Giới thiệu Bộ Câu hỏi Ôn tập Giáo lý Thêm Sức GPTB

  • 22/05/2022 11:23
  • WGT-TNTT (22.5.2022) - Kính thưa quý Huynh Trưởng, Giáo lý viên! Thể theo yêu cầu của nhiều giáo xứ cũng như của các học viên về việc Giói hạn Chương trình Ôn Tập Giáo Lý Thêm Sức của GPTB, Ban Mục vụ Giáo lý xin trân trọng giới thiệu tới quý vị Bộ Câu hỏi Ôn tập Giáo lý Thêm Sức để quý vị tham khảo và hướng dẫn cho học viên. Xin trân trọng cảm ơn.

    BỘ CÂU HỎI ÔN TẬP GIÁO LÝ THÊM SỨC

    GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

     

    A – PHẦN GIÁO LÝ HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH

    Câu 1: Tại sao phải chuẩn bị vào đời sống hôn nhân và gia đình?

    • Vì hoàn cảnh và văn hoá ngày nay đang làm cho nhiều bạn trẻ không hiểu đúng ý nghĩa giá trị, mục đích của hôn nhân và gia đình, như ý định của Thiên Chúa.
    • Vì có học biết đầy đủ mới thành công hơn trong đời sống hôn nhân và gia đình.

    Câu 2: Học những gì để chuẩn bị?

    • Học ý nghĩa, giá trị, mục đích của hôn nhân và gia đình, mà trọng tâm là tình yêu vợ chồng, một tình yêu bằng cả hồn và xác.
    • Học những kinh nghiệm quý giá của Giáo Hội giúp bảo đảm và hướng dẫn đời sống hôn nhân và gia đình đạt tới thành công tốt đẹp.

    Câu 3 : Tính dục là gì?

    Tính dục là khuynh hướng tự nhiên Thiên Chúa đặt nơi con người để tiếp xúc, gặp gỡ với người khác, dù là nam hay nữ, hoặc để người nam và người nữ yêu thương nhau hướng tới hôn nhân và gia đình.

    Câu 4:  Tính dục phục vụ cho tình yêu vợ chồng thế nào?

    Các hành vi tính dục giúp đem lại niềm hoan lạc cho đời sống vợ chồng và làm cho họ gắn bó nên một với nhau một cách sâu xa. Ngoài ra, còn giúp tình yêu vợ chồng mở ngỏ cho sự sống và diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa, cũng như góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu.

    Câu 5 : Vợ chồng cần nắm vững những nguyên tắc luân lý nào trong đời sống tính dục?

    Vợ chồng cần nắm vững những nguyên tắc luân lý sau đây:

    • Một là các hành vi tính dục được thực hiện trong khuôn khổ hôn nhân đều chính đáng và cao quý.
    • Hai là luân lý Công giáo tôn trọng thân xác, nhưng không quá đề cao hành vi tính dục.
    • Ba là đời sống hôn nhân Công giáo phải là đời sống trong sạch và tiết độ.

    Câu 6: Sự khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là gì?

    Sự khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là biết làm chủ giới tính, nhờ đó vợ chồng ăn ở với nhau một cách tiết độ.

    Câu 7:Có những tội nào phạm đến đức khiết tịnh?

    Có những tội này là: dâm ô, thủ dâm, tà dâm, khiêu dâm, mại dâm và hiếp dâm.

    Câu 8: Có những tội nào xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân?

    Có những tội này là: ngoại tình, ly dị, đa phu, đa thê, loạn luân, đồng tính luyến ái và tự do sống chung như vợ chồng.

    Câu 9: Tại sao phải có thời kỳ đính hôn rồi mới thành hôn?

    Phải có thời kỳ đính hôn vì:

    - Một là vì hôn nhân là việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc cả cuộc đời.

    - Hai là vì đôi bạn cần có thời gian để tìm hiểu về ý nghĩa, mục đích và những đòi hỏi của hôn nhân và gia đình Kitô giáo.

    - Ba là vì đôi bạn cần có cơ hội để tìm hiểu về bản thân và gia đình của nhau để xem có hợp với nhau hay không.

    Câu 10: Phải sống thời kỳ đính hôn như thế nào?

    T. Trong thời kỳ đính hôn, đôi bạn cần gia tăng cầu nguyện, tích cực học hỏi về đời sống hôn nhân và gia đình, chứng tỏ cho nhau một tình yêu chân thành, trong sạch và chung thủy.

    Câu 11: Tình yêu vợ chồng có những đặc tính nào?

    Tình yêu vợ chồng có những đặc tính này là :

    - Một là kết hợp nên một.

    - Hai là trao hiến trọn vẹn.

    - Ba là chung thủy suốt đời.

    - Bốn là đón nhận con cái.

    Câu 12: Vợ chồng có những bổn phận nào?

    Người nam được mời gọi chu toàn bổn phận làm chồng và làm cha; người nữ được mời gọi chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ.

    Câu 13: Khuôn mẫu của tình yêu vợ chồng là gì?

    Khuôn mẫu của tình yêu vợ chồng chính là sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

    Câu 14: Vợ chồng phải làm gì để tình yêu luôn được triển nở?

    Vợ chồng cần phải:

    - Một là tôn trọng lẫn nhau.

    - Hai là hy sinh cho nhau.

    - Ba là đối thoại, chia sẻ tâm tình với nhau.

    - Bốn là dành thời giờ cho nhau.

    - Năm là nói với nhau những lời âu yếm.

    - Sáu là làm tròn bổn phận vợ chồng.

    - Bảy là cầu nguyện với nhau và cho nhau.

    Câu 15: Vợ chồng cần có thái độ nào khi xảy ra xung đột?

    Vợ chồng cần giữ những nguyên tắc này :

    - Một là tự chủ.

    - Hai là có thiện chí muốn giải quyết.

    - Ba là đối thoại với nhau.

    - Bốn là chấp nhận khuyết điểm của mình.

    - Năm là cố gắng hàn gắn và làm lành.

    - Sáu là nhờ người làm trung gian hoà giải.

    - Bảy là cầu nguyện để biết cách giải quyết theo tinh thần của Chúa.

    Câu 16: Hôn nhân trọn vẹn và không trọn vẹn là thế nào?

    Hôn nhân trọn vẹn là hôn nhân đã thành sự, đã là một bí tích và đã ăn ở với nhau. Còn hôn nhân không trọn vẹn là khi thiếu một trong ba điều trên.

    Câu 17: Hội Thánh có quyền tháo gỡ những cuộc hôn nhân đã trọn vẹn không?

    Hội Thánh không có quyền tháo gỡ những cuộc hôn nhân đã trọn vẹn, vì đó là luật Thiên Chúa.

    Câu 18: Hội Thánh có quyền tháo gỡ những cuộc hôn nhân nào?

    Hội Thánh có quyền tháo gỡ những những cuộc hôn nhân không trọn vẹn, trong những trường hợp sau:

    - Một là hôn nhân giữa hai người Công giáo, hoặc một người Công giáo và một người không Công giáo, đã thành sự nhưng chưa ăn ở với nhau.

    - Hai là hôn nhân tự nhiên giữa hai người chưa được rửa tội. Đây là trường hợp thuộc “đặc ân thánh Phaolô”.

    - Ba là có những cuộc hôn nhân vốn đã không thành sự ngay từ đầu, vì mắc phải một hoặc nhiều ngăn trở như đã kể ở trên.

    Câu 19: Ly thân là gì?

    Ly thân là khi hai người không còn chung sống với nhau, nhưng vẫn là vợ chồng.

    Câu 20: Hội Thánh có thể cho ly thân không?

    Trong một số trường hợp đặc biệt, Hội Thánh có thể cho ly thân.

    Câu 21:  Những người đã ly thân có được phép kết hôn với người khác nữa không?

    Không, vì họ vẫn là vợ chồng trước mặt Thiên Chúa.

    Câu 22:  Hội Thánh có thái độ nào đối với những đôi vợ chồng đã ly dị và tái hôn?

    Trung thành với lời dạy của Đức Kitô, Hội Thánh không chấp nhận việc ly dị, và cũng không công nhận hôn nhân mới là thành sự.

    Câu 23: Hội Thánh mong ước gì nơi họ?

    Hội Thánh ân cần mời gọi họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự thánh lễ, cầu nguyện, thực thi bác ái, giáo dục con cái trong đức tin và sớm hoán cải.

    Câu 24: Hôn nhân là gì?

    Hôn nhân là giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ tự do ưng thuận và ý thức trách nhiệm, để trở thành vợ chồng.

    Câu 25: Ai đã lập nên hôn nhân?

    Chính Thiên Chúa đã lập nên hôn nhân khi dựng nên loài người có nam có nữ, và mời gọi họ sống yêu thương.

    Câu 26:  Yếu tố căn bản của hôn nhân là gì?

    Yếu tố căn bản của hôn nhân chính là tình yêu, vì Hôn nhân được thiết lập do tình yêu và mục đích cuối cùng của Hôn nhân cũng chính là tình yêu.

    Câu 27:  Hôn nhân có những mục đích nào?

    Hôn nhân có hai mục đích này:

    - Một là yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

    - Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái.

    Câu 28: Hôn nhân Công giáo là gì?

    Hôn nhân Công giáo là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, cùng ban ơn giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.

    Câu 29: Hôn nhân Công giáo có những đặc tính nào?

    Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính này:

    - Một là đơn nhất, nghĩa là một vợ một chồng.

    - Hai là bất khả phân ly, nghĩa là trung thành yêu thương nhau trọn đời.

    Câu 30: Bí tích Hôn phối ban cho vợ chồng những ơn nào?

    Bí tích Hôn phối ban ơn giúp các đôi vợ chồng yêu thương nhau, như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, kiện toàn tình yêu tự nhiên, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly và thánh hoá họ trong đời sống siêu nhiên.

    Câu 31: Tôn giáo có vai trò nào trong đời sống hôn nhân và gia đình?

    Tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong đời sống hôn nhân và gia đình, vì ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách xử sự và việc giáo dục con cái.

    Câu 32: Hội Thánh có cho phép chuẩn để kết hôn với người ngoài Công giáo không?

    Có, với những điều kiện sau đây:

    -   Một là hai người phải hiểu biết và chấp nhận những   mục đích và đặc tính của hôn nhân.

    -  Hai là bên Công giáo phải cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công giáo.

    - Ba là phải cho bên không Công giáo biết rõ những điều ấy.

    Câu 33: Khi kết hôn với người khác đạo, người tín hữu có thể gặp những nguy hiểm nào?

    Người tín hữu có thể gặp những nguy hiểm này:

    - Một là dễ trở nên nguội lạnh và bỏ đạo.

    - Hai là gia đình thường xuyên bất đồng và dễ tan vỡ.

    Câu 34: Nếu lập gia đình với người khác đạo, bên Công giáo cần phải sống thế nào?

    Nếu lập gia đình với người khác đạo, bên Công giáo cần phải sống tốt đạo và trở nên chứng nhân Tin mừng cho con cái và người bạn đời.

    Câu 35: Sinh sản có trách nhiệm nghĩa là gì?

    Sinh sản có trách nhiệm nghĩa là khi sinh con, cha mẹ phải lo nuôi dưỡng, giáo dục, để chúng nên người. Bởi vậy vợ chồng cần suy xét cẩn thận để có quyết định đúng đắn và phù hợp trong việc sinh con.

    Câu 36: Vì sao cần phải sinh sản có trách nhiệm?

    Vì sinh sản có trách nhiệm, vừa thi hành đúng ý định của Thiên Chúa, vừa đáp ứng đòi hỏi của tình yêu vợ chồng, để đem lại lợi ích cho gia đình, xã hội và Hội Thánh.

    Câu 37: Để sinh sản có trách nhiệm, vợ chồng Kitô hữu phải có thái độ nào?

    Vợ chồng Kitô hữu phải có những thái độ sau đây:

    - Một là phải biết làm chủ bản năng tính dục.

    - Hai là phải biết tôn trọng lẫn nhau.

    - Ba là phải biết rõ hoàn cảnh cụ thể của mình để cùng nhau quyết định sinh con hay tạm ngừng.

    - Bốn là phải dùng cách thức tự nhiên.

    - Năm là phải biết tin tưởng vào Chúa để sẵn sàng đón nhận những đứa con ngoài ý muốn.

    Câu 38: Cách thức ngừa thai tự nhiên là gì?

    Cách thức ngừa thai tự nhiên là tiết dục định kỳ, vợ chồng kiêng cữ trong thời kỳ người vợ dễ dàng thụ thai. Khi có lý do chính đáng, vợ chồng được quyền sử dụng cách thức này.

    Câu 39: Có những phương pháp nào giúp xác định được ngày trứng rụng?

    Có hai phương pháp này :

    - Một là dựa vào chu kỳ kinh nguyệt, được gọi là phương pháp Ogino.

    - Hai là dựa vào hiện tượng chất nhờn, được gọi là phương pháp Billings.

    Câu 40: Cách thức ngừa thai nhân tạo là gì?

    Cách thức ngừa thai nhân tạo là trực tiếp làm cho khả năng sinh sản ra vô hiệu hoặc làm cho diễn tiến truyền sinh bị ngăn chặn hay không thể đạt kết quả. Người Công giáo không được sử dụng cách thức này.

    Câu 41: Để thực hiện cách thức ngừa thai nhân tạo người ta thường dùng những phương pháp nào?

    Đối với nam giới gồm có: thắt ống dẫn tinh, dùng bao cao su, xuất tinh ra ngoài, dùng thuốc diệt tinh trùng. Đối với nữ giới gồm có: thắt ống dẫn trứng, thuốc tránh thai (uống, tiêm hoặc cấy dưới da), dụng cụ như vòng xoắn, màng ngăn.

    Câu 42: Phá thai có tội hay không?

    Phá thai là tội rất nặng vì đây là tội giết người.

    Câu 43: Vì sao giáo dục con cái là bổn phận quan trọng nhất của cha mẹ?

    Vì cha mẹ được cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo nên những con người mới, những người con của Thiên Chúa. Bổn phận này không ai thay thế được.

    Câu 44: Phải giáo dục con cái những gì?

    Ngay từ lúc con cái còn tấm bé, cha mẹ đã phải cho chúng một nền giáo dục nhân bản, đồng thời còn phải cho chúng một nền giáo dục Công giáo, giúp chúng trở thành những Kitô hữu trưởng thành.

    Câu 45: Làm sao để việc giáo dục đạt kết quả tốt?

    Để đạt kết quả tốt trong việc giáo dục con cái, cha mẹ cần phải:

    - Một là đồng tâm nhất trí với nhau.

    - Hai là nêu gương trước những gì mình muốn truyền đạt.

    - Ba là tạo bầu khí yêu thương trong gia đình.

    - Bốn là tìm hiểu con cái.

    - Năm là kiên nhẫn trong việc giáo dục.

    - Sáu là cầu nguyện cho con cái.

    Câu 46:  Khi quyết định tiến tới hôn nhân, đôi bạn cần làm những thủ tục nào?

    Khi quyết định tiến tới hôn nhân, đôi bạn cần trình cha xứ để làm những việc này:

    - Một là làm tờ khai hôn phối.

    - Hai là được hướng dẫn về giáo lý hôn nhân.

    - Ba là rao hôn phối.

    - Bốn là quyết định ngày cử hành hôn lễ.

    Câu 47: Về mặt dân sự, cần làm thủ tục nào?

    Về mặt dân sự, cần đăng ký kết hôn tại Uỷ ban Nhân Dân Phường hoặc Xã nơi cư ngụ.

    Câu 48: Vì sao Hội Thánh buộc các tín hữu cử hành hôn phối theo nghi thức của Hội Thánh?

    Hội Thánh buộc các tín hữu cử hành hôn phối theo nghi thức của Hội Thánh vì bốn lý do này:

    - Một là vì Bí tích Hôn phối là hành vi phụng vu.

    - Hai là vì Hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh.

    - Ba là vì cần phải có sự chắc chắén về sự kết hôn nên buộc phải có người làm chứng.

    - Bốn là vì việc công khai bày tỏ sự ưng thuận sẽ giúp hai vợ chồng sống chung thuỷ với nhau.

    Câu 49: Nghi thức bí tích hôn phối gồm mấy phần?

    Nghi thức Bí tích Hôn phối gồm ba phần:

    - Một là thẩm vấn đôi hôn phối về sự tự do, về việc yêu thương và tôn trọng nhau và về việc đón nhận con cái Chúa ban.

    - Hai là trao đổi lời thề hứa.

    - Ba là làm phép và trao nhẫn cưới.

    Câu 50: Để Bí tích Hôn phối thành sự phải có những điều kiện nào?

    Phải có bốn điều kiện này:

    - Một là một nam một nữ đã rửa tội.

    - Hai là có tự do kết hôn, không bị ép buộc cũng không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh

    - Ba là phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn.

    - Bốn là cử hành theo thể thức của Hội Thánh.

    Câu 51: Ngăn trở hôn phối là gì?

    Ngăn trở hôn phối là những hoàn cảnh hoặc trường hợp làm cho cuộc phôn phối không thành sự hoặc bất hợp pháp.

    Câu 52: Có bao nhiêu ngăn trở hôn phối?

    Có 12 ngăn trở sau đây:

    - Một là chưa đủ tuổi kết hôn

    - Hai là bất lực, không thể sinh hoạt vợ chồng.

    - Ba là còn bị ràng buộc bởi hôn phối trước.

    - Bốn là khác tôn giáo.

    - Năm là chức thánh.

    - Sáu là khấn dòng.

    - Bảy là bắt cóc.

    - Tám là tội mưu sát phối ngẫu.

    - Chín là có họ máu.

    - Mười là có họ kết bạn.

    - Mười một là công hạnh.

    - Mười hai là pháp tộc.

    Câu 53: Khi mắc ngăn trở thì phải làm gì?

    Phải xin phép chuẩn. Tuy nhiên, có những ngăn trở Hội Thánh cũng không thể miễn chuẩn được, đó là các trường hợp:

    - Một là bất lực,

    - Hai là còn bị ràng buộc bởi hôn phối trước.

    - Ba là có họ máu theo hàng dọc.

    - Bốn là có họ máu hai bậc theo hàng ngang.

    Câu 54: Vì sao sự ưng thuận kết hôn là yếu tố cần thiết làm nên hôn nhân?

    Vì sự ưng thuận này nối kết hai vợ chồng lại với nhau và được thể hiện trọn vẹn khi hai người “trở nên một xương một thịt”. Không một quyền hành nào của loài người có thể thay thế sự ưng thuận này. Thiếu sự tự do này, cuộc hôn nhân sẽ không thành.

    Câu 55: Những trường hợp nào thiếu sự tự do ưng thuận kết hôn?

    Những trường hợp sau đây:

    - Một là không có đủ trí khôn.

    - Hai là thiếu trầm trọng trí phán đoán về những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân.

    - Ba là vì tâm thần không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân.

    - Bốn là vô tri, không biết hôn nhân là gì.

    - Năm là lầm lẫn về người, hoặc về phẩm cách của người phối ngẫu.

    - Sáu là lường gạt.

    - Bảy là giả vờ ưng thuận, nhưng thực sự không muốn.

    - Tám là ưng thuận với điều kiện về tương lai.

    - Chín là ưng thuận vì bạo lực hoặc vì sợ hãi.

     

    B – PHẦN GIÁO LÝ VỀ BÍ TÍCH THÊM SỨC

     

    Câu 1: Bí tích là gì ?

    Bí tích là dấu chỉ bên ngoài Chúa Giê-su đã lập và truyền lại cho Hội Thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho chúng ta ân sủng bên trong là sự sống thần linh.

    Câu 2: Ấn tín bí tích là gì?

    Là dấu ấn thiêng liêng Thiên Chúa in vào lòng những người lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, như lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Ngài. Vì ấn tín không thể xóa được, nên các bí tích này chỉ được lãnh một lần mà thôi.

    Câu 3: Cần có những điều kiện nào để lãnh nhận các Bí tích?

    Cần có những điều kiện này là: Phải đón nhận và học hiểu Lời Chúa; Thêm vào đó, phải có đức tin và thật lòng ước muốn.

    Câu 4: Vì sao các Bí tích cần thiết cho ơn cứu độ?

    Vì các bí tích trao ban ân sủng của Chúa Thánh Thần, để Ngài chữa lành và biến đổi chúng ta.

    Câu 5: Bí tích Thêm Sức là gì?

    Là Bí tích Chúa Giê-su đã lập, để ban tràn đầy Chúa Thánh Thần, hầu giúp chúng ta sống ơn Bí tích Rửa Tội cách mạnh mẽ và tốt đẹp hơn.

    Câu 6: Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm Sức là gì?

    Là việc xức dầu thánh trên trán người đã lãnh Bí tích Rửa Tội, cùng với việc đặt tay trên đầu người ấy và đọc rằng: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.

    Câu 7: Hiệu quả của Bí tích Thêm Sức là gì?

    Là việc đổ tràn Chúa Thánh Thần trên người lãnh Bí tích, nhờ đó họ được ghi ấn tín không thể tẩy xóa và gia tăng ân sủng Bí tích Rửa Tội.

    Câu 8: Việc gia tăng ân sủng Bí tích Rửa Tội nghĩa là gì?

    Nghĩa là giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa, được kết hợp mật thiết hơn với Đức Ki-tô và Hội Thánh; được thêm các ơn Chúa Thánh Thần; được thêm sức mạnh để làm chứng và bảo vệ đức tin.

    Câu 9: Những ai được lãnh Bí tích Thêm Sức?

    Những người đã được rửa tội và đến tuổi khôn, sạch tội trọng, học giáo lý đầy đủ và quyết sống đúng bổn phận Ki-tô hữu. Ngoài ra cần có người đỡ đầu.

    Câu 10: Những ai là thừa tác viên của Bí tích Thêm Sức?

    Thừa tác viên thông thường là Giám mục và những linh mục được chỉ định; nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì bất cứ linh mục nào cũng đều có nhiệm vụ ban bí tích này.

    Câu 11: Người lãnh Bí tích Thêm Sức có những bổn phận nào?

    Người lãnh bí tích Thêm Sức có những bổn phận này:

    • Một là nỗ lực thì hành Lời Chúa trong đời sống thường ngày.
    • Hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng.
    • Ba là tích cực giới thiệu Chúa cho mọi người.

    Câu 12: Thiên Chúa muốn ta sống trong xã hội như thế nào?

    Thiên Chúa muốn ta sống hài hòa với mọi người, xây dựng một nền văn minh tình thương theo mẫu mực Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Câu 13: Người Ki-tô hữu có bổn phận nào đối với xã hội?

    Người Ki-tô hữu cần tích cực hoán cải nội tâm và cổ võ công bằng bác ái, đồng thời góp phần đổi mới các định chế và điều kiện sống trong xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng.

    Câu 14: Chúng ta phải tham gia xây dựng công ích bằng cách nào?

    Chúng ta phải tham gia xây dựng công ích bằng những cách này:

    • Một là tôn trọng các luật công bằng;
    • Hai là chu toàn các trách nhiệm cá nhân trong xã hội;
    • Bà là tham gia vào đời sống cộng đồng.

    Ban Mục vụ Giáo lý

    Nguồn tin: http://gioitre-tnttgptb.org/

     

    Bài viết liên quan