Thế nhưng, hạnh phúc ấy đã sớm bị tan vỡ khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, mà ăn “trái cấm”. Và hậu quả là con người bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Khởi từ giây phút ấy, con người luôn khắc khoải được trở lại nơi khu vườn hạnh phúc ấy, nơi mà con người được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ được hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa nơi bản thân, và gặp gỡ được anh chị em của mình trong tình yêu (x. St 3,1-24)
Niềm hạnh phúc ấy, con người hôm nay có thể được nếm trải trong các cử hành Phụng vụ, bởi lẽ, chính trong các cử hành Phụng vụ, con người thật sự được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp lại bản thân, và gặp gỡ tha nhân.
1. Phụng vụ, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa
Trong Tông thư Desiderio Desideravi, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố: “Thiên Chúa phải ở vị trí thứ nhất: cầu nguyện là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, Chuyển ngữ của HĐGM.VN, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2022, số 30 - từ đây viết tắt: DD)
Tuy nhiên, trước khi chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, thì chính Người đã muốn gặp gỡ chúng ta trước. Trong Tông thư về đào tạo Phụng vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ: “Trước khi chúng ta đáp lại lời mời, thì từ rất lâu trước đó, Chúa đã khao khát muốn gặp chúng ta”. Và không chỉ là khao khát, với tình yêu của mình, Thiên Chúa luôn tìm mọi cách để có thể gặp gỡ được chúng ta, để đem lại bình an và ban sự sống cho chúng ta. Ngay từ đầu trong Vườn Địa Đàng, khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, thì Ngài cũng đã đi bước trước để tìm kiếm con người. Thiên Chúa đã cất tiếng gọi Ađam: “Ađam, ngươi ở đâu?” (St 3,9). Và lời kêu gọi này cũng là lời mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục cất lên không ngừng để kêu gọi từng người chúng ta. Cũng trong Tông thư về đào tạo Phụng vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ: “Có thể chúng ta không nhận thức đủ, nhưng lý do chính để chúng ta đi tham dự Thánh lễ, là vì chúng ta bị thu hút bởi sự khao khát của Chúa dành cho chúng ta. Về phần chúng ta, câu trả lời của chúng ta - cũng là điều đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều nhất - đó là luôn để cho Người yêu thương chúng ta, để cho Người thu hút chúng ta. Việc rước Mình Máu Chúa Kitô chắc chắn là điều Người đã muốn trong Bữa Tiệc Ly.” (DD, số 6).
Trong cuộc đàm thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Điều này cho thấy Thiên Chúa khao khát gặp gỡ con người biết bao. Thiên Chúa khao khát gặp gỡ con người đến mức đã cho Con Một yêu dấu của Ngài nhập thể làm người, ở giữa con người, một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15) để vị “THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI” ấy gặp gỡ con người, và nhất là, để từ đây, con người có thể được gặp gỡ một Thiên Chúa hữu hình ở giữa nhân loại (x. Ga 1,14).
Cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa là hết sức quan trọng, bởi vì “nếu chúng ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa, thì chẳng khác gì tuyên bố rằng việc Ngôi Lời làm người chẳng đem lại điều gì mới mẻ. Trái lại, Nhập thể, không chỉ là sự kiện mới mẻ duy nhất trong lịch sử, nhưng còn là cách thức được Thiên Chúa Ba Ngôi chọn để mở ra con đường hiệp thông. Đức tin Kitô giáo là cuộc gặp gỡ Đức Kitô hằng sống, nếu không, đó không phải là đức tin.” (DD, số 10).
Nếu cuộc gặp gỡ với Đức Kitô là hết sức quan trọng đối với đức tin của mỗi người Kitô hữu, thì nơi để chúng ta gặp gỡ Đức Kitô tốt nhất chính là trong phụng vụ. Trong phụng vụ, khởi đầu với bí tích Rửa tội, chúng ta có một cuộc gặp gỡ đầu tiên, đặc biệt làm biến đổi thâm sâu con người của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên “nghĩa tử” của Chúa Cha. Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, trong Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 17, đã viết: “Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được đón nhận vào Hội thánh và trở thành con Thiên Chúa”. Trong Tông thư Đào tạo Phụng vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô, một lần nữa, khẳng định về cuộc gặp gỡ quan trọng này, ngài nói: “Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là sự kiện ghi dấu ấn trên cuộc đời của tất cả những ai tin vào Người, đó chính là bí tích Thánh Tẩy” (DD, số 12).
Sau đó, nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta lại có được một cuộc gặp gỡ hết sức tuyệt vời với Đức Kitô, bởi lẽ, đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ “diện đối diện” như cuộc gặp gỡ năm xưa của Môisen với Thiên Chúa trên núi Sinai, nhưng đây là một cuộc kết hợp cách thâm sâu, “trở nên một” với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa: “Phụng vụ bảo đảm cho chúng ta có được cuộc gặp gỡ đó. Một ký ức trống rỗng về Bữa Tiệc Ly sẽ chẳng ích gì cho chúng ta. Chúng ta cần hiện diện trong bữa ăn này, để có thể nghe Lời Chúa, để ăn Mình và uống Máu Người. Chúng ta cần Người. Trong bí tích Thánh Thể và trong tất cả các bí tích, chúng ta chắc chắn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm nhận được quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua.”
Hơn thế nữa, nếu như nhờ đức tin, chúng ta tham dự phụng vụ “lex orandi lex credendi”, thì nhờ việc gặp gỡ được Đức Kitô qua Phụng vụ, nhất là nơi bí tích Thánh Thể, đức tin của từng người chúng ta ngày càng được củng cố: Đức tin của Hội Thánh trong bản chất là niềm tin Thánh Thể và được nuôi dưỡng cách đặc biệt nơi bàn tiệc Thánh Thể. Đức tin và các Bí tích là hai phương diện bổ túc cho nhau của đời sống Hội Thánh. Qua việc công bố Lời Chúa, đức tin được nuôi dưỡng và lớn lên nhờ việc gặp gỡ đầy ân sủng với Chúa Phục Sinh, việc gặp gỡ này được thực hiện trong các Bí tích. “Đức tin biểu lộ qua nghi thức và nghi thức củng cố đức tin cách vững chắc”. (Sacramentum Caritatis, số 6).
Như thế, với bí tích Thánh Thể, cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa trở nên hiện thực nhất. Chính khi lãnh nhận Thánh Thể, con người được đón tiếp chính Đấng là Thầy và là Chúa của mình vào trong chính con người của mình. Và trong cuộc gặp gỡ lòng kề lòng, diện đối diện ấy, chúng ta có thể nói với Chúa về tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của mình. Chúng ta có thể tâm sự với Chúa về những thành công và cả những thất bại. Đó là giây phút gặp gỡ thân tình nhất, để chúng ta có thể trình bày với Chúa về những ưu tư, lo lắng, những băn khoăn, khắc khoải trong cuộc sống. Trong giây phút gặp gỡ tuyệt vời ấy, chúng ta có thể chân thành, khiêm tốn thưa với Chúa về cả những yếu đuối, những lỗi lầm của chúng ta, và đó cũng là giây phút, chúng ta có thể cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng nhân hậu mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, như người con đi hoang trở về cảm nhận được sự êm ái trong vòng tay yêu thương của Cha.
Chính khi thật sự gặp gỡ được Đức Kitô, cảm nghiệm được tình yêu tha thứ và lòng nhân hậu của Đức Kitô trong cuộc đời của chính mình, chúng ta mới có thể dễ dàng đón nhận các lời dạy của Ngài, dám đi vào con đường Ngài đã đi, và nhất là dám trao trọn cuộc đời của mình cho sự quan phòng của Ngài. Khi đó, lề luật và nghi thức phụng vụ không còn là gánh nặng mà là niềm vui, bởi lẽ, qua lề luật, và nhờ những nghi thức, chúng ta có thể diễn tả tâm tình của mình với Thiên Chúa, vì cảm nghiệm rõ niềm vui gặp gỡ.
Như thế, cho dù Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và con người có thể gặp được Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào, nhưng phụng vụ chính là cử hành giúp chúng ta đến gần và gặp gỡ được Thiên Chúa, Đấng Tối Cao và cũng là Người Cha Nhân Lành của chúng ta cách dễ dàng nhất.
“Chỉ có cộng đoàn của ngày lễ Ngũ Tuần mới có thể cử hành lễ Bẻ Bánh với niềm xác tín rằng Chúa đang sống, Đấng đã sống lại từ cõi chết, đang hiện diện bằng lời của Người, bằng cử chỉ của Người, bằng việc dâng Mình và Máu Người. Kể từ đó, cử hành phụng vụ trở thành một nơi đặc biệt - mặc dù không phải là nơi duy nhất - của cuộc gặp gỡ với Chúa. Chúng ta biết rằng chỉ qua ân sủng của cuộc gặp gỡ này, con người mới trở thành con người trọn vẹn. Chỉ có Hội Thánh của lễ Ngũ tuần mới có thể quan niệm con người là một nhân vị, mở rộng lòng đón nhận mối tương quan trọn vẹn với Thiên Chúa, với muôn loài thụ tạo và với anh chị em của mình. ” (DD, số 33)
2. Phụng vụ, nơi con người gặp gỡ chính mình
Con người hôm nay dễ bị lầm lẫn về chính bản thân mình. Con người lầm lẫn về mình, bởi lẽ, trong xã hội hôm nay, chủ nghĩa cá nhân đang được đề cao một cách quá đáng đến mức có thể nói là “bất khả xâm phạm”. Và vì đề cao chủ nghĩa cá nhân, nên chúng ta rất dễ đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, đặt mình làm điểm quy chiếu để phán đoán mọi sự, không còn quy chiếu về một Chân Lý khách quan. Từ đó, dẫn đến việc con người bị tha hoá. Trong Tông thư về Đào tạo Phụng vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở: “Trong thời hậu hiện đại, con người cảm thấy bản thân ngày càng lạc lõng hơn, không có điểm quy chiếu nào, mất đi nhiều giá trị do thái độ thờ ơ vô tâm, hoàn toàn mồ côi cô độc, sống trong một mảnh đời vô nghĩa, ngày càng bị đè nặng bởi di sản do thời đại trước để lại, bao gồm chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa chủ quan (một lần nữa gợi lên những vấn đề liên quan đến thuyết Pêlagiô và thuyết Ngộ đạo).” (DD, số 28).
Trong khi đó, từ bản chất, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Do đó, con người chỉ có thể nhận ra phẩm giá cao quý đích thực của mình, khi con người quay trở lại gặp gỡ được Thiên Chúa, quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của tất cả chúng ta. Mà chúng ta chỉ có thể gặp gỡ được Thiên Chúa cách trọn vẹn trong phụng vụ. Vì vậy, chỉ trong phụng vụ, chúng ta mới có thể gặp gỡ chính bản thân mình, nhận ra phẩm giá, vị trí thật sự của mình.
Chính khi cử hành phụng vụ, gặp gỡ được Thiên Chúa, con người nhận ra phẩm giá cao quý của mình, phẩm giá của một tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, hơn nữa, với bí tích Rửa Tội, con người ấy lại còn được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa.
Không chỉ là nhận ra được phẩm giá của mình, một khi gặp gỡ được Thiên Chúa, con người còn gặp gỡ được chính mình trong hiện tại. Đối diện với Thiên Chúa thánh thiện, con người sẽ nhận ra sự giới hạn, bất toàn của mình, nhận ra sự hoen ố của một tâm hồn đã bị dục vọng che lấp. “Phần mở đầu mỗi Thánh lễ nhắc tôi nhớ tôi là ai, khi kêu gọi tôi thú nhận tội lỗi và xin Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần, các thánh và tất cả anh chị em của tôi khẩn cầu cho tôi trước tòa Chúa. Chắc chắn chúng ta không xứng đáng vào nhà Người, chúng ta cần Người phán một lời để chúng ta được cứu rỗi (x. Mt 8,8). Chúng ta không tự hào về điều gì khác ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (x. Gl 6,14). (DD, số 20). Đúng như vậy, chỉ khi đặt mình đối diện với tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, con người mới có thể nhận ra sự ích kỷ, kiêu ngạo của mình. Và khi đối diện với lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, con người mới nhận ra rằng bản thân mình đang bị sự thù hận, tham lam đốt cháy. Và chính nhờ cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và nhìn rõ lại chính mình như thế, chúng ta mới có cơ hội để thật sự phát triển một cách trọn vẹn bản thân, hướng tới chung cuộc đích thực của cuộc đời mình.
Tóm lại, tham dự phụng vụ là cơ hội để chúng ta nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, khi tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra sự mỏng giòn yếu đuối của mình như lời tâm sự của thánh Phaolô: “Sự lành, tôi muốn, tôi không làm; còn sự dữ không muốn, tôi lại thi hành” (Rm 7,19), để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta can đảm trở về với Thiên Chúa tình yêu. Hơn nữa, khi cử hành phụng vụ, chúng ta còn nhận ra mình không đơn độc trong thế giới này, nhưng chúng ta còn có cơ hội để gặp gỡ, cảm nhận tha nhân chính là anh chị em của chúng ta.
3. Phụng vụ, nơi con người gặp gỡ tha nhân
Trong Tông thư Desiderio Desideravi, Đức Thánh Cha cảnh giác với chúng ta: “Nếu thuyết Ngộ đạo làm chúng ta nhiễm chất độc của thái độ chủ quan, thì cử hành phụng vụ giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của thái độ tự quy chiếu được vun đắp bởi lý luận và cảm tính riêng của bản thân. Việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân nhưng thuộc về Đức Kitô-Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà nói “chúng tôi” và những hạn chế đối với tính cách “chúng tôi” này luôn luôn là do ma quỷ. Phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta.” (DD, số 19). Những lời nhắc nhở này của Đức Thánh Cha Phanxicô, một lần nữa, nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Thiên Chúa không muốn cứu độ con người cách riêng lẻ. Chúa Giêsu là Đấng đến để “thâu họp con cái Thiên Chúa tản mát về lại làm một” (Ga 11,52)
Nếu như nhờ bí tích Rửa Tội, tôi được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được trở nên một chi thể trong Nhiệm Thể của Đức Kitô, thì cũng có nghĩa, tôi không chỉ một mình, nhưng tôi còn có anh chị em tôi. Tôi và tha nhân, từ đây có một mối liên hệ chặt chẽ không thể chia lìa, khăng khít đến mức “một bộ phận phải đau, thì hết các bộ phận đau chung; một bộ phận được vinh, thì hết các bộ phận vinh chung!” (1 Cr 12,26). Chính trong phụng vụ, từng người với tư cách là một chi thể, cùng với anh chị em mình, được hiệp nhất trong cùng một Nhiệm Thể của Đức Kitô, để rồi “cùng với Đức Kitô, trong Đức Kitô, và nhờ Đức Kitô” mà dâng lên Chúa Cha những lời nguyện xin tha thiết của con người.
Như thế, khi cùng với anh chị em mình đến gặp gỡ Thiên Chúa, cũng là lúc từng người chúng ta có cơ hội gặp gỡ anh chị em mình. Trong phụng vụ, chúng ta không chỉ có cơ hội gặp gỡ và cùng với những anh chị em đang hiện diện cụ thể, nhưng còn là cơ hội để chúng ta gặp gỡ cả những anh chị em vắng mặt, và cả những anh chị em khô khan, nguội lạnh... qua lời cầu nguyện của chúng ta “Lạy Chúa, chúng con nguyện xin của lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng T., và Đức Giám Mục T. chúng con cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa. Xin Chúa thương nhậm lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây. Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mát khắp nơi về với Cha.” (Kinh nguyện Thánh Thể III).
Hơn nữa, chúng ta không chỉ được gặp gỡ những anh chị em đang sống trong Giáo hội lữ hành, mà trong phụng vụ, chúng ta còn được hiệp thông với cả những anh chị em thánh thiện đang được hưởng niềm vui trên Thiên Quốc, để xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta “Hiệp thông cùng Hội Thánh, chúng con kính nhớ: Trước hết Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Mẹ của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con; sau là thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ, các Thánh Tông Đồ và Tử Đạo: thánh Phêrô và Phaolô, Anrê, cùng toàn thể các Thánh, vì công nghiệp và lời cầu khẩn của các ngài, xin Chúa phù hộ chúng con trong mọi sự.” (Kinh nguyện Thánh Thể I).
Đồng thời, nhờ phụng vụ, chúng ta lại có cơ hội để cầu nguyện cho những anh chị em đang thanh luyện, chờ ngày về hưởng trọn vẹn Tôn Nhan Cha như lời cầu xin trong Kinh nguyện Thánh Thể II gợi mở: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.”
Như vậy, chính nhờ phụng vụ, trong phụng vụ và qua phụng vụ, chúng ta gặp gỡ được tất cả mọi anh chị em của chúng ta. Chúng ta gặp được những anh chị em đang hiện diện hữu hình bên cạnh chúng ta, đang cùng với chúng ta cử hành các nghi lễ. Và bằng sự hiệp thông thiêng liêng, chúng ta gặp gỡ được cả những anh chị em vắng mặt, những người đã được Chúa gọi về, đang thanh luyện và cả những anh chị em tốt lành đang hưởng hạnh phúc bên Cha nhân lành, để rồi cùng với nhau, chúng ta dâng lời tạ ơn, chúc tụng, ngợi khen tình yêu của Cha trên trời.
Kết
Chính vì lợi ích và tầm quan trọng của Phụng vụ như thế, nên Hiến chế về Phụng vụ - Sacrosanctum Concilium, chính là văn kiện đầu tiên mà Công đồng Vatican II ban hành “Bế mạc kỳ họp thứ hai của Công đồng (ngày 4 tháng 12 năm 1963), Thánh Phaolô VI đã phát biểu: “Những cuộc thảo luận khó khăn và phức tạp đã có kết quả dồi dào phong phú, đã đúc kết được một chủ đề, đó là Phụng vụ thánh. Chủ đề đã được đề cập ngay từ đầu, ..., đây là vấn đề ưu tiên hơn tất cả các vấn đề khác, xét về giá trị nội tại và tầm quan trọng trong đời sống Hội Thánh và hôm nay tôi long trọng ban hành văn kiện về Phụng vụ. Tâm trí tôi phấn khởi trong niềm vui thực sự, vì theo cách thức mọi việc đã diễn ra, tôi ghi nhận bậc thang chính xác về giá trị và bổn phận đã được tôn trọng. Thiên Chúa phải ở vị trí thứ nhất; cầu nguyện là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta. Phụng vụ cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên mà chúng ta phải trao cho các Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện.” (DD, số 30). Và trong Hiến chế này, Công đồng đã khẳng định: “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh” (Sacrosanctum Concilium, số 10)
Vì thế, để giúp cho người tín hữu hôm nay tận hưởng hết những kết quả tốt đẹp mà Phụng vụ đem lại cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết Tông thư Desiderio Desideravi, trong đó ngài nhắc nhở toàn thể mọi thành phần dân Chúa: “Chúng ta cần thực hiện việc đào tạo phụng vụ cách nghiêm túc và gắn liền với cuộc sống” (DD, số 31). Nhờ học hỏi về ý nghĩa của phụng vụ và tham dự phụng vụ cách tích cực, chúng ta sẽ có thể gặp được Thiên Chúa, gặp lại bản thân, và hiệp nhất với tha nhân. Nhờ đó, chúng ta cảm nếm được niềm vui, niềm hạnh phúc của Vườn Địa Đàng ngay trong đời sống hiện tại, qua các cử hành phụng vụ mỗi ngày của mình.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 175 | Tổng lượt truy cập: 3,998,794