CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2022“
Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8)
Anh chị em thân mến!
Những lời này đã được Đức Giêsu Phục Sinh nói với các môn đệ trước khi Người lên trời, như chúng ta học được trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất” (1:8). Đây cũng là chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2022, ngày này luôn luôn nhắc nhớ chúng ta rằng Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo. Năm nay Ngày Thế Giới Truyền Giáo cống hiến chúng ta cơ hội để tưởng nhớ một số sự kiện quan trọng trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh: Kỷ niệm bốn trăm năm thành lập Bộ Truyền Bá Đức Tin (de Propaganda Fide), nay là Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc, và kỷ niệm hai trăm năm Hội Truyền Bá Đức Tin. Một trăm năm trước đây, Hội này cùng với Hội Thánh Nhi và Hội Thánh Phêrô Tông Đồ đã được ban tặng danh hiệu “thuộc Giáo Hoàng” (các Hội Giáo hoàng Truyền giáo).
Chúng ta hãy suy tư về ba câu nòng cốt tổng hợp ba nền tảng của đời sống và sứ vụ của mọi người môn đệ: “Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy”, “cho đến tận cùng trái đất”, và “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần.”
1. “Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy” – Ơn gọi của mỗi người Kitô hữu là làm chứng cho Đức Kitô
Đây là tâm điểm, là trọng tâm giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ, nhắm tới việc họ được sai đi vào thế giới. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà họ sẽ lãnh nhận, tất cả môn đệ đều là chứng nhân của Đức Giêsu bất kể họ đi đâu và sống ở đâu. Đức Kitô là người đầu tiên được sai đi, Người chính là vị “thừa sai” của Chúa Cha (x. Ga 20, 21); và trong tư cách này, Người là “chứng nhân trung thành” của Chúa Cha (x. Kh 1, 5). Tương tự, mỗi người Kitô hữu đều được kêu gọi làm thừa sai và chứng nhân cho Đức Kitô. Và Hội Thánh, cộng đoàn môn đệ của Đức Kitô, không có sứ vụ nào khác ngoài việc mang Tin Mừng đến cho toàn thế giới qua việc làm chứng cho Đức Kitô. Loan báo Tin Mừng là chính căn tính của Hội Thánh.
Đọc kỹ hơn câu: “Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy” chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những khía cạnh luôn luôn hợp thời của sứ mệnh mà Đức Kitô đã uỷ thác cho các môn đệ. Động từ để ở dạng số nhiều nhằm nhấn mạnh tính cộng đoàn và giáo hội của ơn gọi truyền giáo nơi người môn đệ. Mỗi người đã rửa tội đều được kêu gọi truyền giáo trong Hội Thánh và bởi sự uỷ nhiệm của Hội Thánh: do đó, việc truyền giáo được thi hành chung với nhau, không phải từng cá nhân riêng rẽ, trong sự hiệp thông với cộng đoàn Hội Thánh chứ không theo sáng kiến cá nhân của mỗi người. Ngay cả khi một cá nhân trong một tình huống rất đặc biệt mà thi hành sứ vụ truyền giáo một mình, họ phải luôn luôn thi hành sứ vụ này trong sự hiệp thông với Hội Thánh là người uỷ nhiệm họ. Như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã dạy trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), một văn kiện mà tôi rất yêu thích: “Loan báo Tin Mừng không phải là một hành vi cá nhân và riêng lẻ đối với bất cứ ai, nhưng nó mang tính Giáo Hội một cách sâu xa. Khi một người giảng thuyết, một giáo lý viên hay một mục tử âm thầm nhất, ở một miền đất xa xăm nhất, rao giảng Phúc Âm, tập hợp cộng đoàn nhỏ bé của mình lại hay ban phát các bí tích, cho dù đơn độc một mình, người ấy đang thực thi một hành vi của Hội Thánh, và hành động của họ chắc chắn gắn liền với hoạt động phúc âm hoá của toàn thể Hội Thánh bởi những tương quan về thể chế, nhưng cũng bởi những sự liên kết vô hình thâm sâu trong trật tự của ân sủng. Ðiều này nói lên rằng, người ấy hành động không phải vì sứ vụ họ tự gán cho mình, hay theo cảm hứng cá nhân, mà là hiệp nhất với sứ vụ của Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh” (số 60). Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu đã sai các môn đệ từng hai người một đi truyền giáo; việc làm chứng của người Kitô hữu cho Đức Kitô chủ yếu mang tính cộng đoàn. Vì vậy, khi thi hành việc truyền giáo, sự hiện diện của một cộng đoàn có tầm quan trọng cơ bản, bất kể là một cộng đoàn lớn hay nhỏ.
Ngoài ra, các môn đệ được thúc đẩy sống đời sống cá nhân của họ theo hướng truyền giáo: họ được Đức Giêsu sai vào thế giới không chỉ để thi hành sứ vụ, nhưng trước hết cũng là để sống sứ vụ được uỷ thác cho họ; không chỉ để làm chứng, nhưng trước hết cũng để là những chứng nhân của Đức Kitô. Theo những lời lẽ rất cảm động của Tông Đồ Phaolô, “[chúng tôi] luôn mang nơi thân mình sự chết của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4, 10). Yếu tính của sứ vụ là làm chứng cho Đức Kitô, nghĩa là làm chứng cho sự sống, cuộc thương khó, sự chết và sự phục sinh của Người vì yêu mến Chúa Cha và loài người. Không phải tình cờ mà các tông đồ đã tìm người thay thế Giuđa trong số chính những người đã chứng kiến Chúa sống lại (x. Cv 1, 21). Đức Kitô, thực ra là Đức Kitô phục sinh từ cõi chết, chính là Đấng chúng ta phải làm chứng và chia sẻ sự sống của Người. Những người truyền giáo của Đức Kitô được sai đi không phải để chứng tỏ bản thân họ, phô bày các đức tính thuyết phục và các khả năng hay năng khiếu quản trị của họ. Trái lại, vinh dự tột đỉnh của họ chính là trình bày Đức Kitô bằng lời nói và việc làm, công bố cho mọi người Tin Mừng cứu độ của Người với niềm vui và sự dạn dĩ, giống như các tông đồ thời sơ khai đã làm.
Suy cho cùng, người làm chứng đích thực là người “tử đạo”, người hiến mạng sống mình cho Đức Kitô, để đáp lại món quà Người đã hiến mạng sống mình cho chúng ta. “Lý do chính của việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Đức Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận, kinh nghiệm cứu rỗi đã thúc đẩy chúng ta ngày càng yêu mến Người hơn” (Evangelii Gaudium, 264).
Sau cùng, khi nói đến chứng tá Kitô giáo, lời nhận xét của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI vẫn còn nguyên giá trị: “Người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, thì cũng vì đó là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi, 41). Vì vậy, chứng tá của một đời sống Kitô giáo là yếu tố cơ bản để thông truyền đức tin. Mặt khác, nhiệm vụ rao giảng con người Đức Kitô và sứ điệp của Người đều cần thiết như nhau. Thực vậy, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói tiếp: “Rao giảng, công bố một sứ điệp bằng lời giảng, luôn luôn là thiết yếu… Lời giảng luôn luôn giữ được tính thời sự của nó, đặc biệt khi nó mang sức mạnh của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao câu châm ngôn của Thánh Phaolô vẫn còn hợp thời, “Có đức tin là nhờ nghe giảng” (Rm 10:17): chính lời được nghe dẫn đến niềm tin” (ibid., 42).
Do đó, trong việc loan báo Tin Mừng, gương sáng của đời sống Kitô giáo và việc rao giảng Đức Kitô là hai yếu tố không thể tách rời. Yếu tố này phục vụ yếu tố kia. Chúng là hai lá phổi mà mọi cộng đoàn phải dùng để thở, nếu muốn là cộng đoàn truyền giáo. Kiểu làm chứng cho Đức Kitô một cách đầy đủ, nhất quán và vui tươi này chắc chắn cũng sẽ là một lực hấp dẫn cho sự tăng trưởng của Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba này. Tôi khuyên nhủ mọi người một lần nữa lấy lại sự can đảm, thẳng thắn và dạn dĩ của các Kitô hữu thời kỳ đầu, để làm chứng cho Đức Kitô bằng lời nói và việc làm trong mọi lãnh vực của đời sống.
2. “Cho đến tận cùng trái đất” – Tính thời sự vững bền của sứ vụ loan báo Tin Mừng phổ quát
Khi truyền cho các môn đệ làm chứng cho Người, Chúa phục sinh cũng nói cho họ biết họ sẽ được sai đến những đâu: “…tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Ở đây chúng ta thấy rõ tính chất phổ quát của sứ vụ các tông đồ. Chúng ta cũng thấy sự bành trướng địa lý mang tính “ly tâm” của sứ vụ, giống như trong những vòng tròn đồng tâm, bắt đầu từ Giêrusalem mà truyền thống Do Thái coi là trung tâm của thế giới, cho tới Giuđê và Samari và “cho đến tận cùng trái đất.” Các môn đệ không được sai đi để chiêu dụ, nhưng để rao giảng; người Kitô hữu không chiêu dụ người khác. Sách Công vụ Tông Đồ nói đến sự bành trướng truyền giáo này và cống hiến một hình ảnh ấn tượng về Hội Thánh “đi ra” trong lòng trung thành với ơn gọi của mình là làm chứng cho Chúa Kitô và được Chúa quan phòng hướng dẫn trong các hoàn cảnh cụ thể của đời sống Hội Thánh. Bị bách hại tại Giêrusalem rồi lan rộng khắp Giuđê và Samari, các Kitô hữu tiên khởi đã làm chứng cho Chúa Giêsu khắp nơi (x. Cv 8, 1. 4).
Có điều gì đó giống như thế vẫn đang xảy ra ở thời đại chúng ta hôm nay. Do sự bách hại tôn giáo và các tình huống chiến tranh và bạo lực, nhiều Kitô hữu buộc phải trốn khỏi quê hương của họ để đến các quốc gia khác. Chúng ta biết ơn các anh chị em này vì họ không tự đóng kín trong những đau khổ của mình, nhưng làm chứng cho Đức Kitô và cho tình yêu của Thiên Chúa tại các nước đón nhận họ. Vì vậy, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã khích lệ họ nhận ra “trách nhiệm hiện thời của những người di dân tại các quốc gia đón nhận họ” (Evangelii Nuntiandi, 21). Chúng ta ngày càng thấy rõ hơn rằng sự hiện diện của các tín hữu tại những quốc gia khác nhau đang làm phong phú thêm diện mạo của các giáo xứ, làm cho chúng trở nên phổ quát hơn, công giáo hơn. Do đó, việc chăm sóc mục vụ các di dân phải được đề cao như là một hoạt động truyền giáo quan trọng, nó cũng có thể giúp các tín hữu tại địa phương tái khám phá niềm vui của đức tin Kitô giáo mà họ đã lãnh nhận.
Câu nói “cho đến tận cùng trái đất” phải thách thức các môn đệ Đức Giêsu trong mọi thời đại và thúc đẩy họ vượt ra khỏi những nơi quen thuộc của họ để làm chứng cho Người. Bất chấp những lợi ích to lớn của việc đi lại ngày nay, vẫn còn có những khu vực địa lý mà các chứng nhân truyền giáo của Đức Kitô chưa đến để đem Tin Mừng tình yêu của Người. Hơn nữa, không một thực tại nào của loài người là xa lạ với mối quan tâm của các môn đệ Đức Giêsu trong sứ vụ của họ. Hội Thánh Chúa Kitô sẽ tiếp tục “đi ra” để đến với các chân trời mới về địa dư, xã hội và hiện sinh, đến với những nơi “ngoại vi” và những cảnh sống của con người, để làm chứng cho Chúa Kitô và tình thương của Người cho những người nam người ngữ của mọi dân tộc, văn hoá và vị thế xã hội. Theo nghĩa này, sứ vụ sẽ luôn luôn là một missio ad gentes, một sứ vụ cho muôn dân, như Công Đồng Vaticanô II đã dạy. Hội Thánh phải không ngừng xông pha lên phía trước, vượt qua các biên giới của mình, để làm chứng cho mọi người tình thương của Đức Kitô. Ở đây tôi muốn nhớ lại và diễn tả tâm tình biết ơn của tôi đối với tất cả những người truyền giáo rất đông đảo đã tiêu hao đời mình để “đi ra”, đem tình thương của Đức Kitô đến với mọi người anh chị em họ gặp.
3. “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần” – Chúng ta hãy luôn luôn để cho mình được kiện cường và hướng dẫn bởi Thần Khí
Khi Chúa Kitô phục sinh uỷ thác cho các môn đệ làm chứng nhân của Người, Người cũng hứa ban cho họ ơn cần thiết cho trách nhiệm cao cả này: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8). Theo tường thuật trong Công Vụ, hành vi làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh đã xảy ra ngay sau khi Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ. Lời rao giảng tiên khởi ấy – bài giảng “truyền giáo” của Thánh Phêrô cho dân thành Giêrusalem – đã khai mạc một kỷ nguyên trong đó các môn đệ Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Trong khi trước đó họ yếu đuối, sợ hãi và khép kín, thì Chúa Thánh Thần đã ban cho họ sức mạnh, lòng can đảm và khôn ngoan để làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người.
Cũng như “không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu không phải bởi Thánh Thần” (1 Cr 12, 3), thì cũng thế, không người Kitô hữu nào có thể làm chứng đầy đủ và chân thật cho Chúa Kitô mà không do Thánh Thần linh hứng và giúp đỡ. Tất cả các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô được kêu gọi nhận ra tầm quan trọng cơ bản của hoạt động Chúa Thánh Thần, sống mỗi ngày trong sự hiện diện của Người và lãnh nhận sức mạnh và sự hướng dẫn chắc chắn của Người. Quả thực, chính những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán nản hay hoang mang, chúng ta càng phải nhớ chạy đến cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng cầu nguyện đóng một vai trò cơ bản trong đời sống của người truyền giáo, vì nó cho phép chúng ta trở nên tươi sáng và mạnh sức bởi Thánh Thần như là nguồn mạch thần linh không bao giờ cạn của năng lượng và niềm vui mới mẻ trong việc chia sẻ sự sống của Đức Kitô cho người khác. “Đón nhận niềm vui của Chúa Thánh Thần là một ân sủng. Hơn nữa, nó là sức mạnh duy nhất giúp chúng ta giảng Tin Mừng và tuyên xưng đức tin của chúng ta trong Chúa” (Sứ điệp cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 21/5/2020). Vì vậy, Thánh Thần là vai chính đích thực của truyền giáo. Chính Người ban cho chúng ta biết nói đúng những lời phải nói, nói đúng lúc và nói đúng cách.
Dưới ánh sáng hành động này của Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng muốn suy nghĩ về những dịp kỷ niệm truyền giáo sẽ được cử hành trong năm 2022 này. Việc thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin năm 1662 đã được thúc đẩy bởi ước muốn cổ vũ sứ vụ truyền giáo tại những vùng lãnh thổ mới. Dây là một nhận thức sâu sắc mang tính quan phòng! Thánh Bộ đã chứng tỏ vai trò quyết định trong việc giải phóng thực sự sứ vụ truyền giáo khỏi các quyền lực thế tục, để thiết lập các giáo hội địa phương mà ngày nay đang cho thấy sức sống mãnh liệt. Chúng ta hy vọng rằng, giống như trong bốn thế kỷ qua, Thánh Bộ với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẽ tiếp tục và tăng cường công việc phối hợp, tổ chức và cổ vũ các hoạt động truyền giáo của Hội Thánh.
Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Hội Thánh phổ quát, cũng là cùng một Thánh Thần soi sáng cho những người nam người nữ dấn thân cho các công cuộc truyền giáo phi thường. Đó là trường hợp của một phụ nữ trẻ người Pháp, cô Pauline Jaricot, người đã sáng lập Hội Truyền Bá Đức Tin đúng hai trăm năm trước. Cô sẽ được tuyên phong chân phước trong năm kỷ niệm này. Dù sức khoẻ kém, cô đã chấp nhận ơn soi sáng của Thiên Chúa để thiết lập một mạng lưới cầu nguyện và quyên góp cho các nhà truyền giáo, giúp cho các tín hữu có thể tham gia tích cực vào sứ vụ “đi đến tận cùng trái đất”. Ý tưởng xuất sắc này đã làm phát sinh việc cử hành hằng năm Ngày Thế Giới Truyền Giáo, trong ngày này, các quỹ quyên góp từ các cộng đoàn địa phương được đưa vào quỹ toàn cầu để Đức Thánh Cha có thể nâng đỡ hoạt động truyền giáo.
Về phương diện này, tôi cũng nghĩ đến vị giám mục người Pháp Charles de Forbin-Janson, người đã sáng lập Hội Thánh Nhi để cổ vũ việc truyền giáo giữa các thiếu nhi, với khẩu hiệu “Thiếu nhi loan loan báo Tin Mừng cho thiếu nhi, thiếu nhi cầu nguyện cho thiếu nhi, thiếu nhi giúp đỡ thiếu nhi trên toàn thế giới”. Tôi cũng nghĩ đến cô Jeanne Bigard, người đã sáng lập Hội Thánh Phêrô Tông Đồ để nâng đỡ các chủng sinh và các linh mục tại các xứ truyền giáo. Ba Hội Truyền Giáo nói trên đã được nhìn nhận là “thuộc Giáo Hoàng” đúng một trăm năm trước đây. Cũng chính dưới sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà Chân Phước Paolo Manna, sinh cách đây 150 năm, đã sáng lập Hội Liên Hiệp Giáo Hoàng Truyền Giáo ngày nay, để gây ý thức và khích lệ tinh thần truyền giáo giữa các linh mục, các nam nữ tu sĩ và toàn thể dân Chúa. Bản thân Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI là một thành viên của Hiệp Hội này, và Ngài đã xác nhận tư cách giáo hoàng của hiệp hội. Tôi nhắc đến bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo này vì công lao to lớn của các hội ấy trong lịch sử, nhưng cũng để khích lệ anh chị em cùng chia vui với họ trong năm đặc biệt này, vì các hoạt động họ thực hiện để nâng đỡ sứ vụ loan báo Tin Mừng trong Hội Thánh, cả ở cấp địa phương và phổ quát. Tôi hy vọng rằng các Hội Thánh địa phương sẽ tìm được trong các Hội này một phương tiện chắc chắn để nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo giữa Dân Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục mơ về một Hội Thánh hoàn toàn truyền giáo, và một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các cộng đoàn Kitô hữu. Tôi lặp lại nguyện ước vĩ đại của ông Môsê cho dân Thiên Chúa trong hành trình của họ: “Ước gì toàn dân của Chúa đều là những ngôn sứ!” (Ds 11, 29). Thực vậy, ước gì tất cả chúng ta trong Hội Thánh đều là điều chúng ta đã là nhờ Phép Rửa: ngôn sứ, chứng nhân, người truyền giáo của Chúa, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cho đến tận cùng trái đất! Xin Đức Maria, Nữ Vương Truyền Giáo, cầu bầu cho chúng ta!
Rôma, Đền Thánh Gioan Latêranô, 6 tháng 1, 2022, Đại lễ Chúa Hiển Linh
PHANXICÔ
Bản dịch tiếng Việt: Văn phòng PMS-VN và UBLBTM/HĐGMVN
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 238 | Tổng lượt truy cập: 4,174,467