Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
Thật là một điểm đáng ghi nhớ đối với tất cả chúng ta là người Công giáo đã được rửa tội, vì chúng ta được các linh mục gọi tên lúc rửa tội. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên quan tâm đến Chức Tư Tế Thừa Tác trong Bí tích truyền chức thánh, bởi các linh mục được kêu gọi để phục vụ dân Chúa trong lòng Giáo hội, để vừa hỗ trợ vừa dẫn dắt họ.
Trong Thánh lễ Tạ ơn hôm nay, thường mọi người nghĩ bài giảng của tôi sẽ nói về chức linh mục là một mầu nhiệm. Nơi chức linh mục có nhiều điều để chúng ta có thể nói đến. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn tập trung vào Lời Chúa trong bài Tin mừng theo thánh Gioan (Ga 15,9-17) chúng ta vừa nghe[1], trong đó Chúa Giêsu nói những lời từ biệt cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Hai từ nổi bật trong bài Tin mừng: Tình yêu và Niềm vui.
Trong bài Tin Mừng, chúng ta nghe thấy rằng: “Thiên Chúa là tình yêu, hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Trong những lời này, chúng ta tìm thấy tâm điểm của đời sống Kitô hữu và có lẽ không có lời nào tốt hơn để hướng dẫn đời sống của một linh mục.
Sau đó, Chúa Giêsu nói tiếp “Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”. Tình yêu và niềm vui luôn đi đôi với nhau. Khi một linh mục thực sự sống với thánh chức của mình, khởi đi từ tình yêu thương thì điều này cũng sẽ dẫn đến niềm vui, cho linh mục và cho những người xung quanh.
Tình yêu mà linh mục được kêu gọi được tìm thấy trong việc phục vụ. Nhiệm vụ của linh mục là để phục vụ dân Chúa, để tìm thấy Chúa Giêsu trong những người mà các linh mục phục vụ: các bệnh nhân, người già đóng neo đơn, mục vụ trong mùa Giáng sinh và Phục sinh, những tín hữu thờ ơ, nguội lạnh, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người giàu và người nghèo, người già và trẻ nhỏ. Các linh mục phải phục vụ tất cả họ bằng con mắt của đức tin. Để mỗi người trong số họ có phẩm giá và giá trị ngang nhau. Một linh mục phải tìm thấy Chúa Giêsu ẩn mình giữa những người mà mình phục vụ.
Một trong những định nghĩa hay nhất về linh mục quản xứ mà tôi đã được nghe là: “Linh mục quản xứ trở nên một với giáo dân và giáo dân nên một với linh mục quản xứ”. Một linh mục phải đi đến với giáo dân. Các linh mục đừng có suy nghĩ rằng liệu giáo dân nào xứng đáng để mình phục vụ hay không. Các linh mục phải phục vụ mà không mong chờ giáo dân đáp lại bất cứ điều gì. Đừng quên và cũng đừng tránh những người có đời sống đạo nguội lạnh, những người ít lui tới nhà thờ hay những người đang chống đối Giáo hội.
Trong cái nhìn về các bí tích trong Đạo Công Giáo của chúng ta, chúng ta thấy rằng tất cả đều là một con đường dẫn chúng ta đến gần với Thiên Chúa. Chúa Giêsu thậm chí còn sử dụng những con người yếu đuối, tội lỗi như chúng ta làm linh mục của Ngài. Một linh mục không cần nản lòng vì tội lỗi và sự yếu đuối của mình. Nhưng hãy thành thật đối mặt với nó. Hãy nhìn nhận tội lỗi và sự yếu đuối của mình. Không được nản lòng vì điều đó, mà hãy trung thực với chính mình. Điều này sẽ giúp các linh mục không có cảm giác được hưởng quyền lợi, không cảm thấy mình vượt trội hoặc hơn những người khác. Điều này sẽ giúp các linh mục nhân ái hơn, nhân từ hơn với tất cả những người họ gặp gỡ. Có người từng nói rằng khi nhìn một người bước vào đời linh mục, họ tự hỏi rằng liệu một giáo dân bình thường như anh ta có trở thành linh mục được không. Xin thưa rằng: khi một linh mục bắt đầu phục vụ tại nhiệm sở đầu tiên trong đời linh mục, nghĩa là linh mục đó chỉ mới bắt đầu học để trở thành một linh mục. Các linh mục phải phục vụ giáo dân của mình bằng tình yêu thương, tìm thấy Chúa Giêsu trong họ, và học cách trở thành một linh mục từ họ.
Chức linh mục được thể hiện rõ ràng nhất khi linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể. Nó không đơn giản chỉ là nghi lễ bên ngoài hay việc phải cử hành cho đúng nghi thức. Trung tâm điểm của Bí tích Thánh Thể đối với linh mục có lẽ được tìm thấy rõ nhất trong lời truyền phép mà các ngài đọc mỗi ngày khi cử hành Bí tích Thánh Thể: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Các linh mục không chỉ nói những lời đó, nhưng còn phải sống những lời đó. Ý nghĩa của chức linh mục được tìm thấy trong những từ đó. Các linh mục phải hy sinh cuộc sống của mình cho những người mà các ngài phục vụ.
Chức Linh Mục là một Bí Tích, Bí Tích Truyền Chức Thánh. Trong truyền thống Công giáo của chúng ta, chúng ta biết rằng lời cầu nguyện và niềm tin là không thể thiếu với nhau, cách chúng ta cầu nguyện là cách chúng ta thể hiện niềm tin của mình. Vì vậy, chúng ta phải thể hiện một cách trực quan những gì chúng ta tin. Các linh mục nên tự hỏi lương tâm mình rằng, "Qua đời sống linh mục của tôi, mọi người thấy gì?"
Khi giáo dân nhìn vào cách các linh mục đang sống với thánh chức của mình, họ sẽ thấy gì? Hy vọng rằng những gì giáo dân nhìn thấy ở mỗi linh mục là người mà họ đang cần. Họ sẽ thấy một linh mục chăm lo cử hành Bí tích, một linh mục luôn chuẩn bị bài giảng, một linh mục luôn hiện diện với người bệnh, người nghèo và người hấp hối. Giáo dân sẽ quan tâm đến cách các linh mục đón tiếp và gặp gỡ giáo dân. Hi vọng tôi sẽ được nghe giáo dân nói rằng: các tân linh mục đây sẽ là những linh mục mà giáo dân có thể đến gặp, những linh mục đón nhận giáo dân với lòng thương xót và sự chăm sóc. Giống như Chúa Giêsu đã nói: Hãy đến với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường.
Tôi đang suy nghĩ về một lời khuyên mà tôi sẽ đưa ra cho bất kỳ ai đang bước vào đời linh mục. Một lời khuyên mà tôi dành cho các tân chức. Tôi nghĩ lại về những lời khuyên mà tôi đã nhận được trong đời linh mục của mình. Một lời khuyên mà tôi nghĩ đến, là lời khuyên từ cha của tôi khi tôi đang còn là chủng sinh. Lời khuyên duy nhất bố dành cho tôi: Hãy tử tế với mọi người. Có vẻ như lời khuyên này nghe có vẻ đơn giản vào thời điểm đó, nhưng tôi thấy rằng đó có lẽ là lời khuyên quan trọng nhất mà tôi đã nhận được. Hơn 28 năm làm linh mục, tôi đã có lúc hối hận vì đã không tử tế với mọi người, nhưng chưa bao giờ tôi hối hận vì đã quá tử tế với mọi người. Vì vậy, đó sẽ là lời khuyên của tôi cho các tân linh mục: Hãy tử tế với mọi người.
Có hai từ mà chúng ta đã bắt đầu ngày hôm nay: Tình yêu và Niềm vui. Trong ơn gọi của mỗi người chúng ta, dù là hôn nhân, sống độc thân, đời linh mục, đời sống tu trì, nếu chúng ta biết cho đi cuộc sống của mình trong tình yêu, thì lúc đó chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và mang lại niềm vui cho người khác. Một linh mục dâng hiến cuộc đời mình trong tình yêu thương, thực sự yêu thương những người mà mình phục vụ, thì linh mục đó sẽ tìm thấy niềm vui trong chức vụ của mình và mang lại niềm vui cho những người mà mình phục vụ.
Tác giả: Lm. Mark Gatto
Chuyển ngữ: Jos. Đăng Vũ
Chuyển ngữ từ: catherineofsienachurch.ca (06.5.2018)
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
[1] Tin mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm B, Ga 15, 9-17:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 216 | Tổng lượt truy cập: 3,057,018