Thành Bethlehem bị Israel phong tỏa

  • 28/10/2023 20:00
  • RVA (27.10.2023) - Tình trạng tại thành Bethlehem ngày càng trở nên tệ hơn: từ sau ngày 07 tháng Mười vừa qua, khi Hamas tấn công Israel, thành này bị quân đội Israel phong tỏa, không ai được ra vào thành này. Mọi lối vào đều bị quân Israel ngăn chặn, chỉ có một trạm kiểm soát còn mở, nhưng chỉ những công dân nước ngoài mới được đi qua.

    Nữ tu Fayez Ayad, là một trong bốn nữ tu thuộc Dòng Nữ Phan Sinh Hèn Mọn Thánh Tâm, từ hơn 20 năm nay sinh sống tại Bethlehem cho biết như trên. Bốn chị đã từng chịu cảnh phong tỏa trong 40 ngày cách đây 20 năm, bị vây hãm trong Đền thờ Giáng Sinh, sau khi hơn 240 dân quân Palestine võ trang đột nhập Đền thờ này, ngày 02 tháng Tư năm 2002, để tránh bị quân Israel bắt, trong thời kỳ cách mạng gạch đá, Intifada, từ năm 2000 đến 2005. Hồi đó, các thành phố lớn của người Palestine ở miền Cisgiordani như Ramallah, Jenin, Tulkarem, Bablus và Bethlehem và Qalqilya bị quân đội Israel chiếm đóng. Israel tung ra cuộc hành quân ngày 29 tháng Ba năm 2002 để trả đũa những vụ khủng bố của Palestine những tuần lễ trước đó.

    Chị Fayez Ayad nói với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý rằng: “Ngày nay, hơn 20 năm sau, tôi cảm thấy cùng một nỗi đau đớn và cùng một sự lo âu như vậy, cộng thêm với những tin tức về các vụ đụng độ giữa người Palestine và quân đội Israel, đến từ các thành phố miền Cisgiordani, như Ramallah, Jenin, Tubas và Nablus. Chính tại Bethlehem, trong những ngày này, quân Israel cũng vào thành nhiều lần để tìm bắt những người bị tình nghi. Lần này, tôi thấy nỗi lo sợ lớn hơn hiện ra trên khuôn mặt những người dân địa phương”.

    Chị nữ tu cũng nói rằng: “Tất cả các tín hữu hành hương đã ra đi, các khách sạn bị đóng cửa, các cửa tiệm trống rỗng và người dân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Tất cả đều bị ngưng lại, kể cả các trường học. Kinh tế sụp đổ, không có công ăn việc làm. Nghèo đói lại gõ cửa nhà dân chúng. Tình trạng còn tệ hơn thời kỳ đại dịch Covid-19. Chúng tôi tìm cách làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ các gia đình, nhất là giúp họ lương thực và thuốc men. Nhiều khi chúng tôi tháp tùng các bà mẹ gia đình đi chợ để mua lương thực, sữa, nước và bánh mì. Họ không có tiền, và chúng tôi giúp đỡ họ những gì chúng tôi có thể. Lo lắng đầu tiên của chúng tôi là các trẻ em. Các em không biết chiến tranh là gì, nhưng đang sống những hậu quả của chiến tranh. Bao nhiêu gia đình ở nhà, người cha không có việc làm, những người khuyết tật, người già neo đơn cần được chăm sóc. Đã hơn 20 năm rồi, tôi sống ở Bethlehem và tôi quen biết bao nhiêu gia đình nhờ kinh nghiệm dạy học ở trường Thánh địa. Nhưng không phải chỉ có các gia đình cần được giúp đỡ. Ngay sau ngày 07 tháng Mười, có sáu người trẻ từ Gaza tị nạn. Trước chiến tranh, họ làm việc ở Jerusalem như công nhân trong một số hãng Israel. Khi họ đến đây, họ không có gì khác ngoài một túi vài quần áo và vài thứ thuốc men. Với giáo xứ, chúng tôi tìm cách giúp đỡ họ và liên lạc với chính quyền thành phố để họ ít ra được một nơi tạm trú xứng đáng và an ninh”.

    G. Trần Đức Anh, O.P.

    Nguồn tin:  https://vietnamese.rvasia.org/

    Bài viết liên quan