G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, đến phần tôn vinh Lời Chúa, với đoạn sách ngôn sứ Hosea (Os 11,1.3-2) được công bố bằng tám thứ tiếng:
“Khi Israel còn là một trẻ nhỏ, Ta đã yêu mến con và từ Ai Cập, Ta đã gọi con Ta [...]. Ta đã cầm tay dạy Efraim bước đi, [...], Ta đã kéo chúng bằng những mối dây từ nhân, với những mối dây yêu thương, Ta ở cạnh chúng, như người nâng bé lên tới má, Ta đã cúi xuống con, để cho con ăn”.
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ tám này mang tựa đề: “Thánh Giuse, người cha dịu dàng”.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, tôi muốn đào sâu chân dung thánh Giuse như người cha dịu dàng.
Trong Tông thư “Patris corde”, từ tâm lòng người Cha (8-12-2020), tôi đã suy tư về khía cạnh này trong nhân cách của thánh Giuse. Thực vậy, cả các Tin mừng cũng không cho chúng ta những chi tiết về cách thức thánh nhân thực thi tình phụ tử, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng tư cách là người “công chính” của thánh nhân cũng được biểu lộ trong việc giáo dục Chúa Giêsu. “Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu lớn lên mỗi ngày “trong khôn ngoan, càng thêm tuổi càng thêm ân phúc trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,52). Như Chúa đã làm với Israel, Ngài “đã cầm tay dạy con bước đi”, đối với Israel Chúa như người cha nâng con lên đến má, cúi mình trên con để cho con ăn” (Os 11,3-4)” (Patris corde, 2).
Các Tin mừng làm chứng rằng Chúa luôn dùng từ “Cha” để nói về Thiên Chúa và tình thương của Người. Nhiều dụ ngôn có nhân vật chính là hình ảnh người cha. Trong số những dụ ngôn nổi tiếng nhất chắc chắn là dụ ngôn “Người Cha thương xót”, được thánh sử Luca thuật lại (Xc Lc 15,11-32). Chính trong dụ ngôn này, ngoài kinh nghiệm về tội lỗi và tha thứ, có nhấn mạnh đến cách thức sự tha thứ được ban cho cho người đã lầm lạc. Văn bản kể thế này: “Khi người con còn ở xa xa, người cha trông thấy và xúc động chạy ra gặp con, ôm cổ con và hôn” (v.20). Người con chờ đợi hình phạt, và công lý tối đa mà người con ấy nghĩ mình đáng bị là một chỗ nơi những người đầy tớ, nhưng anh ta lại được vòng tay ôm của người cha bảo bọc. Sự dịu dàng là cái gì lớn hơn lý lẽ của trần thế. Đó là một cách thức thực hiện công lý không ngờ. Chính vì thế chúng ta không bao giờ được quên rằng Thiên Chúa không kinh hãi vì những tội lỗi của chúng ta, vì những sai lầm, sa ngã của chúng ta, nhưng vì sự khép kín của tâm hồn chúng ta, thiếu niềm tin nơi tình thương của Ngài. Có một sự dịu dàng lớn lao trong kinh nghiệm về tình thương của Thiên Chúa. Thật là đẹp khi nghĩ rằng người đầu tiên thông truyền cho Chúa Giêsu thực tại ấy chính là thánh Giuse. Thực vậy, những gì của Thiên Chúa đến với chúng ta luôn qua trung gian của những kinh nghiệm con người.
Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi chúng ta có cảm nghiệm sự dịu dàng ấy, và đến lượt chúng ta, chúng ta có trở thành những chứng nhân về sự dịu dàng hay không. Thực vậy, sự dịu dàng trước tiên không phải là vấn đề cảm xúc hay tình cảm: đó là kinh nghiệm cảm thấy được yêu thương và đón nhận chính trong sự nghèo nàn và lầm than của chúng ta, và vì thế được tình thương của Thiên Chúa biến đổi.
Thiên Chúa không chỉ tín nhiệm nơi những tài năng của chúng ta nhưng cả nơi sự yếu đuối được cứu chuộc của chúng ta. Ví dụ, điều này đã làm cho thánh Phaolô nói rằng cũng có một dự án về sự dòn mỏng yếu đuối của chúng ta. Thực vậy, thánh nhân đã viết cho cộng đoàn Corinto: “Để tôi không lên mặt tự kiêu, một cái dằm đã được cắm vào thân xác tôi, một sứ giả của Satan đánh đập tôi [...]. Và thế ba lần tôi đã cầu xin Chúa cất cái đó ra khỏi tôi. Nhưng Ngài nói: “Ơn Ta đủ cho con; thực vậy, sức mạnh được biểu lộ hoàn toàn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,7-9).
Kinh nghiệm về sự dịu dàng hệ tại nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa tiến qua điều làm cho chúng ta mong manh hơn; nhưng với điều kiện chúng ta ngoảnh mặt đi khỏi cái nhìn của ma quỉ, nó “làm cho chúng ta nhìn với phán đoán tiêu cực sự dòn mòng yếu đuối của chúng ta”, trong khi Chúa Thánh Linh “đưa sự yếu đuối ấy ra ánh sáng của sự dịu dàng” (Patris corde, 2). “Chính sự dịu dàng là cách thức tốt nhất để động chạm đến điều mong manh nơi chúng ta [...]. Vì thế, điều quan trọng là gặp gỡ lòng Thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt trong bí tích Hòa giải, cảm nghiệm sự thật và sự diu dàng. Một điều nghịch lý là ma quỉ có thể nói với chúng ta sự thật, nhưng, nếu hắn làm là vì để kết án chúng ta. Nhưng chúng ta biết rằng Sự Thật đến từ Thiên Chúa không bao giờ lên án chúng ta, nhưng đón nhận chúng ta, ôm lấy, nâng đỡ, tha thứ cho chúng ta” (Patris cordde, 2).
Vì thế thật là điều tốt cho chúng ta nếu chúng ta nhìn bản thân qua chiếc gương soi tình phụ tử của thánh Giuse và tự hỏi xem chúng ta có để cho Chúa yêu thương chúng ta với sự dịu dàng của Ngài hay không, biến đổi mỗi người chúng ta thành những người nam, nữ có khả năng yêu thương như thế. Nếu không có “cuộc cách mạng dịu dàng” này, chúng ta có nguy cơ bị cầm hãm trong một thứ công lý không để cho trỗi dậy dễ dàng và lẫn lộn ơn cứu chuộc với hình phạt. Vì thế, ngày hôm nay tôi muốn đặc biệt nhắc đến các anh chị em chúng ta đang ở trong các nhà tù. Điều đúng là ai lầm lỗi thì phải trả giá về lỗi lầm của mình, nhưng cũng là một điều đúng hơn, đó là ai sai lầm thì có thể tự chuộc những sai lầm của mình.
Và chúng ta hãy kết thúc với kinh nguyện này:
Lạy thánh Giuse, là cha dịu dàng, xin dạy chúng con chấp nhận mình được yêu thương chính vì trong chúng con có sự yếu đuối hơn. Xin làm cho chúng con đừng đặt chướng ngại nào giữa sự nghèo nàn của chúng con và sự cao cả của tình thương Thiên Chúa.
Xin khơi lên trong chúng con ước muốn đến gần Bí tích Hòa giải để được tha thứ và cũng được khả năng yêu thương dịu dàng các anh chị em chúng con trong sự nghèo nàn của họ.
Xin gần gũi những người đã lầm lạc và vì thế họ đang phải trả giá vì sai lầm của họ; xin giúp họ, cùng với công lý, tìm được sự dịu dàng để có thể tái bắt đầu. Và xin dạy họ rằng cách thức đầu tiên để bắt đầu lại là chân thành xin lỗi. Amen
Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha, như thường lệ, được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.
Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến vụ núi lửa giữa lòng đại dương phun mạnh, cạnh quần đảo Tonga trong Thái Bình Dương, hôm 15 tháng Giêng vừa qua, gây thiệt hại rất lớn về vật chất. Đức Thánh cha liên đới và kêu gọi trợ dân chúng tại quần đảo này.
Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào nhiều linh mục tham dự khóa thường huấn thần học, tại Giáo hoàng Học viện Bắc Mỹ. Ngài cũng nhắc nhở các tín hữu trong Tuần cầu cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô này hãy cầu nguyện để tất cả các môn đệ của Chúa Kitô kiên trì trên con đường hiệp nhất.
Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu hành hương rằng nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu đã chịu phép rửa là dấn thân cho điều Chúa Giêsu mong muốn, đó là “tất cả được nên một”: “Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện để tất cả các tín hữu Kitô, nhờ khám phá sự dịu dàng của tình Chúa thương yêu, yêu thương nhau.”
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các thành viên Tổng tu nghị của dòng Nữ tử Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, quen gọi là dòng cha Ravasco, các nữ tu dòng Mẹ Thiên Chúa đến từ Rumani, các học viên Trường Thanh Tra và Chỉ huy Quan thuế ở thành L’Aquila. Ngài cũng chào thăm các nhân viên hãng hàng không AirItaly mới được thành lập và cầu mong tình trạng làm việc của họ tìm được một giải pháp tích cực, trong sự tôn trọng các quyền của tất cả mọi người, nhất là của các gia đình.
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở họ rằng Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, bắt đầu hôm 18 tháng Giêng vừa qua, mời gọi chúng ta tha thiết cầu xin Chúa hồng ân hiệp nhất trọn vẹn giữa mọi tín hữu.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
Nguồn tin: https://vietnamese.rvasia.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 114 | Tổng lượt truy cập: 4,175,950