Ngày 22 tháng 2
LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ
I. ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ
Trong quyển lịch cổ nhất của Rôma (Depositio martyrum) có từ năm 354, chúng ta thấy Thánh Lễ “Ngai Tòa Thánh Phêrô - Chaire de Saint Pierre” đã được chính thức mừng kính ngày 22.02, ngày dân Rôma nhớ đến những người quá cố. Sau đó, vì các Giáo Hội xứ Gaule không cử hành trọng thể các lễ trong Mùa Chay, nên Thánh Lễ này được dời vào ngày 18.01, trong khi Giáo Hội Rôma vẫn giữ ngày cũ. Nội dung ngày lễ cũng khác và chủ đề cũng khác: trong xứ Gaule, người ta mừng lễ “Ngai Tòa thánh Phêrô tại Rôma”; còn tại Rôma, người ta mừng lễ “Ngai Tòa thánh Phêrô tại Antiochia”. Cuối cùng hai lễ mới nhập lại thành một và được xác định vào ngày 22.02, dưới một chủ đề duy nhất là Ngai Tòa Thánh Phêrô.
Trong đại thánh đường thánh Phêrô tại Roma, người ta còn giữ được ngai tòa (tiếng La Tinh cathedra) của vị giáo hoàng tiên khởi, có nghĩa là ngai tòa, theo truyền thống, thánh Phêrô đã sử dụng ngai tòa này. Chính vì thế mà nó đã trở thành biểu tượng cho uy quyền của Đức Giáo Hoàng như là Thầy dạy, là Thượng Tế và mục tử của Hội Thánh toàn cầu.
Khi cử hành thánh lễ kính tông tòa thánh Phêrô, phụng vụ muốn cho chúng ta thấy ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã đặt vị thủ lãnh tiên khởi của Giáo Hội trên đó nói khi Người nói: “Phêrô, Con là đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” hay “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho những anh em khác vững tin” (Lc 22, 32). Chúa Giêsu đã trao trách nhiệm nặng nề cho Phêrô là chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài. Do đó, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Vì thế, thánh lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng hết sức quan trọng và cũng lại rất long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong toàn thể Hội Thánh.
II. Ý MUỐN CỦA GIÁO HỘI
Với ngày lễ lập tông tòa Thánh Phêrô hôm nay, Giáo hội muốn mời gọi chúng ta hãy hướng về vị cha chung của Giáo hội là Đức Giáo Hoàng Phanxicô để hiệp thông với ngài trong lời cầu nguyện tạ ơn Chúa đã nâng đỡ Giáo hội và làm cho Giáo hội ngày một vững mạnh. Bởi Giáo hội từ khi khai sinh đến nay, Giáo Hội luôn phải trải qua biết bao gian nan khốn khó.
Chính vì thế mà Giáo muốn mỗi người chúng ta phải tin tưởng vào Giáo Hội vì Giáo Hội là của Chúa, do chính Chúa sáng lập.
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội chúng ta thấy, từ khi Chúa thiết lập Giáo Hội cho tới hôm nay, hỏi đã có được bao nhiêu năm trời Giáo Hội được bình an đâu. Ngày xưa cũng như ngày nay, Giáo Hội luôn phải đương đầu với nhiều thử thách nặng nề. Có nhiều người bi quan tưởng rằng con thuyền Giáo Hội chìm đắm đến nơi. Thế nhưng như lời Chúa phán với Thủ Lãnh Phêrô: “Con là Đá, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy trên Đá này và cửa Địa ngục cũng không thắng nổi” (Mt 16,18-19). Cho tới hôm nay Giáo Hội Chúa vẫn hiên ngang làm chứng cho Chúa.
Voltaire ở thế kỷ XVIII, thông minh, nhưng nham hiểm. Ông đã viết bao nhiêu sách và đã diễn thuyết bao nhiêu bài cổ động, hô hào tiêu diệt Hội thánh Công Giáo.
Khi làm chủ tướng nước Đức, Bismarck (1815-1898) một tay anh hùng đầy thế lực cũng đã quyết định đánh đổ Hội thánh trong chiến dịch văn hóa của ông (Kulturkampf).
Tóm lại, trước đây cũng như mãi mãi về sau, dù Giáo Hội địa phương có thể mất vì nhiều nguyên do, nhưng Hội thánh toàn cầu nhất định sẽ mãi mãi tồn tại. Henrich Heine (1797-1856) thi hào người Đức, đã phải đồng ý như thế khi ông viết: “Đã lâu rồi, tôi không còn công kích Hội thánh Công Giáo nữa. Tôi đã đo sức trí khôn ngoan của loài người và nhận thấy rằng: Các đợt tấn công vào tảng Đá khổng lồ và kiên cố đó không thể làm cho tảng đá sứt mẻ hoặc nhúc nhích được”.
* Tiếp đến là phải luôn cầu nguyện cho Giáo Hội. Cụ thể là cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng để ngài luôn có đủ ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần mà lãnh đạo Giáo hội. Vì vị Giáo Hoàng nào cũng là thụ tạo, là con người mỏng giòn, rất cần có ơn của Chúa và sự cộng tác nỗ lực của mỗi đoàn chiên khắp nơi trên thế giới.
Ngày 16-10-1975 Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła người nước Ba Lan được bầu làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Gioan Phaolô II. Trước khi trở về Roma để cử hành thánh lễ đăng quang, tại phi trường Bilace, Đức Thánh Cha đã từ biệt quê hương thế này: “Giờ phút đã điểm, tôi phải từ giã giáo phận Cracoute và tổ quốc Ba Lan. Mặc dầu sự chia ly này, không thể cắt đứt những mối dây thiêng liêng sâu đậm, và những tâm tình thắm thiết, ràng buộc tôi lại với thành phố của tôi, quê hương của tôi. Tôi vẫn cảm thấy đau đớn về sự chia ly ấy. Nhưng bây giờ toà giám mục của tôi là Roma, và tôi phải trở về đó, nơi mà không người con nào của Hội Thánh, và chúng ta có thể nói rằng: không một người nào, Ba Lan hay quốc tịch nào, bị xem là xa lạ cả.
Tôi xin cám ơn tất cả anh chị em. Tôi muốn gửi tiếng “cám ơn” này, đến tận những người tôi mang ơn, và tôi không biết có ai trong nước Ba Lan này, mà tôi không mang ơn họ. Những ngày ngắn ngủi ở Ba Lan càng làm cho tôi gắn bó hơn nữa, những sợi dây thiêng liêng kết hợp tôi với quê hương yêu quí, với Giáo Hội Ba Lan, Giáo Hội mà tôi muốn phục vụ với tất cả sức lực tôi, qua thừa tác vụ Giáo Hoàng của tôi .
Tôi cám ơn anh chị em đã hứa cầu nguyện cho tôi. Từ nơi xa xăm ấy, bên kia núi Alpes, tâm trí tôi sẽ lắng nghe tiếng chuông kêu gọi giáo dân cầu nguyện, nhất là lúc nguyện kinh Truyền tin, lúc mà tôi nghe nhịp tim của đồng bào tôi.
Tôi xin tạm biệt giáo phận Cracoute. Tôi xin chúc Cracoute một mùa xuân mới. Tôi cầu chúc cho Cracoute, mãi mãi là một chứng tích cao đẹp của lịch sử đất nước, của Giáo Hội , trước mặt dân Ba Lan, Âu Châu và thế giới như ngày hôm nay.
Tôi xin tạm biệt nước Ba Lan, quê hương yêu quí của tôi. Giờ ra đi này, tôi xin hôn kính đất Ba Lan, mảnh đất mà lòng tôi không bao giờ xa rời được.
Xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho anh chị em: nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Nói xong Đức Thánh Cha đã quỳ xuống hôn đất Ba Lan tại phi trường Bilace, rồi lên máy bay.
* Cuối cùng nếu có thể được thì cộng tác với Giáo Hội đặc biệt các Giáo Hội địa phương để Giáo hội có phương tiện chu toàn được bổn phận của mình theo ý Chúa muốn.
Tại một nhà thờ nọ, kẻ trộm đột nhập vào đánh cắp chén thánh ở nhà tạm làm Mình Máu Thánh Chúa vung vãi khắp nơi. Bằng một giọng nói run rẩy và nước mắt chảy tràn, Cha sở báo tin đó cho các giáo dân biết. Ngài mời gọi mọi người tham dự một buổi phụng vụ để đền bù lại sự xúc phạm đến Chúa. Đồng thời Ngài cũng kêu gọi sự đóng góp của các giáo dân để mua một chén thánh mới.
Trong số những người đầu tiên đến dâng cúng có một bà góa nghèo, mẹ của 08 đứa con. Bà đưa cho cha sở một đồng tiền vàng mà bà đã giữ như một vật thánh cho đến nay, và đó là toàn bộ gia tài của bà, vị Linh mục cảm động, nói:
- Cha không thể nhận nó, quá nhiều đi! Thiên Chúa chắc sẽ rất vui khi nhìn món quà của con, nhưng chắc là Người chỉ bằng lòng chút ít thôi. Cha không thể nhận một hy sinh lớn như thế. Con cần, rất cần nó để mua sắm, nuôi nấng các con cái của con. Cha xem như có lỗi nếu Cha nhận đồng tiền này!
- Nhưng thưa Cha - người đàn bà trả lời - tại sao Cha lại không muốn nhận nó ? Ai nói với cha là con cho cha. Con đâu có cha cha, mà con dâng cho Chúa cơ mà. Chúa sẽ hoàn trả nó lại cho con với cả tiền lời nữa!
Nghe nói thế vị Linh mục không biết làm gì hơn là cầm lấy đồng tiền vàng. Ngài bảo:
- Thưa bà, đức tin của bà thật lớn! quá sức lớn!
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn tin: https://tgpsaigon.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 41 | Tổng lượt truy cập: 4,164,868