Lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa ngày 26/12 lễ kính thánh Stephano, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Ngày nay, sau hai ngàn năm, rất tiếc là chúng ta thấy cuộc bách hại vẫn tiếp tục: thời nay vẫn còn bao nhiêu người đang chịu đau khổ và chịu chết vì làm chứng cho Chúa Giêsu, và có những người bị trừng phạt ở nhiều cấp độ vì cư xử theo Tin Mừng, và có người hằng ngày cố gắng trung thành với những bổn phận tốt đẹp của mình, không ồn ào, trong khi thế gian chế nhạo họ và rao giảng những điều khác”.
Rồi Đức Thánh Cha áp dụng vào đời sống các tín hữu và mời gọi mọi người hãy tự hỏi: “Tôi có quan tâm và cầu nguyện cho những người ở các nơi trên thế giới, ngày nay vẫn đang chịu đau khổ và chết vì đức tin không?” Về phần tôi, tôi có tìm cách làm chứng cho Tin Mừng, bằng cách sống hợp với Phúc âm trong sự dịu dàng và lòng tín thác hay không?”
Vài sự kiện thời sự
- Những lời Đức Thánh Cha trên đây phản ánh thực tại từ lâu của các Kitô hữu. Theo “Phúc trình về tự do tôn giáo trên thế giới 2023” do tổ chức bác ái Công Giáo “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”, có trụ sở trung ương ở Koenigstein bên Đức, tự do tôn giáo bị vi phạm tại 61 nước trên thế giới trong vòng 2 năm qua. Con số này có nghĩa là gần 4 tỷ 900 triệu người, tức là hơn 62% dân số thế giới sống tại những nước trong đó có sự vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo”.
Con số trên đây không có nghĩa là mọi tín đồ tôn giáo tại các nước đó bị bách hại. Nhưng tại nhiều nước, các tôn giáo thiểu số bị thương tổn nhiều nhất. Chính quyền độc đoán, và cả các nhóm Hồi giáo cực đoan, và chủ nghĩa quốc gia tôn giáo cuồng tín là thủ phạm hàng đầu gây ra những hạn chế tự do tôn giáo, như trường hợp ấn giáo cực đoan tại Ấn độ.
Trong số các nước vừa nói, 28 nước có bách hại, như Afghanistan, Iran, Bắc Triều Tiên, và cả những nước Phi châu như Burkina Faso, Mali, Sudan và Lybia do những nhóm Hồi giáo cực đoan. Lần đầu tiên Nicaragua được xếp vào số các nước “đỏ”: Giáo Hội Công Giáo tại đây chịu đau khổ đặc biệt do các cuộc đàn áp của chế độ tổng thống Daniel Ortega và vợ là Rosario Murillo, Phó Tổng thống.
Như hôm 29/12, Vatican News đưa tin có thêm 2 linh mục tại Nicaragua bị Nhà nước bắt giam, nâng tổng số linh mục bị nhà cầm quyền bắt giam trong tuần này lên 6 vị, vì đã công khai cầu nguyện cho Đức cha Rolando Álvarez, người bị nhà nước Nicaragua bắt giam và kết án 26 năm tù từ tháng 2 năm nay, sau khi bị quản thúc tại gia từ tháng 8 năm ngoái. Trước đó, ngày 20/12, cảnh sát Nicaragua đã bắt giam thêm Đức cha Isidoro del Carmen Mora Ortega, Giám Mục giáo phận Siuna. Tội của ngài là đã cầu nguyện công khai cho Đức cha Álvarez. (Vatican News 29/12/2023)
Theo Phúc trình vừa nói, có 33 nước khác có kỳ thị vì lý do tôn giáo, được xếp vào “loại màu vàng” (Ekai.pl 27-12-2023)
- Vụ gây sốc nhiều nhất trong những ngày qua là vụ: đêm 24/12, các lực lượng dân quân của người Fulani ở bang Plateau, miền trung Nigeria bên Phi châu, đã tấn công khoảng 20 làng có đa số dân là Kitô hữu, khiến cho ít 160 người thiệt mạng và 300 người khác bị thương. Những người Fulani làm nghề chăn nuôi và đa số là tín đồ Hồi giáo.
Bạo lực chống các tín hữu Kitô ở Nigeria đã xảy ra từ nhiều năm nay, và nước này đứng hàng đầu trong danh sách của tổ chức Open Doors, những cánh cửa mở rộng, về các nước bách hại tín hữu Kitô. Năm ngoái có 5.014 Kitô hữu Nigeria bị giết. Nạn bắt cóc và hãm hiếp các phụ nữ Kitô được những tên khủng bố thuộc tổ chức Boko Haram và những người Fulani sử dụng như vũ khí để tàn phá các làng mạc và hủy hoại các nạn nhân về tâm lý, gia đình và cộng đoàn của họ (Tổng hợp 27/12/2023).
Á châu
Bước sang Á châu, hôm 26/12 vừa qua, theo hãng tin Asia News, công an Trung Quốc tại thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc (Hebei) đã tăng cường các biện pháp an ninh trong đêm Giáng Sinh để ngăn cản sự tham gia của các tín hữu. Họ đã chặn đường và đóng cửa các cửa tiệm, cũng như cấm trưng bày những đồ đạo liên quan đến lễ Giáng Sinh trong các nhà ngủ của các ký túc xá đại học.
Bảo Định là thành phố vốn có truyền thống Công Giáo lâu đời và các tín hữu nổi tiếng về lòng mộ đạo. Lễ Giáng Sinh năm nay, công an nhà nước đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, kiểm soát lưu thông tại khu trung tâm lịch sử, nơi có Nhà Thờ chính tòa thánh Phêrô và Phaolô. Tất cả các xe không được phép vào khu trung tâm lịch sử trong thành kể từ lúc 4 giờ chiều và các xe bus vốn đi qua khu này được yêu cầu đổi lộ trình. Ngoài ra tất cả các cửa tiệm quanh nhà thờ được yêu cầu đóng cửa, và không được phép bán những đồ có liên quan đến lễ Giáng Sinh.
Công an hiện diện các nơi quanh nhà thờ. Xe công an cũng đậu gần đó với các nhân viên trong quân phục chống bạo động. Cảnh sát cũng cấm các phụ huynh không được để con cái nhỏ được vào thánh đường và nói “nhà thờ không phải là nơi an toàn đối với các trẻ em, vì có quá nhiều người bên trong”.
Cảnh sát cũng hiện diện ở nhiều nơi trong nhà thờ khiến bầu không khí trở nên nặng nề, trái với tinh thần của buổi lễ.
Bầu không khí cũng căng thẳng tại Đền thánh Đức Mẹ Đông Lữ (Donglu), vốn là một nơi hành hương. Cảnh sát đã được bố trí tại đây từ 1 tuần lễ trước Giáng Sinh. Làng này cách Bảo Định 20 cây số và nổi tiếng với Đức Mẹ Trung Hoa. Năm 1990, các tín hữu Công Giáo tìm cách trốn chạy loạn Quyền Phỉ (Boxer), một làn sóng bạo lực chống người nước ngoài và chống Kitô giáo, được sự ủng hộ của Nhà Thanh. Tại Đông Lữ, loạn quân tìm cách tấn công nhà thờ, nhưng họ bị thất bại.
Tình trạng tại Bảo Định phản ánh chính sách gia tăng kiểm soát tôn giáo trên toàn Cộng hòa nhân dân Trung Quốc trong những năm gần đây. Thông cáo của Nhà Nước yêu cầu các trường học và xí nghiệp hãy tẩy chay các lễ lạc ngoại quốc và cấm cổ võ thương mại dịp lễ Giáng Sinh. (Asia News 26/12/2023)
Myanmar
Tại Myanmar, trong cuộc nội chiến tàn ác giữa chế độ quân phiệt lên cầm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm 2021 và các lực lượng dân quân của các sắc tộc, dư luận Công Giáo gần đây đặc biệt chú ý đến tình trạng giáo phận Loikaw thuộc bang Kayah, với đa số dân thuộc sắc tộc Karen:
Ngày 26/11 vừa qua, quân đội chính quy đã tấn công và chiếm đóng khu vực Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Loikaw, nơi nhiều người tị nạn chiến tranh chạy tới để lánh nạn. Đức Cha Celso Ba Shwe, Giám Mục giáo phận, cùng với 10 linh mục, 16 tu sĩ và nhiều nhân viên, tổng cộng 82 người phải rời bỏ khu vực này ngày hôm sau. Đức cha và một phần các linh mục tị nạn tại một giáo xứ xa thành phố. Các vị khác được tiếp đón trong vài xứ đạo ở 2 giáo phận phụ cận Pekhon và Tayunggi. Cho đến nay 26 trong tổng số 41 xứ đạo của giáo phận Loikaw phải tản cư vì các cuộc giao tranh.
Sứ điệp của Đức Cha Celso Ba Shwe
Trong bối cảnh này, dịp lễ Giáng Sinh này, Đức Cha Celso Ba Shwe đã gửi một sứ điệp cảm động, một chứng tá đức tin mạnh mẽ mà hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng đã trích dẫn một số đoạn. Đức cha Celso mới được Tòa Thánh bổ nhiệm cách đây vài tháng. Ngài viết:
“Chúng ta đang ở giữa một cuộc xung đột vũ trang, trong đó đứng trước sự tàn phá và hỗn loạn chính trị, tất cả chúng tôi đều ở ngoài giáo xứ liên hệ... Vì những cuộc đụng độ, tình trạng trong lãnh thổ giáo phận rất nguy hiểm. Phần lớn các giáo xứ bị rời bỏ và trống rỗng. Tình trạng này tạo nên câu hỏi: các nhà thờ còn hoạt động và giáo phận còn hiện hữu hay không. Nhưng tôi muốn nhắc nhở rằng giáo phận là một thành phần của dân Chúa được ủy thác cho một Giám mục, với sự cộng tác của hàng linh mục. Đó không phải là một khu vực địa lý, nhưng là một cộng đoàn, trong tình hiệp thông của hàng linh mục, quanh Giám mục. Năng động chính của cộng đoàn là loan báo Tin Mừng và cử hành Thánh Thể. Trong trường hợp chúng ta, tuy đau khổ, nhưng Giáo hội do Chúa Kitô thành lập vẫn sinh động và hiện diện. Điều quan trọng là tất cả hiệp nhất, đoàn kết với nhau, sống trong tình hiệp thông thiêng liêng liên đới trong cộng đoàn, quây quần quanh Tin Mừng và Thánh Thể, cùng tiến qua sa mạc này. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành, chăm sóc đoàn chiên của Người, đoàn chiên mà Chúa đã hiến mạng sống”.
Đức cha Celso nhắn nhủ các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên hãy làm chứng về đức tin và can đảm giữa những sầu muộn. Ngài cũng trích dẫn một bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu viết rằng: “Bao lâu chúng ta còn như chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng, cho dù chúng ta bị nhiều sói vây bủa, chúng ta sẽ vượt thắng chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành sói, chúng ta sẽ bị đánh bại vì thiếu sự hỗ trợ của Mục Tử. Mục Tử không chăn sói, nhưng là chăn chiên. Vì thế Mục Tử sẽ ra đi và để bạn một mình, vì bạn ngăn cản Người biểu lộ quyền năng của Người”. Vì thế, trong tình trạng này, “chúng ta hãy cố gắng hết sức để cư xử như những chiên tốt lành, quan tâm đến nhau, khích lệ nhau để chứng tỏ tình yêu thương và làm điều thiện”.
G. Trần Đức Anh O.P
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 98 | Tổng lượt truy cập: 4,167,472