Tạ Ơn Chúa qua từng bước nhỏ trong Sứ vụ Học Hành

  • 10/12/2022 20:21
  • Chiều ngày 02/12/2022, chị em chúng con đã được tham dự buổi bảo vệ luận văn Thạc sỹ của chị Maria Tạ Thị Thúy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Tâm lý học với đề tài: “Mối quan hệ giữa nghiện điện thoại thông minh và sức khỏe tâm thần của học sinh Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

    Trong phần trình bày của mình trước Hội đồng bảo vệ và các tham dự viên, sau khi khái quát lý do chọn đề tài, mục đích, phương pháp nghiên cứu, chị Maria Tạ Thị Thúy đã nêu những cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa nghiện điện thoại thông minh và sức khỏe tâm thần của học sinh trung học phổ thông.

    Với sự phát triển vượt trội của khoa kỹ thuật, sự bùng nổ công nghệ thông tin đưa nhân loại bước vào kỉ nguyên của điện thoại thông minh với nhiều tính năng phục vụ cho công việc và cuộc sống của hầu hết mọi đối tượng trong xã hội. Vì thế, điện thoại thông minh được sử dụng ngày càng phổ biến không chỉ ở người lớn mà ngay cả học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Hơn nữa, nó dường như trở thành “vật bất ly thân” với rất nhiều người, trong đó có các em học sinh trung học phổ thông. Ở giai đoạn tuổi teen này, các em sử dụng điện thoại thông minh để học tập, liên lạc, giải trí,… nhưng đi xa hơn nữa, nhiều em đã, đang và có nguy cơ rơi vào hiện tượng “nghiện” điện thoại thông minh, từ đó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần như bệnh lo âu, trầm cảm, stress, giảm sự nhận thức bản thân và việc thiết lập, duy trì các mối quan hệ trong gia đình cũng như xã hội; giảm sút kết quả học tập.

    Qua nghiên cứu và khảo sát thực trạng về sử dụng và “nghiện” điện thoại thông minh, thực trạng về sức khỏe tâm thần của 500 học sinh tại hai trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Maria đã nêu lên mối tương quan hai chiều giữa hai điều này và đề xuất biện pháp giúp các em sử dụng điện thoại thông minh một cách hợp lý. Kết quả khảo sát với tỉ lệ học sinh nghiện điện thoại thông minh tăng lên so với trước dịch Covid-19 cũng như có nhiều vấn đề trong sức khỏe tâm thần là lời cảnh báo cho chúng ta, đặc biệt các bậc phụ huynh và những nhà giáo dục. Chị cũng nêu lên một số biện pháp về nhận thức hành vi, tập trung tâm trí, tập thể dục phục hồi chức năng, giáo dục tâm lý để giúp các em học tập và phát triển bình thường với một tâm lý khỏe mạnh. Điều này cần sự quan tâm, giúp đỡ từ phía gia đình, nhà trường và toàn thể cộng đồng xã hội.

    Hội đồng bảo vệ đã đánh giá cao những đóng góp rất thực tiễn của đề tài cho ngành Tâm lý Việt Nam hiện nay, đồng thời, nêu ra những nhận xét, góp ý để đề tài được hoàn chỉnh hơn. Sau khi chị Maria Tạ Thị Thúy hoàn thành phần trả lời câu hỏi phản biện, Hội đồng đã họp riêng để bỏ phiếu tán thành, nhận xét chung và cho điểm Luận văn. Thời gian chờ đợi kết quả lúc này còn hồi hộp hơn nhiều so với thời điểm trước và trong khi chị thuyết trình. Mọi người đã vỡ òa lên trong niềm vui sau khi nghe các thầy cô thông báo điểm số với một kết quả ngoài sự mong đợi.

    Chúng con cảm tạ Chúa đã đồng hành với người chị em của chúng con trong hai năm học vừa qua, đặc biệt trong buổi Bảo vệ hôm nay. Chúng con - những người đi bên chị - cảm nghiệm thật rõ tình yêu, sức mạnh và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần luôn đong đầy cho chị. Lời chúc mừng chị được cất lên hôm nay cũng chính là lời tạ ơn Chúa của cả Hội dòng, của cộng đoàn Catarina Sài Gòn; là lời nhắn nhủ tới chị hãy tiếp tục cố gắng cộng tác với ơn Chúa dấn thân hơn trong chuyên ngành Tâm lý học; đồng thời là niềm khích lệ cho chúng con cần kiên trì trau dồi thánh khoa và tri thức. Một trong bốn cột trụ của đời sống Đa Minh là học hành, học để có thể phục vụ Chúa và tha nhân vì “vô tri bất mộ”. Ước mong sao: khi sống trọn căn tính của người tu sĩ Đa Minh, chúng con có thể Nói với Chúa và Nói về Chúa cho mọi người qua từng sứ vụ, từng giai đoạn chúng con đang đi.

    Nt. Anna Nguyễn Thị Đảng - Học viện

    Bài viết liên quan