Đức Thánh Cha đã lên chương trình gặp gỡ Ủy ban Quốc tế của Do Thái về Tham vấn Liên tôn vào sáng 30/6/2022, nhưng vì đau đầu gối nên ngài phải huỷ buổi tiếp kiến. Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, trao cho các thành viên của Uỷ ban.
Đối thoại - dấu hiệu của sự quan phòng
Theo Đức Thánh Cha, "đối thoại giữa các tôn giáo là một dấu hiệu của thời đại" và đó là "một dấu hiệu của sự quan phòng, theo nghĩa là chính Thiên Chúa, trong kế hoạch khôn ngoan của Người, đã gợi lên trong lòng các nhà lãnh đạo tôn giáo và nhiều người khác ước muốn gặp gỡ và hiểu biết nhau theo cách tôn trọng sự khác biệt tôn giáo."
Làm chứng cho Thiên Chúa của lòng thương xót và công lý
Ngài lưu ý rằng người Do Thái và Kitô hữu "được kêu gọi cùng nhau làm chứng cho Thiên Chúa của lòng thương xót và công lý, Đấng yêu thương và chăm sóc tất cả mọi người."
Đức Thánh Cha cũng khẳng định, "Truyền thống tôn giáo của chúng ta yêu cầu chúng ta giải quyết những bất đồng, khác biệt và xung đột không theo cách đối đầu, nhưng theo cách không thành kiến, với ý hướng hòa bình và với mục đích tìm kiếm các lĩnh vực thỏa thuận được tất cả mọi người chấp nhận." Ngài nói thêm rằng hận thù và bạo lực "không phù hợp với đức tin của chúng ta" vào một Thiên Chúa thương xót và nhân từ, đồng thời tái lập lại cam kết của Giáo hội "chống lại mọi hình thức chống chủ nghĩa bài Do Thái."
Đối thoại và tình huynh đệ
Đức Thánh Cha kết luận rằng đối thoại liên tôn "là một con đường đặc biệt để phát triển tình huynh đệ và hòa bình trong thế giới của chúng ta," điều có thể giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan, bao gồm cả chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Ngài kêu gọi cầu nguyện để "Chúa sẽ tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên con đường đối thoại và tình huynh đệ này." (CSR_2769_2022)
Hồng Thủy
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 93 | Tổng lượt truy cập: 4,172,956