Sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự cứu độ của chúng ta.
Thánh Phaolô nói thẳng thật về sự kiện này: “Nếu Chúa Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15:14). Nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, Ngài chỉ là một con người bình thường đã chết, không thay đổi được gì và chúng ta vẫn chìm đắm trong tội lỗi của mình: “Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15:17-19).
Thông điệp của Kitô giáo rất rõ ràng: Vấn đề cơ bản của con người là tội lỗi. Tội lỗi đã làm tổn hại đến bản tính con người và phá vỡ các mối tương quan của con người với Thiên Chúa, với đồng loại, với các thụ tạo khác và thậm chí với chính bản thân mình. Khi Thiên Chúa đe dọa con người bằng “cái chết” nếu họ phạm tội, thì không phải là Thiên Chúa đang đặc biệt nghiêm khắc hay tàn bạo. Thiên Chúa là “Đấng Thiện Hảo Tối Thượng” của chúng ta. Ngài là Tình yêu. Điểm gặp gỡ duy nhất mà chúng ta có thể có với một Thiên Chúa – Đấng là Sự Tốt Lành và là Tình yêu - là chính sự tốt lành và tình yêu. Và nếu tội lỗi là sự quay lưng lại với sự tốt lành và là việc từ chối tình yêu, thì điều duy nhất có thể xảy ra là cái chết. Chúng ta không thể tự cắt đứt mình khỏi nguồn sống mà hy vọng tiếp tục sống. Chúng ta không tự đủ cho chính mình. Ma quỷ cám dỗ chúng ta, tuy nhiên chúng ta không phải là thần thánh.
Vì vậy, nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, nghĩa là, nếu cái chết đã chinh phục được Ngài, thì Ngài không phải là Đấng Cứu Độ. Điều đó có nghĩa là hậu quả bởi tội lỗi của chúng ta vẫn còn nắm chặt chúng ta vì nó vẫn còn nắm giữ Ngài. Điều đó có nghĩa là Ngài không phải là Thiên Chúa, không phải là Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài chỉ là một con người đã chết.
Nhưng vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, một trang sử hoàn toàn mới của nhân loại đã bắt đầu. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện riêng tư, một phần thưởng cá nhân, một lần cho Ngài. “Này ông Giêsu, ông đã làm tốt lắm, giờ hãy ra khỏi ngôi mộ đó!” Không phải thế, Sự Phục sinh của Chúa Giêsu là bằng chứng về uy quyền Thiên Chúa của Ngài. Đó cũng là sự khởi đầu của một quá trình, bắt đầu từ Lễ Phục sinh đầu tiên và kết thúc vào Ngày phán xét cuối cùng. Khi chúng ta tuyên bố “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, chúng ta không nói về điều gì đó không liên quan đến Sự Phục sinh. Việc Chúa Giêsu cam đoan rằng ngôi mộ không phải là con phố cụt đảm bảo rằng nhân loại được chia sẻ sự sống đời sau.
Đối với những ai là chi thể trong của Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài, thì Sự Phục sinh là hành động cứu rỗi cuối cùng. Đó là sự phục hồi toàn bộ con người - thể xác và linh hồn - đến một vinh quang mà ngay cả Ađam Đầu Tiên cũng không thể biết đến. Đó là phép lạ chữa lành tột cùng của Chúa Giêsu, so với phép lạ chữa lành này thì tất cả các phương dược chữa lành khác mà Ngài đã thực hiện trong suốt cuộc đời của Ngài chỉ là sự nếm thử trước. Đối với những ai từ chối Ngài, thì sự phục hồi tính hợp nhất thể xác-linh hồn của con người sẽ đưa đến sự tan vỡ tính hợp nhất đó do lỗi về phía họ vì họ là những tội nhân mãi mãi bám víu vào tội lỗi của mình. Sự đau khổ của hỏa ngục là sự đau khồ của những kẻ muốn hủy diệt chính mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa để tái tạo lại chính mình theo hình ảnh méo mó của chính họ. Họ “tốt lành” trong mức độ con người của họ - đó là điệp khúc được lặp đi lặp lại trong Sáng thế ký - nhưng sự tốt lành đó lại là điều họ ghét bỏ và muốn hủy hoại trong bản thân mình.
“Niềm vui Phục sinh” chính là nói rằng tội lỗi và sự dữ không có lời phán quyết cuối cùng trong lịch sử loài người. Ma quỷ đã bị đánh bại. Ma quỷ vẫn có thể cố gắng bắt giữ tù nhân, nhưng nghịch lý là những người mà ma quỷ bắt giữ là những người tự do quyết định làm nô lệ cho hắn. Sự Phục sinh cho thấy rõ rằng Thiên Chúa và sự tốt lành quyết định lịch sử và sự sống vĩnh cửu.
Các sách Tin Mừng thuật lại nhiều sự kiện khác nhau liên quan đến Sự Phục sinh. Các sách Tin Mừng nói về những người phụ nữ đã đến ngôi mộ, mong đợi được xức thuốc thơm cho xác Chúa Giêsu nhưng thay vào đó họ lại thấy một ngôi mộ trống không (Luca 24:1-10, Máccô 16:1-3, Mátthêu 28:1, 5-10). Các sách Tin Mừng nói về những lần họ thấy các thiên thần (Mátthêu 28:5-10, Máccô 16:4-7). Các sách Tin Mừng nói về Phêrô và Gioan chạy đến ngôi mộ trống đó, nhìn thấy và tin (Luca 24:12, Gioan 20:3-10). Các sách Tin Mừng nói về những người lính canh hoảng sợ và những câu chuyện bịa đặt (Mátthêu 28:2-4, 11-15). Các sách Tin Mừng nói về Maria Mađalêna gặp Chúa Giêsu trong Khu Vườn, Đấng mà lúc đầu bà không nhận ra (Gioan 20:11-18).
Các sách Tin Mừng nói như nhau về các tông đồ trên đường Emmau, nhưng cuối cùng họ đã nhận ra Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể (Luca 24:13-35). Các sách Tin Mừng nói về những cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục sinh tại Galilê (Ga 21:1-14) và sự giao hòa của Phêrô (Ga 21:15-24). Các sách Tin Mừng nói về các Tông đồ đang ở trong Phòng Tiệc Ly và Chúa Giêsu hiện đến chào “bình an” và sứ điệp “bình an” qua Bí tích Hòa giải (Ga 20:19-23).
Các sách Tin Mừng nói về “nhiều điều khác” mà Chúa Giêsu đã làm (Gioan 21:25) không được ghi lại trong các sách Tin Mừng, ám chỉ đến “nhiều bằng chứng” mà “Ngài lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1:3).
Mỗi đoạn văn này cung cấp cho chúng ta tài liệu phong phú để suy ngẫm về sự kiện Chúa Giêsu không phải là “Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20:38), rằng “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1:13), và đây chính là lời đề nghị của Ngài dành cho chúng ta, chỉ yêu cầu chúng ta nói lời xin vâng - fiat, để Ngài biến đổi chúng ta bằng ân sủng của Ngài.
Mầu nhiệm này ngày nay được mô tả trong bức tranh của Raphael, họa sĩ “người Ý” thời Phục hưng, đầu thế kỷ 16. Bức họa “Sự phục sinh của Chúa Kitô” của ông, có niên đại từ khoảng năm 1500 và được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật São Paulo của Brazil, nhằm mục đích nắm bắt chính khoảnh khắc Phục sinh. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của ông. Một nhà bình luận chỉ ra rằng người xem nên quan sát “hình học đối xứng” của bức tranh vì nó mang lại cho hành động một “điệu múa sôi nổi”.
Raphael, “Sự phục sinh của Chúa Kitô,” khoảng năm 1500, Bảo tàng Nghệ thuật São Paulo, Brazil (ảnh: Public Domain)
Chúa Giêsu là nhân vật trung tâm, đang cất cao lên trên ngôi mộ của mình (giống một chiếc quách đá thời Phục hưng hơn là một ngôi mộ khoét trong hang của người Do Thái). Ngài mang theo lá cờ chiến thắng vinh quang của mình, ghi dấu hiệu của chiến thắng đó, là Thánh giá của Ngài. Bàn tay phải của Ngài giơ ra để ban phúc lành. Thân thể của Ngài đã được biến đổi - từ thân mình bị đánh đập và bầm tím, Ngài chỉ giữ lại những dấu vết của Cuộc khổ nạn mà Ngài chọn, tức là, những vết đinh trên tứ chi và vết thương mở ra ở cạnh sườn.
Hai thiên thần đã phục vụ Ngài - liệu họ có phải là những sứ giả đầu tiên đến thăm Ngôi mộ trống không? Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ của Ngài rằng Ngài có thể có một đạo quân thiên thần bảo vệ Ngài nếu Ngài muốn. Một vài Tông đồ đã sẵn sàng hỗn chiến ở Khu vườn Giệtsimani với một vài thanh kiếm. Thay vào đó, Ngài có một thiên thần ở đó để giúp cho Ngài thêm mạnh mẽ trên đường lên núi Canvê.
Bốn người canh mộ, mặc quần chẽn thời Phục Hưng, bị phân tán ra bốn phương. Các tác nhân con người, vốn phục vụ việc canh chừng người chết, không thể sánh được với Chúa của sự sống. Nhưng những con người đó không hoạt động một mình: ngay bên dưới người canh gác áo vàng bên trái là một con rắn xanh, con rắn xa xưa ở vườn Địa Đàng mà Thiên Chúa hứa sẽ nghiền nát đầu nó. Ma quỷ cũng không thể giữ cho ngôi mộ bị niêm phong mãi.
Ở phía sau, ba người phụ nữ đang tiến đến, gần như không để ý đến những gì đang xảy ra trước mặt, mang theo hương liệu, dự định xức dầu thơm cho xác Chúa Giêsu, họ quá đắm chìm vào cuộc tranh luận xem ai sẽ đẩy tảng đá lấp cửa mồ ra để rồi nhận ra rằng sự bàn bạc của họ chẳng có ý nghĩa gì.
Các Mầu nhiệm Mùa Vui tập trung vào 12 năm đầu đời của Chúa Giêsu và Cuộc sống mai ẩn của Ngài. Các Mầu nhiệm Sự Sáng chủ yếu xem xét các sự kiện trong Sứ vụ Công khai của Ngài, mặc dù các mầu nhiệm đó mở ra cánh cửa vào hiện tại. Các Mầu nhiệm Mùa Thương tập trung vào “một ngày trong cuộc đời của Chúa Kitô”.
Các Mầu nhiệm Mùa Mừng mở ra cánh cửa vào sự sống vĩnh cửu một cách rõ ràng. Từ những gì chúng ta thấy và suy ngẫm ngày hôm nay, chúng ta tin vào “sự sống đời sau”, một sự sống đời đời chẳng cùng.
Phêrô Phạm Văn Trung
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 42 | Tổng lượt truy cập: 3,104,040