Ngày 01/11 - Lễ các thánh Nam Nữ

  • 31/10/2022 19:44
  • Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ chúng ta hãy hân hoan cung chiêm và chúc tụng các thánh là những người bạn, là những người anh chị em của chúng ta; đồng thời biết hướng lòng về quê trời là cùng đích cuộc đời chúng ta.

    Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ

    Ngày 1 tháng 11

    LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

    I.  Ý NGHĨA NGÀY LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ - Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

    Trong lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo, hầu như trong thánh lễ Misa nào cũng có mừng kính thánh này, thánh kia, có ngày có tới 4, 5 vị thánh; tuy nhiên vẫn chưa thể mừng hết được.

    Bởi chưng chỉ trong danh sách những vị được Giáo Hội phong hiển thánh không thôi thì con số đã lên tới hơn 10 ngàn vị, mà mỗi một năm chỉ có 365 ngày, cho nên không thể nào mừng kính tất cả các thánh từng ngày trong suốt năm được.

    Hơn nữa, còn rất nhiều vị thánh tử đạo ở khắp nơi trên thế giới, bên Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản,… chưa được Giáo Hội ghi tên vào sổ bộ các Thánh,. Ngoài ra còn rất nhiều vị thánh thuộc nhiều giai tầng khác nhau nữa mà Giáo Hội không biết hết được, dù rằng trước mặt Thiên Chúa các ngài đã là thánh. Chính vì thế mừng toàn thể Chư Thánh trên Thiên Quốc, cả những vị thánh vô danh, tức là những vị thánh chưa được ai biết đến, vào ngày 1.11 là trọn tình vẹn nghĩa nhất.

    Vậy đâu là ý nghĩa đích thực mà Giáo Hội muốn hướng tới khi mừng lễ kính Các Thánh Nam Nữ hôm nay? Thiết nghĩ ít là có 3 ý nghĩa sau đây:

    – Ý nghĩa thứ nhất: lễ Các Thánh mời gọi ta chiêm ngắm hằng hà sa số những người đã được Đức kitô cứu chuộc.

    Lúc 5 giờ 45 phút sáng nay, 1.11.2013, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam đã được công bố. Đó là bé Nguyễn Thị Thùy Dung, con của chị Lê Thị Duyên và anh Nguyễn Văn Dũng (thuộc xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), chào đời lúc 2 giờ 45 phút sáng 1.11. Theo trang tin Thanh Niên Online, để chào đón công dân thứ 90 triệu, từ ngày 1 – 2.11, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tổ chức chương trình diễu hành với chủ đề: “90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng”, và đêm nhạc hội: “90 triệu trái tim yêu Việt Nam”.

    Dân số của một quốc gia trần thế, người ta có thể biết khá chính xác, thông qua việc đăng ký khai sinh. Còn dân số của Thiên Đàng, của Nước Trời, chắc hẳn không ai biết chính xác được. Và người ta cũng không thể biết được cho đến hôm nay, 01.11.2013, đã có bao nhiêu vị thánh trên Thiên Đàng.

    Dẫu vậy, chắc chắn một điều mà ta biết được là con số các thánh trên Thiên Quốc là rất đông đảo. Giả như, nếu được lên trời thăm các thánh, có lẽ chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của các ngài. Các Ngài thuộc đủ bậc đủ hạng: là Tông đồ, Tử đạo, Hiển tu, Đồng trinh; là giáo hoàng, giám mục, linh mục, Phó tế, giáo dân…; thuộc đủ màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, tuổi tác, hoàn cảnh, giới tính: có thánh già, có thánh trẻ; có thánh nam, có thánh nữ… Có điều đại đa số các thánh là vô danh. Bởi chưng con số được Giáo Hội tôn phong là không nhiều. Còn con số chưa được tôn phong là vô cùng lớn, như sách Khải Huyền đã nói: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi nước mọi dân và mọi ngôn ngữ. Các ngài là những người từ đau khổ lớn lao mà đến và đã giặt áo mình trong máu con chiên” (Kh 7,9). Các ngài đã phản chiếu được sự thánh thiện của Thiên Chúa khi sống triệt để các mối phúc Chúa dạy, tức là “đã giặt áo mình trong máu con chiên”. Các ngài dám sống đức tin, dám dấn thân vì đức tin, dù có phải gặp “đau khổ lớn lao”. Các ngài có thể là những người thuộc gia đình, gia tộc của chúng ta; có khi là những người hàng xóm láng giềng của chúng ta nữa.

    Tắt một lời, ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa trái phong nhiêu của ơn cứu độ mà Đức Kitô đem tới. Đó cũng là ý nghĩa thứ nhất.

    – Ý nghĩa thứ 2: Lễ Các Thánh cho ta thấy trước tương lai của chính chúng ta.

    Thánh Phaolô đã quả quyết: “Quê hương của chúng ta ở trên trời”. Trần gian chỉ là nơi ta ở tạm trú. Không ai có hộ khẩu thường trú vĩnh viễn trên trái đất này. Năm mươi năm, bảy mươi năm, tám mươi năm, hay một trăm rồi cũng phải từ giã cõi đời này, dù muốn hay không. Từ giã cõi đời này để đi đâu, nếu không phải là về trời, về chiêm ngưỡng vinh quang thiên quốc cùng với Các Thánh. Nước Trời phải là địa chỉ thường trú mà mỗi người Kitô hữu chúng ta phải hướng tới. Thiên Đàng phải là ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta, nơi mà chúng ta sẽ được hợp đoàn cùng Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh mà ca tụng Chúa muôn đời. Nói cách khác, cùng đích của cuộc đời chúng ta phải là Thiên Đàng, tức là phải là thánh. Bởi lẽ muốn vào Thiên Đàng thì phải là thánh, hay ít ra phải có một chất “chất thánh” trong mình.

    Xin được mở ngoặc ở đây một chút. Thánh không phải là những nhân vật thần thiêng, siêu phàm, sống trên mây trên gió và bẩm sinh đã là thánh. Thánh cũng không phải là những người ở đời làm được những việc phi thường kinh thiên động địa, như đội đá vá trời, hô phong hoán vũ; càng không phải là những con người lập dị. Rất đơn giản, thánh là người biết tin nhận và liên kết với Đức Kitô là Đấng 3 lần Thánh; đồng thời nỗ lực thực thi giới luật yêu thương của Ngài bao nhiêu có thể. Nói khác đi, nên thánh không phải thuần tuý là do nỗ lực hay công trạng của con người, mà do ân sủng của Thiên Chúa và giá máu cứu chuộc của Đức Kitô. Ai càng kết hợp với Đức Kitô thì càng trở nên thánh.

    Hiểu như thế thì dẫu có vấp váp, ngã sa và lỗi tội do yêu đuối thì người ta vẫn có thể nên thánh như thường, miễn là họ biết bám chặt lấy Chúa là cội nguồn của sự thánh thiện.

    – Ý nghĩa thứ 3: Lễ Các Thánh còn giúp ta ý thức về mối dây liên đới giữa ta và anh chị em đã đi vào thế giới vô hình.

    Các ngài đang ở bên Thiên Chúa, và các ngài sẽ chuyển cầu cho chúng ta. Các ngài là sức mạnh nâng đỡ cuộc đời chúng ta. Không chỉ có vị thánh Quan Thầy của ta không thôi mà tất cả các thánh sẽ chuyển cầu cho chúng ta. Lời chuyển cầu của các ngài rất có thần thế, vì các ngài đã trở nên những người bạn nghĩa thiết với chúa, sống cận kề với Chúa. Các ngài vẫn đang sống và sống một cách dồi dào, sung mãn. Trên Thiên Cung, các ngài vẫn dõi mắt nhìn đến chúng ta, là con cháu của các ngài theo huyết thống, nhưng cũng là anh chị em với các ngài trong đức tin. Các ngài đã từng sống trong vòng kiềm toả của tội luỵ và sự chết, nên các ngài hiểu và cảm thông với ta hơn ai hết. Nay các ngài đã được giải thoát và đã được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Quốc, chắc chắc các ngài không quên chúng ta. Các phép lạ vẫn diễn ra đều đều khắp nơi trên thế giới là bằng chứng cho ta thấy các thánh vẫn hằng quan tâm đến anh em loài người. Bởi đó không có gì ngạc nhiên khi mở án phong thánh cho một cá nhân nào, Giáo Hội đều đòi hòi một phép lạ được nhìn nhận cách minh nhiên. Hãy tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các thánh về những ơn lành mà ta đã nhận được cách này cách khác!

    Tóm lại, mừng lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay, chúng ta hãy hân hoan cung chiêm và chúc tụng các thánh là những người bạn của chúng ta, cũng là những người anh chị em của chúng ta; đồng thời biết hướng lòng về quê trời là cùng đích cuộc đời chúng ta. Xin các thánh cũng không ngừng cầu bầu cho chúng ta, để chúng ta nhận ra mình cũng được Chúa mời gọi nên thánh như các ngài, và nỗ lực sống đức tin như các ngài đã sống, hầu mai sau cũng được hưởng vinh phúc với các ngài trên Thiên Quốc. Amen.

     

    II. MỪNG KÍNH CÁC THÁNH Ở TRÊN THIÊN ĐÀNG - Lm. Giuse Đinh Tất Quý

    Hôm nay Giáo Hội cho chúng mừng kính toàn thể các thánh ở trên Thiên đàng.

    1. Các thánh là những người đã sống cuộc sống như thế nào?

    Hiến chế ánh sáng muốn dân số 50 của Công Đồng Vaticano II nhắc nhở chúng ta rằng: “Các thánh là dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện Nước Thiên Chúa giữa chúng ta”. Các ngài cũng là “lời của Thiên Chúa”, đời sống của các ngài giúp chúng ta hiểu rõ ràng hơn lời của Thiên Chúa.

    Như vậy các thánh là lời sống động của Thiên Chúa giữa chúng ta. Các ngài là chứng nhân cho chân lý của Tin Mừng, là một khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ cho sự thật của Tin Mừng. Trên thực tế, đối với các thánh không có chuyện nửa vời. Các ngài không có những khoảnh khắc nước đôi. Các ngài là một lời khẳng định cần thiết, dứt khoát, bởi vì hiện nay làm chứng cho sự thật về Thiên Chúa dường như là lội ngược dòng, là sống ngược lại với não trạng của thế giới ngày nay. Đó là sống theo văn hoá của tám mối phúc thật. Đó là sống theo Tin Mừng, một cách sống làm tỏ lộ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và dường như ngược lại với lối sống phổ biến trong thế giới ngày nay.

    Bàn về việc phải nên thánh Mẹ thánh Têrêsa đã viết thật hay: “Thánh thiện không tuỳ thuộc những việc phi thường nhưng chính yếu là đón nhận với nụ cười những gì Chúa Giêsu gửi tới. Trọng tâm của đời thánh thiện là chấp nhận và sống theo ý Thiên Chúa”.

    Thánh thiện không phải là vẻ hào nhoáng của thiểu số nhưng là bổn phận của mọi người, của bạn và của tôi.

    Để thành thánh, bạn phải nghiêm chỉnh muốn nên thánh.

    Thánh Thomas Aquinas đã xác quyết, thánh thiện “không là gì khác hơn là thực hiện một quyết tâm, một hành động anh hùng của tâm hồn quy phục Thiên Chúa”. Và Ngài thêm: “Chúng ta tự nguyện yêu mến Thiên Chúa, chạy tới và tiếp cận Ngài, chúng ta chiếm hữu Ngài”.  Các thánh là những ai sống theo luật Chúa đã ban.

    2. Đâu là những luật Chúa ban?

    Luật của Chúa được nói lên một cách đơn sơ qua tiếng nói của lương tâm ngay lành - được biểu lộ một cách cụ thể qua 10 giới luật của Chúa trong Cựu Ước và nhất là được thúc bách cách triệt để hơn qua con đường Tám mối Phúc thật của Tin Mừng.

    Sống theo Luật của Chúa là đáp lại Lời Chúa một cách đơn sơ, chân thành, không cầu kỳ, không gò bó.

    Một người khách đến thăm một anh  lính bị thương thật tội nghiệp, đang nằm chờ chết ở bệnh viện, và hỏi người lính này:

    - “Anh thuộc về Giáo Hội nào vậy?”

    Anh lính đáp

    - “Tôi thuộc về Giáo Hội của Đức Ki tô”.

    - “Ý tôi muốn nói là niềm tin tôn giáo của anh là gì?”

    Trong khi ngước mắt nhìn lên bầu trời, bằng nét mặt rạng rỡ tình yêu đối với Đấng Cứu Độ, người lính đang hấp hối nói:

    - “Niềm tin tôn giáo ư?  Tôi tin tưởng rằng kể cả cái chết, sự sống, các thiên sứ, mọi vương quyền, mọi sức mạnh, những sự việc trong hiện tại cũng như tương lai... không gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô”.

    Sau bữa ăn sáng của ngày cuối cùng trong cuộc đời mình,

    Robert Bruce đột ngột nói với con gái của ông :

    -”Này con, Thầy Chí Thánh đang gọi cha rồi kìa”. Nói xong những lời này, hơi thở của ông yếu hẳn, ông đòi mang cuốn Kinh Thánh đến, rồi ngất lịm đi; nhưng khi tự nhận thấy mình không còn đủ sức để thở được nữa, ông nói:

    - “Con hãy mở thư của Thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Rôma, chương 8, và đặt ngón tay của cha vào câu 39”.

    Rồi ông hỏi :

    - “Bây giờ, ngón tay của cha đã được đặt vào câu đó chưa?”

    Các con của ông nói rằng đã làm đúng theo lời yêu cầu của ông.

    Sau đó, ông nói :

    • “Xin Thiên Chúa ở với chúng con, hỡi các con của cha; cha đã cùng dùng bữa ăn sáng với chúng con, và tối nay, cha sẽ dùng bữa tối với Chúa Giêsu Kitô”.

    Ngay lúc đó ông tắt thở.

    3. Cuối cùng đó là những người biết kiên trì, trung thành với sự chọn lựa của mình một cách đáng khâm phục.

    Chúa đã từng khẳng định: Con đường của Chúa là con đường hẹp, nhiều khi hẹp kinh khủng. Nó đòi hỏi những ai đi trên con đường đó một sự cố gắng hầu như là liên lỉ và nhiều khi rất anh hùng. Chỉ có những ai kiên trì và can đảm mới có thể đi trên con đường đó.

    Một Antôn tu rừng mà tôi vừa mới nói ở trên chẳng hạn. Đọc tiểu sử của Ngài chúng ta mới thấy. Bán hết mọi sự để theo tiếng Chúa gọi đó đã là khó. Nhưng sống theo Chúa còn khó hơn. Sau khi đã bán mọi sự, Antôn đi vào trong rừng vắng. Ma quỉ đã không để anh được yên. Chúng thi nhau tấn công anh, tấn công bằng mọi thủ đoạn kể cả những thủ đoạn tầm thường nhất. Chúng dùng đến cả những hình ảnh bẩn thỉu nhất để cám dỗ anh. Suốt cả cuộc đời là một cuộc chiến đấu. Nhờ kiên trì mà Antôn đã đã chiến thắng.

    Một trong những bà thánh mà chúng ta hay nhắc tới như bà thánh Monica chẳng hạn. Chúng ta tưởng là bà đã nên thánh một cách dễ dàng sao?  Không, hoàn toàn không! Không dễ dàng chút nào cả mà là đầy những cố gắng. Hơn 30 năm trời cầu nguyện hãm mình hy sinh mà mới thành công đem được người con của bà về với Chúa. Hơn 30 năm trời kiên trì trong âm thầm lặng lẽ  mới đạt tới vinh quang. Đó không phải là một cái giá đã cao. Còn nhiều sự trả giá còn cao hơn nữa. Chỉ có những ai biết nhẫn nại kiên trì, những người ấy mới xứng đáng với vinh quang Nước Trời. Chúa Giêsu đã nói: “Nước trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy”(Mt 11,12).

    B. Bây giờ về phần chúng ta. Đứng trước những tấm gương của các Ngài chúng ta phải có thái độ như thế nào?

    Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mà lại không muốn làm thánh. Nên thánh là mục đích mà mọi người chúng ta nhắm tới. Thế nhưng con người của chúng ta thường yếu đuối. Nói như lời thánh Phaolô: “Điều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi không muốn tôi lại cứ làm”(Rm 7,19) Thân phận con người của chúng ta là thế. Chính vì vậy mà chúng ta phải xin với Chúa ơn can đảm.

    * Một chàng thanh niên thuở xưa có tên là Salésio. Anh có tên thánh là Phanxicô. Một lần kia anh đọc lịch sử Giáo Hội, anh thấy trong Giáo Hội đã có 3 người mang tên Phanxicô đã làm thánh: Đó là thánh Phanxicô khó khăn, thánh Phanxicô đệ Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, tự nhiên anh cảm thấy mình cũng phải làm gì để được nên thánh. Thế là anh đi tới một quyết định: Tôi sẽ là Phanxicô thứ 4. Anh đã giữ được quyết định đó và anh đã làm thánh. Đó là thánh Phanxicô Salésio.

    * Gần đây chúng ta hay nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Tôi chắc chắn Mẹ đã biết trong lịch sử của Giáo Hội đã có hai vị thánh mang tên Têrêsa: Đó là thánh Têrêsa Avila, Têrêsa Hài đồng Giêsu. Tuy không nói ra nhưng tôi tin Mẹ cũng đã nguyện ước Mẹ cũng là một thánh Têrêsa khác. Và hôm nay, mẹ đã thành công. Giáo Hội đã tôn phong mẹ lên hàng chân phước. Chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ lên đến đỉnh vinh quang!

    Xin Chúa giúp cho chúng ta biết can đảm. Trên con đường nên thánh, Thánh Augustinô đã gặp rất nhiều thử thách. Ngài đã dùng câu nói này như câu châm ngôn để vươn lên: “Ông kia bà nọ làm được tại sao tôi lại không?” Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi ơn chúng ta cần. Người nọ kia nên thánh được tại sao tôi lại không? Hãy cố gắng. Chúa sẽ phù trợ cho chúng ta. Amen.

     

    III.  ĐƯỜNG DẪN TỚI HẠNH PHÚC! - Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ

    Ngày lễ Các Thánh đầu tiên trong lịch sử được cử hành vào đầu thế kỷ thứ tư để vinh danh và tưởng niệm "các vị tử đạo". Sau này, khi Kitô hữu được tự do, Giáo hội Roma không bị bách hại đạo nữa, Giáo Hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện…

    Vào thế kỷ VIII, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô III (731-741) đã dành một nhà nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, ở Rô-ma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 01/11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ. Sau đó, Ðức Grêgôriô IV (827-844) mở rộng Lễ Các Thánh vào 01/11 cho cả Giáo Hội hoàn vũ, và Ðức Urbanô IV (1261-1264) minh định: "Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 01/11 được Giáo Hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ".

    Thánh Bênađô nói: “Trong dịp lễ kính các Thánh Nam Nữ tôi thấy một niềm vui khát vọng bừng cháy lên trong tôi… chúng ta được vui hưởng trong cộng đoàn hạnh phúc với các ngài và đáng được nên những người đồng hương các Thánh Tổ Phụ, Các Thánh Tiên Tri, các Thánh Tông Đồ, được gia nhập vào đạo binh các Thánh Tử Đạo, các Thánh Chủ Chăn, các Thánh Nam Nữ… Tóm lại là hợp đoàn cùng các Thánh… mà chúng ta vẫn coi thường vẫn làm ngơ ”.

    Một vị tu rừng tìm cách sống trong một cái hang nhỏ và tối tăm, đêm ngày ăn chay, đền tội, hãm mình.

    Ngày kia, một đoàn người, gồm những kẻ mộ mến tài đức của ngài, lên rừng đến thăm.

    Thấy cách sống của vị tu rừng này, họ bỡ ngỡ hỏi:

    - "Làm sao ngài có thể ở trong này một ngày mà thôi?"

    - "Quý vị hãy vào, nhìn qua cái lỗ này, quý vị sẽ rõ."

    Họ vào và thấy: nơi tường hang rêu phủ, có một lỗ hổng, để lộ ra một góc trời.

    Họ không hiểu. Vị tu rừng liền cắt nghĩa:

    - "Góc trời đó, là nguồn an ủi của tôi. Những khi tôi buồn chán, tôi nhìn ra góc trời đó và kêu lên: "Ôi Thiên Đàng! Ôi Thiên Đàng!" Hai tiếng này làm cho linh hồn tôi được bằng an vui vẻ".

    Góc trời là lý tưởng của các thánh khi còn ở thế gian, các ngài luôn định hướng và bước đi…

    Niềm vui mà trong một thị kiến Thánh Gioan thấy: một đoàn người khác đông đảo không đếm được thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. "Tất cả những người đó đều "mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế chiến thắng" (x. Kh 7,2-9). Hình ảnh này loan báo các Thánh Nam Nữ trong nước Thiên Chúa. Các Ngài đã theo Chúa Giêsu – vì "Ngài là Đấng Thánh" như thánh Phaolô xác tín, và "giặt và tẩy áo trắng mình trong máu Con chiên" (x. Kh 7,14).

    Dù có cuộc sống khác nhau trên trần thế, nhưng các Ngài đã đi theo tinh thần hiến chương của Nước Thiên Chúa qua Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy trong bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12), đó là bước đi trọn lành trong lời mời gọi của Thầy : "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành" ( Mt 5, 48).

    Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc, trái lại là những khổ đau mà con người luôn tránh. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: họ hạnh phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian để trao cho con người chìa khóa để mở hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất:

    • "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những người nghèo là những người được Thiên Chúa quan tâm, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố trong diễn văn tại Hội đường Nagiaret khi bắt đầu sứ vụ, mượn lời ngôn sứ Isaia nói về mình tuyên bố: “Thánh Linh Chúa ngự trên Tôi…, sai Tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó…” (Lc 4, 18). Người mang tinh thần nghèo khó là ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình nên sẵn sàng mở tâm hồn để Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng. Chính trong thân phận nghèo, họ cảm nhận được sự thiếu thốn và sẵn sàng chia sẻ với anh em cùng khổ.
    • “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành và khiêm nhường trong lòng, đó là những gì Chúa Giêsu đã sống và kêu gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 29).
    • “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Thiên Chúa không bỏ họ một mình trong lúc sầu khổ, ngôn sứ Isaia đã nhấn mạnh : “Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 3-4). Ðức Giêsu được xức dầu thánh hiến, sai đi đem Tin mừng cho những người khổ, những kẻ bị giam cầm và bị áp bức, Ngài giải thoát và dẫn họ đến tự do - hạnh phúc (x.Lc 4, 18-19). Hơn nữa, trong đau khổ con người tham dự vào cuộc thương khó của Đức Kitô, Đấng chia sẻ với những bước đường đau khổ của kiếp người. Phêrô cũng xác tín: “Phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô” (1Pr 4, 1).
    • “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Đấng Công chính là Thiên Chúa như Tôbia đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, Ngài là Ðấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực” (Tb 3, 2). Khao khát nên người công chính là khao khát chính Thiên Chúa và người trở nên công chính sẽ được Thiên Chúa bảovệ: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa (Kn 3, 1). Hơn nữa, “Thiên Chúa yêu người công chính” (Tv 145).
    • “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Như Chúa Giêsu đã mang trái tim nhân ái xót thương tất cả mọi người, ngay cả những người tội lỗi. Ngài dạy con người lòng xót thương tha thứ trong Kinh Lạy Cha (x. Lc 11, 4).
    • “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Ai có tâm hồn trong sạch sẽ làm những công trình cuộc đời trong sự hoàn thiện. Tâm hồn trong sạch được khắc ghi Luật Chúa (x. Tv 10, 9). Yêu mến Chúa (x. Mt 22, 37Mc 12, 30Lc 10, 27). Được gặp Chúa thổ lộ tâm tình như người yêu với người yêu (x. Ho 2, 16-18; 21-22).
    • “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Những tác nhân xây dựng hòa bình trở nên giống Thiên Chúa vì “Người thiết lập hoà bình trên cõi trời cao” (G 25, 1-2).
    • “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Chính trong lúc bị bách hại là cùng chịu khổ nạn và cùng được phục sinh vinh quang như Phaolô đã xác quyết: “…vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8, 17).

    Khi nghe giáo huấn Bát Phúc, Ghandi - vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ đã tuyên bố: không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng Tám Phúc của Chúa Giêsu, và ông nói: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”

    Vâng, hãy yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và đi theo con đường Bát Phúc. Yêu mến Thiên Chúa, noi gương các thánh như Công đồng Vatican II, trong Hiến Chế Lumen Gentium có viết: “Các ngài tạo nên một toàn cảnh huy hoàng về những con người nam nữ, qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho của Chúa. Sau khi đã sống một cuộc đời âm thầm, chẳng ai biết đến, và có khi những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại đối với công việc phát triển Nước Chúa...” (LG . 40).

    Mừng lễ Các Thánh, người tín hữu lắng nghe lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Chúng ta vui mừng lễ để tôn kính các Thánh. Kinh nghiệm ấy tương tự như những điều chúng ta cảm nghiệm trong gia đình đông đúc, nơi đó chúng ta cảm thấy tình thân thương như ở nhà ”

    Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
    anh em được sống vui vầy bên nhau. (Tv 133,1).

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Nguồn tin:  https://www.cddunglac.com/

    https://tgpsaigon.net/

    Bài viết liên quan