Ngày 08.9 - Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria

  • 15/01/2023 21:04
  • Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo mừng kính lễ sinh nhật Đức Trinh nữ Maria, chín tháng sau lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8 tháng 12. Đức Maria là con của thánh Gioakim và Anna.

    Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23)

    Ngày 08 tháng 9

    Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria

    1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ - Enzo Lodi

    Lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria có liên hệ với việc cung hiến một đại giáo đường xây ở Jérusalem hồi thế kỷ V, tại nơi truyền thống vẫn xem là địa điểm nhà ông Gioakim và bà Anna, cạnh hồ tắm Bethzatha (Ga 5, 1-9). Từ thế kỷ XII, ngôi nhà thờ này, buổi đầu dâng kính Sinh nhật Đức Maria, được gọi là đền thờ thánh Anna.

    Tài liệu đầu tiên về lễ Sinh nhật Đức Maria có lẽ một bài ca vẫn còn của Romanos le Mélode (kh. 556), một bài thơ ca ngợi việc Đức Maria sinh ra, theo Ngụy phúc âm của thánh Giacôbê. Vào thế kỷ VII, thánh Jean de Damas đã có bài giảng lừng danh về sinh nhật Đức bà tại đại giáo đường thánh Anna. Có những cuốn ngụy thư khác kể về sinh nhật Đức Maria như Ngụy thư theo thánh Matthêu và phúc âm về sinh nhật Đức Bà, là tác phẩm sau này, được gán cho thánh Hiêrônimô.

    Lễ này, truyền sang phương Đông vào thế kỷ VI, được Đức giáo hoàng Serge I (+ 701) thiết lập tại Roma cùng với kiệu rước. Cuộc kiệu bắt đầu ở Saint-Adrien-au Forum đi đến đại giáo đường Libêrô, tức đền thờ Đức Bà Cả. Năm 715, Thánh Giám mục Anrê Crêta dâng lễ Sinh nhật Đức Mẹ và đã giảng bốn bài giảng.

    Bên Tây phương, Đức Thánh Giáo hoàng Sergiô I lập lễ này cùng với lễ Truyền tin, lễ Mẹ dâng Con, lễ Mẹ lên trời với bốn cuộc rước linh đình từ nhà thờ Thánh Adrianô về đền thờ Đức Bà Cả. Tại Pháp, Thánh Maurillô, Giám mục giáo phận Angers, đầu tiên mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ mà từ lâu gọi là "Notre-Dame Angevine".

    Thế kỷ XI, Thánh Giám mục Fulbertô có công truyền bá lễ này và, khi làm Giám mục thành Chartres, ngài đã mừng lễ này trọng thể. Dần dần lễ này được truyền bá khắp nơi.

    Đức Innocentê IV đặt lễ có tuần tám. Đức Grêgôriô XI đặt lễ vọng và ngày chay trước. Đức Thánh Piô X bỏ lễ vọng và tuần tám. Lễ Sinh nhật Đức Mẹ ngày mồng 8 tháng 9, đúng chín tháng sau lễ Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm ngày mồng 8 tháng 12. 

     

    2. Ý nghĩa Phụng vụ

    Lễ Sinh nhật Đức Mẹ gọi là "lễ Noel mùa Thu", vì bầu trời tươi sáng, khí hậu mát mẻ êm dịu tiên báo một mùa hồng phúc. Ngày Sinh nhật của Mẹ là Rạng đông của Mặt Trời công chính là Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ, vì Mẹ sinh ra đem đến cho toàn thể loài người niềm hy vọng ơn Cứu độ. Do đó, hôm nay Giáo hội cầu xin cho được ơn phúc lộc và bình an do Con sinh bởi Mẹ giải thoát loài người khỏi vòng tội lỗi. Ngày Sinh nhật đem Tin mừng cho cả trần gian, vì Đức Kitô, Chúa chúng ta là Mặt Trời soi đường ngay nẻo chính, đã từ cung lòng Mẹ sinh ra. Người là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, là Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh. Giáo hội cũng tin tưởng vào Con sinh ra bởi Mẹ làm cho đức Đồng trinh của Mẹ vẫn luôn vẹn toàn, không bị tổn thương, nhưng lại được thánh hiến. Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển, xuất thân từ dòng dõi Abraham, từ chi tộc Giuđa và là con cháu hoàng tộc Đavid, đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa. Người là kho tàng đức Khiết trinh, là cây gậy nở hoa của Aaron, là đề tài của các lời tiên tri, là Ái nữ của Thánh Gioakim và Anna đã được sinh ra hôm nay, đổi mới lại bộ mặt trái đất và làm chan hoà ánh sáng trong khắp Giáo hội.

     

    3. Thông điệp và tính thời sự - Enzo Lodi

    Tất cả phụng vụ lễ sinh nhật Đức bà đều tìm cách tạo cho lễ một nền tảng Thánh kinh

    Lời nguyện trong ngày đặt quan hệ giữa việc đức Maria sinh ra với tư cách Mẹ Thiên Chúa vốn là “khởi đầu sự cứu rỗi chúng ta”. Tư tưởng đó cũng đã xuất hiện trong Điệp ca mở đầu: chúng ta hãy hân hoan mừng sinh nhật Đức trinh nữ Maria; “qua Mẹ, Mặt trời công chính đã đến với chúng ta…”. vậy nên đối tượng của lễ là chính Đức Giêsu. “Chúng ta hãy mừng Đức Trinh nữ Maria: hãy tôn thờ Con của Người” (ca dẫn nhập). “Chúng ta hãy ca tụng vinh quang của Đức Kitô hết tâm hồn khi cử hành lễ Mẹ rất thánh của Thiên Chúa” (Điệp ca giữa ngày). Điệp khúc ca vịnh Zacharie cũng ca ngợi như thế khi dịch từ apolitikion trong kinh chiều theo phụng vụ Byzantin: “Ôi Maria, ngày sinh của Mẹi loan báo niềm vui cho thế giới. Từ nơi Mẹ mặt trời công chính đã mọc lên. Đức Kitô đã biến tội lỗi thành ân sủng, sự chết thành cõi sống vĩnh hằng”. Cùng với lễ sinh nhật Đức Maria, đã mở ra thời kỳ các lễ sinh nhật trên trời (Ga 3,7) mang lại bình an. Vậy nên chúng ta cầu xin cho lễ này “mang lại bình an sung mãn cho chúng ta” (lời nguyện trong ngày), bởi vì lễ này “mang sự cứu rỗi thế giới một cách âm thầm, máu Chúa Kitô cứu chuộc Mẹ / nhưng chính Mẹ là nguồn gốc” ( Ca vãn Phụng vụ bài đọc). Lời nguyện tạ lễ lấy tinh thần từ sách lễ Paris, cũng trở lại đề tài này: “sinh nhật Đức Maria là nguồn vui, vì chính Mẹ cho thế giới được cậy trông và là bình minh của sự cứu rỗi”.

    Đức giám mục Gortine là André de Crête (kh. 660 – 670) trong bài giảng lễ sinh nhật Đức Bà (phụng vụ bài đọc) cho chúng ta hiểu ý nghĩa hân hoan của lễ hôm nay: “Mọi tạo vật hãy ca hát và nhảy múa, hãy góp mình hết sức mình vào niềm hoan lạc của ngày hôm nay. Tất cả những gì hiện hữu trong thế giới hãy cùng phối hợp vào bản hòa tấu ngày lễ này. Vì hôm nay thánh đài đã được tạo tác làm nơi Đấng sáng tạo vũ trụ sẽ ngự, đang tới: và một thụ tạo, do sự sắp xếp hoàn toàn mới mẻ đó, đã được chuẩn bị để dâng lên Đấng tạo hóa một nơi cư ngụ thánh thiêng”.

    Tông Huấn Marialis cultus (số 7) xếp lễ sinh nhật Đức Maria trong số các lễ “kỷ niệm những biến cố cứu rỗi trong đó Đức Trinh nữ đã phối hợp chặt chẽ với Con mình”. Vì quả thực, việc Người sinh ra đã là “bình minh báo hiệu ngày sắp tới” (Thánh thi phụng vụ bài đọc).

     

    4. Đức Mẹ sinh ngày nào? - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.

    Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9, tại sao lại mừng lễ vào ngày 8 tháng 9? Có chứng cớ lịch sử gì về ngày sinh của Đức Mẹ Maria không?

    Khi bàn về lễ Sinh nhật Đức Maria, chúng ta nên phân biệt ít là ba lãnh vực khác nhau: khía cạnh lịch sử, khía cạnh phụng vụ, khía cạnh thần học. Dưới khía cạnh lịch sử, chúng ta thử xét có những chứng tích gì bàn về ngày sinh của Người. Dưới khía cạnh phụng vụ, chúng ta thử hỏi: tại sao lại mừng vào ngày 8/9 (cũng tựa như đối với lễ Chúa Giáng sinh: tại sao mừng vào ngày 25/12)? Sau cùng, dưới khía cạnh thần học, chúng ta thử hỏi, lễ sinh nhật Đức Mẹ có ý nghĩa gì?

    Dưới khía cạnh lịch sử, có tài liệu nào nói về việc sinh hạ Đức Maria hay không?

    Phải thành thực trả lời là không. Dĩ nhiên, khi nói đến tài liệu lịch sử, người ta hiểu là những chứng tích đáng tin cậy, do những người đã chứng kiến nội vụ tường thuật, chứ không phải là những gì được viết sau biến cố cả hàng thế kỷ. Chẳng hạn nếu ai muốn kể chuyện hai bà Trưng khởi nghĩa dành độc lập, thì họ phải tìm những chứng tích được viết vào thời đó, chứ không phải dựa trên những sách báo tiểu thuyết được soạn ra hàng chục thế kỷ sau. Tiếc rằng rất ít tài liệu cổ thời được lưu lại đến ngày nay. Các tài liệu liên quan đến cuộc đời của Đức Maria lại càng ít hơn nữa.

    Dựa theo số tài liệu hiếm hoi như vậy, chúng ta biết gì về Đức Maria?

    Tài liệu quý giá nhất đối với chúng ta là Tân ước. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào Tân ước, thì chúng ta chỉ khẳng định được hai điều chắc chắn. Thứ nhất, đức Maria là một nhân vật lịch sử (chứ không phải là một huyền thoại). Thứ hai, Người quê quán Nadarét, và đã hạ sinh đức Giêsu. Ngoài hai điều đó, Tân ước không cho biết gì thêm về gốc gác của đức Maria (chào đời năm nào? song thân tên gì? qua đời lúc nào và thọ bao nhiêu tuổi?).

    Dựa vào đâu mà phụng vụ kính thánh Gioakim và Anna là song thân của Đức Maria?

    Như vừa nói, các tài liệu lịch sử theo nghĩa chặt thì rất hiếm hoi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều truyền kỳ chung quanh cuộc đời đức Maria. Điều này cũng xảy ra một cách tương tự như đối với Chúa Giêsu. Như chị đã biết, các sách Phúc âm chú trọng đến hoạt động công khai của Chúa, đặc biệt là cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Ai tò mò muốn biết thêm thời thơ ấu, công cuộc giáo dục nhân bản và nghề nghiệp của Ngài thì sẽ bị thất vọng. Và rồi nhằm thỏa mãn óc hiếu kỳ, nhiều truyền kỳ đã được soạn và thêu dệt những chi tiết chung quanh gia thế và thời thơ ấu cũng như chung quanh cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Đó là nguồn gốc của các “ngụy Phúc âm” (nghĩa là soạn theo thể văn của Phúc âm), ra đời từ thế kỷ II trở đi. Chính khi đi tìm gia thế của Đức Giêsu mà những truyền kỳ về Đức Maria được viết lên, nổi tiếng nhất là tác phẩm được đặt tên là “Tiền phúc âm của thánh Giacôbê” (Proto-evangelium Iacobi), bởi vì do một người tự xưng là Giacôbê, người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giêsu (được đồng hóa với thánh Giacôbê giám mục Giêrusalem). Tác phẩm này ra đời khoảng đầu thế kỷ II, và cũng được đặt tên là “việc sinh hạ Đức Maria” (De nativitate Mariae). Dựa theo tác phẩm này mà ta biết quý danh song thân đức Maria là ông Gioakim và bà Anna. Tiền Phúc âm theo thánh Giacôbê gồm 24 chương ngắn, có thể chia làm 3 phần. Phần thứ nhất (gồm 16 chương đầu), kể lai lịch, thời thơ ấu đức Maria cho tới lúc kết hôn với ông Giuse. Phần thứ hai (từ chương 17 đến 21) thuật lại những phép lạ chung quanh cuộc sinh hạ Chúa Giêsu. Phần chót (ba chương cuối từ 22 đến 24) kể chuyện vua Hêrôđê tàn sát các thiếu nhi ở Bêlem.

    Tác phẩm này cho ta biết gì về cuộc sinh hạ Đức Maria?

    Tác phẩm mở đầu với cảnh ông Gioakim, một nhà phú hộ và quảng đại, bị một người tên là Rubel chế diễu vì không có con, và không muốn cho ông dâng lễ vật như các tín hữu khác. (Nên biết là xã hội Do thái coi đôi vợ chồng không có con là bạc phước). Ông Gioakim buồn tủi vô hạn, vì thế đã rời bỏ nhà cửa và vào nơi hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày, với lòng dốc quyết rằng nếu Chúa không đến viếng thăm thì ông sẽ không trở về nhà. Bà Anna, ở nhà cô quạnh, cũng buồn rầu và than khóc số phận hiếm muộn của mình chẳng khác gì thân phận góa bụa. Bà đã than khóc thảm thiết, vào một ngày lễ của dân tộc, một dịp hân hoan của toàn dân. Trông lên trời thấy những đàn chim bay nhảy, nhìn xuống nước thấy đàn cá bay lội, bà lại càng tủi thân, bởi vì chúng được Thiên Chúa chúc phúc với hậu duệ đông đảo, còn mình thì giống như mảnh đất khô cằn không có sức sống. Giữa lúc tuyệt vọng như vậy, thì một thiên sứ hiện đến với bà Anna, báo tin cho biết Thiên Chúa đã nhậm lời của bà, và sẽ ban cho bà một hậu duệ sẽ được muôn đời nhắc đến. Nghe tin đó, bà Anna liền hứa rằng dù sinh con trai hay con gái thì cũng sẽ dâng nó cho Thiên Chúa để phục vụ nhà Chúa trót đời. Thiên sứ cũng hiện ra với ông Gioakim và loan tin như vậy. Ông liền đứng dậy trở về nhà, và truyền giết 10 con chiên, 12 con bò tơ để dâng lễ tạ ơn Chúa, và giết 100 con dê để đãi cả làng.

    Câu chuyện vừa rồi nhắc lại những cuộc sinh hạ kỳ diệu nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa mà ta gặp thấy trong Cựu ước, chẳng hạn như ông Abraham (với bà Sara son sẻ), ông Samson cũng được sinh ra trong hoàn cảnh tương tự, hoặc như ông Samuel. Phép lạ không chỉ chứng tỏ bàn tay đặc biệt của Thiên Chúa, nhưng nhất là cho thấy sứ mạng dành cho người con sắp sinh ra. Tác giả sách Tiền phúc âm thánh Giacôbê cũng mang một não trạng đó, nghĩa là ông muốn nêu bật vai trò và sứ mạng mà Chúa sẽ dành cho Đức Maria.

    Đức Maria chào đời vào ngày nào?

    Tác phẩm mà chúng ta đang nghiên cứu không đả động đến ngày sinh tháng đẻ của Đức Maria. Tác giả chỉ nói rằng bà Anna sinh con sau chín tháng cưu mang. Sau khi đã sinh con, bà Anna mới được bà đỡ báo tin là sinh con gái. Và sau 14 ngày, bà đặt tên cho cô bé là Maria, một danh tánh khá quen thuộc trong dân Do thái. Dù sao, tác giả không quan tâm đến ngày sinh của đức Maria cho bằng việc dâng hiến vào đền thờ. Khi cô bé tròn một tuổi, thì song thân mời các tư tế và toàn dân dự lễ cai sữa; đây là cơ hội để bà Anna dâng lời ca tụng Thiên Chúa vì đã đoái nhìn đến mình và cất đi sự ô nhục vì son sẻ. Đến khi cô bé lên ba tuổi, thì song thân mang lên đền thờ. Cô bé hí hửng ở lại đó chứ không đòi theo bố mẹ trở về nhà. Khi cô được 12 tuổi, thì hội đồng tư tế bàn định chuyện kết hôn, qua một thủ tục cũng diệu kỳ, đó là các chàng trai phải đem một cái gậy và đặt trong đền thờ, và Chúa sẽ tỏ ý định qua một dấu lạ. Ông Giuse, một người góa vợ, được chọn lựa, bởi vì từ cây gậy của ông, một chim bồ câu thóat ra và đậu lên đầu của ông. Dụng ý của tác giả là muốn giải quyết vấn đề làm sao đức Maria khấn giữ trinh khiết mà lại kết hôn, và nhất là tại sao Phúc âm nói đến các anh em của Chúa Giêsu. Câu trả lời là cô Maria kết hôn do ý định của Chúa; các anh em của Chúa Giêsu là những con riêng của ông Giuse (trong số đó có ông Giacôbê). Nhưng câu chuyện sẽ dẫn chúng ta khá xa.

    Trở lại với vấn đề chính: dựa vào đâu mà phụng vụ mừng lễ sinh nhật Đức Maria vào ngày 8 tháng 9?

    Không có tài liệu lịch sử nào cho biết Đức Maria sinh vào ngày nào. Lễ kính sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 có lẽ bắt nguồn từ Giêrusalem. Vào thế kỷ V, một ngôi nhà thờ được cất lên vào chỗ mà theo tục truyền bà Anna đã sinh con. Người ta đoán rằng ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8 tháng 9; cũng tương tự như lễ dâng Đức Mẹ vào đền thờ được mừng vào ngày 21 tháng 11 vì kính nhớ lễ cung hiến một thánh đường tại Giêrusalem năm 543. Một giả thuyết khác thì cho rằng bên Đông phương trước kia, ngày 8 tháng 9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, và người ta muốn nhớ đến Đức Mẹ trong ngày đó. Từ Đông phương, lễ sinh nhật Đức Mẹ được truyền bá sang Tây phương vào khoảng giữa thế kỷ VI hoặc đầu thế kỷ VII.

    Sau khi đã bàn đến khía cạnh lịch sử và phụng vụ của lễ sinh nhật Đức Mẹ, xin cha cho biết thêm khía cạnh thần học của lễ này?

    Dưới khía cạnh thần học, chúng ta có thể nêu bật hai điểm. Thứ nhất, liên quan đến bản thân của Đức Maria. Từ lễ sinh nhật Đức Mẹ, dần dần người ta cũng mừng lễ bà Anna thụ thai, chín tháng trước đó (nghĩa là ngày 8 tháng 12). Từ lòng quý mến muốn nhắc nhớ hết các biến cố cuộc đời Đức Maria, dần dần các nhà thần học đặt vấn đề về việc vô nhiễm nguyên tội. Như chị đã biết, ngày nay lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được cử hành trọng thể ngày 8 tháng 12, chín tháng trước sinh nhật của Người. Điểm thứ hai liên quan đến lịch sử cứu độ. Lời nguyện phụng vụ ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ đã chúc tụng Thiên Chúa vì chương trình cứu chuộc nhân loại. Kế hoạch này đã dự tính từ muôn thuở nhưng được thực hiện tiệm tiến qua dòng lịch sử, với cao điểm là biến cố Nhập thể của Đức Kitô. Như vậy, ngày sinh nhựt của Đức Maria được coi như kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho biến cố đó: người thân mẫu đã ra đời, bây giờ chỉ còn chờ đến lượt Đấng Cứu tinh.

     

    5.  Lời các Thánh

    - Thánh Basiliô: Mẹ được ban ân sủng dư tràn là cốt để làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. 

    - Thánh Sôphrôniô: Tổng thần Gabrie chào Mẹ là Đấng đầy ân sủng, vì ân sủng ban cho người khác có chừng có hạn, còn khi ban cho Mẹ Maria, đã ban đầy tràn, ban tất cả. 

    - Thánh Đamascenô: Muôn dân hãy đến, bất cứ bạn là ai, bất cứ ở nơi đâu, hãy đến hợp hoan chúc mừng ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ, cũng là ngày sinh nhật ơn Cứu độ chúng ta. 

    - Thánh Đamianô: Một chồi sẽ phát sinh từ gốc Jessê, và từ rễ nó mọc lên một bông hoa. Mẹ Thiên Chúa là chồi mạnh mẽ chiến thắng sức mạnh thù địch hoả ngục. 

    - Thánh Anselmô: Ở thế gian không có ai không được Mẹ Maria ban cho dự vào phần tràn dư ân sủng của Mẹ. Thật vậy, trong vũ trụ, không thể tìm đâu ra một người nào không mắc nợ từ tâm của Mẹ, không thể tìm đâu ra một người nào mà tình thương của Mẹ không tràn tới. 

    - Thánh Bênađô: Trong Mẹ, Chúa đã đặt tất cả sự sung mãn mọi ơn lành của Chúa để nếu chúng ta có được tia sáng hy vọng nào, ánh quang ân sủng nào, đường lối độ phúc nào, thì chúng ta thảy đều nhờ lòng từ ái Mẹ mà có. 

    - Thánh Bônaventura: Mọi người chúng ta là con cái sự phẫn nộ (Ep 2:3). Ngày sinh nhật rất thánnh của Mẹ Maria vượt xa biết bao lời chúc dữ của tất cả chúng ta. Không những Mẹ được thoát nguyên tội, mà cũng thoát khỏi mọi tội lỗi và khổ đau, vì Mẹ đầu thai vô nhiễm. 

    - Thánh Tôma: Mẹ Maria có 3 đợt ân sủng: Đợt tràn đầy thứ nhất trong linh hồn ngay khi vừa phôi dựng, linh hồn mỹ diệu của Mẹ đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Đợt tràn đầy thứ hai trong thân xác mẹ, để từ thân xác trinh vẹn Mẹ, Ngôi Lời mặc lấy thân xác loài người. Đợt thứ ba tràn đầy để làm lợi ích bao la cho chúng ta, để làm cho chúng ta được hưởng những báu tàng phú quí của Mẹ. 

    - Thánh Vinh-sơn: Sự thánh thiện của Mẹ đã cao vượt trên sự thánh thiện của tất cả các thần thánh. 

    - Thánh Bênađinô: Thiên Chúa không bao giờ chỉ định ai vào một nhiệm vụ nào mà không ban cho họ không những đủ các năng lực cần thhiết, mà còn ban cả những ân điển cần phải có để tô điểm nhiệm vụ đó thêm vinh dự. 

    - Thánh Laurensô Giustinianô: Nếu mẹ Maria không được đầy tràn ân sủng, thì làm sao Mẹ có thể làm thang lên thiên đàng, làm trạng sư biện hộ thế giới, làm trung gian hoàn hảo giữa Thiên Chúa và chúng ta? 

    - Thánh Tôma Villanôva: Đầy ơn sủng, nên Mẹ trào ra cho mọi người phần tràn dư của Mẹ. 

    - Thánh Anphong: Chúng ta hãy hoan hỉ vui lên cùng với Mẹ Maria thơ nhi của chúng ta: Vừa sinh ra, Mẹ đã rất mực thánh thiện, rất đầy ân sủng, và rất đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta hãy hoan hỉ vui lên không những vì Mẹ, mà còn vì chúng ta: Mẹ sinh rào đời tràn đầy ân sủng như vậy, không những để vinh danh Mẹ, mà còn để mang ích lợi cho chúng ta. 

     

    6.  Giáo huấn của Giáo hội

    - Đức Innocentê III: Như rạng đông vén lên bức màn đêm để bắt đầu một ngày, Rất Thánh Trinh Nữ Maria chấm dứt các nết xấu nên gọi là Rạng đông. 

    - Đức Lêô XIII: Mẹ Maria xuất hiện bởi hoàng tộc Đavid, nhưng Mẹ không được thừa hưởng của cải chức quyền do tổ tiên của Mẹ. Mẹ sống một cuộc sống khiêm hèn trong một thành phố nhỏ bé, trong một căn nhà thanh bạch. Mẹ càng an phận khiêm hèn trong cảnh nghèo nàn để Mẹ càng có thể nâng tâm trí lên với Thiên Chúa và trìu mến Chúa trên hết mọi sự. 

    - Đức Phaolô VI: Cần nói ngay đến những lễ kính nhớ biến cố sinh ơn Cứu rỗi, trong đó Chúa Giêsu và Mẹ Maria đi liền với nhau, như lễ Sinh nhật Đức Mẹ (ngày mồng 8 tháng 9), ngày mà niềm hy vọng và vầng hồng Cứu rỗi ló dạng trên trần gian. 

    - Đức Gioan Phaolô II: "Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, sự ra đời của Mẹ loan báo niềm vui cho toàn thế giới". Ngày mồng 8 tháng 9, chín tháng sau lễ Vô nhiễm thai của Mẹ Thiên Chúa, Giáo hội kính nhớ kỷ niệm ngày chào đời của Mẹ. Ngày chào đời của Mẹ thúc giục tâm lòng chúng ta quay hướng về Chúa Con: "Bởi Mẹ sinh ra Mặt trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta: Người tẩy xoá án chúc dữ và đem lại ơn thánh. Người đã chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời". Như vậy, niềm vui dạt dào của Giáo hội toả lan từ Con sang Mẹ. Ngày Sinh nhật thật là một sự khởi đầu của một thế giới tốt hơn như Đức Phaolô VI đã tuyên ngôn một cách tuyệt vời. Vì lẽ đó mà Giáo hội công bố và loan báo sự chào đời của Mẹ Maria chiếu giãi ra mọi Giáo hội trên khắp thế giới.
    Chúng ta hân hoan mừng lễ Sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria: Bởi từ Mẹ mọc lên Mặt Trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Ngày lễ Mẹ này hoàn toàn là một sự mời gọi hãy hoan hỉ, vì do ngày Sinh nhật của Đức Maria Rất Thánh, Thiên Chúa ban cho thế giới bảo chứng cụ thể ơn Cứu độ sắp xảy đến: Nhân loại từ hàng ngàn năm đã ý thức nhiều hay ít, đã mong đợi một nhân vật nào có thể giải phóng họ khỏi khổ đau, khỏi rủi ro, lo âu, thất vọng, và ai đã tìm được những sứ giả loan báo lời trấn an và khích lệ của Thiên Chúa, có thể cảm kích nhìn thấy Thiếu Nhi Maria này. Maria là điểm hội tụ và là điểm đến của tất cả các lời hứa của Thiên Chúa vẫn ngân vang một cách huyền nhiệm tới tâm điểm của lịch sử. 

    Đa Minh Thái Bình, sưu tầm

    Bài viết liên quan