Lịch sử và ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi

  • 14/09/2022 16:25
  • Cuộc tử đạo của Đức Trinh nữ được gợi lên trong lời tiên tri của Simêon cũng như trong bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Vị thánh tiên tri già đã nói về trẻ Giêsu rằng: “Này, Người có mệnh làm dấu gợi lên chống đối, và hướng về Đức Maria ông nói: và hồn Bà mũi gươm sẽ đâm thâu”.

     

    1. Lịch sử ngày lễ

    Lễ Đức Mẹ sầu bi xuất hiện trong thế kỷ XII, nhưng đã thấy có dấu vết từ cuối thế kỷ XI trong các bài viết của thánh Ansèlme và nhiều tu sỹ Biển Đức hoặc Cisterciens. Lễ được quảng bá ban đầu bởi các tu sỹ Cisterciens, về sau do các tu sỹ Servites, và phổ biến vào thế kỷ XIV và XV.

    Tại Cologne, lễ được cử hành lần đầu tiên năm 1423, ngày thứ sáu sau chủ nhật thứ ba Phục sinh, theo một sắc lệnh của công đồng tỉnh Mayence, thiết lập lễ Đức Mẹ sầu bi để đền tạ những xúc phạm do những người theo phe Jean Hus gây ra đối với các ảnh tượng Mẹ. Năm 1482, lễ được đưa vào sách lễ với tước hiệu Đức Bà trắc ẩn, nhưng mãi đến năm 1728, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII mới đưa vào lịch phụng vụ Roma. Bấy giờ định vào ngày thứ sáu trước Lễ Lá. Bị bãi bỏ, lễ đã được giữ lại chung với lễ Kính Bảy sự Thương Khó Đức Bà, do các tu sỹ Servites đã đưa trước, năm 1668, vào ngày chủ nhật sau 14 tháng chín; lễ được cho vào niên lịch, năm 1814, sau đó được Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1913 định vào 15 tháng chín.

    Lễ Đức Mẹ sầu bi cử hành ngay sau lễ kính Thánh giá cho thấy ý nghĩa hiển nhiên của nó. Các bức tượng Pietà, đặc trưng của nghệ thuật Gotique sau này và thời phục hưng, cũng như một số ca vãn như Stabat Mater hoặc Les lamentations de Marie, chỉ nói lên những đau khổ của Đức Mẹ dước chân Thánh giá Chúa. Sau đó người ta bắt đầu chiêm niệm các khổ đau khác, từ thế kỷ XIV đã xác định là bảy : lưỡi gươm của Siméon, trốn sang Ai cập, gặp lại Con nơi Đền thờ, trên đường Canvê, đóng đinh, hạ xác, táng trong mộ. Ngày nay lễ kính các đau khổ của Đức Maria, nói cách chung, không có thêm lễ nhớ các Nỗi đớn đau của Đức Mẹ trong thời gian mùa Thương khó nữa.

    2.  Lễ Đức Mẹ sầu bi

    Hôm qua, Hội thánh suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, tưởng nhớ Chúa chịu chết đau thương trên Thập Giá để cứu chuộc loài người. Hôm nay Hội thánh mời gọi mọi người tưởng niệm sự thương khó của Đức Maria, Mẹ đã thông phần sự đau khổ với Con, Mẹ đã kết hiệp nỗi thống khổ của Mẹ vào sự thương khó của Con, để cộng tác với Người trong công cuộc cứu rỗi nhân loại.

    Mẹ đau khổ biết bao (bảy sự đau đớn Đức Mẹ):

    1. Khi nghe ngôn sứ Simêôn tiên báo cùng Đức Mẹ: lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ. (Lc 2:34-35).

    2. Đức Mẹ vất vả biết bao lúc đang đêm đem Chúa Giêsu trốn sang nước Ai Cập (Mt 2:13-21).

    3. Mẹ đau đớn biết bao khi lạc mất Con, Mẹ phải tìm kiếm ba ngày mới gặp lại Chúa Giêsu trong đền thờ (Lc 2:41-50).

    4. Mẹ đau xót nhường bao khi Mẹ đi theo Con trên đường lên Núi Sọ, vai vác Thánh Giá mình đầy vết tích máu (Ga 19:17).

    5. Đức Mẹ quạnh lòng đau khổ biết bao, đứng kề Thánh giá Đức Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu khi trút linh hồn (Ga 19:18-30).

    6. Hai môn đệ hạ xác Chúa Giêsu mà trao cho Đức Mẹ ẵm kính (Ga 19:39-40).

    7. Môn đệ táng xác Chúa Giêsu vào huyệt đá mới (Ga 19:40-42).

    Thật đúng là một cuộc tử đạo trong tâm hồn, như lời Thánh Bênađô đã nói: “Cuộc tử đạo của Đức Trinh nữ được gợi lên trong lời tiên tri của Simêon cũng như trong bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Vị thánh tiên tri già đã nói về trẻ Giêsu rằng: “Này, Người có mệnh làm dấu gợi lên chống đối, và hướng về Đức Maria ông nói: và hồn Bà mũi gươm sẽ đâm thâu”. Quả thật, ôi Mẹ diễm phúc, lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Nó không đâm thâu lòng Mẹ sao được, khi nó đâm vào thân xác Con Mẹ ! Thật vậy, Đức Giêsu tuy là của mọi người, nhưng phải nói đặc biệt là của Mẹ, khi Người đã trút linh hồn thì lưỡi gươm tàn bạo không còn làm tổn thương gì cho linh hồn Người nữa, nó không tha cho kẻ đã chết mà nó không còn làm hại gì được, nó đâm thủng cạnh sườn Người, nhưng thực ra nó đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn Người không còn ở đó, nhưng tâm hồn Mẹ thì không sao tránh được. Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ niềm thông cảm đau khổ của Con khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác.

    3. Ý nghĩa Phụng vụ

    1. Dựa theo giáo huấn Công đồng Vatican II, Giáo hội muốn lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Do đó, Giáo hội muốn chúng ta sùng kính Đức Mẹ đồng thụ nạn với Chúa Kitô khổ nạn để chúng ta noi gương Mẹ, mà kết hợp cuộc đời khổ đau của ta với cuộc đời tử nạn của Chúa Kitô, mong mai sau chúng ta cùng được trường sinh vinh hiển với Người như Đức Mẹ.

    2. Trong việc sùng kính và mừng lễ Đức Mẹ Sầu bi, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta hiểu sâu xa rằng qua Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã trao trối Mẹ Maria cho chúng ta: "Này là Mẹ con", và trối chúng ta cho Đức Mẹ: "Này là con Bà". Như vậy, Đức Mẹ là Mẹ thật của chúng ta, và chúng ta thật là con của Đức Mẹ. Dưới cây Thánh giá, Đức Mẹ đã thực sự sinh ra chúng ta về phần hồn trong nỗi cực độ khổ đau, cũng như mẹ phần xác sinh ra chúng ta về phần xác, cũng trong đau đớn theo án lệnh Chúa đã ra cho tổ mẫu Evà: "Ngươi sẽ sinh con đẻ cái trong đau đớn" (St 3:16). Mẹ Maria hạ sinh chúng ta càng trong đau khổ, Mẹ càng yêu thương chúng ta.

    3. Trong mầu nhiệm Đồng thụ nạn của Mẹ Maria với cuộc Khổ nạn Cứu thế của Chúa Giêsu, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, nhờ Mẹ mà chúng ta được hưởng ơn Cứu độ đã trào dâng từ thương tích của Chúa.

    4. Trong sứ mạng Đồng công của Mẹ Maria với sứ mạng Cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, Giáo hội khích lệ chúng ta cũng hãy ý thức sứ mạng của chúng ta, là đồng công với Chúa và Mẹ trong việc cứu rỗi chính mình chúng ta, và cũng trong việc làm tông đồ cứu rỗi người khác.

    4.  Thông điệp và tính thời sự

    Các kinh nguyện trong thánh lễ đã được đổi mới : tất cả xoay quanh các đau khổ của Đức Maria mà lời tiên báo Siméon là tượng trưng (điệp ca mở đầu và bài đọc Lc 2,33 – 35). Giáo hội, như Đức Maria, cũng được kêu gọi dự phần vào Cuộc Thương Khó và niềm Quang Vinh của Chúa (điệp ca rước lễ theo 1 Pr 4,13). Câu xướng trong Phụng vụ giờ kinh nhấn mạnh khía cạnh Kitô học của lễ Kính hôm nay : ” Cùng với Đức Maria dưới chân thánh giá, chúng ta hãy thờ lạy Đấng cứu chuộc trần gian”.

    a. Lời nguyện trong ngày nhắc lại nền tảng căn bản của việc kính nhớ các sự thương khó Đức Mẹ : “Lạy Chúa, Chúa đã muốn Mẹ Con Chúa đứng gần thánh giá, thông phần vào các đau đớn của Người, xin Chúa cũng ban cho Giáo hội kết hiệp với sự thương khó của Đức Kitô để được dự phần vào cuộc phục sinh của Người” Chắc chắn, sự tham dự của Đức Trinh nữ Maria được đặt song song với sự tham dự của Hội thánh vào sự Thương khó Chúa (Điệp ca rước lễ và điệp ca thứ hai Kinh sáng) ; tuy nhiên , như công đồng Vatican II tuyên bố, cần nhận thức rằng Đức Maria được dự phần vào Đấng Cứu Chuộc “với một tước hiệu duy nhất tuyệt đối” và Mẹ đã mang lại cho công cuộc của Đấng Cứu Thế một sự công tác tuyệt đối không ai sánh bằng (G.H. 61).

    b. Lời nguyện trên lễ vật ( mang âm vang của đoạn Ga 19, 25-27) : Đây là con bà … Đây là mẹ con), nhấn mạnh tính chất làm Mẹ phổ quát của Đức Maria : “… Chúa đã muốn Người làm mẹ chúng con khi đứng kề thánh giá Chúa Giêsu ; (cũng xem Điệp ca Magnificat). Chính dưới chân thánh giá, chức làm mẹ của Đức Maria lan rộng tới mọi thành viên Giáo hội, vì Giáo hội được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của con Mẹ.”

    c. Lời nguyện tạ lễ cầu xin Chúa, để khi cử hành “nổi đau thương của Đức Maria”, chúng ta cũng có thể “hoàn tất nơi chúng ta, vì Giáo hội, những gì còn phải chịu đựng trong các thử thách của Đức Ki-tô”. Bản văn lời cầu nguyện rõ ràng xuất phát từ Col 1,24. Vậy nếu chúng ta chấp nhận tham dự vào các thương đau của Đức Kitô cũng như Đức Maria, chúng ta sẽ được dự phần vào phục sinh của Chúa (xem lời nguyện trong ngày).

    Bài giảng thánh Bênađô (Phụng vụ bài đọc) ca tụng sự đồng cảm lớn lao của Đức Trinh nữ Maria: ” Trong sự thương khó của Đức Kitô, thực sự đã hoàn tất một tình bác ái lớn lao chưa ai từng thấy, và trong sự đồng cảm của Đức Maria thực sự đã hoàn tất một tình bác ái lớn lao không đâu bằng, ngoại trừ tình bác ái của Đức Kitô”. Các thánh thi phụng vụ Giờ kinh là âm vang bài Ca tiếp liên được gán cho Facopone da Todi (1230 – 1306), bài Stabat Mater. Ca vãn sáng tác bằng thứ la-tinh bình dân này đã gợi hứng cho nhiều sáng tác âm nhạc (Josquin des Prés, Palestrina, Pergolese, Rossini…). Nó nhắc lại tập quán đạo đức thời trung cổ trong đó bài Lamentations de Marie rất được dân chúng ưa thích.

    Đức Maria có khả năng tham dự hoàn toàn vào những khổ đau của Chúa Giêsu, bởi vì, ngay từ đầu Mẹ đã dâng mình chu Chúa với tâm tình sẵn sàng trọn vẹn. Sự đồng cảm của Mẹ đã được nhắc tới từ nhiều thế kỷ, bởi nhiều nghệ sỹ, hoặc đứng dưới chân thánh giá, hoặc ngồi ẵm xác con trên gối (Pietà, nói là của R.Van Der Weyden, Bruxelles, Pietà, nói là của Villeneuve-Lès-Aviguon, Louvre; Pietà của Michel-Ange trong Đền thờ thánh Phêrô ở Roma …)

    5. Bài học

    Bài học Đức Mẹ để lại cho mọi người chúng ta nhất là trong hoàn cảnh của xã hội hôm nay, đó chính là bài học về lòng can đảm trước mọi biến cố đau thương của cuộc đời mình.

    Đọc Tin mừng của ngày lễ hôm nay. điều làm tôi hết sức cảm mến và thán phục là thái độ của Đức Mẹ trước hoàn cảnh đau khổ tột cùng khi đứng bên cạnh con đang bị treo trên cây Thánh Giá vào giờ phút cuối cùng của con..

    Tin Mừng ghi lại làm sao? Tin Mừng ghi: “Lúc ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người.... Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh”

    Chữ ĐỨNG ở đây thật quan trọng

    Đức Cha Tihamer Toth có thuật lại một câu chuyện hết sức cảm động về một em bé tên là Barlaam như thế này. Thời kỳ cấm đạo đẫm máu trong thế kỷ thứ nhất của đạo Thiên Chúa, một người dân quê bị bắt và bị dẫn ra trước tượng thần Jupiter.

    - Hãy bỏ hương vào lửa rồi dâng cúng cho thần linh chúng ta!

    Người ta giục anh như thế.

    - KHÔNG! anh trả lời...

    Người ta bắt đầu hành hạ anh, nhưng anh vẫn đứng im. Người ta nâng tay anh lên trên ngọn lửa, người ta nhét hương vào bàn tay anh và bảo anh chỉ có việc bỏ hương rơi xuống lửa:

    - Hãy bỏ hương xuống, mày sẽ được tự do.

    - KHÔNG. Barlaam, người dân quê đó vẫn trả lời như thế. Anh vẫn đứng im, tay giơ lên... ngọn lửa bốc mạnh liếm hẳn vào bàn tay anh, hương bắt đầu bén khói, nhưng anh vẫn không động đậy... Bàn tay anh bị cháy xém với hương, nhưng Barlaam thà chịu chết vì Đạo còn hơn chối Chúa. Một quả tim biết chịu đựng!

    Đó là thái độ của những người theo Chúa. Phải sống thật anh hùng. “Đứng thẳng!”

    Chúa không muốn chúng ta sống bạc nhược, run sợ trước mọi thử thách ở trên trần gian này. Chúa muốn chúng ta phải biết đứng thẳng. Đứng thẳng là tư thế của những anh hùng.

    Nhiều người khi đối diện với những thử thách trên đời đã không giữ được thái độ can đảm như thế. Có nhiều người đã ngã quỵ. Họ không đủ can đảm.

    Trong kho tàng những câu chuyện dạy đời, tôi đọc được câu chuyện này:

    Một người hành hương đang định vào Baghdad thì gặp bệnh dịch ở dọc đường. Bệnh dịch cũng đang trên đường đi vào đó. Thấy thế người khách hành hương hỏi bệnh dịch:

    - Mi định làm gì ở đó?

    - Tôi sẽ giết 5000 người.

    Người hành hương rùng mình và ngay lập tức anh thay đổi dự định và đi về hướng khác. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó đi ra và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người đã chết.

    Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Bằng một giọng thật nghiêm khắc anh buộc tội bệnh dịch:

    - Mi nói láo. Mi nói chỉ giết 5000 người, vậy mà thực tế lại quá khác!

    Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ:

    - Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).

    Trong một bài tường thuật của một thiện nguyện viên - An Bình, C.Ss.R.- đang phục vụ tại  bệnh viện bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 ở quận 9,Thủ Đức tác giả đã ghi lại nhận xét của một số Bác sĩ đang tích cực căng mình phục vụ các bệnh nhân như sau: “Bệnh nhân, ai cũng bị cơn khó thở dày vò, lại thêm nỗi lo lắng hoảng loạn khi chứng kiến người cùng phòng trở nặng rồi không qua khỏi. Chính sự hoang mang đó làm người bệnh thở gấp, càng thiếu oxy hơn. Nhiều bệnh nhân biết nghe lời bác sĩ, nằm sấp tập thở đều, phần nhiều dần tốt lên. Còn những ai hay phàn nàn thì phần nhiều trở nặng. Nói nhiều ở đây là cấm kỵ, vì tăng nguy cơ bị lây bệnh. Chúng tôi phải tập nói và thở nhẹ nhàng, không hít sâu, không gắng sức đột ngột để tránh luồng không khí quá mạnh đi qua khẩu trang, dễ lây nhiễm.”

    Vâng! Đó là một thực tế mà không phải ai cũng biết. Sự can đảm đối diện với những đau khổ và bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh nhiều khi lại là một liều thuốc rất hữu hiệu có thể đem đến những kết quả không ngờ.

    Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám cho anh, bác sĩ riêng đã thẳng thắn nói cho chàng tài tử đó biết:

    - Tình trạng sức khoẻ của anh thật đát lắm! Chúng tôi cần phải thực hiện một cuộc giải phẫu kéo dài 36 tiếng đồng hồ mới may ra cứu sống anh được.

    Về sau, chàng tài tử ấy đã thú nhận: “Trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã học được nhiều điều hơn 36 năm trước đó của tôi, và tôi đã cảm nghiệm được niềm vui mà trước đó tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được. Tôi khám phá ra rằng, tôi chẳng hề sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam go xảy đến, tôi cảm nhận được kết quả của lời cầu nguyện ấy. Chính lúc đó tôi mới khám phá ra rằng, nhờ những lần tâm sự, nói chuyện hằng ngày với Chúa Giêsu trước đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân”.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Nguồn tin:  https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    https://www.tgpsaigon.net/

    https://giaophanphucuong.org/

    Bài viết liên quan