I. ĐỊNH NGHĨA VỀ TRÒ CHƠI
- Trò chơi có thể được định nghĩa chi tiết là:
- Một cuộc vận động sinh hoạt,
- Tổ chức cho một số người cùng tham gia,
- Theo một quy ước được hướng dẫn trước,
- Diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định,
- Tại một nơi chốn, trong phòng hay ngoài trời,
- Với mục đích đem lại một giá trị hữu ích, có ý nghĩa riêng cho mỗi người và chung Cho tập thể.
Theo định nghĩa này, trò chơi sinh hoạt đương nhiên bao gồm tất cả các trò chơi lành mạnh, nhưng đồng thời cũng gồm cả các bài hát ngắn, các vũ điệu đơn giản, các tiết mục ảo thuật bỏ túi, các câu đố vui, các câu băng reo… vẫn thường được dùng trong các buổi sinh hoạt tập thể như là những tiết mục sinh hoạt nho nhỏ.
Cũng do vậy, người Quản Trò tổ chức và điều khiển cuộc chơi đúng nghĩa, phải là một Linh Hoạt Viên tương đối có kinh nghiệm về sinh hoạt tập thể, được trang bị các kỹ năng cần thiết về nhiều mặt và tinh thần năng động.
II - YÊU CẦU CỦA TRÒ CHƠI
Có 3 yêu cầu nhất thiết phải đạt được để có thể coi là một trò chơi đúng nghĩa. Đó là:
- Gây dựng bầu khí
- Rèn luyện kỹ năng
- Giáo dục chiều sâu
Tùy mức độ và mục đích nhắm đến mà yêu cầu này sẽ trội hơn yêu cầu kia, hoặc cả ba mặt đều có giá trị và ý nghĩa như nhau. Chỉ thiếu đi một trong ba yêu cầu này, trò chơi tức khắc trở thành phản tác dụng, phản giáo dục, có hậu quả tai hại nhất thời hoặc sâu xa, và như thế, nó không còn được coi là một trò chơi nữa ! Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu 3 yêu cầu cốt yếu này.
1. YÊU CẦU GÂY DỰNG BẦU KHÍ
Trước tiên, trò chơi sinh hoạt góp phần làm cho bầu khí tập thể thêm sống động tươi trẻ, nhanh chóng giúp mọi người có mặt thoát khỏi sự thụ động khép kín, xóa bỏ mọi cách biệt và xa lạ ngại ngùng, giải tỏa sức căng tâm lý và sức ỳ thể lý. Như thế, trò chơi ít nhất phải đem lại niềm vui, cởi mở sảng khoái trong những giờ phút sinh hoạt bên nhau. Ở mặt yêu cầu này, trò chơi rất cần sự phối hợp của các Bài Hát Sinh Hoạt ngắn, vui, dễ tập; hoặc các điệu mini vũ tập thể đơn giản và có ý nghĩa thích hợp với chủ đề chung của buổi họp mặt.
Thế nhưng, dầu có vui, dầu có gây cười đến thế nào đi chăng nữa, trò chơi sinh hoạt vẫn cần phải có thêm 2 yêu cầu dưới đây nữa để niềm vui không hời hợt chóng qua và để nụ cười không bị sượng sùng trơ trẽn.
2. YÊU CẦU RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
Với yêu cầu này, các bài tập thể dục thể thao đã được chuyển thành các Trò Chơi Vận Động đòi hỏi sức khỏe, phản xạ nhanh, động tác tháo vát; các bài toán trí óc đã chuyển thành các Trò Chơi Động Não, suy luận, phân tích tổng hợp nhanh, đầy đủ và chính xác một cách lý thú; đặc biệt, các bài khóa huấn luyện về kỹ năng khô khan tẻ nhạt đã thoát xác thành các Trò Chơi Ưùng Dụng thực hành hết sức hấp dẫn và hiệu quả…
Thật vậy, trò chơi sinh hoạt không để cho bất cứ ai đã tham gia mà lại có thể thụ động, tụ thủ bàng quan, không gắn bó với tập thể, ngược lại, nó có tác dụng gây ra một nỗ lực chung thật hăng hái.
Sau khi một trò chơi đã thật sự chấm dứt, mỗi người tùy vào mức độ hưởng ứng của mình, sẽ tự khám phá mình đã khác trước đó, nhanh nhẹn hơn, biến báo hơn, thông minh hơn hoặc tháo vát hơn. Những người ít sinh hoạt có thể thích thú và bỡ ngỡ, không ngờ mình lại khá năng động, đâu đến nỗi kém cỏi như bấy lâu vẫn tưởng.
Như vậy, trải qua một thời gian tham gia sinh hoạt, dự nhiều trò chơi các thể loại khác nhau, cả tập thể và từng cá nhân đã nghiễm nhiên được tăng cường thể lực, trau giồi trí óc, cũng như rèn luyện thành thạo được khá nhiều kỹ năng, mà những bài khóa lý thuyết khó có thể trang bị cho họ một cách chu đáo, nhanh chóng, hiệu quả và đầy hứng thú như vậy.
3. YÊU CẦU GIÁO DỤC CHIỀU SÂU
Khác với 2 yêu cầu vừa nêu, yêu cầu thứ ba này có khi được thể hiện một cách nhẹ nhàng kín đáo nhưng lại hết sức quan trọng, bởi nó góp phần nâng cao các ý thức nhân bản, vun đắp những cảm nhận tín ngưỡng tâm linh một cách âm thầm và tiệm tiến. Như thế phải nói là các trò chơi sinh hoạt sẽ có tác dụng thấm thía sâu xa hơn nhiều so với việc chỉ lên lớp các bài giáo dục công dân hoặc các buổi học giáo lý, các giờ huấn đức thuần túy trong các tập thể.
Về mặt nhân bản, trò chơi sinh hoạt giúp nhận thức về tinh thần kỷ luật tập, tính trung thực trong ganh đua, các mối tương quan ứng xử tốt đẹp trong xã hội, lòng yêu mến tôn trọng thiên nhiên và của công, sự vâng phục đối với bề trên hoặc huynh trưởng. Nói chung, trò chơi sinh hoạt góp phần giáo dục tính cách công dân.
Về mặt tâm linh, riêng đối với các trò chơi tôn giáo, nó giúp hình thành nơi người tham gia ý niệm về hai chiều kích gắn bó bản thân với Thượng Đế và bản thân với tha nhân, vốn dĩ là những mầu nhiệm của sự sống, những thực tại thiêng liêng trừu tượng. Những điều này quả thật khó trình bày diễn đạt cũng như khó thụ đắc, nếu không thông qua các phương tiện gần gũi và sinh động như các trò chơi dùng trong các kỳ trại có chủ đề, các Trò Chơi Chiến Dịch hoặc xen kẽ trong các tiết dạy Giáo Lý.
Tắt một lời, trò chơi sinh hoạt góp phần giáo dục tính cách đạo lý và tín ngưỡng.
III - PHÂN LOẠI TRÒ CHƠI
1. THEO TÍNH CHẤT NỘI DUNG:
a. Trò Chơi Phản Xạ:
Đây là loại trò chơi quy ước phản xạ về động tác, về lời nói. Tóc độ ngày càng nhanh. Luật chơi cứ ngày lại một khó hơn, dễ gây rối loạn, phán đoán sai… Có thể có nhiều kiểu phản xạ khác nhau:
- Phản xạ thuận: Mọi người phải làm và nói theo đúng khẩu lệnh của quản trò điều khiển.
- Phản xạ nghịch: Hễ quản trò làm và nói thế này thì mọi người lại phải làm và nói thế kia.
b. Trò Chơi Lý Luận:
Đây là trò chơi vận dụng đến sự động não để phân tích, lý luận, loại suy, tổng hợp, nêu các giả thuyết hợp lý và đi đến những kết luận chính xác. Trò chơi sẽ diễn ra trong một thời gian nhất định hay một số lần nhận định thăm dò đã được quy ước trước giữa quản trò và tập thể tham dự.
c. Trò Chơi Vận Động Nhẹ:
Đây là loại trò chơi ngồi tại chỗ, ít vận động, được dùng với một nhóm không quá đông, mục đích để thư giãn, gây tình thân và tạo niềm vui nhẹ nhàng, sau khi đã thấm mệt với các trò chơi vận động mạnh. Có thể kết hợp trò chơi với các Bài Hát Sinh Hoạt
d. Trò Chơi Vận Động Mạnh:
Đây là loại trò chơi dùng đến sức lực, sự nhanh nhẹn, quả cảm, tháo vát và cả mưu trí. Người thua phải vào thay quản trò để điều động tiếp trò chơi. Cũng có thể trò chơi mang tính đối kháng, thi đua quyết liệt giữa hai hoặc nhiều Đội, kết quả sẽ tính theo tỷ số thắng-thua, hình phạt do bên thắng quy định, ví dụ: đội thua cõng đội thắng đi một vòng; hoặc cả đội thua phải nhẩy lò cò, người sau nắm chân trái người trước…
Trò chơi loại này sẽ dễ dàng tạo ra cao trào hứng khởi, hết sức sôi nổi cho buổi sinh hoạt, vì thế không nên đưa ra liên tiếp nhiều trò khiến tập thể mau mệt và chóng chán, nhưng nên xen kẽ, cứ 2, 3 trò chơi nhẹ mới dùng một trò chơi mạnh.
e. Trò Chơi Cảm Giác:
Đây là loại trò chơi phải dùng đến một hoặc nhiều giác quan cùng lúc như:
- Thính giác ( nghe bằng tai )
- Thị giác ( nhìn bằng mắt )
- Vị giác ( nếm bằng lưỡi )
- Khứu giác ( ngửi bằng mũi
- Xúc giác ( sờ bằng tay, dò bằng chân ).
Cũng có thể cho cô lập một giác quan nào đó để người chơi phải vận dụng tối đa các giác quan còn lại trong việc nhận định, ghi nhớ, lý luận loại suy và đi tới kết luận chính xác.
2. THEO ĐỐI TƯỢNG THAM GIA:
Linh Hoạt Viên cần lưu ý chọn các trò chơi thích hợp với độ tuổi và phái tính của những người tham gia buổi sinh hoạt, cần nhớ đó là yếu tố quyết định khá lớn dẫn đến thành công chung cuộc.
a. Tuổi Ấu:
Trò chơi dùng cho độ tuổi 8 đến 11, tất cả đều là nam hoặc nữ, hoặc chung nam-nữ. Quy ước chơi đơn giản, không vận động quá sức và quá lâu, gây kiệt sức uể oải. Có thể đi kèm với Bài Hát Có Cử Điệu, nhắm rèn luyện cho các em sự chú ý quan sát, nỗ lực gắng sức, giáo dục sự hiền hòa nhân ái, vui tươi và chăm chỉ.
Bầu khí tốt nhất cho loại trò chơi này là những phút giải lao sau một tiết học Giáo Lý, một buổi picnic và nhất là trong một đêm tổ chức đốt lửa theo dạng Hoa Lửa của các em Sói Con và Chim Non của phong trào Hướng Đạo.
b. Tuổi Thiếu:
Trò chơi dùng cho độ tuổi 12 tới 15, tất cả đều là nam hoặc nữ, hoặc chung nam-nữ. Quy ước chơi đơn giản nhưng đòi hỏi cao, vận động có mạnh có nhẹ, tạo hào hứng liên tục, gay cấn, biến báo nhanh và sôi động.
Trò chơi nhắm đến việc rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, tháo vát, óc quan sát, tinh thần sẵn sàng. Ngoài ra, trò chơi còn giáo dục tính ganh đua trong sáng, trung thực, vị tha. Trò chơi thường diễn ra trong sân nhà có mái che hoặc sân trường, sân nhà thờ hoặc trên bãi đất rộng, quang đãng, bằng phẳng, không có rễ cây, mương lạch và đá sỏi.
c.Tuổi Kha:
Trò chơi dùng cho độ tuổi 16 tới 18, tất cả đều là thuần tuý nam hoặc nữ. Quy ước chơi phức tạp, đòi hỏi vận động mạnh và liên tục, có tính mạo hiểm phiêu lưu, hồi hộp căng thẳng, phải không ngừng nỗ lực. Trò chơi nhắm đến việc rèn luyện óc phán đoán, tính nhạy bén, lòng quả cảm.
Ngoài ra, ở độ tuổi mà các em chưa hẳn là thanh niên mà cũng thôi không còn là thiếu niên, loại trò chơi này muốn giáo dục các em về ý thức và tinh thần đồng đội, sự tuân phục các huynh trưởng một cách tự nguyện, ý chí khẳng khái, bền bỉ, sẵn sàng gánh lấy cái khó mà vẫn vui tươi lạc quan.
d. Tuổi Tráng:
Trò chơi cho độ tuổi 19 tới 24 tuổi, tất cả là nam hoặc nữ, hoặc hỗn hợp nam-nữ ( mixte ). Quy ước trở lại khá đơn giản nhưng nhiều ý nhị sâu xa, thường là vận động nhẹ nhiều hơn là mạnh, đòi hỏi đấu tài, đấu trí hơn là đấu sức.
Trò chơi nhắm rèn luyện sự lý luận thông minh, năng động biến báo, quan sát tinh tế, chuyên môn khéo léo và đạt yếu tố kỹ thuật cũng như mỹ thuật cao. Ngoài ra, trò chơi góp phần giáo dục sự hướng thương vị tha, sẵn sàng giúp ích, tạo lập các tương quan hài hòa tế nhị.
Trò chơi thường diễn ra trên bãi cỏ pique-nique, các công viên, các khu giải trí dã ngoại giữa thiên nhiên hoặc trong phòng rộng, hội trường... Xin đơn cử một số ví dụ:
e. Tuổi Trưởng:
Trò chơi dùng cho độ tuổi từ 25 trở lên, rất nên tổ chức chung cho nam-nữ để bầu khí chan hòa, quân bình và sinh động. Quy ước rất đa dạng và phong phú. Thường là vận động nhẹ, ít đổ mồ hôi, linh hoạt mà vẫn lịch sự.
Trò chơi nhắm đến việc rèn luyện sự tập trung ý chí và vận dụng các tri thức chuyên môn hoặc các kinh nghiệm từng trải. Tuy vậy, các trò chơi vẫn phải đem đến những giây phút cởi mở vui tươi thư giãn sau một tuần làm việc ở nhà và ngoài xã hội, giải tỏa được những dồn nén căng thẳng ( stress ).
Ngoài ra, trò chơi còn rèn luyện lòng nhẫn nại kiên trì, tính khôi hài lạc quan, tinh thần trách nhiệm, giúp ích có hiệu năng sâu rộng, ý thức được về bản ngã và tha nhân, vun đắp tinh thần tôn giáo và gầy dựng tình huynh đệ nhân quần...
Nếu họp mặt không quá 20 người, trò chơi có thể diễn ra trong phòng khách, trên sân thượng, ngoài hàng hiên hay trong một khu nhà vườn. Nếu họp mặt đông người hơn, có thể tổ chức tại các khu vực nghỉ mát, du lịch, pique-nique, gần gũi với phong cảnh thiên nhiên hữu tình.
Trong tiếng nhạc nhẹ nhàng làm nền, người tham dự cùng nhau nhâm nhi một tách cà phê hoặc một ly chè tự nấu, ăn bánh và trái cây do mỗi người mang tới, các Trò Chơi Sinh Hoạt tuổi Trưởng được đưa ra một cách tự nhiên, xen kẽ giữa những vấn đề bàn bạc thảo luận
Xin đơn cử một số ví dụ các dạng trò chơi tuổi Trưởng:
- Các Trò Chơi Dùng Phiếu để thu nhặt dữ kiện hoặc để điều động một cuộc họp mặt sinh hoạt giao lưu;
- Làm câu đối, thơ lục bát và hò đối đáp theo âm điệu hò của 3 miền giữa hai nhóm nam nữ;
- Video-club: đặt tên bộ phim vừa xem, đưa ra một kết thúc khác, chia sẻ hoặc tranh luận kiểu Tòa Án Vườn về nội dung và các nhân vật trong phim.
3. THEO TẦM CỠ DÀN DỰNG:
a. Trò Chơi Nhỏ:
Trò Chơi Nhỏ có thể dùng cho mọi độ tuổi, số người tham dự thường từ 12 tới 36, không kéo dài quá lâu nhưng thay đổi nhanh cứ mỗi 10 phút, từ dạng này sang dạng khác, thỉnh thoảng nên xen kẽ một trò chơi vận động mạnh.
Trò Chơi Nhỏ có tính nhất thời, mục đích gây bầu khí hứng khởi thân tình, khởi đầu một kỳ trại, chuẩn bị cho một cuộc họp mặt, một khóa học, dẫn nhập vào tiết dạy Giáo Lý hoặc nằm giữa một chương trình dài để giải lao, thư giãn cho cử tọa.
Trò Chơi Nhỏ có thể được thực hiện trong phòng cũng như ngoài trời, dạng sinh hoạt vòng tròn hay ngồi theo các dãy ghế trong lớp, trong hội trường. Do vậy Trò Chơi Nhỏ thường là các trò chơi vận động nhẹ, trò chơi phản xạ,ï trò chơi động não. Tuy nhiên, cũng có thể Trò Chơi Nhỏ là những trò chơi vận động không quá mạnh, không kéo dài, không có tính đối kháng cao như các trò chơi Bịt mắt bắt dê, Nhẩy cừu, Chơi U... Ngoài ra, Trò Chơi Nhỏ cũng có thể dùng làm thành phần cho một trò chơi lớn của các Quản Trò đứng trạm dùng để thử thách các Đội.
a. Trò Chơi Trung:
Trò Chơi Trung có thể dành cho mọi độ tuổi, số người tham dự thường từ 12 tới 36, mỗi trò kéo dài trong khoảng 15 tới 45 phút. Trò Chơi Trung thực hiện được trong phòng lẫn ngoài trời, sau khi đã chơi một số trò chơi nhỏ để hâm nóng bầu khí. Trong một buổi sinh hoạt hay một kỳ trại, chỉ nên chọn không quá 3 Trò Chơi Trung.
Trò Chơi Trung luôn luôn được diễn ra xoay quanh một chủ đề, một ý nghĩa cần chuyển tải, được diễn giải bằng một câu truyện, có thể kèm theo một Bài Hát Ý Lực thích hợp để khắc họa tâm tình. Tất cả nhằm đem lại một kết quả cụ thể về huấn luyện một hay nhiều kỹ năng nào đó, và nhất là sẽ mang lại một giá trị sâu xa về giáo dục nhân bản và tâm linh cho cá nhân mỗi người cũng như cho cả tập thể.
Trò Chơi Trung thường dùng đến các Phương Pháp Lập Phiếu, Nhóm Ong, Hoạt Động Xưởng, thường phải chia đối tượng tham dự thành nhiều đội, nhiều nhóm cùng thi đua nhưng lại không mang tính đối kháng quyết liệt do không chấm giải nhất, nhì, ba, tư và trao phần thưởng.
b. Trò Chơi Lớn ( Grand Jeu ):
Đây là một trò chơi có thể huy động rất đông người tổ chức và tham dự, chia thành nhiều Đội, nhiều Toán. Thời gian chơi kéo dài, trải qua nhiều chặng, nhiều trạm với các thử thách có tính chất khác nhau, đòi hỏi nhiều chuyên môn, nhiều kỹ năng, nhiều công sức.
Nội dung trò chơi mang một ý nghĩa sâu xa dựa vào một chủ đề chính và được chuyển tải thông qua một hình thức phức tạp nhưng hết sức hấp dẫn. Xin xem thêm phần trình bầy chi tiết trong bài 3.
c. Trò Chơi Chiến Dịch:
Đây là một dạng Trò Chơi Lớn thường được dành riêng cho sinh hoạt của Giáo Lý, đòi hỏi Ban Tổ Chức phải chuẩn bị rất kỹ vì huy động tất cả thầy cô và học sinh Giáo Lý cùng phụ huynh các em trong giáo xứ.
Mỗi Chiến Dịch có thể tiến hành từ 2 tuần tới 2 tháng và đòi hỏi nhiều mặt sinh hoạt và hoạt động khác nhau.
Nội dung trò chơi gắn với một chủ đề Giáo Lý, mục đích để giáo dục và rèn luyện cho các em các mặt Tâm Linh, Nhân Bản và Kỹ Năng thông qua các trò chơi sinh hoạt và hoạt động đa dạng, tương đối toàn diện. Xin xem thêm phần trình bầy chi tiết trong bài 4.
d. Trò Chơi Liên Tỉnh ( Interville ):
Trong mấy năm gần đây, đài truyền hình VTV của Việt Nam có mở các chương trình sinh hoạt dành cho sinh viên và học sinh các lứa tuổi trong toàn quốc. Anh Lại Văn Sâm với sự cộng tác của anh Laurent Bosque người Pháp, đã thiết kế các Trò Chơi Liên Tỉnh mang tên SV 97 và đã đạt được thành công ngoài sự mong đợi. Kế tiếp, đã có chương trình 7 Sắc Cầu Vồng dành cho học sinh Phổ Thông, Khu Vườn Cổ Tích dành cho trẻ em Mẫu Giáo, Câu Lạc Bộ những người yêu thích âm nhạc.
e. Trò Chơi Quốc Gia ( National ):
Đây là dạng trò chơi do một đơn vị phong trào cấp tỉnh đứng ra đăng cai tổ chức, mời các tỉnh, các vùng, các miền khác trong nước về tham dự. Một số nơi có truyền thống từ xưa, có Đền, Đình, Chùa, Phủ, Lăng, di tích lịch sử... cũng thường có những ngày Lễ Hội lớn hằng năm với các Trò Chơi Dân Gian.
f. Trò Chơi Quốc Tế ( International ):
Đây là dạng trò chơi không biên giới do một người hoặc một nhóm người, một tổ chức cấp quốc gia đề xuất và điều hành, có giao lưu hợp tác với nhiều người, nhiều tổ chức tại các nước khác nhau, không giới hạn về thời gian, về độ tuổi tham gia vì nội dung tuy mang đậm tính chuyên môn chuyên sâu nhưng lại trải ra trên một diện hết sức rộng lớn, với đủ mọi hình thức và phương thế giao lưu trao đổi.
4. THEO ĐIỀU KIỆN KHÔNG GIAN:
a. Trò Chơi Trong Nhà ( In Door ):
Không gian chơi tuy bị giới hạn bởi tường vách và đồ đạc nhưng lại dễ tạo nên bầu khí thân tình. Dẫu sao, không nên tập họp quá đông, gây chật chội, vướng víu và nóng bức ngộp thở.
Do vậy, chỉ nên dùng các Trò Chơi Vận Động Nhẹ hoặc các Trò Chơi Dùng Phiếu. Không nên quá kéo dài một trò chơi đến mức nhàm chán, nhưng thay đổi nhanh, từ dạng này chuyển sang dạng khác. Cũng không nên dùng quá nhiều trò mà chỉ cốt gây bầu khí, dẫn vào trọng tâm chủ đề chính buổi gặp gỡ.
b. Trò Chơi Ngoài Trời ( Out Door ):
Không gian chơi rộng và thoáng như: sân chơi của trường học, trong vườn của một ngôi nhà ở thành phố hoặc ở ngoại thành, ở nông thôn, công viên... Nếu là một đất trại, gần gũi với thiên nhiên cây cỏ thì quá tốt. Có thể dùng đến các Trò Chơi Vận Động Mạnh, xen kẽ với các Trò Chơi Vận Động Nhẹ. Nếu là một kỳ trại, có thể đưa ra một Trò Chơi Trung hoặc Trò Chơi Lớn.
Nên có một Quản Trò chính và một vài Quản Trò Phụ Tá để luân phiên nhau vừa điều khiển vừa dưỡng sức vì buổi sinh hoạt ngoài trời có thể kéo dài 1 đến 2 giờ.
Cần tiên liệu biến báo để duy trì sinh hoạt khi mưa khi nắng, làm chủ nhịp độ và bầu khí khi dồn dập khi thư giãn, không bị đơn điệu nhàm chán hoặc làm cho người tham dự đuối sức mệt mỏi, nhất là đối với các em nhỏ hay các bạn nữ.
5. THEO NHU CẦU PHỤC VỤ:
a. Trò Chơi Sinh Hoạt Vòng Tròn:
Sinh hoạt theo dạng mọi người đứng hoặc ngồi theo hình vòng tròn chung quanh Quản Trò là dạng phổ biến và lý tưởng nhất ( thuật ngữ SHO: sinh hoạt Vòng Tròn ). Cần chú ý mấy điểm căn bản sau đây, vốn đã trở thành quy ước chung về sinh hoạt vòng tròn cho mọi nơi, mọi quốc gia:
- Khi cần di chuyển hoặc điểm số trong sinh hoạt, luôn đi theo chiều ngược với chiều kim đồng hồ.
- Quản Trò luôn ở trong vòng tròn, xoay người từ từ hướng về mọi người, vị trí ở giữa hoặc chếch 2/3 về một phía, để mọi người có thể nghe và thấy được mình.
- Các trò chơi Sinh Hoạt Vòng Tròn thường đi kèm với các Bài Hát Có Cử Điệu.
- Chú ý cho vòng tròn điểm số chẵn-lẻ hoặc 1, 2, 3 từ đầu cho đến hết để nắm chắc số người tham dự, dễ biến báo, tạo bầu khí thân tình, vui tươi và sống động.
b. Trò Chơi Sinh Hoạt Thi Đua:
Vì là thi đua nên phải chia ít là thành 2 bên, sẽ đấu với nhau tổng cộng là 3 hoặc nhiều nhất là 5 lượt ( số lẻ lượt ) để lấy tỷ số thắng-bại. Tuy vậy, tùy theo tính cách trò chơi, có thể dừng lại ở tỷ số hòa nhau thì vui hơn.
Dạng trò chơi này thường là ở ngoài trời, nhưng đôi khi cũng tổ chức được trong nhà, miễn là không gian đủ rộng để di chuyển hay chạy nhảy cho thoải mái.
Quản Trò cần chú ý mấy điểm sau đây:
- Không nên lấy Đội hay Nhóm có sẵn để chia, vì dễ gây ra ganh đua cục bộ. Cũng không nên chia thành 2 phe nam-nữ hoặc già-trẻ. Ngược lại, nên cho điểm số, dùng cách chia chẵn-lẻ tự nhiên.
- Khi đã chia đều số người ở 2 bên, Quản Trò có thể nhờ thêm những bạn dư ra để làm trọng tài hỗ trợ mình. Cần công minh, không thiên vị một bên nào để tránh sự tranh cãi đôi co, mất vui lúc đó và sau này.
- Thắng-bại trong trò chơi chỉ là tương đối, cốt đem lại niềm vui chung. Do vậy, không nên tính nhất-nhì, nhưng dùng phần thưởng chính là một trò chơi Thưởng-Phạt.
- Sau khoảng 2, 3 trò chơi dạng Thi Đua, nên trở lại dạng Sinh Hoạt Vòng Tròn, xóa nhòa mọi ấn tượng hơn-thua để vẫn duy trì bầu khí thân tình.
g. Trò Chơi Thưởng-Phạt:
Đa số các trò chơi sinh hoạt đều đưa tới một kết thúc có bên thắng, bên bại, có người bị phạt hay được thưởng. Để bầu khí vẫn tiếp diễn vui tươi và sinh động, Trò Chơi Thưởng-Phạt sẽ giúp cho bên thua hay người bị phạt không cảm thấy “quê”, vừa được khích lệ sẽ chơi hay hơn trong dịp khác và trong trò chơi khác, lại vừa thấy lý thú khi được tập thể “thưởng” cho một Trò Chơi Phạt ! Ngược lại, bên thắng và người được thưởng thường được tập thể “phạt” bằng một Trò Chơi Thưởng !
Cái khéo của người Quản Trò hay Linh Hoạt Viên là biết đề nghị một Trò Chơi Thưởng-Phạt sao cho mọi người đều nhiệt liệt hưởng ứng. Muốn thế, dù là thưởng hay phạt, Quản Trò cần lưu ý mấy điểm quan trọng sau đây:
- Phải là một trò chơi đúng nghĩa, nghĩa là hội đủ 3 yếu tố: Gây dựng bầu khí - Rèn luyện kỹ năng - Giáo dục chiều sâu.
- Không nên lợi dụng để “đì” một Đội hay một cá nhân, biến họ thành trò cười cho mọi người.
- Trò chơi phải hợp với khả năng, vừa với sức lực của người chịu phạt hay được thưởng. Nếu họ đã cố gắng mà không xong thì đừng bắt làm đi làm lại, nhưng mời gọi mọi người hoan hô tinh thần và... tha cho họ về chỗ. Sau đó, chuyển ngay sang một trò chơi sinh hoạt khác.
Nguồn tin: http://gxhanhthongtay.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 184 | Tổng lượt truy cập: 3,575,322