A. Cuộc chiến đấu thiêng liêng trong Kinh thánh
1. Cựu ước
A-đam và E-và đã thua trong cuộc chiến đấu với ma quỷ.
Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, sau trình thuật về cuộc sáng tạo, tác giả đã diễn tả lại sự sa ngã của hai con người đầu tiên. Mở đầu câu chuyện, là hình ảnh con rắn xảo quyệt nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?” (St 3,1) Con rắn đã khơi lên trong lòng người đàn bà sự nghi ngờ Thiên Chúa. Sau cuộc đối thoại với con rắn, con người đã nghe theo lời con rắn và đã ăn trái trên cây ở giữa vườn.
Con rắn tượng trưng cho thế lực ác thần, là kẻ thù của con người, nhưng con rắn cũng là hình ảnh biểu trưng cho chính mình, là tiếng nói bên trong con người, chất vấn con người muốn tin tưởng hay nghi ngờ Thiên Chúa. Hay nói cách khác, con rắn cũng là hình ảnh tượng trưng cho thú tính nơi con người. Như thế trình thuật sáng thế chương ba, cho thấy cuộc chiến đấu đầu tiên giữa con người với thế lực ác thần, nhưng cũng còn có thể hiểu đó là cuộc chiến đấu với chính mình.
Toàn bộ Cựu ước cho thấy con người thật yếu đuối, biết bao nhiêu lần đã vấp ngã, đã thua trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, nhưng có một nhân vật nổi bật lên với những chiến thắng vĩ đại, cuộc chiến của người ấy con cam go hơn những gì chúng ta có thể tưởng. Con người ấy chính là Đức Giê-su.
2. Tân ước
a. Chúa Giê-su với những cuộc chiến đấu thiêng liêng
+ Trong sa mạc
Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã mang lấy nhân tính, và trở thành một con người như bao người khác. Một khi mang thân phận con người, Đức Giê-su cũng phải chiến đấu với thế lực ác thần và với “chính mình”. Trong Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay ở cả ba chu kỳ, Giáo hội cho ta nhìn lại cuộc chiến đấu của Chúa với ma quỷ. Cả hai Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca đều cho biết Đức Giê-su chịu ba lần cám dỗ, và Người đều chiến thắng. Đọc qua bản văn, dường như ta thấy Đức Giê- su chiến thắng một cách dễ dàng nhưng đặt mình trong bối cảnh ấy và để tâm suy ngẫm hơn, ta thấy rằng cuộc chiến đấu của Người vô cùng cam go. Thánh Lu-ca thuật lại: “Khi hết thời gian bốn mươi ngày, thì Người thấy đói” (Lc 4,2). Người cũng như chúng ta, cũng đói, sau bốn mươi ngày không ăn gì cả. Với bản tính con người, ngay việc không ăn gì trong thời gian dài như thế cũng đã là một cuộc chiến đấu cam go. Thêm vào đó, với bản tính Thiên Chúa, Người có quyền năng để biến những hòn đá thánh bánh, nhưng Người đã không làm theo ma quỷ, đó cũng là cuộc chiến đấu.
Đức Giê-su chiến thắng qua 3 lần cám dỗ, nhưng cám dỗ chưa hẳn đã kết thúc. Tin Mừng Mác-cô thuật lại Người vào trong hoang địa chịu Xa-tan cám dỗ, nhưng không nói rõ những lần xảy ra, hẳn tác giả có ý muốn nói Người sẽ còn bị cám dỗ nhiều và Người sẽ phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cùng một hướng đó, Tin mừng Lu-ca cũng thuật lại rằng: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13).
+ Trong vườn Ghết-sê-ma-ni
Càng đến “giờ” của Đức Giê-su, những cuộc chiến đấu thiêng liêng ngày càng quyết liệt. Sau khi dùng bữa với các môn đệ, Đức Giê-su cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni và Người lánh riêng ra để cầu nguyện. Trong lúc này, cuộc chiến của Đức Giê-su rất quyết liệt, thể hiện qua những động từ mạnh như “sấp mặt xuống, cầu nguyện” (Mt 26,39) “sấp mình xuống đất cầu nguyện” (Mc 14,35), và những tính từ đầy cảm xúc “buồn đến chết được” (Mt 26,38) “hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33) “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Người phải chiến đấu để chọn lựa giữa ý định của Chúa Cha và ý định của Người “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26,39).
Người đã cầu nguyện với Chúa Cha không phải một lần mà ba lần như thế, để thấy rằng Người đang sợ hãi, xao xuyến trước chén đắng mà Chúa Cha đã trao phó. Một lần nữa, Đức Giê-su đã chiến thắng chính mình, chiến thắng trước những yếu đuối của phận người mong manh.
+ Trên thập giá
Sau khi phải chịu bao nổi đau đớn trên thân mình, Đức Giê-su còn phải vác thập giá mà một chút nữa Người sẽ chịu treo trên cây gỗ ấy. Hơn cả những nỗi đau ấy là những nỗi đau trong tâm hồn Người, khi kẻ qua người lại đều nhục mạ Người “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). Câu nói này gợi lại câu nói của tên cám dỗ trong sa mạc “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3). Cùng với đó là sự nhục mạ của các thượng tế và kinh sư “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình” (Mt 24,42), và ngay cả tên cướp cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su cũng sỉ vả Người như thế.
Đức Giê-su phải chịu nỗi đớn đau trên thân xác và tan nát trong tâm hồn, đến nỗi Người kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Người có quyền năng để bước xuống khỏi thập giá, nhưng đó không phải là ý định của Thiên Chúa, Người phải chiến đấu để ý định của Chúa Cha được thành toàn.
Trong tất cả những cuộc chiến đấu thiêng liêng, Đức Giê-su đã chiến thắng hoàn toàn. Xưa kia, A-đam cũ đang thất bại trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, nay Đức Giê-su là A-đam mới đã chiến thắng vinh quang, đem lại cho loài người ơn cứu độ, và Người cho ta niềm hy vọng chiến thắng trong những cuộc chiến đấu thiêng liêng.
b. Thánh Phao-lô và cuộc chiến đấu thiêng liêng
Thánh Phao-lô, một con người quả quyết và mạnh mẽ, nhưng chính ngài cũng phải thừa nhận “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).
Đây là tình trạng bi thảm của con người dưới sự thống trị của tội. Con người vẫn có khả năng nhận biết nhờ lý trí, nhưng không đủ khả năng để lướt thắng tội lỗi. Thánh nhân nói rằng mình vui thích vì luật của lý trí, nhưng trong bản thân của ngài lại có một luật khác, luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí (x.Rm 7,22- 23).
Mặt khác, con người lại bị giằng co giữa tính xác thịt và Thần Khí, đôi bên kình địch nhau, khiến chúng ta không thể làm điều chúng ta muốn (x. Gl 5,17). Chúng ta đều biết rằng những ai sống theo tính xác thịt thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Ai trong chúng ta cũng muốn có sự sống và bình an, nhưng để chọn theo hướng đi của Thần Khí thì quả thật không dễ dàng. Mặc dù vậy chúng ta vẫn tin tưởng bởi chúng ta được Thần Khí chi phối, đó là Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong chúng ta (x.Rm 8,9)
Trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, ngài cũng nói đến tự do. Đó là món quà hết sức lớn lao nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn cho mỗi người. Sống tự do không phải là sống một cách phóng túng, sống theo những cảm giác thúc đẩy, nhưng là để Thần Khí hướng dẫn, giúp ta đến với anh em trong tinh thần phục vụ. Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở rằng “đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13).
Cuộc chiến đấu thiêng liêng xảy ra bên trong tâm hồn con người, nhưng cũng không kém phần quyết liệt. Thánh Phao-lô trình bày những sự khó khăn trong cuộc chiến này, nhưng ngài vẫn luôn xác tín và động viên các Ki-tô hữu rằng chúng ta toàn thắng nhờ Đức Ki-tô.
B. Cuộc chiến đấu thiêng liêng của mỗi người
1. Bản chất của chiến đấu thiêng liêng.
Những trích dẫn về cuộc chiến đấu thiêng liêng trong Kinh thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước để dẫn người đọc đến với bản chất của cuộc chiến đấu thiêng liêng.
Tất cả mọi người đều có những cuộc chiến đấu thiêng liêng, mỗi người mỗi khác, nhưng thánh Biển Đức xem cuộc chiến đấu thiêng liêng như một hình thức chuyên biệt của đời sống tu trì nên ngày từ đầu của luật dòng, cuộc chiến đấu thiêng liêng định vị và xác định chỗ đứng của người tu sĩ; cuộc chiến đấu này cũng xác định bản sắc của người tu sĩ.[1]
+ Cuộc chiến với thể xác.
Thiên Chúa dựng nên con người cách đặc biệt gồm có linh hồn và thể xác. Con người không phải thuần túy tinh thần cũng không phải thuần túy vật chất, nhưng con người được Chúa đặt để nơi biên thùy của tinh thần và vật chất. Thể xác có những giới hạn nhất định, vì thế con người sẽ bị chi phối ít nhiều bởi thân xác.
Cuộc chiến đấu thiêng liêng này cũng có thể nói là cuộc chiến đấu giữa tinh thần và thể xác như Chúa Giê-su đã nói cùng các môn đệ “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sao chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38). Chính Phê-rô mạnh mẽ thưa với Đức Giê-su rằng “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không” (Mc 14,29), nhưng chỉ một lát nữa thôi, ông đã không thể thức cầu nguyện với Chúa Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni, và còn chối Thầy đến ba lần mà lại chối trước một đứa tớ gái. Phê-rô cũng là một con người như bao người khác nên chuyện ông vấp ngã cũng là điều dễ hiểu.
Thân xác con người không có gì xấu xa, không phải là chốn ngục tù của linh hồn, nhưng có những giới hạn, có những yếu đuối. Vì thế, cuộc chiến đấu thiêng liêng là cuộc chiến nhằm tôi luyện thân xác giúp vượt qua những yếu đuối ấy, để thân xác cùng với tinh thần hướng về với Thiên Chúa.
+ Cuộc chiến với những đam mê
Đam mê được hiểu là tất cả các khuynh hướng tình cảm của con người, bao gồm những tình cảm ở bên ngoài và cả những tình cảm tiềm ẩn bên trong. Vậy có thể coi đam mê là tất cả mọi cung bậc cảm xúc của con người. Hiểu như thế đam mê không mang nghĩa xấu vì đó là điều Thiên Chúa ban tặng cho con người và nhờ đó con người diễn tả toàn bộ cuộc sống của mình.[2] Như thế các đam mê tự bản chất không tốt cũng không xấu (GLHTCG 1767), nhưng đam mê tốt hay xấu, xét về mặt luân lý, tùy theo mức độ chúng lệ thuộc vào lý trí hoặc ý chí.[3]
Trong mỗi người đều có những đam mê khác nhau, có đam mê tốt và cũng có đam mê xấu. Cuộc chiến đấu thiêng liêng là biết làm chủ các đam mê, để định hướng các đam mê cách đúng đắn, phát triển và ứng dụng vào đời sống thực tế cho phù hợp và đúng đắn. Hay nói khác đi, cuộc chiến đấu thiêng liêng không phải là giết chết mọi đam mê hay ước muốn, nhưng là tái định hướng, và đưa chúng đến nguồn mạch là Thiên Chúa.
+ Cuộc chiến với “cái tôi”
Thiên Chúa đã đặt để tình yêu trong mỗi con người. Tình yêu ấy hướng đến 3 đối tượng: chính mình, tha nhân và Thiên Chúa. Tình yêu càng được mở ra hướng đến Thiên Chúa và tha nhân thì con người càng được triển nở. Nhưng con người lại có khuynh hướng muốn tình yêu quay về chính mình. Một khi tình yêu cho bản thân trương phình lên thì nó đẩy xa những tình yêu khác: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Ẩn sâu trong thứ tình yêu ích kỷ này là “cái tôi” thần tượng.
Cuộc chiến đấu thiêng liêng là giảm bớt cái tôi ích kỷ, và biết làm cho tình yêu cho Thiên Chúa và tha nhân cũng được triển nở và lớn mạnh. Ba chiều kích của tình yêu: Thiên Chúa, tha nhân, chính mình; không thể thiếu bất cứ một yếu tố nào. Trong cuộc chiến đấu này chúng ta luôn phải tự ý thức bỏ đi sự trương phình của cái tôi, hầu tìm lại được sự khôn ngoan của tình yêu.
2. Phương tiện của cuộc chiến đấu thiêng liêng
Trong cuộc chiến đấu này, ta không thể tay không bắt cướp” nhưng phải có phương tiện và vũ khí đó chính là cầu nguyện, ăn chay, bố thí…[4] Đây cũng có thể xem như là khiên thuẫn, mũ chiến, áo giáp giúp ta chiến thắng trong cuộc chiến đấu cam go này.
+ Cầu nguyện
Khi Đức Giê-su dạy cách cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, Người muốn dạy cho chúng ta đừng quy hướng về chính mình nhưng làm mọi việc để danh Chúa được cả sáng, chứ không phải làm mọi việc để tìm cho mình sự vinh quang, thánh thiện. Qua cầu nguyện, chúng ta thanh lọc lại những ước muốn cho phù hợp với thánh ý Chúa, để ý của Chúa được thể hiện nơi chúng ta “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Đồng thời, cầu nguyện cũng giúp ta nhìn thấy những yếu đuối của chính mình, để biết tin tưởng, phó thác vào sự gìn giữ của Thiên Chúa khi tâm niệm lời nguyện “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” (Mt 6,13)
Trong kinh nguyện này, Người còn dạy chúng ta biết tha thứ, để được Thiên Chúa thứ tha. Sự tha thứ cũng là nét đặc trưng của mùa Chay khi Đức Chúa nói qua ngôn sứ Isaia “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc” (Is 58,6). Có hạ mình trước mặt Chúa để nhìn thấy những lỗi lầm của ta đối với Chúa, ta mới có thể mở xiềng xích, gông cùm cho những người xúc phạm đến ta, và chính ta cũng được cởi bỏ gông cùm nặng nề của sự hận thù.
+ Ăn Chay
Chay tịnh cũng thường được hiểu như là kiêng cữ mọi đồ ăn thức uống trong một hay nhiều ngày. Ngày nay còn mở rộng việc giữ chay trong lời nói, hành động hay sử dụng các phương tiện truyền thông… Một cách nào đó, ăn chay cũng giúp cho thân xác con người biết tiết độ, để tinh thần cũng được nâng cao, nhờ đó mà ý thức hơn việc chiến đấu thiêng liêng. Không chỉ dừng lại ở những thành tích khổ hạnh, khi Đức Giê-su đến, Người đã lồng vào việc ăn chay một tinh thần mới. Ăn chay cùng với cầu nguyện và bố thí là những hành vi bày tỏ lòng khiêm nhường, hy vọng và tình yêu của con người trước Thiên Chúa.
Trong cả ba hành động cầu nguyện, ăn chay, bố thí mà Đức Giê-su đã dạy, thì đều có một điểm chung đó là phải kín đáo. Ăn chay không phải là một sự phô trương, nhưng hơn hết là sự khiêm nhường để có thể tiếp nhận hành động của Thiên Chúa và tự đặt mình trước sự hiện diện của Người “để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,18). Thái độ khiêm nhường sẽ giúp ta nhận biết được ý Chúa trong những cuộc chiến đấu thiêng liêng.
+ Bố thí
Một con đường chiến đấu khác là làm việc bố thí. “Việc giúp đỡ cho người nghèo là một chứng từ của đức mến Ki-tô giáo, đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa.” (GLHTCG 2462)
Hiến mình cho người khác dù dưới hình thức nào, cũng làm thuận lợi cho việc dâng hiến và quên mình, mà quên mình cũng là mục đích của cuộc chiến đấu thiêng liêng.[5]
Bố thí diễn tả lòng thương người và còn đưa con người đến gần Thiên Chúa. Quả thật, khi chúng ta biết cho đi là chúng ta được thanh thoát hơn mà tiến gần đến Thiên Chúa, và còn trở nên giống Chúa hơn.
3. Và hơn thế nữa…
Như đã nói trong phần mở đầu, Thứ Tư Lễ Tro là ngày khởi đầu mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, nhưng cuộc chiến này không chỉ vọn vẹn trong 40 ngày, nhưng đây là cuộc chiến liên lỉ đến hơi thở cuối cùng hay nói theo kiểu thánh Phao-lô là đến khi hoàn thành cuộc đua ở trần gian này.
Kết thúc mùa Chay không có nghĩa là kết thúc cuộc chiến đấu thiêng liêng, nhưng mùa Chay là thời gian làm nóng lại tinh thần người “chiến sĩ”, giúp ta luôn ý thức việc chiến đấu, để khi bước vào mùa Phục Sinh, mỗi người được tiếp thêm sức mạnh, và niềm hy vọng chiến thắng khi nhìn lên Đức Giê-su đã chịu chết và phục sinh.
Cuộc chiến đấu thiêng liêng là một cuộc vật lộn với chính mình, hay với những thế lực ác thần mang tính cam go, quyết liệt, nhưng với niềm tin rằng chúng ta không chiến đấu một mình, nhưng có Chúa đồng hành với ta, qua tiếng nói của lương tâm, mách bảo ta làm những gì đúng đắn, đồng thời với ân sủng của Chúa trợ giúp, chúng ta có thể vượt qua cuộc chiến đấu với hy vọng chiến thắng.
Hoài Thanh
Nguồn tin: http://daminhvn.net/
[1] Bernard Ducruet, Cuộc chiến đấu thiêng liêng theo thánh Biển Đức, Antôn & Đuốc sáng, tr. 10.
[2] Phạm Quốc Văn, Luân lý tổng quát, tr.74.
[3] Phạm Quốc Văn, Luân lý tổng quát, tr. 77.
[4] Ngoài ba việc: Cầu nguyện, ăn chay, bố thí, còn nhiểu phương tiện giúp chúng ta chiến thắng trong những cuộc chiến đấu thiêng liêng như: các Bí tích, suy niệm Lời Chúa, con đường tu trì… Trong kinh nghiệm tâm linh của mỗi người còn có những phương thế riêng, vì sự giới hạn, người viết xin đưa ra ba việc điển hình trong mùa Chay.
[5] Bernard Ducruet, Cuộc chiến đấu thiêng liêng theo thánh Biển Đức, Antôn & Đuốc sáng, tr. 45.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 21 | Tổng lượt truy cập: 3,902,833