Dominican Father Timothy Radcliffe gives a meditation at the retreat outside of Rome for members of the assembly of the Synod of Bishops in this screen grab from Oct 3, 2023. (CNS photo/Vatican Media via YouTube)
Những người am hiểu lịch sử Giáo hội Công giáo đều biết rằng qua nhiều thế kỷ đã có những cuộc tranh luận giữa Dòng Tên và Dòng Đa Minh, hai trong số những dòng tu lớn nhất. Tuy nhiên, khi các tu sĩ Dòng Tên thực sự gặp khó khăn thì họ hiểu rằng họ có thể tìm đến các tu sĩ Đa Minh nhờ giúp đỡ.
Vì vậy, khi Bề trên Tổng quyền Dòng Tên là Lorenzo Ricci qua đời tại Castel Sant’Angelo vào năm 1775 sau khi bị Giáo Hoàng Clement XIII cầm tù, chính vị Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh là người đã đứng ra dâng lễ tang cho ông, trong khi không ai khác ở Roma muốn dính líu bất cứ điều gì với Dòng Tên. Kể từ đó, Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh luôn là người dâng lễ tang cho Bề trên Tổng quyền Dòng Tên.
Do đó, thật phù hợp khi Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng Dòng Tên, đã chọn một tu sĩ Đa Minh là cha Timothy Radcliffe để giúp định hướng cho Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành, điều đang chịu nhiều tấn công ở đâu đó trong Giáo hội. Trước khi các tham dự viên tập trung tại Vatican, họ dành ba ngày tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của cha Timothy Radcliffe. Qua loạt sáu bài giảng của mình, cha Radcliffe đã đưa ra một hướng nhìn thiêng liêng và thần học cho Thượng Hội Đồng.
Ngay trong bài giảng đầu tiên, ngài đã thẳng thắn đề cập đến những chia rẽ trong Giáo hội. Ngài nói: “Chúng ta quy tụ nơi đây là bởi vì chúng ta đã không đồng tâm nhất trí”. “Đại đa số những người tham gia vào tiến trình của Thượng Hội Đồng đều ngạc nhiên vì vui mừng. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên Giáo hội mời họ chia sẻ về đức tin và niềm hy vọng của mình. Thế nhưng có người trong chúng ta lại lo sợ về hành trình này và sợ những gì sẽ xảy ra phía trước. Một số người hy vọng rằng Giáo hội sẽ được biến đổi cách rõ rệt và sẽ đưa ra những quyết định quan trọng, ví dụ như về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội chẳng hạn. Những người khác lại lo lắng về chính những thay đổi đó và sợ rằng chúng sẽ chỉ dẫn đến chia rẽ, thậm chí là ly giáo.”
Cha Radcliffe lưu ý rằng ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng hiểu lầm và cãi vã nhau. Ngài trích lời thánh Gioan: “Đừng sợ, tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ hãi.” Đồng thời, ngài kêu gọi những người tham dự đợt tĩnh tâm “hãy luôn nhạy cảm với nỗi sợ hãi của người khác, đặc biệt là những người mà chúng ta không đồng tình”. Ngài thừa nhận “chúng ta có thể bị chia rẽ bởi những hy vọng khác nhau”. Thế nhưng “nếu chúng ta lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, tìm cách hiểu ý Chúa muốn cho Giáo hội và cho thế giới, chúng ta sẽ hiệp nhất trong một niềm hy vọng, điều vượt lên trên những bất đồng của chúng ta.”
Trong bài giảng thứ hai, cha Radcliffe nói về Giáo hội như là ngôi nhà nhưng ngài thừa nhận “những cách hiểu khác nhau về ngôi nhà Giáo hội đã khiến chúng ta xa rời nhau như hiện nay”. “Đối với một số người, ngôi nhà đó được định hình bởi các truyền thống và lòng đạo đức từ xưa, bởi các cấu trúc và ngôn ngữ được lưu truyền. Đó Giáo hội mà chúng ta đã cùng lớn lên và yêu mến. Nó cung cấp cho chúng ta một căn tính Kitô giáo rõ ràng. Đối với những người khác, Giáo hội hiện tại có vẻ như không phải là một ngôi nhà an toàn. Người ta cảm thấy nó độc quyền và loại trừ nhiều người: phụ nữ, người ly dị và tái hôn. Đối với một số người thì nó quá Tây, quá châu Âu.”
Ngài nói rằng những người đồng tính và những người trong tình trạng đa hôn “mong mỏi một Giáo hội được đổi mới, nơi mà họ hoàn toàn cảm thấy như ở nhà, được thừa nhận, được ủng hộ và được bảo vệ an toàn”.
Ngài kết thúc bài suy niệm thứ hai của mình bằng việc trích dẫn lời của cha Carlo Carretto (1910–1988), một tu sĩ dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu:
“Ta cần phải chỉ trích ngươi biết bao, Giáo hội của ta, nhưng ta thật yêu quý ngươi dường bao! Ngươi đã làm cho ta đau khổ hơn bất cứ ai, nhưng ta mang ơn ngươi nhiều hơn bất cứ ai. Ta muốn thấy ngươi bị tiêu diệt, nhưng ta lại rất cần ngươi tồn tại. Ngươi đã cho ta nhiều tai tiếng, nhưng chỉ có ngươi mới giúp ta hiểu được sự thánh thiện của ngươi. … Vô số lần ta cảm thấy như muốn đóng sầm cửa lòng mình lại trước mặt ngươi – tuy nhiên, hàng đêm, ta vẫn cầu nguyện cho mình được chết trong vòng tay vững vàng của ngươi! Không, ta không thể thoát khỏi ngươi, vì ta với ngươi là một, cho dù ta không hoàn toàn là ngươi. Rồi nữa – ta sẽ đi về đâu? Xây dựng một Giáo hội khác ư? Nhưng ta không thể tạo ra một Giáo hội không có những khiếm khuyết mà ngươi đang có, bởi vì nơi chính ta cũng mang những khiếm khuyết đó.”
Trước những vấn nạn và sự chia rẽ mà Giáo hội đang phải đối mặt, một Thượng Hội Đồng thành công sẽ phải như thế nào? Cha Radcliffe khẳng định: “Thượng Hội Đồng này sẽ mang lại hoa trái nếu nó dẫn chúng ta đến một tình bạn sâu sắc hơn với Chúa và với nhau”. Ngài thừa nhận rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn. “Nền tảng của tất cả những gì chúng ta sẽ làm trong Thượng Hội Đồng này phải là tình bạn mà chúng ta tạo ra. Nghe có vẻ không đúng cho lắm. Nó sẽ không tạo ra những tin giật gân trên các phương tiện truyền thông. ‘Họ đi từ khắp mọi nơi đến tận Rome chỉ để kết bạn! Thật là phí!’”
Cha Radcliffe chia sẻ thêm rằng tình bạn này được hình thành bởi việc “thành thật về những nghi ngờ và các vấn đề giữa chúng ta với nhau, những vấn đề mà chúng ta không có câu trả lời rõ ràng”. Ngài trích dẫn cuốn tiểu thuyết Monsignor Quixote của Graham Greene, một linh mục Công giáo người Tây Ban Nha, người đã trình bày những nghi ngờ của mình với vị thị trưởng cộng sản. Vị linh mục này nói: “Thật kỳ lạ là việc chia sẻ nghi ngờ lại có thể gắn kết con người với nhau, có lẽ còn hơn cả việc chia sẻ niềm tin. Những người mang niềm tin tranh đấu với nhau dựa trên sự khác biệt; còn những người mang nghi ngờ chỉ tranh đấu với chính mình.” Cha Radcliffe kết luận: “Tình bạn trổ sinh khi chúng ta dám chia sẻ những nghi ngờ của mình và cùng nhau tìm kiếm sự thật”. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải lắng nghe.
Lắng nghe và trò chuyện trong Thánh Thần là trọng tâm của tiến trình Thượng Hội Đồng. Cha Radcliffe lưu ý rằng các dòng tu có thể dạy cho Giáo hội về nghệ thuật trò chuyện. “Thánh Biển Đức dạy chúng ta biết tìm kiếm sự đồng thuận; thánh Đa Minh dạy muốn tranh luận; thánh Catarina Siena dạy thích trò chuyện; Thánh Ignatius Loyola dạy nghệ thuật phân định; thánh Philip Neri dạy biết vai trò của tiếng cười.”
Cha Radcliffe giải thích rằng “việc trò chuyện cần một bước nhảy tưởng tượng đi vào kinh nghiệm của người khác để nhìn bằng mắt của họ, nghe bằng tai của họ. Chúng ta cần đi vào bên trong con người của họ. Lời nói của họ xuất phát từ kinh nghiệm nào? Họ có mang nỗi đau hay hy vọng gì không? Họ đang đi về đâu?” Cuộc trò chuyện như thế sẽ dẫn đến sự thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương.
Cha Radcliffe phản đối ý kiến cho rằng việc trò chuyện sẽ làm đe dọa quyền lực. Ngài khẳng định rằng “quyền lực gồm nhiều mặt và có tính bổ trợ lẫn nhau. Quyền lực không đòi hỏi cạnh tranh, như thể giáo dân chỉ có thể có nhiều quyền hơn nếu các Giám mục có ít quyền hơn”.
Ngài chia sẻ với các người tham dự viên rằng quyền lực đến từ vẻ đẹp, điều thiện và sự thật. Ngài cũng nói thêm: “Không có sự thật thì vẻ đẹp trở nên trống rỗng. Không có điều thiện thì vẻ đẹp có thể là lừa dối. Điều thiện nếu không có sự thật thì dễ rơi vào cảm tính. Sự thật mà không có điều thiện sẽ dẫn đến Tòa án Dị giáo.”
Thế nhưng cha Radcliffe cũng không hề ngây thơ. Cha nhận ra những vấn đề trong Giáo hội (lạm dụng tình dục và tham nhũng) và trên thế giới. Ngài chỉ ra: “Chúng ta đang tiến dần tới một thảm họa sinh thái nhưng các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta hầu như chỉ giả vờ như không có chuyện gì xảy ra”. “Thế giới của chúng ta bị hành hạ bởi nghèo đói và bạo lực, nhưng những quốc gia giàu có không muốn mở mắt thấy hàng triệu anh chị em của chúng ta đang phải chịu đau khổ và tìm nơi trú ngụ.”
Cha Radcliffe cho rằng sợ hãi sẽ dẫn đến việc sợ mất quyền kiểm soát, “đó là lý do tại sao nhiều người sợ Thượng Hội Đồng”. Thế nhưng “được Thánh Thần dẫn dắt đến chân lý cũng có nghĩa là chấp nhận buông bỏ hiện tại, tin tưởng rằng Thánh Thần sẽ tạo ra những thể chế mới, những hình thức sống đạo mới, những sứ vụ mới”. Ngài ví von rằng giống như một con chim mẹ, “Chúa Thánh Thần đôi khi sẽ hất chúng ta ra khỏi tổ và buộc chúng ta phải bay! Chúng ta vỗ cánh trong hoảng loạn, nhưng rồi chúng ta biết bay!”
Cha Radcliffe kết luận: “Nếu chúng ta chịu để cho Thần Khí Sự Thật hướng dẫn mình, chắc chắn chúng ta sẽ có tranh luận. Đôi khi nó rất đau đớn. Sẽ có những sự thật mà chúng ta không muốn đối mặt. Thế nhưng chúng ta sẽ được dẫn đi sâu hơn một chút vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta được đón nhận niềm vui mà người ta sẽ phải ghen tị vì chúng ta có mặt ở đây, và họ cũng mong được tham dự phiên họp tiếp theo của Thượng Hội Đồng!”
Cha Radcliffe Dòng Đa Minh đã lý giải rất hay về Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng Dòng Tên.
Thomas J. Reess
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Nguồn tin: https://dongten.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 72 | Tổng lượt truy cập: 4,167,300