NGƯỜI MỤC TỬ TRÊN MIỀN CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN
Nguyễn Hùng Luân
Ban Mê Thuột là một trong ba giáo phận trên miền Tây Nguyên gồm Ðà Lạt, Kon Tum và Ban Mê Thuột. Diện tích giáo phận khoảng 24.474 km2, trải dài trọn tỉnh Ðăk Lăk, Ðăk Nông và một phần tỉnh Bình Phước. Phía tây giáo phận là vùng giáp biên giới Campuchia. Ðịa bàn giáo phận Ban Mê Thuột rộng lớn, là nơi sinh sống của các dân tộc Kinh, Ê đê, Xơ Ðăng, S’tiêng, M’Nông, H’Mông, Gia Rai… Với đặc điểm đặc thù về địa lý và dân cư như thế, các linh mục, tu sĩ ở miền Ban Mê Thuột ngày nay vẫn xác định, “truyền giáo và tái truyền giáo” là sứ mệnh của Công giáo trên vùng đất này. Truyền giáo, gắn với sự hiện diện, song hành cùng anh em sắc tộc, như lời chia sẻ của linh mục Chưởng ấn giáo phận Giuse Nguyễn Quang Diệu trong một lần gặp gỡ. Thật vậy, lịch sử hình thành và phát triển đức tin của Dân Chúa giáo phận Ban Mê Thuột mang đậm dấu ấn của các tín hữu sắc tộc và cũng sẽ không ngoa khi nói rằng, chính đời sống đức tin phong nhiêu của cộng đoàn sắc tộc làm nên nét riêng biệt của giáo phận.
Ðoàn chiên giáo phận Ban Mê Thuột những ngày này sống trong tâm tình của một sự kiện quan trọng, đó là việc chủ chăn của họ - Ðức Giám mục Vinh sơn Nguyễn Văn Bản - vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Hải Phòng, sau 13 năm coi sóc miền đất này. Trong thông báo văn phòng Tòa Giám mục Ban Mê Thuột gởi tới các thành phần Dân Chúa cũng tỏ bày niềm tiếc nuối: “Suốt 13 năm rong ruổi trên những nẻo đường truyền giáo ở một giáo phận rộng lớn, Ðức cha Vinh sơn đã tận tâm, tận lực phục vụ và đã sống hết mình vì đoàn chiên, nhất là đối với anh chị em sắc tộc, để lại trong lòng người giáo dân bao nhiêu thương mến về hình ảnh tuyệt vời của vị chủ chăn bước theo thầy chí thánh Giêsu…”. Về phần Ðức cha, chúng tôi cảm nhận được sự bình thản đón nhận thánh ý Chúa của ngài. Khi có thông tin Tòa Thánh cử ngài về làm Giám mục giáo phận Hải Phòng, chúng tôi có dịp thưa chuyện với Ðức cha. Ngài xác quyết, trong tiến trình đời tu, luôn đặt cuộc đời vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Cha luôn đón nhận ý Chúa một cách bình thản. Cái quan trọng là phải biết nhận ra vấn đề và phân định”. Buổi chiều ngày 20.3.2022, trong thánh lễ Chúa nhật III Mùa Chay, chia sẻ với giáo hữu về thông tin rời khỏi cương vị Giám mục Chánh tòa giáo phận Ban Mê Thuột, Ðức cha Vinhsơn nói trong bình an: “Khi Tòa Thánh đề nghị tôi đi về Hải Phòng, tôi chỉ biết xin vâng lời Ðức Thánh Cha. Vì Ðức Thánh Cha có cái nhìn rộng, yêu thương từng đoàn chiên như nhau nên tôi xin vâng phục Tòa Thánh…”.
13 năm gắn bó trên các bản làng, Ðức cha Vinh sơn - vị giám mục miền núi, theo cách ví von của nhiều người - đã làm thay da đổi thịt từng giáo xứ, giáo họ…, để không chỉ đời sống đức tin mà đời sống vật chất cũng canh tân…
Chầu lượt ở một giáo xứ thuộc GP Ban Mê Thuột ngày xưa
Như đã nói, giáo phận Ban Mê Thuột là vùng đa sắc tộc. Diễn biến đời sống của giáo phận không thể lãng quên hay phân biệt bất kỳ sắc tộc nào. “Chúa ban cho mỗi dân tộc có những đặc tính khác nhau. Và vì thế, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt ấy, lấy sự khác biệt để làm yếu tố tích cực tác động vào quá trình phát triển của giáo phận”, Ðức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản khẳng định. Quá trình mục vụ tại giáo phận, ngài chủ trương các dân tộc sống chung dưới bầu khí cộng đoàn trong tình đoàn kết, yêu thương. Ðể có thể am hiểu anh em bản xứ, ngay từ năm 2009 khi về nhận giáo phận, nhìn thấy nhu cầu của đoàn chiên, ngài đã bắt tay ngay vào việc học tiếng Ê đê, một trong ba ngôn ngữ sắc tộc phổ biến ở vùng này. Ngài chia sẻ: “Có hiểu tiếng dân tộc thì mới có thể hòa nhập”. Năm 2010, Ðức cha Vinhsơn tiến hành việc giáo dục ngôn ngữ địa phương cho các chủng sinh của giáo phận. Khởi đầu với việc học các khóa cấp tốc trong một tháng hè, sau đó, các thầy được gởi vào buôn làng để hòa nhập với cộng đồng dân tộc thiểu số. Có ba ngôn ngữ chính, các chủng sinh sẽ được học trong quá trình tu học ở Ðại Chủng viện là tiếng Ê đê, M’Nông và S’tiêng. Quá trình này, một mặt sẽ giúp ích cho các thầy rất nhiều trong việc tu học để hướng tới tương lai lâu dài là có thể phục vụ tại giáo phận, đồng hành với đồng bào. Mặt khác, cũng là cách để chính các thầy phân định về ơn gọi của bản thân. Bởi, vị mục tử lý giải: “Có yêu mến rồi mới dấn thân được!”. Nhờ chú trọng đào tạo tiếng địa phương xuyên suốt, các linh mục trẻ đã có thể thuận tiện, dễ dàng hơn khi tiệm cận bà con dân tộc: “Các cha trẻ có thể đối thoại, giảng bằng tiếng đồng bào. Thay vì một mình giám mục học thì các thầy trẻ cũng phải học để phục vụ. Khi tiếp cận với bà con, các anh em sẽ hiểu hơn, mến yêu hơn và từ đó mới có thể phục vụ”, Ðức cha nói.
Phái đoàn giáo phận Hải Phòng
Không riêng linh mục, với các dòng tu và giáo dân, Ðức cha cũng kêu gọi hướng tới ưu tiên chăm lo cho đời sống người đồng bào. Năm 2017, kim khánh giáo phận Ban Mê Thuột, ngài mời gọi các thành phần Dân Chúa giáo phận sống tinh thần hiệp nhất: “Ðể trở nên một”. Từ khi coi sóc đoàn chiên trên cao nguyên Ban Mê, ngài luôn thao thức làm sao để giáo dân có thể sống đạo cách tốt đẹp nhất; trong giáo xứ, giáo họ không có sự chia rẽ mà mọi người gắn kết nhau, đỡ nâng nhau. Thực tế cho thấy, vẫn còn đó nhiều anh chị em đồng bào cuộc sống kinh tế còn khó khăn, khoảng cách giàu - nghèo giữa các dân tộc có sự cách biệt, mà những yếu tố ấy dễ dẫn tới nguy cơ cộng đoàn đức tin thiếu tình hiệp nhất. Trong các cuộc họp Hội đồng mục vụ giáo xứ hằng năm, trong khi gặp gỡ các cha xứ vào mỗi chuyến thăm mục vụ hay dịp tĩnh tâm, vị cha chung giáo phận thường nhắn nhủ mọi người hãy sống để trở nên một. Ngài kêu mời các giáo xứ chăm lo cho người đồng bào. “Chúng ta cần đối xử công bằng và yêu thương với nhau. Làm sao để tất cả mọi thành phần trong xứ đạo đều cảm nhận được mình sống trong tình thương, không ai bị bỏ rơi, không bị tụt lại. Trong một giáo xứ có người Kinh và người tín hữu sắc tộc thì những anh em người Kinh cần nâng đỡ anh em dân tộc. Nếu giáo xứ chỉ toàn người Kinh thì đời sống mục vụ cần hướng ra, kết nghĩa một giáo xứ đồng bào khác để có thể giúp đỡ, tương trợ phần nào…”, ngài chia sẻ. Ở giáo phận Ban Mê Thuột, rất dễ bắt gặp hình ảnh những bữa cơm đậm đà tình nghĩa sau lễ Chúa nhật hoặc các sự kiện quan trọng. Các tín hữu sắc tộc thường phải đi từ buôn làng đến các nhà thờ trên quãng đường khá xa, do đó, sau lễ, giáo xứ thường tổ chức nấu ăn, để bà con dùng bữa xong mới quay về buôn làng. Trong bữa cơm ấy, tình cảm, những lời thăm hỏi được gởi trao; cha xứ trò chuyện hiểu biết hơn về giáo dân và anh em cũng bớt phần ngần ngại, nhờ được quan tâm, thăm hỏi.
Ngay sau khi có thông tin bổ nhiệm, ngày 21.3.2022, phái đoàn giáo phận Hải Phòng gồm các linh mục Ban Tư vấn, Văn phòng Tòa Giám mục đã vào chào thăm Đức cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản
Đặt lợi ích Giáo hội lên hàng đầu nên trong quá trình mục vụ, khi có những khúc mắc, khó khăn, ngài nhắn các linh mục noi gương Chúa Giêsu, dựng xây giáo xứ, rao truyền Tin Mừng trong niềm vui an lạc của hòa bình. Lấy thiện chí để đối đãi và tháo gỡ những trở ngại. Từng bước một, với trái tim mục tử và đường lối làm việc phù hợp, Ðức cha thay đổi dần bộ mặt giáo phận. Năm 2009, giáo phận có 105 linh mục triều, 88 giáo xứ, 20 dòng tu mục vụ cho 372.000 giáo dân, trong đó có 72.500 người sắc tộc. Sau 13 năm, các giáo xứ và số linh mục được tăng trưởng giải quyết vấn đề thiếu nhân lực cho giáo phận. Ðến nay, toàn giáo phận có 182 linh mục triều, 42 linh mục dòng, 13 dòng nam, 29 dòng nữ phục vụ cho hơn 470.000 giáo dân. Giáo phận đang có 14 thầy phó tế và 152 chủng sinh. Ðây là nguồn lực để chuẩn bị cho hành trình phía trước. Từ năm 2010 đến hiện tại, các xứ đạo mới được mở ra, nhiều giáo điểm, giáo họ được thành lập. Bà con được dâng lễ, sinh hoạt dễ dàng, thuận lợi. 101 ngôi nhà thờ xây mới để đáp ứng cho các nhu cầu đức tin ấy. Dẫu vậy, nhưng trong việc kiến thiết giáo phận, Ðức Giám mục Vinhsơn Nguyễn Văn Bản luôn lưu tâm đến chiều sâu chất lượng, sự trưởng thành trong đức tin hơn là hình thức bề ngoài. Theo Ðức cha, ngôi thánh đường được dựng xây để trở thành nơi chốn xứng hợp cho bà con dâng lễ, tham gia các sinh hoạt. Vì thế mà, tùy theo nhu cầu của từng cộng đoàn, các ngôi nhà thờ nên được xây vừa phải. Trong mỗi lần tĩnh huấn dành cho các giới gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ cùng các đoàn thể, vị chủ chăn lưu ý các thành phần trong giáo phận ý thức về ơn gọi của mình trong cuộc lữ hành trần thế để sống tốt và cộng tác vào các chương trình giáo phận, nhất là chăm lo cho người kém may mắn hơn. Những linh mục, tu sĩ từ các dòng được gọi mời đi vào vùng sâu xa, tiến bước trên các thôn bản để giúp đỡ người sắc tộc, đặc biệt trong lĩnh vực bác ái và giáo dục.
Tòa Giám mục Ban Mê Thuột
Có thể nói, một khi đời sống kinh tế ổn định thì đời sống đức tin ít bị sao nhãng. Hành trình loan báo Tin Mừng trên miền cao nguyên đòi hỏi sự kiên trì, nhạy bén, cộng với đó là tinh thần yêu thương, dựng xây trong tình huynh đệ, hòa bình. Muốn làm được điều này, cần lắm những mục tử tận tâm, hết lòng vì Hội Thánh. Ðức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản khi nói về việc đào tạo linh mục của giáo phận đã nhấn mạnh hai yếu tố: có lòng yêu mến Chúa và yêu mến Dân Chúa: “Cần thiết phải nói rằng, không có linh mục, nhiều khi giáo dân vẫn sống đạo tốt. Cho nên, linh mục phải là người thánh thiện, yêu mến Chúa và yêu mến Dân Chúa. Thiếu một trong hai là không được rồi”. Quan tâm tới yếu tố con người, tới bản sắc, nên Ðức cha tha thiết nhắn nhủ các thành phần Dân Chúa giáo phận tôn trọng văn hóa người sắc tộc. Trong phụng vụ, Ðức cha cho phép các linh mục thử nghiệm dâng lễ cho người sắc tộc bằng tiếng đồng bào, sử dụng các bài hát, thánh ca chuyển ngữ để anh chị em sắc tộc dễ hiệp thông. Hội đồng mục vụ ở các giáo xứ, giáo họ sắc tộc chính là những anh chị em ngay trong cộng đoàn, có vai trò quan trọng như cánh tay nối dài, trung gian giữa cha xứ và bà con. Các anh chị em này thường xuyên được học các khóa đào tạo tông đồ giáo dân, tham gia vào các giờ tĩnh tâm, các cuộc họp của HÐMV giáo phận. Trong việc mục vụ thì lưu tâm giúp thế hệ trẻ yêu mến, gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Ở giáo phận Ban Mê Thuột, tại nhiều giáo xứ, dòng tu có những nhà lưu trú sắc tộc, là nơi để các con em người đồng bào được gởi gắm, chăm sóc, giáo dục, giúp việc học văn hóa và nhân bản dễ dàng, dưới sự trông nom của các tu sĩ. Từ mái nhà này, nhiều bạn trẻ đã trưởng thành, chạm đến mơ ước. Cũng nơi đây, những ơn gọi linh mục, tu sĩ được nảy nở. Chị Têrêsa H’ Mit Kha, một trong những nữ tu người Ê đê của dòng Nữ Vương Hòa Bình, là trái ngọt của nhà lưu trú sắc tộc. Sơ chia sẻ đã nhận ra ơn gọi khi được sống trong nhà lưu trú của các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình: “Từ lúc cấp hai, được gia đình gởi vào nhà nội trú, được các sơ yêu thương dạy bảo, giúp mình hòa đồng với bạn bè, học ngôn ngữ mau hơn…, tôi thấy được đánh động. Ðặc biệt không hề có sự phân biệt giữa các bạn người Kinh và người sắc tộc. Sau này, khi đi học đại học, tôi nghĩ mình nên đi tu thay vì lập gia đình, vì đi tu thì có thể giúp nhiều bà con mình hơn”. Giáo phận Ban Mê Thuột hiện tại cũng có hai linh mục trẻ là người dân tộc Xơ Ðăng và M’Nông.
Chúa ban cho mỗi dân tộc có những đặc tính khác nhau. Và vì thế, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt ấy
Mỗi khi đi kinh lý đến các xứ đạo, giáo họ, giáo buôn, vị chủ chăn thường để ý những thiếu thốn, nhu cầu của bà con từng vùng miền và sau đó tìm cách hỗ trợ các linh mục coi xứ, để có thể lo lắng cho bổn đạo tốt nhất. Nụ cười, cử chỉ thân thiện và sự giản dị của Ðức cha trong tính cách làm giáo hữu yêu mến nhiều. Dựng xây giáo phận bằng con đường hòa hợp, hòa bình trong tình yêu thương tận tụy, một thoáng nhìn lại, dẫu còn đó nhiều thao thức để thay đổi cuộc sống anh chị em tín hữu trở nên phát triển toàn diện hơn, song có thể thấy giáo phận đã đổi thay nhiều, đời sống đức tin tăng trưởng. Người dân trên khắp vùng giáo phận Ban Mê Thuột rồi sẽ nhớ mãi hình ảnh vị cha chung luôn tươi cười, hòa đồng và biết ơn về sự tận tình của ngài!
Các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình trên đường truyền giáo
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 36 | Tổng lượt truy cập: 3,044,786