Gia đình không phải là một hệ tư tưởng

  • 29/10/2022 18:18
  • “Gia đình không phải là một hệ tư tưởng mà là một thực tại cụ thể và sống động”. Đó là nội dung chính bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ với khoảng 200 thành viên bao gồm các giáo sư, các sinh viên và các gia đình của Viện Thần học giáo hoàng Gioan Phaolô II về khoa học hôn nhân và gia đình tại nhà nguyện thánh Clemente trong dinh tông tòa Vatican sáng ngày 24/10/2022 vừa qua.

     

    Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Gia đình không phải là một hệ tư tưởng mà nó là một thực tại sống động do đó mà gia đình sẽ được lớn lên với sức sống của thực tại”. 

    Lời dạy của Đức Thánh Cha trước tiên muốn nói với các gia đình công giáo và nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình trên toàn thế giới hãy có một cái nhìn rõ ràng và cụ thể hơn về hôn nhân gia đình. Trước khi kết hôn, các bạn trẻ thường hay có những ước mơ, những ý tưởng rất đẹp về gia đình. Họ ước ao sẽ lấy được một người vợ hoặc một người chồng như trong những bộ phim mà họ đã xem hay chí ít cũng giống như người cha, người mẹ trong gia đình hạnh phúc của họ. Họ hay mắc vào tình trạng lý tưởng hóa người bạn đời, nhìn đời bằng cặp kính màu hồng và quên đi thực tại “đời không như là mơ”. Chính vì thế mà khi bước vào cuộc sống hôn nhân, hai người về sống chung một nhà thì tất cả những gì là con người thật bắt đầu được bộc lộ. Lúc trước họ nhìn đời đẹp bao nhiêu thì bây giờ họ thấy nó tồi tệ bấy nhiêu. Đó cũng chính là lý do mà có rất nhiều đôi bạn trẻ đã ra tòa chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng kết hôn với một lý do họ không thể chịu đựng nổi nhau. Hôn nhân là việc hệ trọng của cả một đời người nhưng có nhiều bạn trẻ còn mơ màng, không ý thức rõ ràng hay mặc kệ cho đời đến đâu thì đến và cuối cùng họ đã phải chịu một cái kết dở dang cho tương lai của mình. 

    Lời dạy của Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các linh mục, tu sĩ nam nữ, các giáo sư và những người có trách nhiệm trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình hiện nay là để hiểu được các gia đình và để việc mục vụ có kết quả thì chúng ta phải đi đến gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ với các gia đình một cách cụ thể chứ không phải chỉ là lý thuyết rồi để đấy. Ngài cũng căn dặn “hãy cẩn thận với các hệ tư tưởng vì nó dễ làm lệch hướng và đi đến chỗ diệt vong”. Vì vậy những người có trách nhiệm phải tìm ra những cách thức đồng hành và chăm sóc mục vụ phù hợp nhất cho các gia đình theo từng hoàn cảnh sống cụ thể của họ. 

    Ngài còn khẳng định rằng: Chất lượng của hôn nhân và gia đình quyết định chất lượng tình yêu của một người độc thân và các mối quan hệ với chính cộng đồng nhân loại. Chính vì thế mà cả Nhà nước và Giáo hội đều có trách nhiệm lắng nghe các gia đình, dưới góc độ gần gũi đầy tình cảm, tương trợ và hiệu quả: để hỗ trợ họ trong công việc mà họ đã làm cho tất cả mọi người, khuyến khích ơn gọi của họ vì một thế giới nhân bản hơn, nghĩa là đoàn kết hơn và huynh đệ hơn. Chúng ta phải bảo vệ các gia đình, bảo vệ chứ không phải là bỏ tù hay kìm hãm nó. Hãy làm cho các gia đình phát triển như nó cần phải phát triển như vậy. 

    Hôn nhân và gia đình sẽ luôn có những điểm không hoàn hảo, nó chỉ hoàn hảo khi tất cả chúng ta ở trên thiên đường. Với những cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha luôn nói với họ rằng: nếu các bạn muốn, các bạn hãy tranh luận, bất cứ điều gì các bạn muốn, nhưng miễn là các bạn phải làm hòa trước khi ngày đó kết thúc. Nếu không làm hòa được với nhau ngay thì “chiến tranh lạnh” sẽ xảy ra và nó sẽ rất nguy hiểm. 

    Đức Thánh Cha cũng viết trong Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương - Amoris Laetitia” số 113: “không có người nào là hoàn hảo bởi vì mỗi chúng ta đều là sự kết hợp phức tạp giữa ánh sáng và bóng tối. Cũng không có tình yêu nào là hoàn hảo nên tôi cũng không mong đợi tình yêu của anh ấy hoàn hảo để đánh giá cao anh ấy. Anh ấy yêu tôi như chính con người anh ấy, với những hạn chế của anh ấy, nhưng sự thật rằng tình yêu của anh ấy không hoàn hảo không có nghĩa là nó giả dối hay nó không có thật. Nó có thật, nhưng có giới hạn và trần thế. Do đó tình yêu sống chung với sự bất toàn, tình yêu tha thứ tất cả và biết im lặng cảm thông trước những sự bất toàn của người mình yêu” (AL 113). 

    Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ một câu chuyện và Ngài nói rằng “thần học như một câu chuyện về tình yêu cụ thể”: Có một cặp vợ chồng, họ trông rất trẻ - 60 năm kết hôn! - vâng, họ còn trẻ, bởi vì khi kết hôn cô ấy 18 và anh ấy 20, và tôi hỏi họ: “các bạn không thấy chán sau bao nhiêu năm sao? Họ nhìn nhau, tôi đứng lặng người, rồi họ quay lại, khóc: “vì chúng ta yêu nhau”. Đó là câu trả lời sau 60 năm kết hôn. Đây là thần học hay nhất, đẹp nhất về gia đình mà tôi từng thấy.

    Sau bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đã nán lại hội trường để chào hỏi, gặp gỡ và bắt tay với từng thành viên của Viện, đó cũng là một sự ưu ái đặc biệt mà Ngài dành cho những người đang quan tâm đến lĩnh vực mục vụ chăm sóc các gia đình. Trong số các sinh viên của trường cũng có sự hiện diện của một linh mục, hai nữ tu và một đôi vợ chồng đến từ Sài Gòn đang tham gia các khóa học của Viện. 

    Con cũng là một trong số những người rất may mắn và hạnh phúc đó vì đã được nên chào thăm và yết kiến Ngài. Mặc dù Ngài rất mệt vì trong một buổi sáng Ngài có 3 cuộc gặp gỡ với ba nhóm khác nhau nhưng trên khuôn mặt Ngài lúc nào cũng tươi cười và ân cần tiếp đón các con cái của mình. Ngài gửi lời chào và chúc lành cho đất nước Việt Nam, cho hội dòng nữ ĐMTB và cho tất cả mọi người. Mặc dù rất xúc động trong những giây phút ngắn ngủi gặp Ngài nhưng con cũng đã nói được với Ngài rằng hội dòng chúng con luôn nhớ và cầu nguyện cho Ngài, chúng con yêu mến Ngài – người Cha khả kính của tất cả chúng ta. 

    Nt: Maria Mai Thoa, Optb

    Bài viết liên quan