Thứ Bảy Tuần Thánh là gì? Ý nghĩa của thứ Bảy Tuần Thánh?

  • 15/04/2022 16:45
  • Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday) là ngày cuối cùng của Tam Nhật Vượt Qua, là ngày để tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô, đồng thời chuẩn bị việc Ngài phục sinh. Giáo Hội gọi ngày thứ Bảy Tuần Thánh là “Ngày thầm lặng”.

     

     

    1.  Thứ Bảy Tuần Thánh là gì? 

    Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday) hay Canh thức Phục Sinh, là ngày cuối cùng của Mùa Chay, ngày cuối cùng của Tuần Thánh và ngày cuối cùng của Tam Nhật Vượt Qua, ngày trước Đại Lễ Phục Sinh. Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày để tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô; ngày tưởng nhớ việc Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ Tông, chờ đợi sự phục sinh bằng việc cầu nguyện và ăn chay. Trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội dừng chân trước mộ Chúa Giêsu để suy niệm về cuộc khổ nạn đau thương của Ngài. Chính vì thế, Giáo Hội gọi ngày thứ Bảy Tuần Thánh là “Ngày thầm lặng”.

    Theo cái nhìn của loài người thì đây là ngày buồn nhất trong năm, không khí đượm màu tang tóc vì Chúa Giêsu đã chết, được an táng trong mồ. Nhưng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo “Sau ba ngày Ngài sẽ sống lại” (x. Mc 8, 31; Mc 9, 31; Mc 10, 33- 34). Vì vậy, Giáo Hội tưởng niệm cái chết của Chúa trong niềm hy vọng phục sinh. Chính đêm nay, niềm hy vọng phục sinh đã bừng lên trong toàn thể Giáo Hội. Đức Kitô đã chiến thắng sự chết. Ngài đã sống lại, đó là niềm vui, niềm hy vọng và là nền tảng niềm tin của tất cả mọi người kitô hữu chúng ta. Bởi vì, Giáo Hội đã được khai sinh từ mầu nhiệm trọng đại này, và đó cũng là đích điểm của mọi người kitô hữu chúng ta.

     

    2.  Ý nghĩa của thứ Bảy Tuần Thánh?  Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

    Ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội ở bên mộ Chúa để suy ngắm cuộc tử nạn của Chúa Kitô, việc Ngài xuống mồ, biểu hiệu tính cách phổ quát của ơn cứu rỗi của Ngài, và chờ mong Chúa sống lại, qua việc cầu nguyện và ăn chay. Có thể cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng như sáng thứ Sáu Tuần Thánh.

    Hôm nay chỉ cho rước lễ như của ăn đàng mà thôi. Không cử hành lễ cưới và các Bí tích khác trừ Bí tích Giải tội vá Xức dầu Bệnh nhân.

    Trong nhà thờ có thể để cho tín hữu kính viếng ảnh Chúa chịu nạn, ảnh Chúa bị chôn trong mồ, ảnh Đức Mẹ sầu bi.

    Chiều đến Giáo Hội cử hành canh thức vọng đón chờ Chúa Kitô sống lại. Đây là buổi Canh thức chính yếu, là mẹ các buổi canh thức khác. Giáo Hội chờ Chúa sống lại và cử hành các Bí tích Khai tâm kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể). Buổi canh thức vọng phục sinh cũng mang tính cách cánh chung, vì Giáo Hội chờ ngày Chúa sẽ đến trong vinh quang.

    Buổi Canh thức vọng phục sinh cử hành vào giờ đêm bắt đầu và phải kết thúc trước hừng đông ngày Chúa Nhật. Không được cử hành vào giờ chiều, như vẫn cử hành thánh lễ Chúa Nhật vào chiều thứ Bảy.

    Cơ cấu Canh thức vọng phục sinh gồm có Công bố phục sinh, phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ các Bí tích khai tâm kitô giáo, và phụng vụ Thánh Thể.

    Các dấu hiệu được dùng trong buổi cử hành này, cần được thực hiện một cách nghiêm chỉnh: nến phục sinh phải là một cây nến mới cho mỗi năm, và bằng sáp. Tránh những hình thức giả tạo. Rồi việc làm phép lửa mới, rước nến phục sinh cũng cần thực hiện theo Sách lễ Rôma, thế nào để cho thấy biểu hiệu Chúa Kitô sống lại là ánh sáng trần gian.

    Thày phó tế hay một ca viên khác công bố Tin mừng phục sinh với sự trang trọng và làm cho mọi người nhận ra ý nghĩa siêu nhiên của đêm canh thức này. Khi một ca viên không phải là phó tế công bố Bài Tin mừng phục sinh, thì không xin phép lành của linh mục chủ sự.

    Các bài sách thánh trích từ Cựu ước (7), Tân ước (1) và bài Phúc âm, để giáo huấn tín hữu và dự tòng về biến cố vượt qua của Chúa Kitô, việc cứu rỗi con người, giao ước mới, tạo vật mới, đời sống mới của những người được tái sinh trong Chúa Kitô. Vì lý do mục vụ có thể bớt các bài đọc sách thánh này, nhưng phải đọc ít là 3 bài Cựu ước (sách luật và Ngôn sứ) và hai bài Tân ước, nhưng không bao giờ được bỏ đoạn 14 của sách Xuất hành. Các thánh vịnh đáp ca được chọn để suy niệm các bài sách thánh, vì thế phải hát các thánh vịnh này và không được thay thế bằng các bài hát khác. Các linh mục có thể nói mấy lời dẫn giải trước các bài sách thánh, nhưng không nên quá dài dòng, thay thế cho chính lời Chúa. Sau các bài đọc cựu ước, tới Kinh Vinh danh. Có thể kéo chuông nếu có tục lệ này.

    Phần thứ ba của Nghi lễ canh thức vọng phục sinh là cử hành các Bí tích khai tâm Kitô giáo. Nếu không có dự tòng là người lớn, thì ít ra có việc rửa tội cho trẻ con. Trước khi làm phép rửa tội, linh mục làm phép nước để dùng rửa tội và rảy trên giáo hữu trong đêm vọng này và trong cả Mùa Phục sinh. Nếu không có nghi lễ rửa tội, thì cũng có thể làm phép nước, rồi rảy nước thánh cho tín hữu cùng với việc tuyên lại lời hứa rửa tội. Khi tuyên lại các lời hứa rửa tội, mọi người đứng, cầm nến cháy và trả lời các câu hỏi của linh mục. Sau đó linh mục rảy nước thánh trên cộng đoàn.

    Thánh lễ cử hành cách trang nghiêm, sốt sắng và không vội vã, sợ rằng buổi lễ kéo dài quá. Việc rước lễ có ý nghĩa đặc biệt trong canh thức vọng phục sinh vì để tín hữu kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô và sự sống lại của Ngài.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Bài viết liên quan