỗ lực đặt nền tảng cho một lịch sử hòa bình mới, nhưng tiếc là chúng ta đã không học được bài học lịch sử cũ, sự cạnh tranh giữa các cường quốc vẫn tiếp tục”.
Đức Thánh Cha Phanxicô tin tưởng vai trò của Liên Hiệp Quốc
Đức Thánh Cha Phanxicô tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò của Liên Hiệp Quốc và giá trị của chủ nghĩa đa phương. Một niềm xác tín mà ngày nay thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong “sự thay đổi của thời đại” mà chúng ta đang trải qua, trong sự vất vả tìm kiếm một chân trời mới cho sự chung sống của nhân loại. Theo bước chân của các vị tiền nhiệm, đặc biệt Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những cử chỉ và lời nói ủng hộ Liên Hiệp Quốc, khuyến khích một quá trình cải tổ, điều được yêu cầu đặc biệt từ các quốc gia, các dân tộc đang phải chịu nhiều hậu quả từ sự bất lực mà Đức Thánh Cha đề cập đến.
Phát biểu ngày 25/9/2015, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng “Kinh nghiệm của 70 năm qua, vượt lên trên những điều đã đạt được, chứng tỏ rằng sự cải tổ và thích ứng của Liên Hiệp Quốc với thời đại là điều luôn luôn cần thiết, tiến tới mục tiêu chung kết là mang lại cho tất cả mọi nước, không trừ ai, một sự tham gia và ảnh hưởng thực sự và đồng đều trong các quyết định. Sự cần thiết phải có sự công bình hơn, có giá trị đặc biệt đối với các cơ quan có khả năng hành pháp thực sự như Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, các tổ chức tài chính và các nhóm hoặc cơ chế được thiết lập đặc biệt để đương đầu với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Điều này sẽ giúp giới hạn bất kỳ thứ lạm dụng hoặc sự đòi hỏi thái quá nào, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Các tổ chức tài chính quốc tế cần cảnh giác về việc phát triển dài hạn cho các nước và để tránh sự tùng phục làm ngộp thở các nước ấy đối với các hệ thống tín dụng. Các hệ thống này thay vì thăng tiến sự phát triển, thì lại bắt dân chúng phải tùng phục những cơ cấu làm gia tăng nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc”.
Đức Thánh Cha kêu gọi cải tổ Liên Hiệp Quốc
Và Đức Thánh Cha đã kết thúc bài phát biểu tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York bằng cách nhắc lại sự cần thiết của một Liên Hiệp Quốc được củng cố. Đức Thánh Cha nhận xét: “Việc xây dựng luật pháp quốc tế đáng khen ngợi của Tổ chức Liên Hiệp Quốc có thể là một cam kết về một tương lai an toàn và hạnh phúc cho các thế hệ tương lai. Và điều đó sẽ xảy ra, nếu đại diện các Quốc gia có thể gác lại những lợi ích đảng phái và ý thức hệ, và chân thành tìm kiếm việc phục vụ công ích”.
Các khái niệm trên cũng được Đức Thánh Cha tái khẳng định vào tháng 11/2015 trong chuyến thăm đến trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Nairobi, Kenya. Ngài nói: “Trong chuyến viếng thăm mới đây của tôi đến trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, tôi đã bày tỏ mong muốn và hy vọng rằng công trình của Liên Hiệp Quốc và tất cả các hoạt động đa phương của Liên Hiệp Quốc có thể bảo đảm được một tương lai an toàn và hạnh phúc cho các thế hệ tương lai. Và điều đó sẽ xảy ra, nếu đại diện các Quốc gia có thể gác lại những lợi ích đảng phái và ý thức hệ, và chân thành tìm kiếm việc phục vụ công ích”.
Cải tổ hướng đến chăm sóc ngôi nhà chung
Về cam kết chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế hoặc phát triển kinh tế lấy con người và các dân tộc làm trung tâm, Đức Thánh Cha và Tòa Thánh coi Liên Hiệp Quốc là diễn đàn quốc tế phù hợp nhất để tìm ra điểm hội tụ giữa các đòi hỏi và quan tâm khác nhau.
Vào tháng 12/2019, trong một sứ điệp video chung, Đức Thánh Cha và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tái khẳng định rằng “sự tin tưởng đối thoại giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, trong chủ nghĩa đa phương, vai trò của các tổ chức quốc tế và ngoại giao như một công cụ để đánh giá và hiểu biết lẫn nhau, là điều không thể thiếu cho việc xây dựng một thế giới hòa bình”.
Vài tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc đầu tư vào chủ nghĩa đa phương càng trở nên cần thiết, nếu có thể, với nhận thức rằng tất cả nhân loại đều ở chung một con thuyền.
Tòa Thánh mong Liên Hiệp Quốc là công cụ cho sự hiệp nhất giữa các quốc gia và phục vụ toàn thể gia đình nhân loại
Trong sứ điệp video nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc, ngày 25/9/2020, Đức Thánh Cha nói: “Dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc là cơ hội để tái khẳng định mong muốn của Tòa Thánh đối với tổ chức này. Tòa Thánh mong muốn Liên Hiệp Quốc là một dấu hiệu và công cụ thực sự của sự hiệp nhất giữa các quốc gia và phục vụ toàn thể gia đình nhân loại”. Ngài nhận xét “đại dịch đã chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể sống thiếu nhau, hoặc tệ hơn là chống lại nhau. Liên Hiệp Quốc được thành lập để gắn kết các quốc gia lại với nhau, là cầu nối giữa các dân tộc; chúng ta hãy sử dụng nó để biến thách thức mà chúng ta đang đối diện thành cơ hội để cùng nhau xây dựng, thêm một lần nữa, tương lai mà chúng ta mong muốn”.
Và bằng những từ ngữ phù hợp với những gì đã nói vào thứ Tư 06/4, Đức Thánh Cha nói thêm rằng “thế giới đầy xung đột của chúng ta, ngày nay hơn bao giờ hết, cần Liên Hiệp Quốc trở thành một phòng thực nghiệm ngày càng hiệu quả cho hòa bình. Điều này có nghĩa là các thành viên của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là các Thành viên Thường trực, phải hành động với sự thống nhất và quyết tâm cao hơn”.
Kêu gọi cải tổ trong thông điệp Fratelli tutti
Hơn thế nữa, việc cải tổ Liên Hiệp Quốc cũng tìm thấy trong thông điệp Fratelli tutti. Đức Thánh Cha Phanxicô dành số 173 cho chủ đề này.
Ngài viết: Tôi xin lưu ý sự cần thiết phải cải tổ “Cơ quan Liên Hiệp Quốc, cũng như các cơ cấu kinh tế và nền tài chính quốc tế, nhằm mang lại tính xác thực cụ thể cho ý niệm về gia đình các dân tộc”. Và rõ ràng, điều này đòi hỏi phải có những giới hạn pháp lý rõ ràng để tránh trường hợp quyền thu nạp thành viên chỉ do một vài quốc gia quyết định, và ngăn chặn những áp đặt văn hóa hoặc hạn chế các quyền tự do căn bản của các quốc gia yếu hơn trên cơ sở khác biệt ý thức hệ. Vì “cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý xây dựng trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không có những ràng buộc lệ thuộc làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia”. Đồng thời, “theo các nguyên tắc được nêu trong Lời mở đầu và các Điều khoản đầu tiên của Hiến chương thành lập, ta có thể thấy việc làm của Liên Hiệp Quốc được coi như sự phát triển và cổ võ việc thượng tôn pháp luật, dựa trên việc nhìn nhận rằng công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ phổ quát... Cần phải bảo đảm tình trạng thượng tôn pháp luật và sử dụng không mệt mỏi các biện pháp thương lượng, hòa giải và trọng tài, như Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã đề xướng, vốn là những điều thực sự tạo nên quy phạm pháp lý nền tảng”.
Đối với Đức Thánh Cha, một cuộc cải cách như vậy là cần thiết “nhằm mang lại tính xác thực cụ thể cho ý niệm về gia đình các dân tộc”. Ngài nhấn mạnh rằng cần phải đảm bảo “thượng tôn pháp luật và sử dụng không mệt mỏi các biện pháp thương lượng, hòa giải và trọng tài”.
Với tình cảm tương tự, hôm thứ Tư 06/4 Đức Thánh Cha cũng cảnh báo rằng “Cần phải ngăn chặn việc tước bỏ thẩm quyền của Cơ quan này, vì các vấn đề và thiếu sót của nó đều có thể được đưa ra để cùng nhau thương lượng và giải quyết”. Như vậy, Đức Thánh Cha dường như cho rằng, Liên Hiệp Quốc sẽ không tồn tại nếu các quốc gia không đoàn kết, thống nhất trong việc can đảm tìm kiếm con đường hiểu biết lẫn nhau. Cho dù đó là sự kết thúc chiến tranh, bằng sáng chế về vắc-xin, hay cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, thì mỗi bên phải sẵn sàng chịu “mất” một chút để tất cả cùng được hưởng. Thách đố quan trọng nhất đang bị đe dọa đó là tương lai của nhân loại.
Nguồn tin: vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 165 | Tổng lượt truy cập: 4,174,062