Thánh Kinh và Thánh Nhạc

  • 28/07/2023 11:59
  • WHĐ (27.07.2023) – Trong Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, Công đồng Vatican II đã viết: “Giáo hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu. Thánh Kinh truyền đạt Lời của chính Thiên Chúa cách bất di bất dịch.

    Vì vậy, toàn thể việc rao giảng trong Giáo hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Quả thật, trong các Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo Hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo Hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng.”[1]

    I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁNH KINH

    1. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa

    Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh nên những gì được ghi chép trong Thánh Kinh đều là Lời Thiên Chúa. Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa mạc khải về chính mình để con người nhận ra, hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa hơn. Nếu Thiên Chúa không mở lời để nói cho con người về chính Ngài, thì con người sẽ không bao giờ có diễm phúc được biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài. “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9); nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). Qua việc mạc khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17), trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và đến sống với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài.”[2]

    Tất cả mọi lời trong Thánh Kinh đều nhằm mục đích diễn tả về Thiên Chúa, để con người không chỉ nhận ra sự hiện diện của Ngài, mà còn khám phá thấy những nét tuyệt đẹp của Thiên Chúa trong các thuộc tính của Ngài, nhất là tình yêu. Con người sẽ không thể hiểu được tình yêu là gì nếu không nhận biết mình được yêu thương bởi một Thiên Chúa Tình Yêu.

    Lời Thiên Chúa được chính Chúa Thánh Thần linh hứng và dùng một số người viết lại Lời Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của con người nên Thánh Kinh không sai lầm. Từng lời trong Thánh Kinh đều khởi đi và thể hiện ý định cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Những nhân vật, những câu chuyện, những biến cố… mà Thánh Kinh ghi lại đều truyền tải một sứ điệp nào đó mà Thiên Chúa muốn nói với con người. Do đó, những lời trong Thánh Kinh không có câu nào là dư thừa, vô ích nhưng từng câu Thánh Kinh là lời nói tình yêu mà Thiên Chúa ngỏ với con người.

    2. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống

    Thánh Kinh tuy chứa đựng những cuốn sách đã được viết ra cách đây nhiều trăm năm nhưng không bao giờ cũ hay lỗi thời. Bởi vì tác giả của Thánh Kinh là Thiên Chúa Hằng Sống. “Ngài đã dùng lời nói và hành động để mạc khải cho dân riêng của Ngài biết rằng chính Ngài là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và hằng sống. Vì vậy, các sách đã được Thiên Chúa linh hứng vẫn giữ một giá trị trường cửu.”[3] Cho nên Lời Chúa bao giờ cũng hợp thời và thích hợp cho mọi người của mỗi thời đại khác nhau. Cũng một câu Lời Chúa đó nhưng mỗi người trong hoàn cảnh cụ thể của mình sẽ được Thiên Chúa đánh động khác nhau. Do đó, dù ở độ tuổi nào, hay đang sống trong hoàn cảnh nào, Lời Chúa vẫn sống động. Những ai tiếp cận với Lời Chúa đều cảm nhận như chính Thiên Chúa đang trực tiếp nói với mình trong giây phút hiện tại.

    Vì thế, trong Thánh Kinh không có sách cũ hay mới. Sự phân biệt các sách Cựu ước hay Tân ước chỉ nhằm nói đến giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người và Đức Giêsu Kitô. Giao ước cũ đã thất bại vì dân Chúa đã không trung thành, còn giao ước mới đã hoàn thành viên mãn khi Đức Giêsu Kitô vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá theo thánh ý của Chúa Cha. “Thiên Chúa, Đấng linh hứng và là tác giả của cả hai bộ sách Giao ước, đã khôn ngoan xếp đặt cho Tân ước được tiềm tàng trong Cựu ước, và Cựu ước được tỏ hiện trong Tân ước.”[4] Do đó, toàn bộ Thánh Kinh là một sự thống nhất xuyên suốt. Từ dòng đầu tiên của sách Sáng Thế đến dòng cuối cùng của sách Khải Huyền đều chứa đựng Lời Hằng Sống. “Kinh Thánh là sách chứa đựng những lời ban sự sống đời đời; vậy Kinh Thánh được viết ra không chỉ để chúng ta tin, nhưng còn để chúng ta có sự sống đời đời.”[5]

    3. Thánh Kinh là Lời Cứu Độ

    Trên trần gian này không có cuốn sách nào, dù là best seller cũng không dám khẳng định nó có khả năng đem ơn cứu độ. Chỉ duy nhất Thánh Kinh là cuốn sách chứa đựng Lời Cứu Độ. Từng trang Thánh Kinh đều trình bày một ý định xuyên suốt của Thiên Chúa về chương trình cứu độ dành cho con người. Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. “Thật vậy, Chúa Cha đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng soi sáng mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ biết những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa.”[6] Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm cho Lời Thiên Chúa trở nên sống động, hiện thực và đem lại ơn cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã nói Lời Thiên Chúa và rao giảng Lời Chúa để những ai nghe và thực hành sẽ được hưởng ơn cứu độ. “Ngôi Lời đã mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta trong tương quan trao đổi tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tương quan tình yêu đó. Vì vậy, một khi được tạo dựng nên theo hình ảnh giống với Thiên Chúa tình yêu, chúng ta chỉ có thể hiểu được chính mình khi biết đón nhận Ngôi Lời và tác động của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải do Ngôi Lời Thiên Chúa thực hiện mà bí ẩn trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn.”[7] Do đó, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách tiểu thuyết, hay lịch sử nhưng từng trang sách của Thánh Kinh đều có sức mạnh đem đến ơn cứu độ. Những ai đón nhận, lắng nghe và thực hành sẽ được chính Lời Thiên Chúa giải thoát. “Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải thần linh để biểu lộ và thông ban chính mình cũng như ý định muôn đời của Ngài liên quan đến việc cứu rỗi nhân loại.”[8]

    II. THÁNH KINH LÀ NGUỒN SÁNG TÁC VÔ TẬN CHO THÁNH NHẠC

    1. Để Thánh Kinh là nguồn sáng tác cần tìm hiểu Lời Chúa

    Khi muốn sáng tác một bài thánh ca, chúng ta thường đi tìm một ý tưởng hay được đánh động bởi một biến cố nào đó. Như thế, việc sáng tác sẽ dễ bị lệ thuộc và giới hạn. Vậy tại sao chúng ta không đến với Thánh Kinh để tìm hiểu Lời Chúa mà sáng tác? “Lời Thiên Chúa là ánh sáng thật mà con người cần đến.”[9] Một người viết thánh ca mà không hiểu biết về Lời Chúa thì dễ bị nghèo nàn trong ý tưởng. Do đó, muốn có nhiều tác phẩm thánh ca ra đời, người viết cần dành thời gian để tìm hiểu, học hỏi Thánh Kinh. Chính Chúa không chỉ là nguồn sáng tác vô tận mà còn là Đấng gợi lên cho chúng ta điều mà Ngài muốn chúng ta viết. Nếu chúng ta bị bí đề tài khi viết thánh ca thì chúng ta cần xem lại việc chúng ta dành bao nhiêu thời gian để tìm hiểu và học hỏi Lời Chúa. Bản thân mỗi người chúng ta tự hỏi xem tôi đã biết về Thánh Kinh bao nhiêu.

    Qua việc tìm hiểu Lời Chúa, “chúng ta hiểu được chính mình và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất vẫn ở trong trái tim chúng ta. Bởi vì Lời Chúa không hề đối nghịch với chúng ta, không bóp nghẹt các khát vọng chân chính của chúng ta, trái lại, soi sáng, thanh tẩy và đưa các khát vọng đó đến chỗ được hoàn tất. Đối với thời đại ta, thật quan trọng việc khám phá ra rằng duy một mình Thiên Chúa mới đáp ứng được cơn khát đang ở trong tim mỗi người!”[10]

    2. Để Thánh Kinh là nguồn sáng tác cần yêu mến Lời Chúa

    Chúng ta sẽ không thể đọc, học và ghi nhớ Lời Chúa nếu chúng ta không yêu mến. Thật ra, việc đọc hay tìm hiểu Thánh Kinh không phải là tìm hiểu những lời viết trong đó, nhưng là tìm hiểu về Đấng mà những lời đó miêu tả. Để rồi từ đó, chúng ta hiểu và yêu mến Đấng đó mỗi ngày một hơn. “Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một cuộc đối thoại với Đức Chúa: Vị Thiên Chúa đang nói dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài. toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn đời ta.”[11] Như thế, khi chúng ta nói yêu mến Lời Chúa không phải là yêu lời mà là yêu Chúa qua lời của Ngài. Cho nên chúng ta chỉ có thể đến với Thánh Kinh khi chúng ta có lòng yêu mến Chúa. Người viết thánh ca không thể đem đến một tác phẩm đi vào lòng người nếu không được lòng yêu mến Chúa thúc đẩy. Một bài thánh ca sẽ khó lòng chạm vào trái tim người nghe nếu nó không truyền tải một cảm nghiệm của người viết về lòng yêu mến Chúa.

    3. Để Thánh Kinh là nguồn sáng tác cần thực hành Lời Chúa

    Lời Chúa không chỉ được đọc, hiểu mà còn phải sống. “Ai đặt nền tảng trên Lời của Ngài thì thực sự xây dựng đời mình một cách chắc chắn và bền vững.”[12] Chính khi chúng ta thực hành Lời Chúa, chúng ta sẽ có cảm nghiệm sâu hơn về Chúa. Từ đó, bài thánh ca chúng ta viết ra không dựa trên lý thuyết nhưng nó được viết ra từ kinh nghiệm sống thiêng liêng mà chúng ta có. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta về Ngài và dạy chúng ta biết bao nhiêu điều. Mỗi một câu truyện trong Thánh Kinh đều là những bài học mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Cho nên một bài thánh ca sẽ được viết sâu sắc hơn khi nó được người viết sống điều họ viết trước. “Lời Thiên Chúa có khả năng đáp lại các vấn đề mà con người phải đương đầu trong đời sống hằng ngày. Do đó, chúng ta cần hết sức cố gắng để Lời Thiên Chúa xuất hiện ra như một sự mở ra với các vấn đề của mình, một đáp trả cho các câu hỏi của mình, một sự nới rộng các giá trị và đồng thời một sự thoả mãn mang lại cho các khát vọng của mình.”[13]

    III. THÁNH NHẠC LÀM SỐNG ĐỘNG THÁNH KINH

    Trong Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Trong khung cảnh đề cao Lời Thiên Chúa trong cử hành phụng vụ, cũng phải quan tâm đến bài ca dành cho những lúc được tiên liệu theo từng nghi thức, dành ưu tiên cho các bài ca rõ ràng rút cảm hứng từ Kinh Thánh và diễn tả vẻ đẹp của Lời Chúa, bằng sự hoà hợp giữa nhạc và lời. Theo chiều hướng này, nên đề cao các bài ca mà Truyền thống Giáo Hội đã để lại và là những bài tôn trọng tiêu chuẩn này.”[14]

    1. Thánh Kinh đi vào lòng người nhờ Thánh Nhạc

    Một bộ Thánh Kinh gồm 73 cuốn sẽ làm cho người đọc cảm thấy ngao ngán. Trong Thánh Kinh chứa đựng biết bao nhiêu câu truyện, biến cố, lời dạy dễ làm cho người đọc khó nhớ. Nhưng nếu các câu truyện và những lời Chúa nói trong Thánh Kinh được sáng tác thành những bài thánh ca thì sẽ làm cho người nghe dễ đón nhận Lời Chúa hơn. Chính giai điệu của bài hát sẽ làm cho người nghe nhớ được nội dung Lời Chúa mà bài hát muốn diễn tả.

    2. Thánh Kinh trở nên gần gũi nhờ Thánh Nhạc

    Khi nghe nói về Thánh Kinh, chúng ta thường nghĩ nó là một cuốn sách khô khan, khó hiểu và dành riêng cho một thành phần nào mà thôi. “Lối vào Thánh Kinh cần phải được mở rộng cho các Kitô hữu.”[15] Quả thật, Thánh Kinh là môn học khó và những điều viết trong đó cũng khó hiểu vì nó là Lời của Thiên Chúa. Qua tìm hiểu Thánh Kinh, chúng ta chỉ có thể hiểu một phần nào về Thiên Chúa thôi. Do đó, khi nói về Thánh Kinh lập tức làm cho chúng ta cảm thấy xa cách, khó tiếp cận. Tuy nhiên, nếu các lời Thánh Kinh hay những nội dung của Thánh Kinh được Thánh Nhạc chuyển tải thì nó sẽ trở nên gần gũi và người nghe dễ tiếp thu. Điều này đòi hỏi người viết thánh ca hiểu được điều mà Thánh Kinh muốn nói rồi chuyển những ý tưởng đó bằng những nốt nhạc.

    3. Thánh Kinh được lan tỏa nhờ Thánh Nhạc

    Thánh nhạc trở nên phương thế để loan báo Lời Chúa. Qua các bài hát thánh ca, Lời Chúa đi đến với từng người, từng nhà và khắp hang cùng ngõ hẻm. Người ta có thể ngại khi cầm cả một cuốn Thánh Kinh lên đọc, nhưng người ta sẽ dễ dàng mở một bài hát thánh ca lên nghe trong mọi lúc. Cho nên người viết thánh ca sẽ thi hành sứ vụ ngôn sứ qua tác phẩm của mình. Qua từng bài thánh ca, chúng ta giới thiệu Chúa cho mọi người. Chúng ta đem Chúa đến cho từng nhà. Như thế, một tác phẩm thánh ca không nhằm làm vinh danh tác giả nhưng làm vinh danh Thiên Chúa. Làm sao để mỗi lần người ta nghe hay hát bài thánh ca, người ta biết Chúa hơn và yêu mến Ngài hơn. Đó là sứ mạng của một bài thánh ca.

    Tóm lại, “Thánh Kinh là bản văn được Thiên Chúa (tác giả chính) linh ứng cho các tác giả nhân loại (x. 2 Tm 3,16), ghi lại trung thực những mạc khải về Thiên Chúa và ý định của Ngài cho con người (x. Ep 1,9).”[16] Thánh Kinh là nền tảng của Thánh Nhạc. Nếu Thánh Kinh là nguồn mạch để làm cho Thánh Nhạc sống, thì Thánh Nhạc cũng góp phần làm cho Thánh Kinh trở nên sống động. Nếu Thánh Kinh trình bày về Thiên Chúa bằng chữ viết, thì “Thánh Nhạc làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu”[17] bằng giai điệu và lời ca. Cả Thánh Kinh và Thánh Nhạc đều có chung một mục đích là giới thiệu Chúa cho muôn người và đem mọi người về với Thiên Chúa.

    Trích: Tập san Hương Trầm của Ủy ban Thánh nhạc / Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 34 (tháng 10 năm 2022)

    Lm. Laurensô Hoàng Bá Quốc Huy

    Nguồn tin:  https://hdgmvietnam.com/

     

    [1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, 18.11.1965, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – HĐGMVN (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), số 21.

    [2] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 2.

    [3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 14.

    [4] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 16.

    [5] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, 30.9.2010, bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh – HĐGMVN (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), số 23.

    [6] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 4.

    [7] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 7.

    [8] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 6.

    [9] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 12.

    [10] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 23.

    [11] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 24.

    [12] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 10.

    [13] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 23.

    [14] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, số 71.

    [15] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum – Lời Thiên Chúa, số 22.

    [16] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin – Ban từ vựng Công giáo, Từ điển Công Giáo (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2019), 799.

    [17] Ban từ vựng Công giáo, Từ điển Công Giáo, 802.

    Bài viết liên quan