Sơ Nathalie Becquart, phó Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, bên ngoài trung tâm truyền thông dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, Bồ Đào Nha, hôm mồng 04. 08. 2023. (Hình: OSV News/ Bob Roller)
Khi được hỏi về những kỳ vọng cá nhân đối với Đại hội Thượng Hội đồng sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc vào ngày mồng 04.10, Sơ Nathalie cho biết,
Kỳ vọng của tôi là chúng tôi tiếp tục một cách cá vị, đồng thời cùng nhau bước đi trên lộ trình hoán cải và thật tâm lắng nghe nhau, lắng nghe Chúa Thánh Thần trong tâm thế cầu nguyện. Chúng tôi lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng tôi cùng nhau phân định, và chúng tôi cùng học hỏi nhiều hơn nữa với tư cách là một Giáo hội, thực sự là một Giáo hội của anh chị em trong Đức Kitô.
Tôi muốn trích dẫn ý tưởng của linh mục Ormond Rush, một nhà thần học người Úc, như sau: Hiệp hành là Công đồng Vatican II theo cách nói ngắn gọn. Vì vậy, Thượng Hội đồng lần này là một lời kêu gọi tiếp tục lĩnh hội Công đồng Vatican II. Chúng ta đã phân định rằng hiệp hành là lộ trình của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba. Đó là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho Giáo hội hiện nay trong bối cảnh này, trong thời điểm lịch sử này.
Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho Giáo hội hiện nay
Ước muốn sâu xa của tôi là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và chúng ta phân định cách thế cụ thể để trở thành một Giáo hội ngày càng có tính hiệp hành hơn, bởi vì đó là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho Giáo hội hiện nay: trở thành một Giáo hội loan báo Tin Mừng và tiếp tục rao truyền đức tin nhiều hơn nữa. Ngày nay chúng ta cần phải có phong cách hiệp hành này.
Sơ Nathalie đặc biệt hướng đến những người trẻ, vốn đã trở thành những nhân vật chủ chốt của lộ trình hiệp hành, một tiến trình kéo dài 2 năm dẫn đến Đại hội Thượng Hội đồng, sẽ được tổ chức thành 2 khoá họp, vào tháng 10. 2023 và tháng 10. 2024.
Tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 30. 09, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự một buổi cầu nguyện đại kết với sự tham gia của Đức Thượng phụ Chính thống giáo Bartolomeo I của Constantinople; Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby của Canterbury, và nhiều nhà lãnh đạo giáo hội khác, cùng hàng ngàn Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau “để cùng phó thác cho Chúa Thánh Thần công việc của Đại Hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo”.
Cuộc đối thoại dành cho Giáo hội toàn cầu
Khi được hỏi về thái độ của các đại biểu, những người đến từ các nơi trên thế giới, và có thể đến từ những khu vực mà các giáo hội địa phương bày tỏ sự bất đồng, Sơ Nathalie thể hiện niềm hy vọng khi nói rằng:
Các tham dự viên có thể đến Thượng hội đồng với tâm hồn cởi mở trước tác động của Chúa Thánh Thần.
Một trong những thành quả chính… đến từ tất cả tiến trình này thực sự là trải nghiệm về phương pháp luận hiệp hành mà chúng tôi gọi là “cuộc đối thoại trongThánh Thần”. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi thực sự có thể tiếp tục cuộc hành trình với phương pháp này. Đó là một cách thể để gắn kết và thúc đẩy sự hiệp thông giữa những người rất đa dạng.
Vốn là một thủy thủ, Sơ Nathalie đã quen với việc điều hướng những vùng nước hỗn loạn, và đó cũng là cách Sơ đào tạo những người trẻ khi điều hành các chương trình mục vụ giới trẻ tại quê hương Pháp quốc.
Đúng là Giáo hội ngày nay rất đa dạng. Giáo hội có những tầm nhìn khác nhau và Giáo hội có những căng thẳng. Tất cả là một phần của cuộc hành trình. Nhưng cuối cùng, như Đức Thánh Cha Phanxicô thích lặp lại mỗi khi ngài nói về tính hiệp hành, đó là Chúa Thánh Thần sẽ mang lại sự hòa hợp. Và đây cũng là điều chúng ta hy vọng –Thượng Hội đồng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hiệp thông để cho phép tất cả mọi người tham gia, để chúng ta ngày càng trở thành một Giáo hội loan báo Tin Mừng, và do đó, phục vụ con người ngày nay tốt hơn.
Câu trả lời cho sự phân cực
Đối với Sơ Nathalie, từ quan trọng nhất của Thượng Hội đồng lần này là từ “Cùng nhau”. Trong một thế giới quá phân cực với bạo lực và chia rẽ, thì “sự cùng nhau, gắn kết với nhau hết sức cần thiết”
Nếu nhìn vào các tham dự viên Thượng Hội đồng, bạn sẽ thấy sự đa dạng. Đây đã là trải nghiệm ở giai đoạn Châu lục rồi. Nhất là ở Châu Âu, nơi có những tầm nhìn rất khác nhau giữa Giáo hội Tây Âu và Đông Âu. Nhưng như các tham dự viên trong giai đoạn đầu của Thượng Hội đồng cho biết, đây là lần đầu tiên họ thực sự có thể lắng nghe nhau, và hiểu thêm về lý do tại sao người khác lại có những quan điểm khác.
Nhắc lại kinh nghiệm của chính mình, Sơ Nathalie cho biết:
Mỗi giáo hội địa phương cũng được định hình rất nhiều bởi bối cảnh, văn hóa, xã hội, lịch sử của xã hội và Giáo hội. Vì vậy, chúng tôi cần hiểu rằng chúng tôi có một khuôn mặt nhưng được thể hiện theo những cách thế khác nhau, bởi vì chúng tôi không đến từ cùng một bối cảnh, cùng một nền văn hóa, và chúng tôi cũng có những lăng kính khác nhau.
Nhưng thực sự, tôi nghĩ điều chúng tôi hy vọng là chúng tôi ngày càng hiểu rõ hơn, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, rằng hiệp nhất không phải là đồng nhất, mà là sự đa dạng trong đó có sự đối thoại giữa tất cả mọi người. Và việc lắng nghe nhau và cố gắng để đạt tới việc hiểu nhau.
Được biết, buổi cầu nguyện vào 6g00 chiều ngày 30. 09 sẽ bao gồm việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, ngợi khen với các bài hát Taizé và thinh lặng. Đây sẽ là một cử hành của lòng biết ơn tập trung vào 4 món quà: lòng biết ơn về món quà hiệp nhất và hành trình hiệp hành, món quà tha nhân, món quà hòa bình, và món quà Thụ tạo. Chắc chắn Đêm canh thức đó sẽ là “một dấu chỉ mạnh mẽ của tình huynh đệ, hiệp nhất, và hòa bình”.
Chiều kích đại kết
Theo Sơ Nathalie:
Chiều kích đại kết của Thượng Hội đồng là rất, rất quan trọng. Và thông qua tất cả cuộc đối thoại này, là việc thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các giáo hội và cộng đồng Kitô khác nhau. Chúng ta cần học biết sự trao đổi quà tặng này. Điều đó không có nghĩa là tất cả chúng ta đều phải giống hệt nhau. Nhưng chúng ta cùng chia sẻ một phép rửa, một đức tin, và chúng ta cùng đi theo Đức Kitô. Tôi thấy rằng Thượng Hội đồng cũng đang giúp chúng ta học nhiều hơn về việc làm sao để trở thành một Giáo hội hiệp nhất, nhưng với và qua sự đa dạng, bởi vì cuối cùng đó là quy luật của Thiên Chúa: “Xin cho tất cả nên một để nhờ lời họ mà thế gian tin vào Con” (x. Ga 17, 20-23).
Như một phần của chương trình “Cùng nhau” của Thượng Hội đồng, hàng ngàn người trẻ từ 18 đến 35 tuổi thuộc nhiều Châu lục và quốc gia khác nhau sẽ tham gia chương trình hội thảo và gặp gỡ tại Roma từ ngày 29.09 đến ngày mồng 01.10. Các chủ đề hội thảo bao gồm việc lắng nghe chia sẻ của những người tị nạn; tìm hiểu về các hệ phái và đức tin khác; thăm viếng công việc truyền giáo của thành phố dành cho những người bị gạt ra ngoài lề; nhận ra Đức Kitô trong sự đa dạng của các truyền thống khác nhau; tham gia các cuộc thảo luận đại kết, và quan tâm đến công trình sáng tạo.
Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội dành cho mọi người, mọi người đều lắng nghe nhau. Vì vậy, việc kết nối với giới trẻ là rất quan trọng, cụ thể là trong giai đoạn thỉnh vấn và các cuộc họp cấp Châu lục, chủ đề về giới trẻ là một trong những mối quan tâm chính. Làm thế nào chúng ta có thể kết nối, tiếp cận tốt hơn với người trẻ, để loan báo Tin Mừng cho họ.
Tôi luôn nói rằng, chúng ta đang thực hiện Thượng Hội đồng hiệp hành, vốn là thành quả của Thượng hội đồng về giới trẻ 2018, bởi vì qua Thượng hội đồng này, chúng ta hiểu rằng người trẻ muốn được lắng nghe.
Đối với Sơ Nathalie, Đại hội giới trẻ thế giới ở Lisbon vừa qua là sự chuẩn bị hoàn hảo cho Thượng Hội đồng. Thật là một “hồng ân” khi có thể hiện diện trong sự kiện đó, “để trải nghiệm tính hiệp hành”. Vì thực, “Các người trẻ, các giám mục, linh mục, tu sĩ, và mọi người nam nữ đồng hành cùng nhau, chính là “tính hiệp hành trong hành động”.
Được biết, kể từ khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2021, Sơ Nathalie đã thực hiện nhiều chuyến bay khắp thế giới để lắng nghe các tham dự viên Thượng Hội đồng tại nhiều quốc gia và Châu lục.
Paulina Guzik
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP, chuyển ngữ
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 92 | Tổng lượt truy cập: 4,168,788