Ngọc Yến
Cuốn sách dày 194 trang có phụ đề là “Đổi đời? Trong mỗi người có một bờ khác để đi đến” và tác giả là cha Benito Giorgetta, linh mục coi sóc giáo xứ thánh Timôthê ở Termoli, nam Ý. Ngoài mục vụ giáo xứ, cha Giorgetta còn làm tuyên uý nhà tù và đặc trách một ngôi nhà dành cho những tù nhân bị quản chế, tạm tha.
Trong lời tựa cuốn sách, Đức Thánh Cha viết: “Không bao giờ được đổ lỗi cho người khác nhằm giảm tội mình. Bởi vì, phạm lỗi lầm chỉ là một lúc nào đó trong cuộc đời, không phải là tình trạng cuối cùng và duy nhất. Trái lại, cần phải giúp đỡ mọi người, bằng tình thương, vượt lên trên lỗi lầm”.
Ngài nhấn mạnh rằng, tình huynh đệ là cái neo ơn cứu độ cho nhân loại và sửa lỗi huynh đệ là điều rất quan trọng, vì đó là cử chỉ yêu thương anh chị em. Sửa lỗi không có nghĩa là để tỏ ra mình vượt trội hoặc tốt hơn người khác, nhưng là nhằm giúp đỡ anh chị em vượt qua khó khăn, gánh vác vấn đề của họ vì họ yếu đuối, và nếu không có bờ vai nâng đỡ, họ sẽ ngã. Hơn nữa, trong khi sửa lỗi không được trách mắng anh chị em vì lỗi của họ, nhưng bằng cách trở thành người lân cận, giúp họ vượt qua lỗi lầm. Như thế họ sẽ được chữa lành vì đã cảm nhận được tình yêu và khao khát được yêu.
“Nếu bạn để người khác ở trong lỗi lầm của họ, không sửa chữa họ, bạn là người đồng chịu trách nhiệm, điều này giống như những người chứng kiến những vụ tai nạn trên đường, nhưng bỏ qua không dừng lại”, Đức Thánh Cha khẳng định, đồng thời liệt kê một loạt các phản ứng cụ thể, thiết thực, cũng như cách làm mục vụ của ngài: “Trước hết, tôi phải cung cấp cho người phạm lỗi những gì họ cần. Yêu thương thật lòng, đau khổ vì những lỗi lầm họ gây ra. Và sau đó cầu nguyện cho người đó, bởi vì cầu nguyện làm cho tôi trở thành đôi tay của Thiên Chúa, dấu chỉ sự chăm sóc của Chúa qua sự hiện diện của tôi. Chúa Thánh Thần sẽ làm phần còn lại”.
Đức Thánh Cha đề nghị thêm: “Cần phải đi trước và không được có thái độ bề trên trong khi sửa lỗi huynh đệ”. Và theo ngài điều này đã được tác giả cuốn sách thực hành. Linh mục tuyên uý này đã can đảm chọn lựa dấn thân trong những môi trường nguy hiểm như mafia. Hạt giống được gieo ngay cả ở những vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tai họa của mafia. Như mọi hạt giống, đón nhận cơn mưa, được chăm bón và nảy mầm, như thế chứng tá của một mafia có thể bén rễ trong lương tâm và nhạy cảm của những người muốn một xã hội có chỗ cho quyền con người, và phẩm giá được công nhận cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu đuối, bị loại bỏ và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, chúng ta có thể thay đổi, bằng cách không để mình bị chôn vùi bởi điều xấu đã phạm. Chúng ta luôn có thể đi đến bờ bên kia ngay cả khi hành trình mệt mỏi và đầy nguy hiểm. Điều quan trọng là không cảm thấy đơn độc nhưng được đồng hành. Như lời mời gọi của Chúa Giêsu với các môn đệ: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia”. Có Chúa, chúng ta không đơn độc.
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 182 | Tổng lượt truy cập: 4,174,402