Hướng dẫn của Giáo hội về việc chọn Tước hiệu, Bổn mạng

  • 08/12/2023 21:12
  • Chọn và tôn kính một vị Thánh làm Bổn mạng cho Giáo xứ, Giáo họ biệt lập, các Hội đoàn, các Giới, Dòng tu… là một truyền thống đạo đức đầy ý nghĩa trong đời sống Giáo hội. Đó cũng là một thực hành quen thuộc rất đáng trân trọng trong Giáo hội. Dưới đây là các hướng dẫn của Giáo hội về việc chọn Tước hiệu Nhà thờ, Bổn mạng Giáo xứ đúng với ý nghĩa thần học và phù hợp với ý muốn của Giáo Hội, nhằm mang lại nhiều hiệu quả thiêng liêng cho dân Chúa.


    1. Định nghĩa và phân biệt:

    • Chúng ta thấy có “tước hiệu” của nhà thờ[1], hay của một Dòng tu, một tu hội[2], chứ không có tước hiệu của giáo xứ. Trái lại, “Bổn mạng” là Bổn mạng của giáo họ, giáo xứ, giáo phận, thành phố, quốc gia[3], hay của Dòng tu, các hiệp hội, tổ chức, các nhóm[4] v.v…, chứ không có Bổn mạng của nhà thờ.

    • “Thánh Bổn mạng” = là vị thánh được tôn kính như Vị Bảo trợ hay Vị chuyển cầu trước Tòa Chúa[5]. Trong khi đó, tước hiệu là danh hiệu, tên gọi của một nhà thờ, hay của Dòng tu, hiệp hội, một nhóm. Do đó, Tước hiệu khác với Thánh Bổn mạng, cho dù cách nào đó Tước hiệu giả thiết thánh Bổn mạng[6].

    • Giống nhau: có thể chọn Bổn mạng hay tước hiệu: Đức Trinh Nữ Maria, các thánh. Các Á Thánh chỉ được chọn khi có phép đặc biệt của Tòa Thánh.

    • Nhưng khác biệt: không bao giờ được chọn làm Bổn mạng Thiên Chúa Ba Ngôi, hay các ngôi vị Thiên Chúa[7] (vì Thiên Chúa ban ơn, chứ không chuyển cầu cho trước Tòa ai cả), trong khi có thể chọn làm tước hiệu[8].

    2. Làm thế nào để đặt Thánh Bổn mạng cách hợp pháp?

    • Được chọn bởi các giáo sĩ và giáo dân nơi sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Bổn mạng, hoặc bởi những người liên hệ trong trường hợp các Dòng tu, hiệp hội, tổ chức, hay các nhóm; qua cách thức: hoặc là tham khảo ý kiến hay bỏ phiếu, hoặc là thỉnh cầu hay thu thập chữ ký[9].

    • Phải được thẩm quyền Giáo Hội chấp thuận[10];

    • Và phải được Bộ Phụng tự phê chuẩn[11].

    • Chỉ được chọn một thánh Bổn mạng duy nhất. Được phép chọn hai vị thánh hoặc hơn hai vị làm Bổn mạng, nếu các vị thánh này trong lịch phụng vụ được mừng chung với nhau (Thí dụ: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Các thánh Tử Đạo Việt Nam)…[12];

    • Được chọn làm Bổn mạng: Đức Trinh nữ Maria, các thiên thần, các thánh. Các Á Thánh chỉ được chọn khi có phép đặc biệt của Tòa Thánh. Tuyệt đối không được chọn Thiên Chúa Ba Ngôi hay một Ngôi Vị Thiên Chúa hay các ngôi vị Thiên Chúa làm Bổn mạng vì Ngài là chính Đấng ban ơn chứ không phải Đấng chuyển cầu: “Không thể chọn Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Bảo trợ, vì chính Thiên Chúa không tự giới hạn quyền bảo trợ của mình vào một nơi nào, cũng không phải là Đấng Bảo trợ ngang hàng với bất cứ ai khác”[13].

    Nhận xét: Do đó, áp dụng qui định này, các thánh Bổn mạng tại các giáo xứ Việt Nam, nếu chưa được Bộ Phụng tự phê chuẩn, thì không thực sự là thánh Bổn mạng một cách đúng nghĩa và hợp pháp, và như vậy không được mừng kính trong phụng vụ[14].

    3. Đặt tước hiệu khi nào? Có phải chỉ chính thức đặt khi cung hiến?

    • Tước hiệu được đặt khi nhà thờ được làm phép hay cung hiến[15], và chỉ một tước hiệu mà thôi[16].

    • Khác với việc chọn Thánh Bổn mạng, Tước hiệu có thể là “Thiên Chúa Ba Ngôi, hoặc từng Ngôi Vị Thiên Chúa, hoặc Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo danh cầu của một mầu nhiệm trong cuộc đời Người hoặc một danh xưng đã được sử dụng trong phụng vụ, hoặc là Chúa Thánh Thần”. Tước hiệu cũng có thể là Đức Trinh Nữ Maria với những danh hiệu đã được mừng kính trong phụng vụ, các thiên thần, các thánh. Các Á Thánh chỉ được chọn khi có phép đặc biệt của Tòa Thánh[17].

    • Một khi đã cung hiến, thì không được thay đổi tước hiệu nữa. Giáo luật cũng minh định: “Mỗi nhà thờ phải có tước hiệu riêng và một khi đã được cung hiến thì không được thay đổi tước hiệu này nữa”[18].

    4. Giá trị, quyền lợi của Tước hiệu và thánh Bổn mạng:

    • Chỉ những thánh Bổn mạng đã được thiết đặt hợp lệ hoặc đã được chấp nhận từ lâu đời do một truyền thống rất xa xưa mới được mừng kính trong phụng vụ. Còn những thánh Bổn mạng theo nghĩa rộng, và chỉ tự phát do lòng đạo đức của dân chúng thì không được phép mừng kính trong phụng vụ[19].

    • Được mừng lễ ở bậc trọng thể ngày mừng tước hiệu nhà thờ[20], cũng như ngày kỷ niệm cung hiến nhà thờ[21].

    • Được mừng ở bậc trọng thể lễ Bổn mạng chính của giáo xứ, giáo phận tại chính nơi đó[22], cũng như lễ mừng Bổn mạng chính, Đấng sáng lập, và tước hiệu của Dòng tu, tu hội[23].

    • Được mừng ở bậc lễ kính lễ Bổn mạng chính của giáo phận[24], và lễ kỷ niệm cung hiến nhà thờ Chánh Tòa tại các nhà thờ khác trong giáo phận, không phải nhà thờ Chánh Tòa[25].

    5. Chọn tên Thánh Bổn mạng cho con

    Đối với Kitô hữu, việc đặt tên thánh thường mang ý nghĩa để mỗi người tự nhắc nhở bản thân về cách sống, noi gương đạo đức của thánh bổn mạng, và cũng để được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh nhân. Trong các gia đình, việc chọn bổn mạng cho con có nhiều điều thú vị.

    Rửa tội cho trẻ, hẳn là kỷ niệm đáng nhớ của nhiều bậc cha mẹ và việc đặt bổn mạng cho con được chú tâm không ít.

    Khi trẻ được lãnh nhận Bí tích Thêm sức, theo truyền thống nhiều nơi, các em lại nhận thêm tên thánh. Một số cha mẹ chọn người đỡ đầu với thánh quan thầy lúc rửa tội cho con. Một số khác lại để cho các con tự chọn.

    Đối với các tân tòng, dường như có sự chọn lựa thánh bổn mạng khá đa dạng. Một số người theo ý kiến của cha xứ hoặc gia đình hướng dẫn, số còn lại thì muốn tự mình tìm tên thánh.

    Trong mục vụ tại Việt Nam, các linh mục dòng góp vai trò quan trọng. Một số giáo xứ được các cha dòng gắn bó phục vụ qua nhiều đời. Dấu ấn của các vị trong lòng giáo dân rõ nét nên với chuyện đặt tên thánh bổn mạng trong gia đình, nhiều nhà ở các xứ đạo này quyết định lấy tên của dòng các linh mục phụ trách làm quan thầy cho con cháu.
    Dù chọn thánh quan thầy nào, chắc chắn rằng mỗi bậc cha mẹ đều gửi gắm con cái mình cho các ngài với mong muốn các con nên người, có một đời sống đạo tốt lành, thánh thiện.

    6. Khía cạnh mục vụ của việc mừng kính thánh Bổn mạng và lễ Tước hiệu

    Về khía cạnh mục vụ liên hệ tới việc mừng các thánh Quan Thày hay các Tước hiệu, chúng ta có thể lưu ý những điểm sau đây:

    1) Khi tôn kính các thánh, nhất là thánh quan thày, các tín hữu ý thức về ý nghĩa của sự thánh thiện được thể hiện nơi các thánh, như là một biểu lộ sư thánh thiện của Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng thánh duy nhất. Một thể hiện cụ thể sự thánh thiện này là sống mầu nhiệm Chúa Kitô chết và sống lại trong đời sống của mình qua việc thực hiện các nhân đức tin, cậy mến và các lời khuyên phúc âm, cũng như các nhân đức khác, tới mức độ anh hùng qua các bậc sống của mỗi người. Như vậy sự thánh thiện trước tiên được hiểu như là một sự hiệp thông cao cả với Chúa Ba Ngôi và với Chúa Kitô phục sinh. Tất cả những việc lạ lùng nơi các thánh cần được nhìn trong khía cạnh này.

    2) Cần giúp các tín hữu hiểu tín điều các thánh cùng thông công, đặc biệt do mối liên hệ giữa Thánh Bổn Mạng và các tín hữu. Sau cùng các thánh là gương sáng cho chúng ta trong việc đi theo Chúa Kitô và sống Tin Mừng, và các Ngài hướng chúng ta về cuộc sống mai sau. Công đồng chung Vaticanô II đã nói về điểm này như sau: “Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn, trái lại Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Quả thực, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời củng cố toàn thể Giáo hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng hiện nay Giáo hội tại thế dâng lên Thiên Chúa, được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách. Được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô, khi họ đã phục vụ Chúa trong mọi sự, và hoàn tất nơi thân xác họ những gì còn thiếu sót trong các đau khổ của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người là Giáo hội. Do đó, với tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn” (Hiến chế tín lý về Giáo hội, Ánh sáng muôn dân, số 49). Tuy nhiên các tín hữu phải ý thức là việc bầu cử của các thánh quan thày trước tòa Thiên Chúa để giúp chúng ta trước tiên noi gương các ngài trong việc sống theo thánh ý Thiên Chúa và sống Phúc âm của Chúa Kitô và sau đó lãnh nhận được các ơn lành khác phần xác phần hồn.

    3) Khi cùng nhau chọn một vị Thánh làm Quan Thày, hành động này cho thấy tính cách hiệp thông của cộng đoàn, của giáo xứ ... Như vậy đây là một hành động có tính cách giáo hội học.

    4). Việc chọn Thánh Quan Thày không phải chỉ để có một ngày mừng trong năm với những lễ lạt bên ngoài, nhưng là một thúc đẩy chúng ta sống theo gương thánh thiện của vị Thánh Quan Thày. Cộng đoàn giáo xứ, tập thể cần học hỏi về đời sống, các nhân đức của Thánh Bổn Mạng, và cầu nguyện với ngài để xin ơn trợ giúp.

    5) Dịp mừng lễ Thánh Quan Thày là một lễ quan trọng trong sinh hoạt của cộng đoàn, nhất là về khía cạnh thiêng liêng. Vì thế nên lưu tâm tới việc tổ chức các việc đạo đức, như tuần ba ngày trước lễ, cổ võ việc lãnh nhận bí tích giải tội, tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, học hỏi Kinh thánh, cấm phòng ....

    6) Chính ngày lễ Thánh Quan Thày, dọn lễ nghi phụng vụ theo đúng tinh thần phụng vụ, tham dự thánh lễ, cử hành các giờ kinh phụng vụ, chầu Phép lành Mình Thánh. Tổ chức lễ nghi bên ngoài cho cả giáo xứ, tập thể. Đây là công việc chung, nên cần có sự tham gia của nhiều người, nhiều giới khác nhau, như các ban phụng vụ, thánh nhạc, khánh tiết, tổ chức tiệc trà, tiếp tân .... thay vì để cho ban lãnh đạo giáo xứ hay đoàn thể làm cả. Đây là dịp thể hiện sự hiệp nhất trong giáo xứ, tập thể.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Nguồn tin: https://www.simonhoadalat.com/

    https://dcvxuanloc.net/

    https://gpcantho.com/

    https://giaophanvinhlong.net/

    ________________________________________
    [1] X. Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và niên lịch, số 53, 4c.
    [2] X. Ibidem, số 4d.
    [3] X. Ibidem, số 4a ; X. Thánh Bộ Phụng tự, Huấn thị Lịch riêng, số 28, trong EV 3/2604.
    [4] X. Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và niên lịch, số 53, 4d.
    [5] X. Thánh Bộ Phụng Tự, Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng, số 1, trong EV 4/2341.
    [6] X. Thánh Bộ Phụng Tự, Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng, số 2, trong EV 4/2342.
    [7] X. Thánh Bộ Phụng Tự, Huấn thị Lịch riêng, số 28, trong EV 3/2604.
    [8] X. Ibidem, số 34, trong EV 3/2610.
    [9] X. Thánh Bộ Phụng Tự, Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng, số 6, trong EV 4/2346.
    [10] X. Ibidem, số 7, trong EV 4/2344.
    [11] X. Ibidem, số 8, trong EV 4/2348.
    [12] X. Ibidem, số 5, trong EV 4/2345.
    [13] X. Ibidem, số 4, trong EV 4/2344 ; X. Thánh Bộ Phụng Tự, Huấn thị Lịch riêng, số 28, trong EV 3/2604.
    [14] X. Thánh Bộ Phụng Tự, Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng, số 11, trong EV 4/2351 ; Idem, Huấn thị Lịch riêng, số 29, trong EV 3/2605
    [15] Thánh Bộ Bí tích và Phụng tự, Ordo dedicationis ecclesiae et altaris, 29.5.1977, Praenotanda, số 4, trong EV 6/201.
    [16] X. Ibidem, số 4, trong EV 6/201.
    [17] X. Ibidem, số 4, trong EV 6/201 ; Huấn thị Lịch riêng, số 34, trong EV/2610.
    [18] X. Giáo luật, đ. 1218 ; Theo luật cũ, dù chỉ mới làm phép chứ chưa cung hiến, cũng không còn được thay đổi tước hiệu nữa (x. CIC 1917, đ. 1168 § 1).
    [19] X. Huấn thị Lịch riêng, số 29, trong EV 3/2605.
    [20] X. Thánh Bộ nghi thức, Những Quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch, số 59,4c.
    [21] X. Ibidem, số 59,4b ; Thánh Bộ Bí tích và Phụng ự, Ordo dedicationis ecclesiae et altaris, Praenotanda, số 27, trong EV 6/228.
    [22] X. Thánh Bộ nghi thức, Những Quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch, số 59,4a.
    [23] X. Ibidem, số 59,4d.
    [24] X. Ibidem, số 59,8a.
    [25] X. Ibidem, số 59,8b.

    Bài viết liên quan