NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
1. Nguồn gốc
Thời gian Vượt Qua mở ra Ngày Chúa Nhật Phục Sinh, và một thời kỳ gồm năm mươi ngày, tiếng Hy lạp gọi là Pentecoste, nghĩa là ngày thứ năm mươi. Trong Cựu Ước, con số 50 là con số kết thúc tuần lễ cao điểm trong bảy tuần, gợi lên sự sung mãn, tốt lành. Còn trong Tân Ước, con số năm mươi tính từ cái chết của Đức Giêsu đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đến canh tân toàn thể Hội Thánh (x. Cv 2). Mầu nhiệm Vượt Qua chỉ đạt chiều kích trọn vẹn trong sự viên mãn của lễ Ngũ Tuần, là ngày Hội Thánh nhận được những hoa trái đầu tiên làm bảo chứng cho phần gia nghiệp (x. Ep 1,13-14).
Theo các Giáo phụ, mọi ngày trong tuần năm mươi này phải được cử hành trong niềm hân hoan, có cùng tầm quan trọng như ngày Chúa Nhật. Tuần năm mươi cũng là thời gian hạnh phúc nhất để cử hành phép Rửa. Nếu như ngày Chúa nhật vừa là ngày thứ nhất cũng là ngày thứ tám, thì Chúa Nhật Phục Sinh do Pentecoste tạo ra được khai triển thành tám ngày Chúa Nhật. Như thế Pentecoste là một chuỗi tám – octave, là một tuần của các tuần.
Bát nhật Phục Sinh là tuần đầu tiên trong chuỗi tám đó. Danh từ gốc Latinh Octo, tức là tám. Octavus là ngày thứ tám, hay là cả tám ngày. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy, các đại lễ của dân Israen thường được tổ chức suốt một tuần và kết thúc cách long trọng vào ngày thứ tám (x. Lv 23,34-36).
Tuần Bát nhật Phục sinh đã bắt đầu ít nhất từ thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 khi mà những người Kitô hữu bắt đầu muốn kéo dài những ngày lễ theo sau ngày lễ chính. Điều này có nghĩa là những ngày lễ cử hành hân hoan của Chúa nhật Phục sinh được kéo dài thêm 7 ngày sau đó.
Người Kitô hữu coi mỗi ngày trong Tuần Bát nhật giống như Chúa nhật Phục sinh. Truyền thống này được duy trì trong nghi lễ Roma cũng như nhiều nghi lễ Đông Phương khác.
Theo phụng vụ của Giáo hội, Tuần Bát nhật là thời gian tám ngày mừng lễ hay kính nhớ Mầu nhiệm nào đó.
Trước đây, Giáo hội mừng kính nhiều Tuần Bát Nhật, như Tuần Bát Nhật đặc biệt, hay Bát Nhật thường. Từ năm 1955, Giáo hội mừng kính ba Bát Nhật: Bát nhật Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống.
Hiện nay, trong lịch phụng vụ của Giáo hội chỉ còn ghi hai Bát Nhật là Bát Nhật Phục Sinh và Giáng sinh. Hai Bát nhật mà Giáo hội mừng kính cũng kết thúc bằng hai lễ long trọng: Bát nhật của Giáng sinh kết thúc vào ngày 1 tháng Giêng, lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; ngày thứ tám của lễ Phục Sinh là ngày lễ Chúa Nhật Áo Trắng. Bát Nhật Phục Sinh, mà truyền thống Rôma quen gọi là Tuần lễ Áo Trắng, ra đời từ thế kỷ IV, vì lúc đó, Giáo hội quan tâm làm sao để các tân tòng có một huấn giáo hậu phép Rửa về các Mầu nhiệm mà họ đã lãnh nhận, tuy nhiên, huấn giáo này cũng dành cho toàn thể dân chúng nữa.
2. Ý nghĩa
Bát nhật Phục Sinh liên hệ với việc rửa tội cho người lớn. Hội Thánh thời cổ chú tâm đến mối liên hệ giữa Vượt Qua của Đức Kitô với phép Rửa.
Theo thánh Phaolô: nhờ phép Rửa mà người Kitô hữu được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, được mai táng với Người, để rồi được tham dự vào đời sống mới của Đấng Phục Sinh (x. Rm 6,3-5). Bởi đó, Giáo hội lo sao để việc cử hành phép Rửa được ưu tiên vào ngày Chúa Nhật.
Khi Kitô giáo ngày càng lan rộng, đêm Vượt Qua đã trở thành đêm trọng đại của năm để thực hiện phép rửa. Nghi thức làm phép rửa trong đêm sẽ bao gồm:
Buổi canh thức Vượt Qua có ý nghĩa diễn tả đức tin của hết mọi tín hữu trong một cộng đoàn, một khu vực nhất định, và Tuần Bát nhật này cũng mang đặc tính của phép rửa.
Như thế, Tuần Bát Nhật là tuần đầu tiên trong chuỗi những tuần của năm mươi ngày sau Đại lễ Phục Sinh. Bát nhật Phục Sinh có đặc tính của Bí tích Thánh Tẩy; Giáo Hội cổ thời đã dùng Tuần Bát Nhật để hoàn tất việc giáo huấn các tân tòng. Một số bài giáo huấn quan trọng của các Giáo Phụ hay các nhà tu đức được phụng vụ Giáo Hội đưa vào trong các bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật Phục Sinh. Những lời giáo huấn cho các tín hữu xưa kia vẫn còn giá trị và rất thiết thực cho các tân tòng cũng như cho mọi phần tử trong Giáo hội ngày nay.
3. Mục đích
Trong Giáo hội cổ xưa, những người muốn gia nhập đạo, trong suốt mùa Chay, họ được học hỏi giáo lý, để đêm vọng Phục Sinh lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Sang Tuần Bát nhật, Giáo hội tiếp tục quy tụ họ lại mỗi ngày để hoàn tất việc giảng dạy cho họ.
Tóm lại, Bát nhật là tuần đầu tiên trong chuỗi những tuần của năm mươi ngày sau Đại lễ Phục Sinh. Bát nhật Phục Sinh có đặc tính của Bí tích Thánh Tẩy; Giáo hội cổ thời đã dùng Tuần Bát nhật để hoàn tất việc giáo huấn các tân tòng. Một số bài giáo huấn quan trọng của các Giáo phụ hay các nhà tu đức được phụng vụ Giáo hội đưa vào trong các bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật Phục Sinh. Những lời giáo huấn cho các tín hữu xưa kia vẫn còn giá trị và rất thiết thực cho các tân tòng cũng như cho mọi phần tử trong Giáo hội ngày nay.
Đa Minh Thái Bình, sưu tầm
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 601 | Tổng lượt truy cập: 4,068,427