Công bố bản Tường trình đúc kết Khóa I Thượng Hội đồng Giám mục XVI

  • 31/10/2023 08:02
  • RVA (30.10.2023) - Tối thứ Bảy, ngày 28 tháng Mười vừa qua, bản Tường trình đúc kết Khóa I của Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI, về chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng” đã được công bố trong cuộc họp báo tại Vatican, sau khi đã được các tham dự viên bỏ phiếu ban chiều trước đó.


    Văn kiện này, được bỏ phiếu theo từng điều, và để được thông qua cần có hai phần ba số phiếu, sẽ được dùng như “Tài liệu làm việc” của Khóa II của Thượng Hội đồng này, sẽ tiến hành vào tháng Mười năm tới (2024). Với khoảng 42 trang, chia thành 20 vấn đề, tài liệu trình bày những suy tư và đề nghị liên quan tới rất nhiều vấn đề trong Giáo hội, kể cả Giáo triều Roma, Hồng y đoàn, các vị Đại diện Tòa Thánh, và đặc biệt là vai trò của phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội, thừa tác vụ của các giám mục, linh mục, phó tế, tầm quan trọng của người nghèo và người di dân, sứ vụ truyền giáo trong lãnh vực kỹ thuật số, đại kết, nạn lạm dụng, v.v.

    Một số vấn đề được đặc biệt lưu ý

    Phụ nữ

    Giới báo chí đặc biệt chú ý đến một số vấn đề, như cho phụ nữ làm phó tế và thăng tiến phụ nữ trong Giáo hội. Văn kiện viết: “Một số tham dự viên Thượng Hội đồng coi chức phó tế phụ nữ là điều không thể chấp nhận được, vì nó đi ngược với Truyền thống. Trái lại, một số khác coi việc cho phụ nữ làm phó tế là tái lập một việc thực hành đã có trong Giáo hội nguyên thủy. Một số khác cho rằng việc cho phụ nữ làm phó tế là một câu trả lời thích hợp và cần thiết đối với các dấu chỉ thời đại, trung thành với Truyền thống và có thể có tiếng vang trong tâm hồn nhiều người đang tìm kiếm một sự sinh động đổi mới và năng lực trong Giáo hội. Một số khác nữa e ngại rằng yêu cầu này là biểu hiện một sự hỗn độn nguy hiểm về nhân học, nếu Giáo hội chấp nhận thì sẽ chiều theo tinh thần thế tục”.

    Phần về phó tế phụ nữ bị nhiều phiếu đen nhất, 69 trên tổng số 346 phiếu bầu.

    Phụ nữ tham gia tiến trình quyết định

    Trong chiều hướng này, có đề nghị “Cần cấp thiết bảo đảm cho phụ nữ có thể tham gia vào những tiến trình quyết định và đảm nhận những vai trò trách nhiệm trong mục vụ thừa tác vụ. Đức Thánh cha đã gia tăng một cách đáng kể số phụ nữ ở vai trò trách nhiệm trong Giáo triều Roma. Điều đó cũng phải xảy ra ở các bình diện khác của đời sống Giáo hội. Cần thích ứng giáo luật về vấn đề này”. Cần tiếp tục nghiên cứu về mặt thần học và mục vụ liên quan tới vấn đề cho phụ nữ làm phó tế, sử dụng những kết quả của các Ủy ban đã được Đức Thánh cha thiết lập và những nghiên cứu đã thực hiện cho đến nay”.

    Chống kỳ thị phụ nữ

    Văn kiện đúc kết cũng tố giác những vụ kỳ thị trong việc làm và lương bổng giữa lòng Giáo hội, cần cứu xét và giải quyết các vấn đề này, đặc biệt là các nữ tu quá nhiều khi bị coi như những công nhân rẻ tiền. Cần mở rộng việc cho phụ nữ được đào tạo và học thần học, phụ nữ được đưa vào các chương trình giảng dạy và huấn luyện của các chủng viện, để cải tiến việc đào tạo thừa tác vụ thánh chức”. Sau cùng, có đề nghị làm sao để phụ nữ được huấn luyện thích hợp hầu có thể là thẩm phán trong các vụ xử án theo giáo luật”.

    Khả thể nhờ kinh nghiệm mục vụ từ các linh mục đã hồi tục

    Về thừa tác vụ linh mục, có đề nghị cứu xét từng trường hợp một và theo bối cảnh, việc hội nhập các linh mục đã hồi tục vào một công việc mục vụ, đề cao giá trị việc huấn luyện và kinh nghiệm của họ.

    Giúp các giám mục

    Cũng có nhận xét rằng nhiều khi các giám mục gặp khó khăn trong việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục, làm sao dung hòa vai trò là người cha và là thẩm phán. Vì thế, có đề nghị cứu xét việc ủy thác vai trò xét xử cho một thẩm quyền khác, cần xác định về giáo luật.

    Kiểm soát công việc của giám mục

    Ngoài ra, có đề nghị thiết lập những cơ cấu và tiến trình kiểm soát công việc của giám mục, về lối hành xử quyền bính, quản trị kinh tế các tài sản của giáo phận, điều hành các tổ chức tham gia và bảo vệ đối với mọi loại lạm dụng. Nền văn hóa, theo đó mỗi người phải tường trình trong tinh thần trách nhiệm về hoạt động của mình. Đó là yếu tố của một Giáo hội đồng hành, thăng tiến tinh thần đồng trách nhiệm và đó cũng là một biện pháp khả thi để chống lại sự lạm dụng”.

    Kiểm điểm tiêu chuẩn chọn giám mục

    Thượng Hội đồng cũng yêu cầu một sự kiểm chứng các tiêu chuẩn chọn ứng viên làm giám mục, quân bình hóa quyền bính của vị Sứ thần Tòa Thánh với sự tham gia của Hội đồng Giám mục, đồng thời gia tăng sự tham khảo ý kiến dân Chúa, lắng nghe nhiều giáo dân, tu sĩ nữ, và cần tránh những áp lực không thích hợp”.

    Xét lại hoạt động của Giáo tỉnh

    Có nhiều giám mục bày tỏ nhu cầu cần xét lại hoạt động và củng cố cơ cấu của các Giáo tỉnh và Giáo miền, để biểu lộ cụ thể đoàn thể tính của các giám mục trong một lãnh thổ và trong những môi trường, trong đó các giám mục có thể cảm nghiệm tình huynh đệ, tương trợ nhau và minh bạch hơn trong việc tham khảo ý kiến.

    Hồng y đoàn

    Thượng Hội đồng cũng cho rằng tính đồng hành có thể soi sáng về những cách thức cộng tác giữa Hồng y đoàn với sứ vụ Phêrô và những hình thức, qua đó thăng tiến sự phân định của các hồng y trong các công nghị thông thường và ngoại thường của Hồng y đoàn.

    Điều quan trọng đối với thiện ích của Giáo hội là nghiên cứu những cách thức thích hợp hơn để các thành viên Hồng y đoàn quen biết nhau và tạo điều kiện cho những quan hệ giữa các thành viên, cũng để ý đến sự khác biệt gốc gác và văn hóa của các vị”.

    Thẩm định việc làm của các vị Đại diện Tòa Thánh

    Ngoài ra, điều dường như thích hợp là trù định những hình thức thẩm định công việc của các vị Đại diện Tòa Thánh, từ phía các Giáo hội địa phương của những nước nơi các vị Đại diện ấy thi hành sứ vụ, và để tạo điều kiện dễ dàng cũng như kiện toàn việc phục vụ của các vị.

    Giám mục tại Giáo triều

    Sau cùng, dưới ánh sáng giáo huấn Công đồng chung Vatican II, cần cứu xét kỹ lưỡng xem việc truyền chức giám mục cho các giám chức trong Giáo triều Roma, có phải là điều tích hợp hay không.

    Những đề nghị trên đây sẽ được đào sâu trong các Giáo hội địa phương, và sẽ được bàn tiếp trong khóa họp năm tới. Cuối khóa họp đó, cũng sẽ có bỏ phiếu về văn kiện chung kết, với các đề nghị để đệ trình lên Đức Thánh cha. Văn kiện này chỉ có giá trị tư vấn, ngài có thể sử dụng hay không xét tới.

    Vài phản ứng

    Một số báo chí nhận xét về cách bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng này: người bỏ phiếu chỉ có hai lựa chọn: một là đồng ý, hai là không đồng ý, và không có thể chọn bỏ phiếu trắng, tức là không bỏ phiếu.

    Trong thực tế, có thể phần lớn các tín hữu và dân thánh của Thiên Chúa không có sự chắc chắn như vậy. Do đó, đây là một thứ “trưng cầu dân ý”.

    G. Trần Đức Anh, O.P.

    Nguồn tin:  https://vietnamese.rvasia.org/

    Bài viết liên quan