Bài 10 – Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô (Mc 9, 1-50)
Câu 1: Cuộc biến hình của Đức Giê-su diễn ra như thế nào?
Thưa: Tin mừng kể rằng: “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su” (x.Mc 9, 2-4).
Câu 2: Tại sao ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a” (Mc 9, 5).
Thưa: Ông Phê-rô gọi Đức Giê-su là thầy (rabbi) vì ông coi Ngài ngang hàng với một rabbi. Ông muốn làm ba lều, cho Đức Giê-su, Mô-sê và Ê-li-a, có nghĩa là ông coi Đức Giê-su ngang hàng với Mô-sê và Ê-li-a.
Câu 3: Lời Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7) có ý nghĩa gì trong Tin Mừng Mác-cô?
Thưa: Lời Chúa Cha mạc khải cho các môn đệ của Đức Giê-su biết Đức Giê-su là ai. Ngài hơn hẳn một rabbi hay một messia trần thế, hơn cả Mô-sê và Ê-li-a, vì Ngài chính là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Và vì thế, muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, các ông phải lắng nghe lời dạy bảo của Đức Giê-su, đặc biệt là mạc khải về con đường thập giá và phục sinh sắp tới của Ngài.
Câu 4: Biến cố biến đổi hình dạng của Đức Giê-su có ý nghĩa như thế nào đối với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an?
Thưa: Đức Giê-su biến đổi hình dạng trước mắt các ông không chỉ tỏ lộ thần tính của Ngài cho các ông, mà còn cho các ông nếm trải trước niềm vui Phục sinh, giúp các ông củng cố tinh thần để đón nhận con đường thập giá sắp tới của Ngài.
Câu 5: Người Ki-tô hữu rút ra bài học nào qua biến cố biến hình của Đức Giê-su?
Thưa: Việc Chúa Giê-su biến hình mời gọi các Ki-tô hữu sống một cuộc đời không ngừng biến đổi để nên giống Chúa Giê-su, làm đẹp lòng Chúa Cha bằng việc tuân giữ lời của Chúa Giê-su như Chúa Cha đã dạy:“Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7).
Câu 6: Khi ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an điều gì?
Thưa: Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại (x. Mc 9,9).
Câu 7: Khi các môn đệ hỏi, “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?”, Đức Giê-su trả lời thế nào?
Thưa: Ngài nói:“Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho các anh biết: Ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông” (Mc 9, 12-13).
Câu 8: Câu trả lời trên có ý nghĩa gì?
Thưa: Câu trả lời của Đức Giê-su có hai ý. Thứ nhất, Gio-an Tẩy giả được coi như Ê-li-a. Thứ hai, cái chết của Gio-an Tẩy giả báo trước cái chết của Đức Giê-su.
Câu 9: Đức Giê-su nói gì khi các môn đệ của Ngài không trừ được tên quỷ câm?
Thưa: Người nói: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.” (x. Mc 9, 19).
Câu 10: Quyền năng của Đức Giê-su được thể hiện thế nào trước người bị quỷ câm ám?
Thưa: Họ đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn và sùi bọt mép. Thấy vậy, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi” (Mc 9, 20.25-26).
Câu 11: Tại sao các môn đệ lại không trừ được tên quỷ câm?
Thưa: Theo Đức Giê-su: Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi (Mc 9, 29).
Câu 12: Đức Giê-su tiên báo cuộc thương khó lần thứ II như thế nào? (Mc 9, 31-32)
Thưa: Đức Giê-su nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (Mc 9, 31-32).
Câu 13: Khi các môn đệ cãi nhau xem ai là người lớn nhất, Đức Giê-su dạy họ điều gì?
Thưa: Ngài dạy các ông rằng ai muốn làm lớn thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người. Ngài cũng dạy các ông hãy tiếp đón những người bé nhỏ vì danh Ngài (Mc 9, 33-37).
Câu 14: Khi ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta" (Mc 9, 38), Ngài đã dạy họ thế nào?
Thưa: Đức Giê-su dạy: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 39-40). Ngài dạy họ cũng như chúng ta ngày nay không tìm lợi ích phe nhóm, nhưng cần cộng tác với tất cả những người thiện chí để làm cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
Câu 15: Đức Giê-su nói về gương xấu như thế nào?
Thưa: Chúa Giê-su dạy rằng: “Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42). Như vậy, bài học cho mỗi người là không làm gương mù, gương xấu hay lôi kéo người khác phạm tội.
(Còn tiếp)
Nguồn tin: https://giaophanthaibinh.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 151 | Tổng lượt truy cập: 4,163,168