GIAI ĐOẠN CHÂU LỤC
MỘT BƯỚC CHƯA TỪNG CÓ TRONG
TIẾN TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG
Diễn văn chào mừng Đại hội Hồng y Mario Grech
Tổng thư ký Thượng Hội đồng
Trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan
Sampran, Bangkok, Thái Lan,
24.02.2023
Thật là một vinh dự và đặc ân khi tôi được gặp gỡ anh chị em tại Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội tại Châu Á. Được gợi hứng từ những lời Đức Tổng Giám mục Tokyo His Grace Tarcisio Isao Kikuchi S.V.D., Tổng thư ký của FABC, đã chia sẻ trong bài giảng thánh lễ sáng nay, tôi muốn nói với anh chị em rằng tôi và phái đoàn từ Văn phòng Tổng thư ký đến đây không phải để giảng dạy hoặc giám sát công việc của anh chị em, nhưng sự hiện diện của chúng tôi chỉ đơn thuần là một tuyên bố rằng: Tòa Thánh không “quên” anh chị em! Thứ Hai tuần trước, tôi đã có cuộc yết kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô và tôi thưa với ngài rằng chúng tôi sẽ đến Bangkok. Đức Thánh Cha đã yêu cầu tôi chuyển đến anh chị em phép lành của ngài như một người cha. Điều này có nghĩa là, ngay cả Đức Thánh Cha cũng không “quên” anh chị em đâu! Ngài đang theo sát tiến trình này. Chúng tôi tin chắc rằng Giáo hội tại Châu Á có rất nhiều điều để đóng góp cho tiến trình Hiệp hành. Đồng thời, cho phép tôi nói lên rằng sự hiện diện của anh chị em ở đây là một xác nhận rằng anh chị em đã không “quên” chúng tôi - bởi vì có những trường hợp khi ai đó cố gắng truyền tải thông điệp rằng mối liên kết giữa trung tâm và các Giáo hội địa phương là lỏng lẻo hoặc thậm chí đứt quãng! Nhưng ngay cả tiến trình Hiệp hành này cũng ngụ ý Giáo hội muốn gửi đi sứ điệp rằng không ai bị lãng quên; cần có một Giáo hội Hiệp hành đối với việc loan báo Tin Mừng - để chúng ta có thể truyền tải tin mừng rằng Chúa không quên nhân loại (x. Is 49, 14-16).
"Một Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội biết lắng nghe". Tôi mở đầu bài phát biểu của mình với câu trích dẫn này từ diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục (15. 10. 2015), bởi vì điều này cho phép chúng ta xác định rõ giai đoạn mà chúng ta đang tiến hành. Trên thực tế, giai đoạn Châu lục tạo thành một thời điểm lắng nghe xa hơn mà Giáo hội gọi là: "lắng nghe lẫn nhau, trong đó mỗi người có một điều gì đó để học hỏi. Các tín hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: người này lắng nghe người kia; và tất cả cùng lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần Khí sự thật’ (Ga 14, 17), để biết Ngài ‘nói gì với các Giáo Hội’ (Kh 2, 7)”.
Nguyên tắc lắng nghe này là nền tảng cho toàn bộ tiến trình Hiệp hành, được nêu rõ trong các giai đoạn mà Tông hiến Episcopalis communio đã thiết lập, biến đổi Thượng Hội đồng từ một sự kiện thành một tiến trình. Với giai đoạn Châu lục, chúng ta sẽ kết thúc giai đoạn đầu tiên, giai đoạn trong các Giáo hội địa phương và các nhóm. Tôi muốn đọc lại lộ trình đã đi cho đến nay trong một văn bản khái quát hơn mà tôi giao cho anh chị em cân nhắc. Suy tư về giai đoạn trước - việc thỉnh ý Dân Chúa trong các Giáo hội địa phương và sự phân định của các vị Mục tử trong các Hội đồng Giám mục, và các cơ quan tương đương của các ngài trong các Giáo hội Đông phương - sẽ giúp chúng ta định vị tốt hơn sự kiện mà chúng ta đang cử hành.
Nhưng tôi muốn nêu bật hai khía cạnh của cuộc hành trình này cho đến nay, trước khi đề cập đến những điểm ảnh hưởng trực tiếp hơn đến giai đoạn Châu lục.
Trước hết, mọi người cần thấy rõ rằng sự thành công của tiến trình này phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của Dân Chúa và các Mục tử (cũng là thành phần của Dân Chúa). Việc thực thi đúng đắn tính Hiệp hành không bao giờ đặt hai chủ thể này vào thế cạnh tranh, nhưng giữ họ trong mối tương quan bền vững, cho phép cả hai chu toàn chức năng thích hợp của mình. Việc thỉnh ý trong các Giáo hội địa phương đã giúp Dân Chúa thực hiện cách thức thích hợp đó để tham gia vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô, được thể hiện trong cảm thức đức tin của tất cả những ai đã chịu phép rửa. Nhưng hành vi mang tính giáo hội này đã không diễn ra nếu không có các Giám mục (hoặc tệ hơn, chống lại các ngài): mỗi vị Mục tử khởi xướng việc thỉnh ý trong Giáo hội của mình và tất cả cùng nhau, trong các Hội đồng Giám mục tương ứng, thực hiện chức năng phân định phù hợp với nhiệm vụ giảng dạy. Chúng ta đã có thể coi tính năng động của sự hiệp thông này là hoa trái của trải nghiệm Hiệp hành, một trải nghiệm xua tan một vài nỗi sợ hãi ban đầu. Việc cho Dân Chúa tham gia tích cực vào đời sống Giáo Hội không làm giảm đi bất cứ điều gì của thừa tác vụ phẩm trật; trái lại, nó tăng cường và thể hiện chức năng không thể thiếu của phẩm trật trong đời sống Giáo hội.
Thứ đến: tầm quan trọng của việc lắng nghe. Lắng nghe là để lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng nói với Giáo hội. Lời tuyên bố “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe” không thể và không bị giản lược thành một cụm từ hoa mỹ. Nếu đúng Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe, thì nó phải luôn là như thế. Đối với nhiều người, việc lắng nghe tương ứng với sự lãng phí thời gian vô ích, điều này ủng hộ và thậm chí biện minh cho những người trong Giáo hội muốn gây ra tranh cãi, cho phép họ gây khó khăn cho tiến trình đã dự định. Tuy nhiên, sẽ thật quái lạ nếu chúng ta giả vờ đạt được một sự đồng thuận trong một Thượng hội đồng về tính Hiệp hành, tất nhiên cũng về Giáo hội Hiệp hành, mà không thực hành đầy đủ nguyên tắc hỗ trợ và điều chỉnh việc thực thi tính Hiệp hành. Trong Tài liệu chuẩn bị, chúng ta được yêu cầu lắng nghe tất cả mọi người, ngay cả những người ở xa nhất, nhưng trong thực tế có lẽ việc lắng nghe dành cho những người đang tham gia trong đời sống của Giáo hội lại bị coi thường. Những lời chỉ trích trút xuống sự chỉ dẫn này, như thể chúng ta muốn ủng hộ một số người bằng cái giá phải trả của những người khác. Nhưng không, mọi người có nghĩa là tất cả mọi người, không loại trừ ai.
Về vấn đề này, tôi cảm thấy cần phải nhấn mạnh rằng, chính xác là từ giai đoạn Châu lục này, chúng ta phải chú ý hơn đến những tiếng nói 'bên trong' Giáo hội, đặc biệt là những tiếng nói kích động và thường làm xáo trộn thân mình giáo hội. Trong cuộc thỉnh ý, chúng ta được lắng nghe tất cả các tiếng nói, trừ tiếng nói của những người chưa cất tiếng vì họ không thể hoặc không muốn nói. Chúng ta cũng đã lắng nghe sự thinh lặng! Chúng ta cũng đã lắng nghe những người không tham gia! Nếu một người không thể nói là bởi vì chúng ta đã thất bại trong việc lắng nghe, chúng ta được kêu gọi để xác định xem chúng ta đã thất bại từ đâu. Nhưng nếu một người không muốn nói, chúng ta phải hiểu lý do của họ.
Hãy tránh những lối tắt dễ dàng! Cách đúng nhất cho việc lắng nghe là tạo ra những 'địa điểm' mà mọi người đều có thể nói; những nơi gặp gỡ mà mọi người cảm thấy họ được lắng nghe. Sự thật trong Giáo hội không phụ thuộc vào giọng điệu và âm lượng của các lời tuyên bố, nhưng phụ thuộc vào sự đồng thuận mà nó có thể tạo ra một cách chính xác từ việc lắng nghe lẫn nhau. Về một vấn đề mang tính quyết định như “Giáo hội hiệp hành từ nền tảng”, chúng ta không được ngại tham gia thảo luận với nhau: không phải lý lẽ của chúng ta sẽ thuyết phục chúng ta, mà là Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa Giáo hội vào chân lý toàn vẹn (x. Ga 16,13).
Tất cả chúng ta đều được kêu gọi, trong lương tâm, để đưa ra câu trả lời của mình: từ những người vững tin sâu xa, đến những người vẫn còn nghi ngờ, và đến cả những người công khai chống đối. Không phải bằng cách lên tiếng chống lại tiến trình Hiệp hành bên ngoài những địa điểm lắng nghe mà chúng ta xây dựng sự hiệp thông. Không ai bị ngăn cấm để nói. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu xin Thần Khí tăng thêm việc nói mạnh dạn, nói lên trọn vẹn niềm tin của mình, nhưng cũng để lắng nghe tiếng nói của người khác một cách trọn vẹn. Từ việc lắng nghe nhau sẽ dẫn đến việc thoả thuận cho phép chúng ta nhận thức không chỉ về việc Giáo hội có phải là Giáo hội hiệp hành từ nền tảng hay không, mà còn là hình thức Hiệp hành nào mà Thần Khí dự định trao cho Giáo hội.
Các Đại hội Châu lục, vốn tạo thành hành động phân định mang tính giáo hội xa hơn, có thể đóng một vai trò quyết định trong lĩnh vực này. Sau khi lắng nghe trên phạm vi rộng như vậy với sự thỉnh ý Dân Chúa và sự phân định của các Hội đồng Giám mục, các Đại hội Châu lục được giao phó một nhiệm vụ cơ bản trong tiến trình Hiệp hành: phân định xem nội dung của Tài liệu dành cho giai đoạn Châu lục có tương ứng với sự hiểu biết về tính Hiệp hành như được các Giáo hội tại Châu lục thể hiện hay không và ở mức độ nào. Về nhiều vấn đề nảy sinh từ các Giáo hội riêng lẻ và đã được các Hội đồng Giám mục tương ứng ghi nhận, có những mức độ nhạy cảm khác nhau, đôi khi rất khác nhau nhưng đôi khi lại rất giống nhau giữa các Châu lục: điều căn bản là mỗi Đại hội phải đánh giá kỹ lưỡng những vấn đề này, nói một cách tự do và thẳng thắn những vấn đề nào phù hợp với chủ đề của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục và những vấn đề nào sẽ là nguồn gốc của sự chia rẽ trong Giáo hội.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là danh sách các chủ đề được tìm thấy trong Tài liệu Làm việc không cấu thành chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng, như tôi và Đức Hồng y Hollerich đã lặp lại trong lá thư mới đây của chúng tôi gửi cho tất cả các Giám mục. Điều này không thể xảy ra, không chỉ bởi vì số lượng chủ đề có trong Tài liệu Làm việc sẽ không thể đảm nhận và mỗi chủ đề cần phải được phân định nghiêm túc, mà còn vì chủ đề của Thượng Hội đồng đã có sẵn: “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ mạng”. Đây hoàn toàn không phải là một sự áp đặt làm giảm quyền tự do ngôn luận, mà là một hành động tôn trọng Giáo hội và những người đã cống hiến hết mình để đào sâu chủ đề này.
Đây là sự phân định mà Văn phòng Thư ký của Thượng Hội đồng chờ đợi từ giai đoạn Châu lục, để trên cơ sở các tài liệu được tạo ra bởi bảy Đại hội Châu lục, Văn phòng này có thể soạn thảo một Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) cho Đại Hội chung, đích thực là sự thể hiện của sự hiệp thông giáo hội. Thật là tốt đẹp nếu có thể thực hiện được điều này, với sự chắc chắn rằng các tài liệu do các Đại hội Châu lục đưa ra là thành quả của sự phân định về Tài liệu dành cho giai đoạn Châu lục, vốn cũng sẽ lưu ý đến các nhận xét từ các Giáo hội địa phương riêng lẻ và từ các Hội đồng Giám mục của Châu lục.
Điều này đủ để cho thấy tầm quan trọng của giai đoạn Châu lục. Chúng tôi thường lặp đi lặp lại rằng trong Hiệp hành tính, tất cả chúng ta đều là những người học việc. Hiện nay, khi kết thúc giai đoạn thứ nhất, chúng ta vẫn là những người học việc, nhưng có nhiều kinh nghiệm hơn, do đó có nhiều năng lực và trách nhiệm hơn. Đó là vấn đề tiến thêm một bước nữa trên con đường tiến tới Hiệp hành tính, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó cho giai đoạn trung gian này của tiến trình Hiệp hành với tất cả khả năng của chúng ta.
Hơn nữa, sự phân định đòi hỏi của các Đại hội Châu lục không phải là một hành động biệt lập có thể bỏ qua việc thỉnh ý Dân Chúa trong các Giáo hội địa phương và sự phân định trong các Hội đồng Giám mục. Trên thực tế, đó là một “giai đoạn”, một thời điểm quan trọng trong hành trình của chúng ta hướng tới mục tiêu của Thượng Hội đồng này, đó là sự hiểu biết trọn vẹn về hình thức Hiệp hành của Giáo hội, đặc biệt là trong 3 yếu tố thể hiện sự Hiệp hành này: Hiệp thông, Tham gia và Sứ mạng.
Tôi muốn bày tỏ một xác tín mà chúng ta đạt được khi tiến trình Hiệp hành tiến triển: Thần Khí đang dẫn dắt chúng ta theo lộ trình Công giáo tiến đến Hiệp hành tính. Anh em Chính thống giáo của chúng ta đã bảo tồn hình thức Thượng hội đồng cổ xưa, mà không hợp thành một thể thống nhất với quyền ưu tiên của Giáo hội và Giám mục Roma, Đấng kế vị Thánh Phêrô; anh em của chúng ta trong các Giáo hội và Cộng đồng Cải cách đã phát triển tính Hiệp hành của Dân Chúa, nhưng lại coi thường chức năng xứng hợp của các Mục tử. Mong muốn của chúng ta là bảo tồn di sản của một Truyền thống luôn giữ tính Hiệp hành, tính Hiệp đoàn và tính Ưu tiên trong mối tương quan như những yếu tố cần thiết và không thể thay đổi của tiến trình Hiệp hành, được xây dựng trên các chức năng tương ứng của Dân Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Roma; về điều này, các Giáo hội Công giáo Đông phương có thể giúp chúng ta rất nhiều, mà, cùng với việc thực thi tính Hiệp hành, đặc trưng của Kitô giáo Đông phương, hiệp nhất trung thành với Tòa thánh. Tôi chắc chắn rằng bằng lộ trình này, cũng có thể đạt được tiến bộ trong đối thoại đại kết. Xin Thần Khí của Chúa Phục Sinh hướng dẫn bước chân của chúng ta và ban cho chúng ta can đảm để bước đi trên lộ trình Hiệp hành, mà tôi hết lòng tin tưởng – là một lộ trình mà Chúa đang mở ra cho Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 188 | Tổng lượt truy cập: 3,052,347