Ngày 22/8 - Đức Maria Trinh Nữ Vương - Bổn mạng Hội Dòng

  • 15/01/2023 21:08
  • Sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời (01.11.1954), Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là: "Sự cứu rỗi của dân thành Rôma và toàn thế giới”. Khi được Thiên Chúa tôn phong, Mẹ đảm nhận vai trò: "Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian”.

     

    Ngày 22 tháng 8

    LỄ ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG

    BỔN MẠNG HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH

    I.  ĐỨC MARIA - NỮ VƯƠNG - Enzo Lodi

    1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

    Lễ Đức Maria nữ vương được Đức Piô XII thiết lập năm 1955 vào ngày 31 tháng 5, nay chuyển sang tám ngày sau lễ Đức Mẹ lên trời để nhấn mạnh hơn dây liên lạc giữa tư cách nữ vương của Đức Trinh nữ với việc thân xác Người được gọi về trời. Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Đức trinh nữ vô nhiễm, được Chúa gìn giữ khỏi mọi tỳ vết tội nguyên tổ, sau khi vượt qua cuộc đời trần gian, đã được đưa cả hồn và xác về vinh quang trên trời, được Chúa đặt làm nữ hoàng vũ trụ để nhờ thế hoàn toàn phù hợp với Con mình hơn” (Vatican II, GH.59).

    Ngay từ thế kỷ thứ IV, ảnh tượng đã thường biểu thị bên cạnh Đức Kitô Pantocrator (Đức Kitô uy nghiêm) hình ảnh của Mẹ Người mà từ trung cổ người ta đã gọi là Nữ vương. Chẳng hạn nhiều ca vãn rất cổ ca tụng Người là nữ hoàng như: Salve Regina, Regina coeli, Ave Regina coelorum... cũng như các mầu nhiệm trong chuỗi Mân côi và trong kinh cầu Đức Bà Lorette.

    Việc thiết lập lễ này là theo lời thỉnh cầu của các đại hội Thánh mẫu ở Lyon (1900), Fribourg (1902), Einsiedeln (1906), nhưng nhất là sau việc Đức Piô lập lễ Chúa Kitô Vua năm 1925. Sau hết, ngày 11 tháng 10 năm 1954, nhân kỷ niệm trăm năm tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Piô XII đã thiết lập lễ Đức Maria Nữ vương, nêu lên các lý do lịch sử và thần học trong thông điệp Ad coeli Reginam

    Các bản văn phụng vụ chọn nhân lễ Đức Maria Nữ vương năm 1955 nêu bật chân lý sau đây mà Tông Huấn Marialis cultus (số 6) cũng sẽ nhấn mạnh: “Đức Ma-ri-a ngồi bên cạnh Vua muôn đời, rạng rỡ trong tư cách Nữ hoàng và khẩn cầu cho ta trong tư cách bà mẹ”. Cũng vậy, điệp ca Maguificat nhắc lại rằng Đức Ma-ri-a “cùng với Đức Kitô thống trị muôn đời”.

    2. Thông điệp và tính thời sự

    Lời nguyện trong ngày nhấn mạnh nền tảng của vương quyền Đức Maria mẹ Chúa Kitô, đồng thời cũng là mẹ và nữ hoàng của chúng ta. Lý do cuối cùng của “chức nữ vương” nơi Đức Trinh Nữ trước hết do tính cách mẹ Thiên Chúa của Người. Vì quả thực, cũng như Đức Kitô là Chúa và là vua mọi loài thụ tạo, Đức Maria, mẹ Chúa cũng tham gia một cách tương tự vào quyền vương đế của con mình. Chức nữ vương của Đức Maria cũng dựa trên sự tham dự sâu xa vào công trình cứu chuộc của Đức Giêsu con mình, cùng chịu đau khổ với Con và dâng Con lên Chúa Cha (xem thông điệp Ad coeli Reginam, của Đức Piô XII. Như công đồng Vatican II đã viết: “Đức Maria, khi dâng lên Chúa sự ưng thuận của mình, đã trở thành mẹ của Đức Giêsu và không chút vướng víu tội lỗi, Người chấp thuận ý định cứu rỗi của Chúa, Người hiến thân trọn vẹn cho con người và công việc của Con mình như là tỳ nữ của Chúa, hầu phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc trong sự lệ thuộc và cùng với Con, nhờ ơn Thiên Chúa toàn năng” (GH.56)

    Đức Kitô Con Thiên Chúa và Con Đức Ma-ri-a là trưởng tử một đoàn anh em đông đúc (Rm 8,29) thế nào, thì Đức Maria cũng là mẹ của toàn dân Chúa, được chỉ định về vinh quang trên trời, hứa cho con cái Thiên Chúa (xem phần cuối lời nguyện trong ngày). Vậy nên vương quốc Đấng thiên sai được Đức Maria chia sẻ cũng được hứa ban cho mọi người, trước hết là các tông đồ, sau đến mọi Kitô hữu, hầu hoàn tất những lời này của Đức Kitô: “Phần anh em, anh em đã trung thành với Thầy trong các thử thách. Vậy nên Thầy đã sắm vương quốc cho anh em, như cha Thầy đã sắm cho Thầy, ngõ hầu anh em cùng ăn cùng uống nơi bàn tiệc trong vương quốc của Thầy và anh em ngồi trên các ngai để xét xử mười hai chi họ It-xra-en” (Lc 22,28-30).

    Bài giảng thánh Amédée ở Lausanne trong lễ Đức Mẹ lên trời nhấn mạnh tính cách trung gian của Đức Maria vì Người đứng bên hữu của Con mình: “Là hôn thê, mẹ của Hôn Phu duy nhất, mẹ như suối từ những mảnh vườn thiêng liêng và là giếng phát sinh những mạch nước hằng sống, mạch nước nuôi sống vọt thành suối từ đỉnh Liban Thiên Chúa. Bởi thế từ núi Sion mẹ cho tuôn trào những con sông an bình, những con suối ân phúc xuống đến mọi dân tộc”.

    Ca vãn trong thần vụ ca tụng Đức Maria nữ tỳ của Chúa “đã được Chúa chấp thuận như một công trình hoàn hảo” và đang ngự trị trong vinh quang. Ca vãn giải thích sứ mệnh của Đức Maria, là mẹ và là nữ vương, được kêu gọi trở nên sự phản chiếu lòng nhân từ Chúa và là sự nâng đỡ chúng ta bằng những lời: “Hỡi người phụ nữ / được Chúa khoác áo choàng ánh sáng / khi bóng tối sự chết / bủa vây trên vũ trụ / Mẹ soi chiếu con đường về Nước trời” .

    Vai trò của Đức Ma-ri-a là Mẹ và là Nữ vương càng được ca khen một cách tuyệt diệu trong một Điệp ca cuối trong kinh tối: “kính lạy Bà vị Nữ hoàng Thiên quốc (Ave Regina coelorum) …”

    Kính lạy Bà, vị nữ hoàng Thiên quốc

    Lạy nữ vương trên chín phẩm thiên thân,

    Là cội thiêng, là cửa trời vinh phúc,

    Đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian.

    Mừng vui lên, mừng vui lên Trinh nữ,

    Bà hiển vinh, Bà diễm lệ khôn tày

    Bên tòa Chúa Kitô, ngôi Thánh Tử

    Cúi lạy Bà, xin nguyện giúp cầu thay”

     

    II. MẸ MARIA - NỮ VƯƠNG THIÊN QUỐC - Lm. Giuse Nguyễn Cao Siêu

    Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là: ”Sự cứu rỗi của dân thành Rôma và toàn thế giới”. Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Đức Giêsu và Mẹ Maria kèm với lời nguyện: ”Xin Mẹ cai quản trên Giáo Hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia. Trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi”. Ngài còn nói: ”Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập vào mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử”.

    1. Niềm hạnh phúc cho tất cả những người tin

    Đây là một niềm vui và hạnh phúc tuyệt vời cho tất cả những ai mang trong mình niềm tin vào Thiên Chúa và lòng yêu mến Mẹ Maria. Thật vậy, ngày Mẹ được rước lên trời cả hồn lẫn xác đã làm cho cả Triều Thần Thiên Quốc phải kính cẩn nghiêng mình. Đoạn Kinh Thánh sau đây mang tính thần bí của thánh Gioan trong sách Khải Huyền cho chúng ta thấy rõ điều đó: ”Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Và như một lẽ tất yếu, Triều Thần Thiên Quốc đồng thanh tung hô: ”Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6,10); Thánh Vịnh 44 được hòa vào bản nhạc du dương mà các Thiên Thần đang véo von ca hát làm nên vẻ huy hoàng của ngày Mẹ được tôn phong: ”Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy” (Tv 44, 10).

    Thật vậy, hôm nay là ngày tuyệt vời của Mẹ. Ngày Mẹ được Thiên Chúa Ba Ngôi tôn vinh làm Nữ Vương và Bà Chúa của toàn thể tạo vật. Với tước hiệu này, Mẹ trở thành: ”Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: “Vua các vua, Chúa các chúa” ( Kh 19, 16 ).

    Khi được Thiên Chúa tôn phong, Mẹ đảm nhận vai trò: ”Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian” (GLCG số 969). Điều này được thánh giám mục Anphongsô đệ Liguori cảm nghiệm: ”Chúng ta hãy cảm tạ Nữ Vương rất dấu yêu của chúng ta, bởi vì mọi ơn chúng ta được lãnh nhận đều từ tay Mẹ và nhờ lời cầu bầu của Mẹ” (Vinh Quang Đức Mẹ, II ). Và trong truyền thống Giáo Hội, chúng ta thấy xuất hiện lời kinh cổ xưa nhất ca ngợi Mẹ và cũng thể hiện niềm tin nơi Mẹ trong vai trò Nữ Vương: ”Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ cậy trông” (Salve Regina).

    Tại sao Đức Maria lại được Thiên Chúa ân thưởng như vậy?

    Thưa! Cả cuộc đời của Mẹ luôn trung thành tuân theo thánh ý Thiên Chúa Cha, được tràn ngập ân sủng của Chúa Thánh Thần và luôn gắn bó với Đức Giêsu trong mọi biến cố của cuộc đời trần thế: từ lúc sinh ra, rao giảng và dưới chân thập giá, sống lại và lên trời. Vì thế, vương quyền cao sang và vinh dự của Mẹ được gắn liền với vương quyền tuyệt đối của Con Mẹ. Thật vậy, khởi đi từ Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa thì cũng xuất phát từ Ngài.

    Như vậy, theo lẽ tất nhiên, vì Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ cách tuyệt đối, gìn giữ cách nhiệm mầu, nên việc đặt Mẹ vượt trên mọi thần thánh, và đổ tràn trên Mẹ tất cả ân sủng trên trời là một ân ban từ lòng quảng đại của Thiên Chúa trên thụ tạo ưu tuyển, tuyệt mỹ và toàn hảo.

    2. Khẩn cầu Mẹ trong vai trò Nữ Vương

    Thật ý nghĩa khi Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ này sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Qua tước hiệu cao quý này, ngài đã mời gọi con cái của Giáo Hội hãy hướng lòng lên Mẹ trên ngai tòa ân sủng để khẩn cầu Mẹ lúc gặp phải nghịch cảnh, thất bại hay đang lầm lũi trong tối tăm của tội lỗi. Ngài còn mời gọi con cái của mình, dù là là bất hảo và phàm ngôn, nhưng là con cái, chúng ta hãy lấy tình con thảo để ca khen Mẹ trong tâm tình tin tưởng, yêu mến, phó thác. Đồng thời luôn luôn vâng phục những lời Mẹ nhắn nhủ và biết noi gương Mẹ để thi hành thánh ý Thiên Chúa cách mau mắn.

    Vì vậy, hãy can đảm chạy đến với Mẹ, Mẹ sẽ trở che, vỗ về, an ủi, trong vai trò là ”Đấng Hằng Cứu Giúp”. Chúng ta có quyền hy vọng điều đó, vì Mẹ là Bà Chúa của mọi thụ tạo (x Thánh thi kinh sáng lễ Đức Mẹ lên trời).

    Để kết thúc, xin được mượn lời bài hát: ”Chút tình con thơ” của nhạc sĩ lm. Nguyễn Duy để nói lên niềm hy vọng của chúng ta ở nơi Mẹ trong vai trò là Trạng Sư:

    “Mẹ ơi, trên trần gian, con chưa thấy ai, đến nhờ Mẹ mà Mẹ không thương giúp. Mẹ ơi, con biết rằng tình Mẹ rất bao la, luôn dõi nhìn từng nhịp bước con thơ”

    Vì ”Mẹ nguồn cậy trông cho người thất vọng. Mẹ là niềm tin cho người lữ thứ. Mẹ là niềm vui cho người buồn đau. Mẹ là nghỉ ngơi cho người đơn côi”.(Internet)

    Cầu nguyện:

    Lạy Mẹ Maria,

    khi đọc Phúc Âm,

    lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

    Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

    Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

    Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

    Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

    Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

    Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

    âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

    từ con người hay từ Thiên Chúa.

    Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

    trong mọi bước đường của cuộc sống.

    Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

    Có những con đường đầy máu và nước mắt.

    Xin Mẹ dạy chúng con

    đừng sợ lên đường mỗi ngày,

    đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

    dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

    Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

    để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

    đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

    Nguồn tin:  https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    https://tgpsaigon.net/

    Bài viết liên quan