ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
150 HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
WHĐ (24.01.2022) - Trong dòng lịch sử truyền giáo với sự hình thành và phát triển của Giáo hội tại Việt Nam, Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã trải qua dòng thời gian 150 năm hình thành và phát triển (1863-2013) trong lòng Giáo hội và xã hội Việt Nam. Để có thể hiện diện, tồn tại và phát triển trên vùng đất Sài Gòn với dòng thời gian một thế kỷ rưỡi đã qua, Chủng viện Sài Gòn phải trải qua rất nhiều những thăng trầm, khó khăn trước khi được thành lập cũng như trong suốt dòng lịch sử 150 năm qua. Nhưng qua đó, người ta nhận ra vô vàn Ơn sủng cùng với quyền năng và Tình thương của Thiên Chúa.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn phát thảo đôi nét sơ lược về lịch sử Đại Chủng viện Sài Gòn qua 3 giai đoạn: (A) Thời kỳ tiền Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn từ 1659 đến 1863; (B) Giai đoạn Đại Chủng viện Sài Gòn được thành lập và dưới sự điều hành của các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris – MEP, từ 1863 đến 1961; (C) Thời kỳ từ năm 1961 đến nay, Chủng viện dưới sự điều hành của Hàng Giáo sĩ Việt Nam.
I. Thời kỳ Tiền Chủng viện Sài Gòn
Công đồng Vaticanô II đã xác quyết: “Các Ðại Chủng Viện thì cần thiết cho việc đào tạo linh mục”.[1] Trong dòng lịch sử của mình, Giáo hội luôn ý thức tầm quan trọng và sự cần thiết của công việc hệ trọng mang tính sống còn đó là việc thiết lập các Đại chủng viện để lo việc đào tạo linh mục. Qua Công đồng Trentô,[2] Giáo hội đã đề ra những định hướng chung cho công việc đào tạo Hàng Giáo sĩ, đặc biệt, Công đồng quyết định thành lập Chủng viện tại các Giáo hội địa phương. Tại khóa họp thứ XXIII, năm 1563, với chủ đề: Bí tích Truyền chức thánh, Công đồng đã cho ra đời văn kiện Décret de Réformation, [3] đây là một văn kiện quan trọng. Sắc lệnh của Công đồng đã yêu cầu tất cả các Giám mục phải quan tâm đặc biệt đến việc thành lập Chủng viện nhằm đào tạo Hàng Giáo sĩ có phẩm chất tốt, hầu góp phần gia tăng con số các linh mục đạo đức, thánh thiện và giàu tri thức cho Giáo hội. Sắc lệnh viết: “Mối lo âu cho thế hệ các giáo sĩ tương lai nằm trong những bổn phận khẩn trương của Giám mục. Chỉ có như vậy mới tránh được những trở lực đang ngăn chặn đường lối cải cách trong các địa phận và gây ra sự thiếu hụt đáng sợ về số các linh mục nhiệt thành, có học thức và đời sống đạo đức cao độ”. [4]
Với chỉ thị của Công đồng Trentô, trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, ngay khi Giáo hội này được thành lập, [5] các thừa sai đã cho thiết lập Chủng viện đầu tiên, lúc bấy giờ do hoàn cảnh khó khăn, Chủng viện được thiết đặt tại Ayuthia, Thái Lan. [6]
Theo tác giả E.W. Hutchinson: “Ngày tháng chính xác của việc thiết lập chủng viện này có thể được xác định vào năm 1664 […] Một chủng viện gồm hai tầng lầu, vươn lên như một ngôi thánh đường lớn nằm trên vùng đất mà vua Narai ban cấp tại Ban Plahet”. [7]
Theo tác phẩm Les Missions étrangères, Trois siècles et Demi d’Histoire et d’Aventure en Asie, ngày 25 tháng 5 năm 1665, chấp nhận sự thỉnh cầu của Đức cha Lambert de la Motte, vua Phra Narai đã cho các thừa sai một khu đất tại Mênam trong khu phố tên là Ban Plahet. Chủng viện được thiết lập nhằm hai mục đích: đào tạo linh mục bản xứ và là nơi dừng chân để các thừa sai mới đến học hỏi phong tục tập quán và ngôn ngữ bản xứ. Ban đầu, cơ sở vật chất và cuộc sống của chủng viện còn rất nghèo và khó khăn, nhưng từ năm 1666, chủng viện Ayuthia được kiến thiết thành một tòa nhà kiên cố, hai tầng theo kiến trúc pháp, với nhiều phòng ở và nhà nguyện, được dâng kính thánh Giuse. [8] Các chủng sinh đến từ Goa, Macao, Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Tháng 10 năm 1675, cha Louis Laneau làm giám đốc chủng viện Ayuthia, hai năm sau ngài được Đức Giáo hoàng Clêmentê XIII bổ nhiệm làm Giám mục Giám quản Tông tòa Xiêm La. Vào thời điểm này, chủng viện chia làm hai bộ phận: Đại chủng viện do Đức cha Louis Laneau làm giám đốc và Tiểu chủng viện với 30 tiểu chủng sinh, do cha Pierre Langlois coi sóc.
Năm 1680, con số các chủng sinh đến từ các nước trong vùng gia tăng, do đó, Chủng viện chuyển đến Mahapram, không xa Ayuthia, trong một tòa nhà mới, rộng rãi hơn được dâng kính Các Thánh Thiên Thần. Vào thời điểm này cha Antoine Pascot làm giám đốc. [9]
Trong một báo cáo gởi cho Hội thừa sai Paris (MEP) về việc giảng dạy và những đánh giá đối với các chủng sinh Việt Nam, cha Pierre Langlois [10] đã viết như sau: “ … Bây giờ ở Đàng Trong có 6 linh mục: 3 thừa sai Pháp: Mahot, Vachet, Courtaulin và 3 linh mục người Đàng Trong: Giuse Trang, Luca Bền và Emmanuel Bổn. Hai trong 3 vị người Đàng Trong đó đã được thụ phong linh mục từ 4 năm trước (hai cha Trang, Bền: 1668) và vị còn lại được thụ phong năm ngoái (cha Bổn, năm 1672). Tôi đã dạy cho họ tất cả những gì cần phải biết trong thời gian họ theo học tại chủng viện của chúng tôi. Tôi dạy họ đọc và viết chữ của chúng ta, cắt nghĩa từ tiếng La tinh ra tiếng Đàng Trong các bài Thánh Kinh và Phụng vụ của Giáo hội. Tôi không thể làm gì hơn được, vì nhu cầu cần có những người làm mục vụ bắt buộc chúng tôi phải trả họ về (Đàng Trong) trước 4 năm sớm hơn thời gian chúng tôi dạy cho họ.
Hiện nay, tại chủng viện do tôi phụ trách có 15 chủng sinh. Tất cả đều có đời sống tốt và rất có triển vọng. Trong số đó, có một người Phi Luật Tân, anh ấy biết khá tốt tiếng La tinh và sẽ được thụ phong năm tới để được gởi đến Đàng Trong, nơi mà anh ta đã 2 lần đến và biết kha khá tiếng địa phương. Hai chủng sinh khác là người Đàng Ngoài, không được khá lắm về kiến thức và kinh nghiệm mục vụ, những chủng sinh còn lại làm cho tôi hoàn toàn mãn nguyện: họ hiểu được nghĩa tiếng La tinh và nói được tiếng La tinh, họ có trí nhớ tốt và có óc suy luận vững vàng, lại rất cần mẫn và siêng năng. Chín người trong số (12) chủng sinh đó là người Đàng Trong. Khi Đức cha gửi họ đến đây vào năm ngoái, họ chưa biết đọc, biết viết, vậy mà bây giờ họ tiến bộ rõ ràng từng ngày. Ba chủng sinh trong số (12) đó, được sinh ra tại Xiêm, nhưng cha mẹ là người Đàng Trong, nhờ vậy họ rất giỏi cả 3 thứ tiếng: Xiêm, Việt Nam và Bồ Đào Nha, họ cũng bắt đầu nói tiếng La tinh. Với 3 trong số 12 chủng sinh này, tôi sẽ dạy họ triết lý và thần học. Họ có trí phán đoán rất tốt để học hiểu được điều này việc nọ, và hy vọng trong 4 hoặc 5 năm nữa họ sẽ là những thầy dạy ở xứ sở của họ”. [11]
Chủng viện Thánh Giuse đã được thành lập và phát triển tại Ayuthia từ năm 1665 đến năm 1765. Thế nhưng, do sự bất ổn của tình hình chính trị, xã hội Thái lan lúc bấy giờ khi bị quân Miến điện xâm lược, Chủng viện phải di tản khỏi Ayuthia.
Do chiến tranh loạn lạc, chủng viện tại Ayuthia phải di tản đến Chantaboun gần biên giới Cao Miên. Tác giả quyển Lịch sử tỉnh dòng Anh em Hèn mọn, tập I đã cho biết về sự kiện này như sau : « Tháng 6 năm 1765, Thái lan bị quân Miến Điện xâm lăng, các thừa sai Hội Truyền giáo nước ngoài Paris phải dời chủng viện của họ từ Juthia về Chantabun thuộc nước Campuchia. [12] Nơi đây có họ đạo do một linh mục Trung hoa, tên là Jacques Tchang coi sóc. Chủng viện gồm 30 người, Ban Giám đốc gồm linh mục Artaud và linh mục Kerhervé. Chủng sinh gồm người Việt, người Trung hoa và người Thái lan. Tháng 11 năm 1765, quân Miến tràn đến Chantabun. Chủng viện lại được dời về Hà Tiên ». [13] Như vậy, chủng viện chỉ hiện diện tại Chantaboun trong khoảng 5 tháng. Tháng 6 đến tháng 11 năm 1765, do tình hình bất ổn, Chủng viện Thánh Giuse từ Chantabun được di dời về Hòn Đất, gần thị trấn Hà Tiên. [14]
Cha Levavasseur trong « Journal de M. Levavasseur » cho biết : trước tình hình diễn tiến phức tạp và khó khăn ở Xiêm, Đức cha Piguel và 4 cha thừa sai khác là : Artaud, Pigeaux, Boiret và Levavasseur họp nhau lại, các ngài nhận định và phân tích tình hình để đi đến quyết định chọn vùng Hòn Đất thuộc Hà Tiên để cho Chủng viện tạm dừng chân trong sự an toàn. [15]
Trong ký sự của mình cha Julien del Pilar dòng Phanxicô viết: « Chúng tôi đã đón tiếp các cha, các thầy với tất cả lòng bác ái phan sinh. Nhà chúng tôi không rộng đủ cho tất cả mọi người ở, nên linh mục phụ trách của chúng tôi là cha Hemosa nhường cho các cha, các thầy nếp nhà của chúng tôi ở Hòn đất, cho đến khi nào về lại được chủng viện củ. Nhưng nếp nhà này cũng chưa đủ rộng, phải cất thêm một căn nữa. Các cha các thầy lại cất thêm một căn nhà thờ để đọc kinh dâng lễ. Người bản xứ cho đến bây giờ chỉ biết các cha dòng Phanxicô, nên không chịu làm quen với các cha mới đến, các thừa sai phan sinh lại phải đến tận nơi để giải thích và giới thiệu. Trong số các linh mục đến sau có cha Pigneau có biệt tài làm cho dân bản xứ xử đãi niềm nở với các vị thừa sai Pháp, cha đã xin gỗ cần thiết để cất thêm nhà cửa ». [16]
Tuy nhiên, sự bình an chưa được bao lâu, thì tai họa khác lại xảy đến, cha Morvan, giáo sư chủng viện Hòn Đất đã kể lại như sau : « Chúng tôi chưa được hưởng những công việc chúng tôi làm thì tháng 9 năm 1769, quan Đô đốc của Hà Tiên đối đầu với vua mới của Thái lan. Lạm dụng loan lạc và sự suy yếu của quan Đô đốc, người Khemer thuộc bốn tỉnh của Campuchia và một nhóm người Hoa nổi dậy chống lại sự đô hộ của người Việt nam….. Tháng 10 năm 1769, quân phiến loạn kéo đến nhà xứ của cha Artaud để cướp phá và tìm giết hại người Việt nam…. Đến giữa tháng 11, vào lúc chúng tôi không ngờ, một nhóm quân phiến loạn tràn vào Chủng viện, lúc đầu họ chỉ tìm kiếm người Việt để giết hại và quả thật có nhiều người Việt cư trú tại nhà chúng tôi cho nên trong chốc lát, hàng trăm quân kháng chiến từ khắp nơi kéo đến bao vây, họ bàn tính sẽ giết tất cả chúng tôi khoảng 100 người đang trú ẩn trong nhà. Họ định mua chuộc những người phục vụ của chúng tôi và khi bàn tính, họ nói bằng tiếng Hoa, vì tưởng rằng không ai có thể hiểu được, nhưng các chủng sinh người Hoa của chúng tôi nghe hiểu tất cả. Vì thế, ban đêm, chúng tôi trốn xuống thuyền, mang theo nhiều vật dụng quý, còn rất nhiều sách vở và lương thực đủ nuôi chủng viện trong một năm, chúng tôi đành phải để lại, mặc cho quân kháng chiến cướp phá, còn chúng tôi trốn về phía Hà Tiên ». [17]
Cha Julian del Pilar viết về sự kiện này như sau : « Khi Chủng viện cất nhà cửa vừa xong, thì một đêm nọ, quân phiến loạn tràn vào đốt phá ra tro. Nhờ cha Francisco Hermosa kịp thời can thiệp, những người trong Chủng viện mới được sống sót, nhưng phải đi ngay khỏi nơi này và cha con họ kéo nhau đến tu viện Phanxicô của chúng tôi ở Hà Tiên. Tại đây, vì bị thương trong lúc giao tranh với phiến quân, cha Artaud đã qua đời ngày 28 tháng 11 năm 1769 [18] trong tay cha Martin Robles quản lý dòng Phanxicô…. Mất cha rồi, các Chủng sinh ở lại nhà chúng tôi đến ngày 15 tháng 12 năm 1769. Hôm ấy, cả Chủng viện đáp tàu đi Malacca, tại đó, họ viết cho chúng tôi một lá thư cám ơn ». [19]
Như vậy, trãi qua những sự kiện trên, chủng viện Hòn Đất chỉ còn là đống tro tàn trên một vùng đất khói lửa. Sau khi đến Malacca, thầy trò gồm 43 người gồm cả cha Giám đốc Pigneau de Béhaine và cha Morvan đã lấy thuyền vượt biển đến Pondichéry (Ấn Độ).
Như vậy, Chủng viện đã được di dời đến Pondichéry, Ấn Độ, nhưng vị trí địa lý của chủng viện này khá bất tiện vì nhiều lý do: trước hết, về mặt địa lý, Pondichéry ở xa vùng đất truyền giáo Á đông, việc đi lại từ Đàng Trong và Đàng Ngoài đến Chủng viện này rất xa xôi và bất lợi ; về mặt chính trị, Việt Nam đang trãi qua thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh: Đàng Trong và Đàng Ngoài thù địch và chống đối nhau, nhiều nhà truyền giáo từ xứ Đàng Trong đến Đàng Ngoài và ngược lại thường bị nghi ngờ là gián điệp. Do đó, chủng sinh của hai miền được bí mật đưa đến Pondichéry để học tập, khi về lại xứ sở, nếu bại lộ sẽ gặp rất nhiều những khó khăn. Vì những lý do phức tạp này, Đức cha Piguel quyết định thành lập Chủng viện riêng và đầu năm 1770, “Chủng viện được thiết lập tại một đảo nhỏ của sông Mékong, đối diện với nhà thờ Prambey Chhom và được trao phó cho cha Levavasseur coi sóc”, [20] nhằm đào tạo linh mục cho giáo phận Đàng Trong gồm cả Cao Miên và Thái Lan. [21]
Đầu năm 1770, cha Pigneau de Béhaine chuyển Chủng viện Hà Tiên đến Pondichéry (Ấn Độ), nhưng chưa ổn định xong Chủng viện thì cũng trong năm 1770, ngài được Đức Giáo hoàng Clêmentê XIV bổ nhiệm là giám mục Đàng Trong, hiệu tòa Adran, kế vị đức cha Guillaume Piguel. Về phần Chủng viện Pondichéry, vì nhiều lý do khác nhau, con số các chủng sinh ngày một giảm sút. Đến tháng 2 năm 1782, cha Pierre Magny, giám đốc Chủng viện Pondichéry nhận chỉ thị từ Hội Thừa sai Paris, chuyển các chủng sinh cuối cùng từ Pondichéry về Macao. Cha Trần Phúc Long trong quyển 25 Giáo phận Việt nam đã viết: “Năm 1782, vì quá xa xôi và vì tình trạng rối ren nội bộ, Việt nam không gởi chủng sinh đến, nên chủng viện (Pondichéry) này phải đóng cửa. Năm 1807, vị quản lý Letondal (MEP) sở Macao lập lại ở Pénang. Nơi đây đã đào tạo nhiều giám mục và linh mục xuất sắc cho Việt Nam”. [22]
Tháng 9 năm 1775 Đức cha Pigneau de Béhaine cho di chuyển Chủng viện Prambey Chhom về Hà Tiên, bên bờ biển, gần rạch Cây Quao, phía nam Hà Tiên, gần Cà Mau. [23] Trong quyển Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, cha A. Launay viết: “Chủng viện đã được thiết lập bởi Đức cha Pigneau, ở phía nam của Hà Tiên, trên con sông được các Thừa sai gọi là Sông Mặn (Le fleuve Salé), tại một nơi gọi là Cây Quao”. [24]
Thế nhưng, như cha L.-E. Louvet viết về Chủng viện Cây Quao: “ Thời kỳ bình an chỉ kéo dài trong khoảng hai năm [….] Đến giữa năm 1778, một nhóm hải tặc đến cướp phá chủng viện. Chúng giết chết bốn chủng sinh, đốt nhà thờ và chủng viện, tàn sát nhiều kitô hữu, trong số đó có bảy nữ tu việt nam […], thiệt hại về cơ sở vật chất truyền giáo khoảng bốn mươi ngàn quan pháp.” [25]
Sau khi chủng viện tại Cây Quao ở Cà mau do Đức cha Pigneau de Béhaine thành lập bị đốt cháy, đức cha đã đưa chủng viện về Tân Triều thuộc vùng đất Biên Hòa ngày nay. Tại Tân Triều như Đức cha Pigneau viết ngày 19 tháng 7 năm 1780: “Chúng tôi đến (Tân Triều) xây cất chủng viện với 18 chủng sinh, […]. Cha Liot làm giám đốc coi sóc chủng viện”. [26] Đến năm 1881, Đức cha Pigneau cho biết: “Lúc này, tôi có 22 chủng sinh mà phần lớn tôi đặt niềm hy vọng trong tương lai gần sẽ tiến chức linh mục. Họ sống đơn sơ, khiêm tốn, khó nghèo… 12 người trong số họ trở về từ Pondichéry đã có 3 người là những linh mục tốt lành, 1 người khác sẽ được chịu chức linh mục,… tất cả họ cũng không thể đáp ứng cho nhu cầu truyền giáo”. [27]
Tuy nhiên chủng viện cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn đến tháng 4 năm 1782, bởi lúc này, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, sau khi đưa quân đi đánh Chúa Trịnh từ Đàng Ngoài trở về, họ quay sang đánh Nguyễn Ánh ở Đàng Trong và chiếm lại đất Sài gòn – Gia Định, quân Nguyễn Ánh tháo chạy và một lần nữa, Đức cha Pigneau de Béhaine cùng với chủng viện lại phải di tản sang Cao Miên, Đức cha viết: “Năm nay vào đầu tháng 4, quân Tây Sơn đến giao chiến với nhà vua, […] họ lại chiếm được tất cả các tỉnh mà chúng tôi đang giữ. Tôi đã di tản sang Cao Miên, ở đây chờ chiến tranh kết thúc…”.[28]
Vào tháng 10 năm 1782, sau khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc rút quân về Qui Nhơn, Nguyễn Ánh liền quay trở về và dần dần chiếm lại vùng Sài Gòn - Gia Định. Nhận được tin tốt lành này, Đức cha Pigneau liền đưa chủng sinh về lại Đàng Trong, ngài đặt Chủng viện tại họ đạo Mặc Bắc thuộc tỉnh Vĩnh Long thuộc quyền kiểm soát của Nguyễn Ánh. [29]
Thế nhưng, Chủng viện được thiết lập ở Mặc Bắc chỉ được vài tháng (10.1782-3.1783) lại phải di tản một lần nữa vì quân Tây Sơn trở lại Sài Gòn - Gia Định. [30] Sau một thời gian ẩn náu tại các hòn đảo ngoài khơi, ngày 21 tháng 8 năm 1783 Đức cha Pigneau de Béhaine tìm cách đưa Chủng viện đến Chantabun, Thái Lan, “nơi có một họ đạo của người công giáo Đàng Trong với 300 kitô hữu”. [31]
Sau khi Nguyễn Ánh từng bước khôi phục lại giang sơn, trong lá thư đề ngày 20 tháng 2 năm 1792, cha Boisserand viết: “Chính nhà vua đã xin đem chủng viện từ Thái lan về và khi chủng viện đã về tới (Đàng Trong), nhà vua cấp tiền bạc và lương thực, nhà vua còn cấp giấy cho tất cả những ai ở chủng viện được miễn đi lính và làm các công trình công cộng…”. [32]
Trong lá thư viết ngày 20 tháng 7 năm 1791, đức cha Pigneau thong báo: “Chủng viện vừa trở về từ Chantaboun”. [33] Ngày 2 tháng 8 năm 1791, từ Tân Triều nơi thiết đặt chủng viện, cha Liot viết cho cha Letondal như sau: “Đức giám mục (Pigneau), vào tháng 6 đã ra lệnh cho chúng tôi đưa chủng viện trở về Đàng Trong. Tại Bangkok, tôi đi xin phép nhà vua và ngài đã chấp thuận cho tôi với lòng biết ơn. Những người Bồ Đào Nha, người Đàng Trong (cư trú tại đấy) rất buồn vì sự ra đi của chúng tôi, họ tìm mọi cách để giữ chúng tôi lại. Tôi bàn giao cơ sở của chủng viện Chantaboun cho cha Florens và lên đường trở về Đàng Trong cùng với cha Lavoué và tất cả chủng viện. Đức cha sai tôi đến Tân Triều ở Đồng Nai để thiết lập chủng viện tại đây. […] Con số các chủng sinh là 30 người”. [34]
Đến năm 1794, trong bức thư đề ngày 14 tháng 7, cha Liot đã viết: “Chúng tôi có hai chủng viện, một trong nhà của đức cha (Pigneau) để thử thách những người trẻ và dạy họ tiếng La tinh; Một chủng viện khác ở Đồng Nai (Tân Triều)…”. [35]
Từ nhu cầu như thế, Tiểu chủng viện đầu tiên cho việc đào tạo linh mục tại xứ Đàng trong được thành lập. Ngày 30 tháng 5 năm 1798, Đức cha Pigneau viết cho cha Boiret, bề trên Hội thừa sai Paris như sau: “Đại chủng viện từ khi trở về từ Thái Lan vẫn duy trì tại Tân Triều. Nhưng vùng đất ở đây khá ẩm thấp, cho nên tôi vừa xây dựng một Chủng viện khác ở “Lai-Thiu” (Lái Thiêu), tại một nơi cao ráo với khí hậu rất trong lành. Tiểu chủng viện vẫn ở Tân Triều, tại cơ sở của Đại chủng viện (trước đây)”. [36] Cha Liot, trong bức thư gởi cha Boiret ngày 25 tháng 6 năm 1799 đã viết: “24 chủng sinh củ đã chuyển qua Đại chủng viện ở Lai-Thiu và 50 chủng sinh mới đã vào trong chủng viện ở Đồng Nai. Họ đã qua 8 ngày tĩnh tâm, sau đó họ đã bắt đầu chương trình học tập”. [37]
Ngày 6 tháng 1 năm 1833, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo theo đó, tất cả các cơ sở thờ tự của Công giáo đều bị triệt hạ. Cha Régéreau cho biết : “Lúc bắt đầu chỉ dụ bắt đạo, ở Đàng Trong chúng tôi có 9 cha thừa sai Pháp, 1 cha Phanxicô người Ý và 17 linh mục bản xứ đang hoạt động. Chủng viện Lái thiêu mà chúng tôi phải tiêu tốn nhiều tiền bạc đang có 15 chủng sinh thần học, trong số đó có 1 phó tế, 1 phụ phó tế, 2 thầy chức nhỏ, 5 thầy chức cắt tóc. Ngoài ra còn có 13 thầy học tiếng La tinh. Chủng viện này nay bị phân tán”.[38]
Cuộc bách hại kéo dài và Chủng viện tản lạc khắp nơi, cho đến khi Đức Cha Dominique Lefèbvre nhận nhiệm vụ Giám mục Giáo phận Tây Đàng Trong được phân chia từ Giáo phận Đàng Trong, ngài quyết định tái lập lại Chủng viện tại Thị Nghè và trao cho cha Phaolô Lê Văn Lộc làm Giám đốc Chủng viện Thị Nghè. Nhưng đến tháng 7 năm 1858, khi Quân Pháp đổ bộ lên Cửa Hàn, Vua Tự Đức càng ra sức bách hại đạo Công giáo cách điên cuồng hơn. Trước tình hình khó khăn, Đức cha Lefèbvre phải ra lệnh giải tán Chủng viện Thị Nghè.
Năm 1860, khi cha Wibaux đến truyền giáo ở Đàng Trong, đức cha Lefèbvre giao cho ngài coi sóc chủng viện. Khi tiếp nhận chủng viện Thị Nghè, cơ sở tại đây chỉ là một ngôi nhà đã mục nát đã được cha Phaolô Lộc dựng tạm từ năm 1850. Đầu năm 1861, cha Wibaux cho cất lại hai ngôi nhà khác. Năm 1862, chủng viện bị bao vây, cha Wibaux cùng với 10 chủng sinh đã vượt sông Thị Nghè, trốn thoát về Tòa Giám mục, Chủng viện Thị Nghè bị phóng hỏa.
Không thể trở về Thị Nghè, Cha Wibaux đưa chủng viện đến Xóm Chiếu, Cuối năm 1862, cha Wibaux quyết định chuyển chủng viện vào nội thành Sài gòn. Sau Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862, cha Puginier trở về Hà Nội, cha Wibaux đã xin được khu nhà này làm nơi cư trú tạm thời cho chủng viện ở khu nội thành. Nhưng sau đó, chính quyền Pháp quy hoạch khu vực này để xây dựng Bệnh viện quân đội. Khi ấy, Đô đốc Bonard cấp cho Đức cha Lefèbvre khu đất rộng 7 hecta, khu đất này hiện nay một phần thuộc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, phần còn lại thuộc Dòng Thánh Phaolô thành Chartres.
Như vậy, trãi qua dòng lịch sử 200 năm đầy biến động, từ khi Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong thành lập chủng viện ở Ayuthia năm 1665, lúc này, năm 1862, Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã tìm được nơi dừng chân cố định để xây dựng cơ sở và phát triển công việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ cách ổn định và lâu dài.
II. Chủng viện Sài Gòn dưới sự điều hành của các Thừa sai MEP [39]
Cha Théodore Louis Wibaux, (tải về file gốc tại đây!)
Cha Théodore Louis Wibaux là linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP). Ngài lên đường đến truyền giáo ngày 20 tháng 2 năm 1859 và đến Đàng Trong vào tháng 1 năm 1860. [40] Năm 1863, cha Wibaux được Đức cha Dominique Lefèbvre chọn làm Tổng Đại diện cho ngài tại Giáo phận Tây Đàng Trong [41] và cũng trao cho ngài nhiệm vụ xây dựng Chủng viện do Đức Cha làm phép viên đá đầu tiên. Công trình được xây dựng từ năm 1863 đến năm 1866, Đức cha Jean Claude Miche đã làm lễ khánh thành cơ sở Chủng viện đầu tiên và theo ước nguyện của Đức cha Lefèbvre, Thánh Giuse được chọn làm Bổn mạng với tên gọi: Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, vào thời điểm này, Chủng viện Sài Gòn có 60 chủng sinh bao gồm các các Thầy Đại chủng sinh và các Chú.
(Tải về file gốc tại đây!)
Một năm sau khi khánh thành Chủng viện, tức năm 1867, cha Wibaux tiếp tục công việc xây dựng Nhà nguyện, công việc xây dựng kéo dài trong 4 năm và hoàn thành năm 1671.
(Tải về file gốc tại đây!)
Sáu năm sau, ngày mùng 7 tháng 10 năm 1677, Cha Wibaux được Chúa gọi về, ngài được an táng phía sau ngôi Nhà nguyện do chính tay ngài xây dựng.
(Tải về file gốc tại đây!)
Tiếp theo cha Wibaux, từ năm 1677 đến năm 1961, lần lược các cha Giám đốc được bổ nhiệm để điều hành Chủng viện: Cha Julien Thiriet (Thi), từ năm 1877 đến năm 1897; Cha Jean Augustin Dumas (Dư) từ năm 1897 đến năm 1913; Cha Urbain Anselme Delignon (Cao) từ 1913 đến 1916; Cha Aguste Ernest (Hay) năm 1916-1927; Cha Urbain Anselme Delignon (Cao) năm 1927 đến 1930; Cha Albert Pierre Fleuret Delagnes (Lành), năm 1930-1952; Cha André Lesouef từ 1952-1961.
Song song với cơ sở Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, do nhu cầu đào tạo, nhiều cơ sở phụ thuộc cũng được thành lập như Tiểu Chủng viện An Đức (Mỹ Tho) vào năm 1897 và trao cha Ernest Hay điều hành. Ngày 1 tháng 5 năm 1904, Chủng viện An Đức bị tàn phá hầu như tan hoang bở một cơn bão. Năm 1906, Chủng viện An Đức chuyển đến Cái Nhum. [42] Cũng trong thời gian này, một cơ sở Chủng viện khác được thành lập tại Tân Định vào tháng 8 năm 1898, hiện nay là Viện Pasteur Sài Gòn. Tiểu Chủng viện Tân Định hoạt động cho đến năm 1901.
Dưới thời của Đức Cha Isidore Marie Joseph Dumortier, theo báo cáo của Đức cha: “Chủng viện có 42 Đại Chủng sinh và 181 Tiểu Chủng sinh. Do đó, chúng tôi phải xây dựng một khu nhà Tiểu Chủng viện với 2 lầu, 46 m chiều dài, 13m chiều rộng. Công trình hoàn thành vào tháng 3 năm 1928”. [43] Đến năm 1933, sau khi đã chuẩn bị cơ sở, Tiểu Chủng viện Sài Gòn tách ra khỏi Đại Chủng viện, đánh dấu một bước phát triển mới của Chủng Viện Thánh Giuse.
Cũng trong năm 1933, một vinh dự lớn cho Giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng cho Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng được chọn làm Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, một tinh hoa của Giáo hội Việt Nam,, xuất thân từ Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. [44]
Vào thời Đệ Nhị Thế chiến,[45] do hoàn cảnh khó khăn, một phần Chủng sinh của Chủng viện di tản về Lái Thiêu, phần khác tản cư về Cái Nhum. Giữa năm 1946, Chủng viện tề tựu về lại Sài Gòn với rất nhiều những khó khăn sau cuộc chiếm đóng của Phát xít Nhật.
III. Thời kỳ từ năm 1960 đến nay
Ngày 24 tháng 2 năm 1941, Tòa thánh bổ nhiệm cha Jean Baptiste Cassaigne làm Giám mục Đại diện Tông tòa Sài Gòn, rất quan tâm đến công việc đào tạo Hàng Giáo sĩ, Đức cha đã bổ nhiệm cha André Joseph Lesouef làm Giám đốc Đại chủng viện. [46] Với tài năng, đức độ của mình, Cha Lesouef đã có rất nhiều những hoạt động phát triển Chủng viện Sài Gòn về mọi phương diện: các nhà đào tạo, đường hướng, tài chánh hoạt động v.v.
Năm 1955, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông Tòa Sài Gòn. Vào thời kỳ này, Giáo phận Sài Gòn vừa vui mừng đón nhận những anh chị em đến từ cuộc Di cư năm 1954, với rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ấy, nhiều Chủng viện của các Giáo phận từ miền Bắc di tản vào Nam và đang hoạt động riêng rẽ.
Tại cuộc họp các Giám mục Miền Nam, dưới sự chủ tọa của Đức Khâm sứ Brini, một quyết định về việc phân bổ và thống nhất các Chủng viện được quy định như sau:
- Từ sau niên khóa 1959-1960, ngưng tiếp nhận các chủng sinh tại các Chủng viện mới di cư vào Nam.
- Các Tiểu Chủng viện di cư vào Sài Gòn trực thuộc Quyền Giám mục địa phương (Bản quyền Giáo phận).
- Thành lập hai Đại Chủng viện Miền: Đại Chủng viện Quy Nhơn cho các Giáo phận: Quy Nhơn, Huế, Kontum, Nha Trang; Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn cho các Giáo phận Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ và sau này cũng cho các Giáo phận Đà Lạt, Phú Cường, Xuân Lộc, Mỹ Tho, Long Xuyên… mới được thành lập năm 1960. [47]
Riêng với Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, trong cuộc họp tại Trung Tâm Công Giáo vào ngày 17 tháng 6 năm 1960, hai Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình và Tađêô Lê Hữu Từ quyết định thành lập cơ sở II Chủng viện Sài Gòn với tên gọi: Chủng viện Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. [48]
Với sự kiện thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam ngày 24 tháng 11 năm 1960, Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn cũng bước sang một trang sử mới. Sau khi nhậm nhiệm vụ Tổng Giám mục Sài gòn ngày mùng 2 tháng 4 năm 1961, với ý thức: “Chủng viện là con ngươi của Giám mục” Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã dành mọi tâm sức cho việc củng cố và phát triển Chủng viện.
Vào tháng 7 năm 1961, Đức Tổng Phaolô bổ nhiệm Cha Giuse Phạm Văn Thiên [49] làm Giám đốc Đại Chủng viện, đây là vị Giám đốc người Việt Nam đầu tiên của Chủng viện Sài Gòn. Năm 1962, Đại Chủng viện Sài Gòn với 2 cơ sở: Triết học tại Chủng viện Lê Bảo Tịnh do cha Đa Minh Trần Thái Hiệp làm Giám đốc và Thần học do cha Giuse Phạm Văn Thiên.
Do nhu cầu chủng sinh với số lượng ngày càng gia tăng, Đức Tổng Phaolô quyết định cho trùng tu và xây mới thêm cơ sở Chủng viện. Ngày lễ Thánh Giuse Bổn mạng 19 tháng 3 năm 1963, Đức Khâm sứ Salvatore Asta đã làm lễ khánh thành khu A Triết học, dọc theo đường Tôn Đức Thắng. Khu nhà C Thần học cho năm 3 và 4 cũng được hoàn tất ngày mùng 7 tháng 8 năm 1963.
Niên học mới 1963-1964, cơ sở Triết học tại Chủng viện Phaolô Lê bảo tịnh chuyển về Đại chủng viện Sài Gòn hiện nay. Cũng trong năm 1963 này, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn hân hoan mừng kỷ niệm 100 năm thành lập (1863-1963). [50]
Sau biến cố năm 1975, cùng với tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ, Đại Chủng viện Sài Gòn cũng trải qua rất nhiều những khó khăn. Năm 1982, Chủng viện tạm ngừng hoạt động cho đến năm 1986. Ngày 29 tháng 10 năm 1985, UBND Tp Hồ Chí Minh với Quyết định số 223/ QĐ-UB, Đại Chủng Viện Thánh Giuse chính thức được tái hoạt động. [51]
Ngày 18 tháng 12 năm 1986, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn chiêu sinh Khóa I với Chủng sinh thuộc 6 Giáo phận: Sài Gòn, Phú Cường, Mỹ Tho, Xuân Lộc, Đà Lạt và Phan Thiết. [52]
Năm 2006, Cơ sở II của Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn được thành lập tại Giáo phận Xuân Lộc, cơ sở này chịu trách nhiệm đào tạo linh mục cho các Giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Đà lạt và Phan Thiết. Cơ sở Đại Chủng viện Sài Gòn thu nhận Chủng sinh thuộc các Giáo phận: Sài Gòn, Mỹ Tho và Phú Cường. Từ năm 1986 đến nay, đã và đang có 14 khóa được chiêu sinh cho Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Thay lời kết
Nhìn lại đôi nét dòng lịch sử Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, chúng tôi không ngừng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì ân sủng và tình thương mà Thiên Chúa dành tặng cho Giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng cho Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Rất nhiều những hoa trái mà Đại Chủng viện Sài Gòn đã đóng góp cho Giáo Hội, cho công cuộc truyền giáo. Nhiều Giám mục và hàng ngàn linh mục xuất thân từ Ngôi Nhà Đại Chủng viện này đó là dấu chỉ cụ thể nhất của Công trình mà Thiên Chúa thực hiện cho Chủng viện trong dòng lịch sử 150 năm qua. “Tất cả là hồng ân!” Xin dâng lời ca khen, chúc tụng Thiên Chúa! Xin bày tỏ lòng cảm mến tri ân đối với các Thừa sai đã hy sinh cuộc sống, công sức, mồ hôi và cả máu đào để cho Đại Chủng viện Sài Gòn được hình thành, tồn tại và phát triển bền vững cho đến ngày hôm nay.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 70 (Tháng 5 & 6 năm 2012)
[1] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Đào tạo linh mục, số 4.
[2] Công đồng Trentô khai mạc ngày 13 tháng 12 năm 1545 và bế mạc ngày 4 tháng 12 năm 1563.
[3] Joseph LECLER, Henri HOLSTEIN, Pierre ADNÈS, Charles LEFÈBVRE, Le concile de Trente 1551-1563, Histoire des conciles œcuméniques, tome XI, Fayard 2005.
[4] Hermann TÜCHLE, C. A. BOUMAN et Jacques Le BRUN, Nouvelle Histoire de l’Église - Réforme et Contre Réforme, Tome III, Éditions du Seul, Paris VI, pp. 181-182.
[5] Qua sắc chỉ Super Cathedram, ngày mùng 9 tháng 9 năm 1659, ĐGH Alexandre VII đã chính thức thành lập Giáo hội Việt Nam. Ngài thành lập Hai Giáo phận Tông Tòa đầu tiên : Đàng Trong (Cochinchine) và Đàng Ngoài (Tonkin) và trao việc cai quản cho hai vị Giám mục tiên khởi : Pierre lambert de La Motte và François Pallu.
[6] Do hoàn cảnh tôn giáo, chính trị, xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ, các Thừa sai thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo chưa thể đến được vùng đất Đàng Trong và Đàng Ngoài. Do đó, năm 1664, ngay khi đặt chân đến Ayuthia, Hai vị Gm Pallu và Lambert de La Motte đã tổ chức Công nghị, qua đó, Công nghị Ayuthia quyết định thành lập Chủng viện.
[7] E.W. HUTCHINSON, Aventuriers au Siam, Publication de la société des Études Indochinoises, Saigon 1947, p. 55.
[8] Xem Les Missions étrangères, Trois siècles et Demi d’Histoire et d’Aventure en Asie, Edition Perrin, 2008, pp 327-339.
[9] Cha Pierre Langlois được gởi đến xứ Đàng Trong và ngài chịu tử đạo tại Huế năm 1700.
[10] Cha Pierre Langlois (1640-1700) đến Xiêm năm 1669, ngài làm Giám đốc chủng viện Ajuthia từ năm 1672-1680, là một nhà truyền giáo nổi, ngài tiếng thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Xiêm, tiếng Việt. Ngài đã soạn bộ từ điển và cuốn văn phạm tiếng Việt.
[11] Georges TABOULET, La geste Française en Indochine, tập I, tr. 39, của Georges Taboulet, Paris 1955.
[12] Theo bản đồ địa lý nước Xiêm và Cao Miên, Chantaboun là vùng đất thuộc Xiêm La chứ thuộc về đất Cao Miên. Phải chăng có sự lầm lẫn về địa lý trong tác phẩm của cha Antôn-Marie Trần Phổ, Ofm, tác giả quyển « Tỉnh Dòng Anh Em hèn mọn Việt Nam ». Xem bản đồ số……
[13] Antôn-Marie Trần PHỔ Ofm, trong “Tỉnh Dòng Anh Em hèn mọn Việt Nam", Tập I, sách lưu hành Nội bộ, tr. 157.
[14] Xem Adrien LAUNAY, Histoire de laMission de Cochinchine, Tom II, trang 426 (Bức thư của các Thừa sai dòng Phanxicô đề ngày 17/11/1766, gởi Cha Andrieux Giám đốc và cha Artaud, Giám học Chủng viện Hà Tiên.
[15] A.M.E, vol 744, p. 932; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, 1658-1823, quyển II, NXB Téqui 1924, tái bản năm 2000 bởi Hội thừa Sai Paris, tr 429-430.
[16] Louis Eugène LOUVET, La Cochinchine Religieuse, quyển I, tr 369 ; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, 1658-1823, quyển III, NXB Téqui 1924, tái bản năm 2000 bởi Hội thừa Sai Paris, tr 430, được trích lại trong Antôn-Marie Trần PHỔ Ofm, trong “Tỉnh Dòng Anh Em hèn mọn Việt Nam", Tập I, sách lưu hành Nội bộ, tr. 157.
[17] Victor BERNADIN DE ROUEN Ofm, Histoire Universelle des Missions Franciscaine, Telra, Paris 1898, Q. II, tr. 191.
[18] Xem L.-E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, Tome I, Paris Ernert Leroux, Éditeur 1885, tr. 385.
[19] PIANET, Histoire de la Mission du Cambodge, Bulletin des MEP, năm 1929, tháng 3 và 4. Số 87 và 88, tr. 152, 153 và 224. Xem L.-E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, Tome I, Paris Ernert Leroux, Éditeur 1885, tr. 384-385.
[20] Xem Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, NXB Téqui 1924, tái bản năm 2000 bởi Hội thừa Sai Paris.
[21] Xem thư Đức cha Guillaume Piguel viết cho bề trên Hội Thừa Sai paris ngày 21.7.1775 trong Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển II, NXB Téqui 1924, tái bản năm 2000 bởi Hội thừa Sai Paris, tr. 431-432. Xem. A.M.E, vol. 744, p. 589-590; vol. 745, p. 186; vol. 745, p. 210. Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển II, NXB Téqui 1924, tái bản năm 2000 bởi Hội thừa Sai Paris, tr. 432.
[22] Trần PHÚC LONG, Việt Nam 25 Giáo phận, Saint John The Baptist catholic Church, USA, tập I, tr. 157.
[23] Xem Bản đồ, Vị trí chủng viện Cây Quao được trích từ Annam Đại Quốc Họa đồ của đức cha Jean Louis Taberd vẻ năm 1838.
[24] Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, NXB Téqui 1924, tái bản năm 2000 bởi Hội thừa Sai Paris, chú thích 1, cuối trang 131
[25] L.-E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, Tome I, Paris Ernert Leroux, Éditeur 1885, tr. 400
[26] A.M.E.P, vol. 800, p. 1660 ; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 137.
[27] A.M.E.P, vol. 800, p. 1705 ; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 137.
[28] Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, NXB Téqui 1924, tái bản năm 2000 bởi Hội thừa Sai Paris, tr. 72.
[29] Cho đến nay, vẫn chưa xác định được vị trí của chủng viện tại Mặc Bắc.
[30] A.M.E.P, vol. 746, p. 69 ; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 84-87.
[31] A.M.E.P, vol. 801, p. 63 ; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 84-87.
[32] A.M.E.P, vol. 746, p. 346; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 265.
[33] A.M.E.P, vol. 801, p. 393; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 265.
[34] A.M.E.P, vol. 801, p. 399; vol. 746, p. 366 ; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 265 và 266.
[35] A.M.E.P, vol. 801, p. 566; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 267.
[36] A.M.E.P, vol. 746, p. 704; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 267.
[37] A.M.E.P, vol. 746, p. 770; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, quyển III, tr. 268.
[38] APF, vol. 7, p. 602.
[39] Phần này được viết dựa theo tài liệu từ Archives des MEP; Bách chu niên Kỷ yếu 1863-1963, Đại Chủng Viện Sài Gòn.
[40] Notice biographique số 741, WIBAUX, Théodore-Louis.
[41] Les Missions Catholiques, Số XI, 1879, trang 37, mục : Séminaire de Saïgon.
[42] Rapport Dumortier en 1928 n 793 - http://www.mepasie.org/?q=node/18487.
[43] Rapport Dumortier en 1928 n 793 - http://www.mepasie.org/?q=node/18487.
[44] Xem Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử Thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2010,, trang 113-135.
[45] Chiến tranh thế giới lần II diễn ra từ năm 1939 đến 1945.
[46] http://archives.mepasie.org/notices/notices-biographiques/lesouef.
[47] Văn thư số 274, Cuộc họp các Giám mục Miền Nam Việt Nam, ngày 12-04-1960.
[48] Chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh tọa lạc tại Đường Hoàng Hoa Thám, Gia định, Bình Thạnh, hiện nay là Giáo xứ Đức mẹ vô Nhiễm,
[49] Cha Giuse Phạm Văn Thiên, được bổ nhiệm là Giám mục tiên khởi của Giáo phận Phú Cường, được tấn phong Giám mục ngày 6 tháng 1 năm 1966.
[50] Xem Bách chu niên Kỷ yếu 1863-1963, Đại Chủng Viện Sài Gòn.
[51] Quyết định số 223/QĐ-UB, ký ngày 29 tháng 10 năm 1985 do ông Lê Quang Chánh, Chủ Tịch UBND Tp Hồ Chí Minh.
[52] Xem Kỷ yếu Đại Chủng viện Thánh Giuse sài Gòn, Khóa I, 1986-1992.
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 90 | Tổng lượt truy cập: 4,165,669