THÁNH PIÔ X GIÁO HOÀNG
1. Đôi dòng lý lịch
Giáo hoàng Piô X tên là Giuseppe Sarto, sinh tại làng Riese, miền Venice nước Ý.
Piô X là một người rất thông minh, cần mẫn và sáng trí. Ngài xuất thân từ một gia đình bình dân sinh sống tại Venexia nước Ý và là con trai thứ hai trong gia đình gồm mười anh chị em.
Thân phụ ngài là một nông dân nghèo và đồng thời kiêm thêm nghề đưa thư, và mẹ ngài là một thợ may quần áo nữ.
Ngay khi còn nhỏ, cũng giống như cha mẹ, ngài rất đạo đức và luôn ước ao được làm Linh Mục. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình quá eo hẹp thiếu thốn, ước muốn thánh thiện đó hầu như chỉ là một giấc mơ bất thành mà thôi.
Khi được mười một tuổi, Beppo - cái tên cúng cơm người ta thường dùng để gọi ngài - hằng ngày phải đi bộ bảy cây số đến học tại trường La-tinh ở Castelfranco để kết thúc được chương trình trung học phổ thông và để theo học triết và thần học, mãi cho tới khi ngài được nhận vào Chủng Viện ở Padua. Ngài học tiểu chủng viện Pađua và thụ phong linh mục vào năm 1858. Ngài được bổ nhiệm làm cha phó giáo xứ Tomholo.
Sau đó, linh mục Sarto được đề cử làm linh mục quản xứ nhà thờ chính tòa, tổng đại diện và làm giáo sư tại Đại Chủng Viện Treviso. Ngài làm kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Treviso năm 1875.
Sau 5 năm liền làm cha tổng đại diện ở Treviso, Giáo hoàng Lêô XIII đã chọn và tấn phong linh mục Sarto làm Giám mục Mantua vào năm 1884. Giám mục Sarto điều khiển giáo phận Mantua mãi cho tới năm 1893.
Với những cố gắng phục vụ Giáo Hội, lo lắng cho tha nhân, ngày 15 tháng 6 năm 1893, ngài được phong làm Hồng Y Giáo Chủ Venice. Triều đình Ý trước tiên đã từ chối chuẩn nhiệm (exequatur) ngài với lý do là việc bổ nhiệm ngài là việc của triều đình Áo–Hung. Đức Cha Sarto phải đợi đến 18 tháng sau mới nhận được giáo phận mới của mình.
Trong cơ mật viện được mở ra ngày 1 tháng 8 năm 1903, Hồng y Giuseppe Sarto đã trở thành Giáo hoàng, lấy tông hiệu là Piô X.
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hoàng Piô X là một trong những Giáo hoàng vĩ đại đã canh tân Giáo Hội nhiều nhất, đúng với khẩu hiệu của ngài đã chọn khi lên ngôi Giáo hoàng: "Đổi mới tất cả trong Đức Kitô".
2. Cuộc sống chứng nhân
Ngay từ đầu, Giáo hoàng Piô X đã quan tâm một cách đặc biệt đến chương trình mục vụ trong Giáo Hội. Ngài tìm cách quân bình giữa thế giới tân tiến và truyền thống Kitô giáo. Nhưng trước hết, ngài chăm lo đến việc canh tân nội bộ Giáo Hội, đúng với khẩu hiệu của ngài: "Đổi mới tất cả trong Đức Kitô".
Thật khó có thể kể ra đây hết những việc Đức Pio X đã làm trong cuộc đời của Ngài. Tuy nhiên sau khi đọc lại cuộc đời của Ngài người ta không thể không lưu ý đến những bài học thật sống động làm cho mọi người phải để tâm suy nghĩ:
a/ Trước hết ngài được sống trong một gia đình đạo đức và chính ngài cũng rất yêu quí gia đình của mình. Chính gia đình này đã làm nên một người con thánh thiện cho Giáo Hội.
Lịch sử còn ghi lại tuy gia đình ngài không đến nỗi bần cùng túng quẫn, nhưng được xếp vào hạng nghèo túng. Cha ngài là ông Gioan Bacti Sartô, Mẹ là Magarita Sanson. Ông thân làm nghề chạy giấy tại toà thị xã.
Vì gia đình túng thiếu, bà Magarita vừa phải lo việc nội trợ, vừa đi khâu thuê kiếm ít tiền sinh sống. Bà rất mực đạo đức, nuôi dạy các con theo đúng tinh thần đạo Công giáo. Chính tay bà đã đào tạo nên vị Giáo Hoàng cương quyết và thánh thiện sau này. Người đàn bà nhà quê ấy thật đáng làm gương mẫu cho mọi người với những đức tính nhẫn nại, hy sinh và khiêm nhường. Ngày nay ở trên mộ bà, tại nghĩa trang làng Riese, người ta còn đọc thấy những hàng sau đây mà chính Đức Piô X khi còn đang làm Hồng Y giáo chủ thành Venise, đã truyền ghi khắc vào bia để ghi công đức của mẹ mình: “Magarita Sanson, người đàn bà gương mẫu, người vợ trung thành, người mẹ khôn sánh”.
Truyền thuyết còn ghi ngài có một cuộc sống tình nghĩa rất nặng với gia đình nhất là với mẹ của ngài. Đức Giáo Hoàng Piô X khi còn là cậu bé ở làng Riese mỗi ngày phải đi bộ 7 cây số để đến trường, sáng đi 7 chiều về 7. Bà mẹ, bà Magarita dù nghèo song cũng ráng mua cho con một đôi giày cho con đỡ đau chân. Đứa con tốt lành này cũng rất thương cha mẹ cho nên sáng ra khỏi nhà thì mang giày vào chân kẻo mẹ rày, sau khi xa nhà thì cởi giấy quảy trên vai cho tới khi tới trường mới mang vào để chúng bạn khỏi cười chê. Ra khỏi trường lại cởi ra, về gần tới mới xỏ vào sợ mẹ buồn. Cậu bé Sartô làm như thế vì sợ mòn đôi giày và tốn kém cho cha mẹ.
Khi được được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Mantua, một hôm, ngài về thăm mẹ. Mẹ con ngồi nói chuyện khá lâu, ngài tếu táo khoe với mẹ chiếc nhẫn Giám mục của mình: “Mẹ xem này, chiếc nhẫn Giám mục mới của con đây”.
Mẹ ngài mỉm cười chìa bàn tay thô cộc cho thấy chiếc nhẫn cưới bình dị của mình và nói: “Không có chiếc nhẫn cưới nghèo nàn này của mẹ đây thì chẳng có chiếc nhẫn ấy đâu.”
2. Đức Piô X là người luôn để lòng chăm lo cho đời sống Giáo Hội đặc biệt là các linh mục. Theo ngài, trước hết các Linh Mục phải lo sống thế nào để có được Chúa Giêsu trong chính mình, nếu họ muốn mang Chúa đến cho những kẻ khác. Ngài viết:
“ |
Là những Linh Mục của Chúa, chúng ta cần phải giới thiệu Đức Kitô cho mọi người và hành động trong tinh thần của Người. Là bạn hữu nghĩa thiết của Người, chúng ta ‘phải có những tâm tình như Đức Kitô’ (Pl 2,5), Đấng hoàn toàn thánh thiện, vô tội và tinh tuyền. Bởi vì tình bạn luôn đòi hỏi phải cùng ước muốn hay không ước muốn như nhau." Ngài ưu tiên sống đời sống khó nghèo. Đấy là chúc thư quí báu ngài còn để lại: |
” |
“Tôi sinh ra khó nghèo, sống khó nghèo, và biết rằng sẽ chết trong khó nghèo…
Về phần thi hài tôi, thì tôi ra lệnh, đừng ai đụng chạm đến, và không xức ướp gì cả; tuy làm thế là trái với thói quen thông thường. Tử thi chỉ trưng bày trong mấy tiếng đồng hồ, rồi đem mai táng…”
Hiện nay trên mộ ngài, người ta ghi thấy dòng chữ
Piô X Giáo Hoàng
Khó nghèo và giàu có
Hiền lành và khiêm nhường
Mạnh mẽ bên vực đạo
Chăm chú cải tổ mọi sự trong Chúa Kitô
Đã yên nghỉ thánh thiện trong Chúa ngày 20 tháng 8 năm 1914.
Lạy Thánh Pio X, xin cầu cho Giáo Hội và chúng con. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 172 | Tổng lượt truy cập: 3,691,700