THÁNH LỄ CÔNG GIÁO “LỊCH SỬ” TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ THÁNH PHÊRÔ CỦA GIÁO HỘI TIN LÀNH Ở GENÈVE
Hồng Thủy
Tháng 8/1535, Thánh lễ Công giáo cuối cùng được cử hành tại nhà thờ chính toà Thánh Phêrô trước khi phong trào Cải cách của Tin Lành thành công tại Genève. Thánh lễ Công giáo cuối cùng đã kết thúc với cuộc bạo động, linh mục bị đuổi ra ngoài và nhà thờ bị cướp phá các bức tượng và đồ thờ tự, những thứ bị xem là biểu tượng của “thờ ngẫu tượng”.
Mặc dù được chuyển sang cho Tin Lành Cải cách vào năm 1536, nhà thờ thánh Phêrô và Đức Mẹ Lausanne vẫn giữ nguyên tên gọi nhà thờ chính toà, nghĩa là nhà thờ nơi có ngai toà của giám mục. Năm 1821, giáo phận Genève được hợp nhất với giáo phận Lausanne. Và mãi đến năm 1924, giáo phận mới nhận được tên gọi hiện nay là Lausanne, Genève và Fribourg.
Bầu khí hiệp nhất giữa Tin Lành và Công giáo ở Genève
Ban đầu Giáo hội Tin Lành mời Giáo hội Công giáo cử hành Thánh lễ vào năm 2020 nhưng đại dịch virus corona đã khiến cho chương trình này phải dời lại.
Vào năm 2020, mục sư Emmanuel Fuchs, chủ tịch Giáo hội Tin lành Genève và cũng là mục sư tại nhà thờ thánh Phêrô nêu rõ rằng lời mời Công giáo cử hành Thánh lễ tại nhà thờ thánh Phêrô “là tín hiệu cho thấy, ở Genève, bầu khí vô cùng thuận lợi và có hiệu quả với Giáo hội Công giáo Roma. Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý về mặt đại kết, đặc biệt là với Tuyên bố chung, được ký vào năm 2017, trong đó công nhận các thừa tác vụ của chúng tôi.”
Điều gắn kết lớn hơn sự khác biệt
Đối với ông Daniel Pilly, đại diện Hội đồng giáo xứ thánh Phêrô, cũng như đối với mục sư Emmanuel Fuchs, ngay cả khi sự khác biệt giữa các tín hữu Tin lành và tín hữu Công giáo vẫn còn rất lớn, thì điều gắn kết họ lại với nhau còn quan trọng hơn nhiều. Mục sư Emmanuel Fuchs kết luận: “Đó là một dấu hiệu mạnh mẽ khi chúng tôi đang cho mượn nhà thờ chính toà của chúng tôi, ước muốn cởi mở, ước muốn mang hai Giáo hội lại với nhau, ước muốn mang Phúc âm và làm chứng cho tình yêu của chúng tôi đối với Chúa Kitô. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, công cuộc đại kết được thực hiện bằng cách bước đi cùng nhau. Chúng tôi cố gắng bước cùng nhau, hy vọng rằng khi chúng tôi đã đạt đủ tiến bộ, những trở ngại tưởng như không thể vượt qua đối với chúng tôi ngày hôm nay sẽ không còn như vậy nữa”.
Thánh lễ đầu tiên sau gần 500 năm
Và đúng như thế. Thánh lễ đầu tiên của Công giáo tại nhà thờ thánh Phêrô vào thế kỷ thứ 21 hoàn toàn khác với những điều đã xảy ra vào năm 1535.
Thánh lễ được cử hành bởi linh mục Pascal Desthieux, Đại diện giám mục vùng Genève, với khoảng 1.500 tín hữu tham dự. Cộng đoàn Công giáo đã cầu xin sự tha thứ vì những thiếu sót trong vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu. Và cộng đoàn cũng đã cầu nguyện cho Ucraina.
“Thời gian đã thuận tiện để dâng một Thánh lễ tại nhà thờ chính toà Genève”. Những lời này của mục sư Emmanuel Rolland đã làm nên điều dường như không thể tưởng tượng được trong suốt một thời gian dài tại thành phố của nhà cải cách Tin Lành Calvin - một Thánh lễ tại nhà thờ chính toà thánh Phêrô.
Nửa tiếng trước khi Thánh lễ bắt đầu, gian giữa của thánh đường đã chật kín người. Vào lúc 6 giờ chiều, nhà thờ đông chật với khoảng 1.500 tín hữu đại diện cho mọi thành phần Công giáo địa phương. Đồng tế với cha Pascal trong Thánh lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay có khoảng mười lăm linh mục của bang Genève.
Ông Daniel Pilly, thay mặt cho hội đồng giáo xứ Tin lành thánh Phêrô, đã thân mật chào đón các tín hữu Công giáo, nêu bật “ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ” của sự kiện này. Ông Pilly nói rằng “cử chỉ ý nghĩa” của việc cử hành Thánh lễ tại nhà thờ thánh Phêrô sẽ thúc đẩy “sự cộng tác đại kết hiệu quả” giữa các tín hữu Công giáo Rôma và các tín hữu Tin Lành Cải cách trong bang.
Cầu nguyện cho Ucraina
Ngay khi bắt đầu Thánh lễ, cha Pascal đã kêu gọi dành một ít thời gian thinh lặng để cầu nguyện cho Ucraina. Trong Thánh lễ có sự hiện diện của cha Sviatoslav Horetskyi người Ucraina, thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, như là hiện thân của bi kịch tại Ucraina.
Sự tin tưởng dành cho nhau
Cha chủ tế nói rằng lời mời của cộng đồng Tin lành đã gây xúc động sâu sắc cho các tín hữu Công giáo ở Genève. Ngài nói: “Thật là tuyệt vời khi nhà thờ chính toà, nhà thờ mẹ của bang chúng ta, chiều nay có thể trở thành nhà thờ của tất cả các Kitô hữu thêm một chút nữa”. Và ngài nói thêm, với sự hài hước: “Nếu tôi ở vị trí của các bạn, tôi sẽ làm chính xác điều tương tự”.
“Lời mời của các bạn có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi và đã khơi dậy sự nhiệt tình lớn lao. Cảm ơn vì sự tin tưởng mà các bạn đã dành cho chúng tôi khi mời chúng tôi đến nhà của các bạn.”
Cầu xin tha thứ vì lỗi lầm chống lại sự hiệp nhất
Vị đại diện giám mục đã cầu xin sự tha thứ vì “những lỗi lầm chống lại sự hiệp nhất”, những hành động chế nhạo, biếm họa hoặc thiếu tin tưởng đối với cộng đồng Tin Lành Cải cách. Sự hiện diện của những người đại diện các tín hữu Tin lành Genève đã cho thấy sức sống của các mối quan hệ đại kết trong bang. Cha Pascal nhắc lại trong bài giảng của mình rằng “Chúng ta đã không hợp nhất hai Giáo hội của chúng ta”, và nhấn mạnh tình hình đã tiến triển như thế nào kể từ thời “hai Giáo hội nhìn nhau với vẻ nghi ngờ”.
Ước muốn làm cho nhau phong phú
Ngài cũng nhắc lại mong muốn “làm phong phú cho nhau bằng những khác biệt của chúng ta” trong khi cuộc đối thoại đại kết đôi khi dường như đi vào bế tắc. Bằng chứng cho ước muốn này là sự hợp tác đa dạng giữa các Giáo hội ở Genève - Giáo hội Tin Lành Cải cách, Giáo hội Công giáo Roma và Công giáo cũ - thông qua các hoạt động bác ái, các cử hành đại kết, các hội nghị Mùa Chay.
Cha cũng chào mừng những người “sống tinh thần đại kết cách sâu xa nhất”, rất nhiều đôi vợ chồng thuộc hai Giáo hội Kitô khác nhau ở bang Genève.
Đề cập đến bài Phúc Âm trong Thánh lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, thuật lại sự kiện Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ trong sa mạc, cha chủ tế kêu gọi “chống lại các thế lực gây chia rẽ trong cuộc sống của chúng ta, giữa chúng ta và giữa những Kitô hữu khác.”
Nghi thức xức tro
Mối quan hệ giữa các Giáo hội Kitô tại Genève, Công giáo Roma và Tin Lành Cải cách, được đánh dấu bằng việc xức tro giữa Mục sư Rolland và Cha Pascal. Cử chỉ sám hối đặc trưng của truyền thống Công giáo này trước hết được giải thích, sau đó được đề xuất với toàn thể cộng đoàn. Sau đó, Lời cầu nguyện cộng đoàn nhấn mạnh đặc điểm đa dạng và đa ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế Genève: bảy nữ tu từ nhiều hội dòng khác nhau đã cầu nguyện cho Giáo hội và cho thế giới.
Trong thánh lễ, cộng đoàn đã âm thầm tưởng nhớ hai linh mục của Genève: Cha Jean-Daniel Balet và Cha Marc Passera. Cha Jean-Daniel Balet thuộc dòng Đaminh, qua đời năm 2013. Ngài là người đã sáng tác bộ lễ Kinh Chúa Thương xót, Thánh Thánh Thánh và Chiên Thiên Chúa, được các ca viên hát trong Thánh lễ. Vị linh mục thứ hai, Cha Marc Passera, cha sở giáo xứ thánh Giuse, qua đời đột ngột vào năm 2020. Lẽ ra vị linh mục quá cố này sẽ giảng trong Thánh lễ đầu tiên được cử hành tại nhà thờ chính toà khi được lên lịch hai năm trước.
Khoảng 200 ca viên đến từ khắp bang đã hát trong Thánh lễ, gồm ca đoàn giáo xứ thánh Giuse và Đức Mẹ, ca đoàn thiếu nhi và ca đoàn hỗn hợp của giáo xứ thánh Têrêsa và ca đoàn người Phi châu.
Bóng tối buông xuống sau Thánh lễ kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Trước khi ban phép lành cuối Thánh lễ, cha Pascal một lần nữa cảm ơn cộng đoàn Tin Lành và nói rằng Thánh lễ sẽ “được ghi vào sổ sách lịch sử đại kết.”
Vào cuối Thánh lễ, các tín hữu Công giáo của “toàn bang Genève” đã có thể lưu lại trước nhà thờ để trò chuyện với nhau một lúc lâu.
Vào ngày 6/3/2022, toà nhà đại kết này đã được thêm một viên đá mới. (Cath.ch 06/03/2022)
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 40 | Tổng lượt truy cập: 3,058,937