Giáo hội Á châu mong muốn người bản địa là trung tâm của Giáo hội

  • 11/12/2024 20:17
  • Vatican News (11.12.2024) - Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối diễn đàn, chủ đề “Tôn vinh hiệp hành và truyền thống đời sống bản địa trong Giáo hội tại Á châu”, do Liên các Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức, các tham dự viên mong muốn người bản địa phải là trung tâm của Giáo hội.

    2019.10.08 indigeni 3

    Sự kiện diễn ra vào tháng 11 nhưng tuyên bố được các tham dự viên, đại diện của 13 quốc gia Á châu đưa ra vào ngày lễ Đức Mẹ vừa qua, trong đó viết: “Chúng tôi quyết định tiếp tục đi theo con đường của một Giáo hội hiệp hành với sự quan tâm đặc biệt đến người dân bản địa, với niềm hy vọng và quyết tâm mới để tôn vinh và bảo vệ các truyền thống sống động của người bản địa trong các Giáo hội địa phương ở Á châu”.

    Từ diễn đàn, nhu cầu tiếp tục suy tư đã dẫn tới việc thành lập mạng lưới Công giáo giữa các dân tộc bản địa châu Á. Cha George Plathottam, thành viên ban tổ chức nói: “Sự kiện có ý định tập hợp các tổ chức và những người quan tâm đến hoạt động vì phúc lợi của người bản địa để đào sâu nghiên cứu, suy tư thần học và mục vụ cũng như hành động phối hợp. Mạng lưới hiện đang phát triển một kế hoạch hành động, bao gồm việc thực hiện các khóa đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo đổi mới. Các tham dự viên Diễn đàn về Hiệp hành và Truyền thống bản địa được chia thành bốn nhóm nghiên cứu để tiếp tục nghiên cứu và suy tư về các vấn đề chính ảnh hưởng đến các dân tộc bản địa ở châu Á”.

    Sự kiện là cơ hội để tôn vinh “sự khôn ngoan bản địa”, bao gồm các tập tục cổ xưa gắn liền với các giá trị chia sẻ, đón tiếp, đồng trách nhiệm và chữa lành. Thực tế, các thực hành và truyền thống của người bản địa rất phù hợp với các dân tộc trong Sách Thánh, là những yếu tố nền tảng về đất, dòng dõi và liên minh.

    Câu hỏi được đặt ra: “Tại sao tôn vinh tính hiệp hành và truyền thống bản địa trong Giáo hội ở Á châu?” Tuyên bố trả lời: “Chúng tôi nhận ra thực tế rằng 63% Kitô hữu trên thế giới và 73% Kitô hữu ở Á châu là người bản địa, khuôn mặt của Giáo hội ở Á châu và cả toàn cầu vẫn chưa mang tính bản địa. Cần phải nhìn nhận rằng các dân tộc bản địa không phải ở bên lề nhưng ở trung tâm của Giáo hội”.

    Về vai trò của nữ giới, tài liệu nhận định, trong các cộng đồng bản địa ở châu Á, phụ nữ được cho là những người gìn giữ các truyền thống và bảo vệ các nền văn hoá, vốn đóng vai trò nền tảng. Sự đóng góp của phụ nữ là thiết yếu đối với sứ vụ của Giáo hội và điều cần thiết là tiếng nói của họ phải được lắng nghe và sự tham gia của họ phải được công nhận đầy đủ.

    Cuối cùng, diễn đàn đưa ra các khuyến nghị: Hiệp hành như là một lối sống tự nhiên trong các nền văn hoá bản địa: kết nối và truyền thông; Các con đường loan báo Tin Mừng, giáo lý, phụng vụ và nghiên cứu; Những vấn đề cần giải quyết.

    Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/

    Bài viết liên quan