Chút cảm nghiệm sau Thánh lễ Khấn Dòng của các Nữ tu Đa Minh Thái Bình năm 2016

  • 13/01/2022 16:09
  • Vượt đường xa từ “Mỹ” sang “Đức” tới thánh đường Giáo xứ Cát Đàm tham dự thánh lễ Tạ ơn và nghi thức khấn dòng của các sơ Dòng Nữ Đaminh Thái Bình. Vừa bước vào khuôn viên Tu viện tôi thấy các sơ ai cũng xúng xính trong bộ tu phục trắng tinh khôi, tươi cười rạng rỡ đón tiếp quý khách từ khắp các ngả đường.

    Tôi hỏi đùa các sơ: nhà dòng có đám cưới hay sao mà tạm rạp, cờ xí hoành tráng vậy? Hiểu ý tôi, một sơ nhí nhoẻn miệng cười đáp: thưa bác, nhà dòng hôm nay có đám cưới tập thể bác ạ.

    Những giây phút tán gẫu chấm dứt, tôi cùng đoàn rước tiến ra thánh đường trong lời ca nhập lễ “Nhịp nhàng từng bước tiến vào, tiến vào nhà Chúa... này con bước tới hiến dâng đời con Chúa mãi đỡ nâng...” Yêu thương con Ngài cất tiếng gọi, mặc dù con thân phận mọn hèn thấp kém…, hiến dâng cho Ngài mối tình trinh nguyên…

     

    Thật cảm động khi các sơ lần lượt tiến lên đặt tay trong tay Bề trên Tổng quyền nói lời kết ước, để rồi “lời con đoan hứa hôm nay, lòng con nguyện luôn giữ mãi dẫu chông gai trên đường dài, dầu đời mịt mờ tương lai, lòng con quyết chẳng đổi thay và niềm tin mãi không nhạt phai”. Niềm tin ấy đã bao phen xiêu ngã trong phận người nhưng trong tình thương Chúa con vẫn mạnh dạn đoan thề lời nguyện ước hôm nay. Vì con luôn hướng nhìn, khẩn cầu Chúa và con luôn xác tín rằng Ngài hằng ở bên con dù có những lúc con ngã sa trên dòng đời xuôi ngược.

     

     

     

    Qua lời tuyên khấn trọn đời, Chúa Giêsu và sơ kết duyên với nhau một cách thiêng liêng cao trọng bằng sự chung thủy như ngôn sứ Ôsê đã từng nói: “Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tín, và ngươi sẽ biết Yavê.” (Hs 2,22). Các sơ dâng trọn xác hồn cho Chúa Giêsu, như lời nhận xét của thánh Phaolô khi nói với giáo đoàn Côrintô: “Người trinh nữ chuyên lo việc Chúa, để trọn thuộc về Chúa cả hồn lẫn xác.” (1 Cr 7,34).

    Cha Tổng đại diện – đại diện Đức Giám mục đeo nhẫn cho từng sơ và trao ban lời huấn dụ “các con hãy nhận chiếc nhẫn này và giữ trọn lòng trung tín với Đức Kitô, để con đáng được nhận vào dự tiệc cưới hân hoan muôn đời”. Bây giờ tôi mới thấm thía câu trả lời của sơ nhí. Chiếc nhẫn ấy là dấu chỉ các sơ từ nay là hôn thê, là người yêu của Chúa Giêsu. Lễ cưới của các sơ không có xe hoa, không có chú rể, vì Tân Lang là Đức Kitô, các sơ trở thành tân nương, nhưng vẫn là những trinh nữ thanh khiết.

     

     

    Hình ảnh ấy, Thánh Phaolô ước muốn cho Giáo Hội, Ngài mong cho Giáo Hội được tinh tuyền như một người trinh nữ, các trinh nữ được hiến thánh trong Giáo Hội luôn được quý trọng, được đề cao để tình yêu của các sơ từ đây là của Đức Tân Lang. Trái tim các sơ từ đây được ghi ấn tình yêu muôn thuở: “yêu đến hết hơi, yêu đến cuối đời”, yêu như Đức Tân Lang đã yêu thương Hội Thánh. Một tình yêu mà nước lũ không dập tắt được, sóng cồn cũng không tài nào vùi lấp nổi (x. Dc 8,6-7).

    Ước gì tình yêu của các sơ hôm nay được diễn tả cụ thể trong những chọn lựa hằng ngày, để trang đời không ngừng được mở ra, được viết xuống bằng những dấu ấn tình yêu.

     

     

     

    Cầu chúc quý sơ - những nụ hồng trinh nguyên của ngày lễ cưới huyền nhiệm với Đấng là Tình Yêu, sống trọn điều đã đoan hứa với Chúa suốt hành trình dài đời dâng hiến, bởi “ơn gọi thánh hiến là một quà tặng của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần” để “bất cứ nơi nào có cuộc sống dâng hiến thì ở đó có niềm vui” (Đức Thánh Cha Phanxicô).

     

    Ngoan Thuỳ

    Bài viết liên quan