Hồng ân Thiên Chúa bao la.
Muôn đời con sẽ ngợi ca Danh Ngài
Trải qua hơn hai năm học tập và nghiên cứu, hôm nay con đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Tâm lý học tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài: “Mối quan hệ giữa nghiện điện thoại thông minh và sức khỏe tâm thần của học sinh Trung học Phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Qua việc tìm hiểu thực tế và nghiên cứu lý luận cho thấy, hầu hết học sinh cấp 3 tại những thành phố lớn đều sử dụng điện thoại thông minh với nhiều mục đích khác nhau trong học tập cũng như giải trí. Nhưng với những thiết kế “gây nghiện” và với đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi này khiến các em trở thành đối tượng có nguy cơ cao với việc lạm dụng sử dụng điện thoại. Cụ thể như:
1) Kích thích sự tò mò, các thông báo có màu đỏ - màu “kích hoạt”, khiến bất cứ ai nhìn thấy đều không thể bỏ qua;
2) Dựa trên nhu cầu cơ bản về tình yêu và sự kết nối, những lượt “like” và các trạng thái cảm xúc trên các trang mạng xã hội khiến cho Học sinh cảm thấy số lượng lượt “like” như thước đo giá trị bản thân;
3) Tính năng tự động và nguồn dữ liệu vô hạn của các trang mạng khiến Học sinh khó đăng xuất;
4) Phần thưởng ngẫu nhiên là các lượt “like” và “bình luận” xuất hiện bất ngờ, khiến Học sinh buộc phải kiểm tra các ứng dụng liên tục;
5) Thiên kiến sự mới lạ, tức là con người yêu thích sự mới mẻ khiến Học sinh phản ứng tức khắc trước luồng thông tin đến một cách liên tục;
6) Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO), sợ bỏ lỡ một lời mời, một tin nhắn của bạn bè, một đợt giảm giá…
7) Khai thác nhu cầu “tương hỗ xã hội” tức là con người thường muốn liên lạc với người khác khi họ liên hệ với mình, với tính năng thông báo “đã xem” và “đang soạn tin” kích hoạt cảm giác tương hỗ xã hội, từ đó nhu cầu đáp lại tin nhắn trở nên cấp bách hơn. Không ai phủ nhận những lợi ích của điện thoại, nhưng khi sử dụng quá mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, các vấn đề sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
Chính những điều đó đã thúc đẩy con nghiên cứu đề tài này, để từ đó có thể đưa ra những biện pháp hỗ trợ sức khỏe tâm thần và giáo dục hành vi sử dụng điện thoại hợp lý cho Học sinh.
Để có thể hoàn thành luận văn của mình, em thực sự biết ơn sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Thị Ngọc Bé, khoa Tâm lý Giáo dục trường Đại học Sư phạm Huế. Cô đã tận tình, động viên, giúp đỡ và đồng hành trong suốt quá trình từ khi chọn tên đề tài đến khi bảo vệ đề cương rồi đến bảo vệ luận văn. Đặc biệt, em cũng chân thành biết ơn sự đồng ý và cho phép được khảo sát tại trường của Ban Giám hiệu và giáo viên trường THPT Bình Tân và THPT Bình Hưng Hòa, cùng sự tham gia tích cực của các học sinh trong trường.
Khi tiến hành phát bảng hỏi, con có một đội ngũ cộng tác viên đắc lực là Quý Chị trong cộng đoàn Catarina đã nhiệt tình đến từng lớp để con có được dữ liệu cần thiết. Cuối cùng, để con có một luận văn hoàn chỉnh hơn là nhờ Quý thầy cô trong Hội đồng phản biện đã có những góp ý chi tiết, cụ thể.
Giờ đây, trong tâm tình tri ân, con xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương ban muôn ân huệ trong cuộc đời của con. Con xin chân thành cảm ơn Quý Bề trên, Quý Dì giáo đã tin tưởng và tạo điều kiện cho con được học tập, cùng luôn nâng đỡ, động viên con trong suốt quá trình học tập. Con xin hết lòng tri ân Quý Dì cùng Quý Chị em trong Hội dòng đặc biệt là Cộng đoàn Catarina đã cầu nguyện, ủng hộ con. Con luôn khắc ghi công ơn của Cha mẹ cùng toàn thể gia đình đã luôn đồng hành cùng con trong lời cầu nguyện. Xin tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ con trong ơn gọi, để con có thể làm được những gì tốt nhất sau khi đã nghiên cứu và học hỏi, hầu phục vụ cho sứ vụ mà Hội dòng tin tưởng và mong muốn nơi con.
Xin Thiên Chúa tuôn đổ phúc bình an trên tất cả mọi người Chúa gửi đến ngang qua cuộc đời của con.
Và đây là một số hình ảnh trong quá trình nghiên cứu:
Các cộng tác viên đi phát phiếu khảo sát
Bảo vệ đề cương Online
Quý Thầy Cô Hội Đồng Phản Biện
Nt. Maria Tạ Thị Thúy - Học viện
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 117 | Tổng lượt truy cập: 4,164,043