ĐHY VERSALDI : CÁC TRƯỜNG CÔNG GIÁO PHẢI ĐÀO TẠO NHỮNG CON NGƯỜI TỰ DO
"Căn tính không phải là một ý niệm phòng thủ, nhưng là một ý niệm chủ động. Theo nghĩa chúng ta có một số giá trị mà chúng ta đề nghị và không áp đặt cho bất kỳ ai, cũng bởi vì không phải chúng ta chọn học sinh vào trường của chúng ta, nhưng chính học sinh và các gia đình chọn trường chúng ta". ĐHY Giuseppe Versaldi đã giải thích ý nghĩa của Huấn thị mới có tựa đề "Căn tính của các trường Công giáo vì một nền văn hóa đối thoại". "Việc đối thoại là một yếu tố nền tảng của căn tính Công giáo, bởi vì chúng ta nhìn vào vị Thầy là Chúa Kitô, Đấng đã 'mở trường' bằng cách đi trên các nẻo đường, gặp gỡ mọi người, tập hợp tất cả mọi người, ngay cả những người có suy nghĩ khác".
Vatican News : Đó có phải là điều mà chúng ta hiểu khi nói về giáo dục rằng trường Công giáo là một "trường học cho mọi người"?
ĐHY Versaldi : Tôi trích dẫn một vị thánh lớn về giáo dục, thánh Gioan Boscô : "Giáo dục là việc của tâm hồn". Với văn kiện này, chúng tôi muốn đào tạo các cộng đồng trong đó luôn có sự quan tâm đến con người, nhất là lòng tôn trọng đối với người yếu nhất, và trong đó truyền tải chứng tá của tình yêu, vốn là đặc điểm chính của Giáo hội Công giáo.
Vatican News : Ngoài điều đó ra, đâu là những giá trị của một trường Công giáo?
ĐHY Versaldi : Nghiêm túc, kỷ luật, nghiên cứu, chuyên nghiệp, nhưng nhất là bầu khí bác ái và tôn trọng được gắn liền với các sức mạnh giáo dục khác. Một bạn trẻ phải cảm thấy được đồng hành, không phải trong một bầu khí nghiêm khắc hay mang tính khoa học, nhưng bởi những người tôn trọng, đề nghị, sửa chữa và cho phép xuất hiện một nhân cách tự do, với tư cách là công dân và với tư cách là Kitô hữu.
Vatican News : Liên quan đến các bạn trẻ, một chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ của các thế hệ mới đã bị tố giác nhiều lần, bao gồm cả bởi Đức Giáo hoàng. Một sự lệch lạc cả trong các mối tương quan tình cảm và xã hội, được làm rõ nét hơn bởi đại dịch. Làm thế nào sửa chữa nó và khuyến khích sự phát triển ?
ĐHY Versaldi : Kinh nghiệm về covid-19 đã làm chậm lại các giao tiếp xã hội, nhưng nó đã làm cho tầm quan trọng của chiều kích xã hội trở nên rõ ràng hơn : học tập, thảo luận, vui chơi cùng nhau, để thể hiện một xã hội trong đó mỗi người mang lại phần đóng của mình trong khi tôn trọng sự đóng góp của người khác. Các trường Công giáo của chúng ta phải là một ví dụ về điều đó và cũng là một phương tiện để các mô hình đối thoại, tình huynh đệ và dân chủ được trưởng thành trong xã hội.
Vatican News : Tiến trình trưởng thành này có bao gồm cả phạm vi tính dục không ? Đâu là cách tiếp cận của các trường Công giáo ?
ĐHY Versaldi : Chúng tôi thích nói về trưởng thành tình cảm hơn, vốn tự nhiên bao gồm sự trưởng thành tính dục, trong đó tính dục được hiểu theo nghĩa toàn thể của nó, như Thiên Chúa đã muốn. Các mối quan hệ yêu đương phải là một chủ đề được chấp nhận trong các trường học của chúng tôi chứ không bị kiểm duyệt. Cũng không được phó thác vào trào lưu trần tục vốn trình bày những mô hình ít khả tín. Do đó, song song với việc giáo dục, cần phải có một nền đào tạo nhằm truyền đạt lòng tôn trọng con người và khái niệm đích thực về tình yêu, vốn không hệ tại giành lấy và chiếm hữu, nhưng là trao hiến lẫn nhau.
Vatican News : Giáo dục tình cảm/tính dục là một trong những vấn đề thường được gia đình « ủy quyền », tự nguyện hay không, cho nhà trường. Và chính mối tương quan giữa cha mẹ và giáo viên mà giáo dục ngày nay làm nổi bật nhất, kêu gọi canh tân sự hợp tác lẫn nhau…
ĐHY Versaldi : Đó là một trong những điểm nền tảng. Không chỉ sự hợp tác gia đình-trường học, nhưng còn sự hợp tác giữa các giáo xứ, các hiệp hội và các tổ chức công cộng. Chính Hiệp ước giáo dục toàn cầu này mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta. Chỉ khi có sự đồng ý trung thực về những điểm nền tảng của nền nhân học Kitô giáo – vốn là nền nhân học về con người – thì điều đó mới giúp chúng ta phát triển. Vì thế, hy vọng rằng một cộng đồng giáo dục toàn diện sẽ có thể hình thành, bao gồm nhà trường và gia đình. Trước hết là gia đình, là người gìn giữ việc chọn lựa giáo dục các giá trị được trao cho con cái của mình. Cho dù thời gian qua, như chúng tôi đã nói, nhiệm vụ này thường được ủy quyền, với những hậu quả tiêu cực.
Vatican News : Làm thế nào những thách thức này có thể được giải quyết trong thực tế ?
ĐHY Versaldi : Bằng cách cùng nhau làm việc để đào tạo các nhà đào tạo. Các giáo viên của chúng ta phải được đào tạo để truyền đạt các ý tưởng nhưng còn để tạo nên một cộng đồng, và vì thế phải được chuẩn bị cho việc đối thoại với các gia đình, với Giáo hội địa phương và các cơ sở giáo dục khác trong khu vực. Nói tóm lại, các nhà đạo tạo của chúng ta, các giáo viên của chúng ta, không thể chỉ là các công chức.
Vatican News : Làm thế nào để việc giáo dục nằm trong con đường hiệp hành mà Đức Giáo hoàng mong muốn?
ĐHY Versaldi : Chính xác nó cũng y như thế. Với tư cách là Bộ, chúng tôi muốn mang lại sự đóng góp không phải là độc đoán, nhưng nhắm đến việc thảo luận và suy tư với tinh thần tự do, không khép kín, với sự đóng góp của Giáo triều Rôma và các Giáo hội địa phương. Hơn nữa, sự đóng góp này từ phía chúng tôi đáp ứng một yêu cầu của nhiều Giám mục đến viếng thăm ad limina, đã yêu cầu chúng tôi làm rõ và cập nhật về mối tương quan giữa các Giám mục và các trường Công giáo, theo quan điểm căn tính nhưng còn những vấn đề kỷ luật khác nhau khi có các tai tiếng hay những mâu thuẫn xuất hiện.
Vatican News : Về điểm sau cùng này, văn kiện nêu rõ rằng một nhân viên có thể bị sa thải nếu họ không tôn trọng các điều kiện của trường Công giáo và việc thuộc về cộng đồng của Giáo hội. Đức Hồng y có thể giải thích điều này ?
ĐHY Versaldi : Đó xem ra là điều trái ngược. Chính dưới ánh sáng của một số hiểu lầm nảy sinh trong những năm gần đây, mà chúng tôi muốn tái khẳng định, với nền giáo dục, nguyên tắc tiệm tiến và tương xứng, để không bao giờ có đối đầu nhưng luôn có đối thoại.
Tý Linh chuyển ngữ từ VaticanNews
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 95 | Tổng lượt truy cập: 4,174,202