Thượng Hội đồng: Bài suy niệm của cha Timothy Radcliffe, OP tại phiên họp khoáng đại thứ XII - Người phụ nữ Samari bên giếng nước (Ga 4, 7-30)

  • 15/10/2023 18:45
  • Vào ngày 9 tháng 10, tại phiên họp khoáng đại lần thứ IV của Thượng Hội Đồng, cha Timothy Radcliffe, OP đã trình bày bài chia sẻ với đề tài: “Người phụ nữ Samari bên giếng nước” (Ga 4, 7-30).

     

    Hôm nay, chúng ta bắt đầu suy niệm về mục B.1 trong Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) với đề tài: “Sự hiệp thông toả sáng”. Trong các buổi thảo luận tuần vừa rồi, đào tạo là chủ đề được bàn cách thường xuyên và nổi bậc. Liệu tất cả chúng ta có thể được đào luyện về sự hiệp thông và để cho nó chảy tràn vào trong sứ vụ? 

    Tin mừng Gioan chương 4 thuật lại cho chúng ta câu chuyện Đức Giêsu gặp một người phụ nữ bên bờ giếng. Ở đầu chương, người phụ nữ này đơn độc một mình, nhưng về cuối chương, chị trở thành người đầu tiên đi loan báo Tin mừng cho người khác. Điều này giống với một phụ nữ khác tên là Maria Mađalêna, người đầu tiên loan báo Tin mừng Phục Sinh và được mệnh danh là “Tông Đồ của các Tông Đồ”. Cả hai người người phụ nữ này đều là những người đầu tiên loan tin vui, một người loan báo Chúa đã đến với chúng ta, còn người kia báo tin Chúa đã sống lại.

    Làm thế nào Đức Giêsu phá vỡ được thế cô lập của người phụ nữ? Cuộc gặp gỡ khởi đầu bằng một câu ngắn gọn chỉ gồm ba từ trong bản văn Hy Lạp: “Cho tôi uống (với)”. Đức Giêsu đang khát nước và còn khát điều gì đó sâu xa hơn cả nước. Cấu trúc của toàn bộ Tin Mừng Gioan xoay quanh cơn khát của Đức Giêsu. Dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu thực hiện là việc đem lại rượu cho khách dự tiệc đang khát ở đám cưới miền Cana. Trên thập giá, Đức Giêsu thốt lên: “Tôi khát”. Đó là những lời cuối cùng trước khi Người nói: “Thế là đã hoàn tất” và rồi tắt thở.

    Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta như là Đấng đang khát và trên hết, cái khát của Người là chính mỗi người trong chúng ta. Cha Geoffrey Preston OP,  giám sư của tôi thời học viện viết rằng: “Ơn cứu độ chính là việc Thiên Chúa mong chờ chúng ta và bị hành hạ bởi cơn khát chúng ta; Thiên Chúa khát chúng ta hơn nhiều so với chúng ta khát Người.[1] Nhà thần bí người Anh, Julian of Norwich, vào thế kỷ 14 nói rằng: “Nỗi mong chờ và cơn khát mang tính thần linh nơi Đức Kitô vẫn còn đó và kéo dài mãi cho đến ngày tận thế”.[2]

    Thiên Chúa khát người phụ nữ tội lỗi này nhiều đến mức đã trở nên một con người và tỏ cho chị biết Thánh Danh cao trọng: “CHÍNH LÀ TÔI[3], người đang nói với chị”. Biến cố Nhập Thể xảy ra dường như là để dành cho chị. Chính người phụ nữ này cũng phải cách để trở nên người biết khát. Cái khát đầu tiên của chị là nước để không còn phải đi kín nước mỗi ngày, nhưng rồi chị nhận ra, còn có một cái khát còn sâu xa hơn nữa. Mãi cho đến lúc đó, người phụ nữ vẫn còn đi từ người đàn ông này đến người đàn ông nọ. Nhưng nay chị nhận ra, có một ai đó chị vẫn luôn khát mà chị không biết. Romano the Melodist[4] cho rằng, đời sống tình dục thất thường của con người chính là một sự mò mẫm đi tìm sự thoả mãn cho cơn khát sâu xa nhất là Thiên Chúa[5]. Các tội lỗi hay thất bại của chúng ta thường nằm trong các nỗ lực sai lầm đi tìm điều chúng ta khao khát nhất. Tuy nhiên, Chúa vẫn đang kiên nhẫn chờ chúng ta bên bờ giếng, nơi Người mời chúng ta hãy biết khát hơn nữa. Chính vì thế, đào tạo cho “sự hiệp thông toả sáng” là học cách để biết đói khát sâu xa hơn. Chúng ta bắt đầu điều này bằng những ham muốn căn bản của của mình. Khi tôi ở bệnh viện để chữa ung thư, tôi không được phép uống bất cứ thứ gì trong khoảng ba tuần. Tôi phải chịu đựng một cơn khát dữ dội. Không gì đã cho bằng uống lại ly nước đầu tiên, nó còn ngon hơn cả một ly whisky! Nhưng rồi tôi dần nhận ra, còn có một thứ khao khát sâu xa hơn: “Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” (Thánh vịnh 63)

    Điều làm cho chúng ta bị cô lập chính là bị kẹt lại trong các ham muốn hay thoả mãn nho nhỏ, chẳng hạn khi hạ bệ được đối thủ, khi có được địa vị hay thậm chí chỉ cần có được một chiếc mũ đặc biệt để đội! Người ta truyền cho nhau câu chuyện, em gái Theodora của thánh Tôma Aquinô hỏi người anh cách để nên thánh và ngài trả lời bằng một từ duy nhất: Velle – hãy muốn![6]. Đức Giêsu rất thường hay hỏi những ai đến với Người: “Anh muốn điều gì?” hay “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Chúa muốn ban cho chúng ta tình yêu trọn vẹn. Chúng ta có muốn không?

    Đào luyện cho tính “hiệp nghị” có nghĩa là học để trở nên người biết đam mê với đầy những khao khát sâu thẳm. Cha Pedro Arrupe, Bề Trên Cả tuyệt vời của Dòng Tên viết rằng: “Không gì thực tế cho bằng việc đi tìm Thiên Chúa, nghĩa là, không gì cho bằng việc phải lòng yêu theo một cách thức tuyệt đối, không thay đổi. Điều bạn yêu sẽ thu hút trí tưởng tượng của bạn và tác động đến mọi thứ. Nó sẽ quyết định điều gì khiến bạn bước ra khỏi giường vào buổi sáng, sẽ phải làm gì vào buổi tối, sẽ dành cuối tuần như thế nào, sẽ phải đọc gì, ai là người bạn muốn biết, điều gì sẽ làm đau lòng bạn và thứ gì cho bạn niềm vui và lòng biết ơn. Hãy biết yêu, ở lại trong tình yêu và nó sẽ quyết định mọi thứ[7]. Thánh Augustinô, một con người đầy đam mê nhiệt huyết đã thốt lên: ‘Con đã nếm thử Ngài và này con đói khát Ngài; Chúa đã chạm đến con, và con nóng lòng đi tìm bình an của Chúa.[8]

    Thế nhưng bằng cách nào chúng ta có thể trở thành con người đầy đam mê nhiệt huyết cho Tin mừng, đầy tình yêu thương tha nhân mà rơi vào thảm hoạ? Đây là câu hỏi căn bản cho việc đào tạo của chúng ta, nhất là đối với các chủng sinh. Tình yêu Đức Giêsu dành cho người phụ nữ vô danh này đã giúp chị được tự do. Chị ấy trở thành người đầu tiên đi rao giảng nhưng rồi không thấy chị xuất hiện nữa. Một Giáo hội có tính “hiệp nghị” sẽ nơi chúng ta được dạy về một tình yêu không chiếm hữu: Đó là một tình yêu không chạy trốn người khác và cũng không chiếm hữu người khác; một tình yêu không thô cứng và cũng không lạnh nhạt. 

    Đầu tiên, ta thấy có một cuộc gặp gỡ cá vị đầy nhiệt huyết giữa hai người. Đức Giêsu gặp người phụ nữ trong chính con người thật của chị. “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. Người phụ nữ đỏ mặt đáp lại với giọng mỉa mai: “Thì ra, ông là một ngôn sứ”. Chúng ta nên học cách gặp gỡ người khác trong sự riêng tư sâu xa, nơi vượt lên trên sự dễ dãi của các nhãn hiệu. Yêu thương là sự cụ thể còn ganh ghét thì trừu tượng mông lung. Một lần nữa, tôi dẫn lại lời của Graham Greene trong tiểu thuyết Quyền lực và Vinh quang: “Ganh ghét chẳng qua là một thất bại của trí tưởng tượng”. Giữa Phaolô và Phêrô có sự bất đồng mang tính cá nhân, nó căng thẳng nhưng lại là một cuộc gặp gỡ đích thực. Trên chính cuộc gặp gỡ đầy máu lửa nhưng rất thực tế này mà Tông Toà được thành lập. Chính những người ngấm ngầm, ngồi lê đôi mách, hành động ám muội, thì thầm đâu đó ngoài hành lang và che dấu chính mình bằng nụ cười giả dối mới là những người Phaolô không chịu nổi. Những xung đột,những  khác biệt về ý kiến cách công khai không phải là vấn đề!

    Có nhiều người cảm thấy mình bị loại trừ, bị gạt ra bênh lề Giáo hội chỉ vì chúng ta đã dán vào họ những nhãn hiệu trừu tượng: Họ là người ly dị, tái hôn, đồng tính, sống hôn nhân đa thê, người tị nạn, dân Phi châu hay thậm chí họ là Dòng Tên! Lần kia có người bạn bảo tôi: “Tôi ghét các nhãn hiệu. Tôi ghét việc người ta bị xếp loại. Tôi không chịu nổi mấy người bảo thủ”. Khi thực sự gặp gỡ ai đó, anh chị em có thể trở nên người biết giận, nhưng sự ghét bỏ thì không thể có được trong một cuộc gặp gỡ thật sự mang tính cá vị. Nếu anh chị em đưa mắt thoáng nhìn vào trong chính nhân vị của ai đó, anh chị em sẽ nhìn thấy Đấng dựng nên và duy trì sự hiện hữu của họ, Đấng đã xưng mình: “CHÍNH LÀ TÔI”.

    Nền tảng chắc chắn cho cuộc gặp gỡ yêu thương nhưng không chiếm hữu giữa chúng ta với người khác nằm ở cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Đức Giêsu tại giếng nước của chính mình, với những thất bại, yếu đuối và đam mê của bản thân. Chúa biết chúng ta như chúng ta là và làm cho chúng ta được tự do để gặp gỡ người khác bằng một tình yêu tự do, không đòi kiểm soát. Trong cầu nguyện thinh lặng, chúng ta được tự do.

    Người phụ nữ gặp được Đấng hoàn toàn thấu hiểu chị. Điều này thôi thúc chị thực hiện sứ mạng: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Chị đã từng sống trong cảnh tủi nhục, lẩn tránh, sợ hãi hàng xóm soi mói. Chị đến kín nước giữa buổi trưa nóng bức chỉ vì lúc đó giếng nước không có người. Nhưng chính vào thời điểm này, Đức Giêsu cho chị thấy tất cả, về chính chị và về tình yêu dành cho chị. Ađam và Evà sau khi phạm tội đã lẩn trốn cái nhìn của Thiên Chúa vì xấu hổ. Người phụ nữ lúc này đã bước ra ánh sáng. Đào tạo cho tính “hiệp nghị” giúp chúng ta bỏ đi lớp giả trang và mặt nạ mà nhờ đó chúng ta bước vào trong ánh sáng. Hy vọng điều này sẽ xảy ra nơi các nhóm nhỏ họp ở đây!

    Nếu thực hiện được điều này, chúng ta sẽ có thể làm trung gian cho niềm vui thích không chiếm hữu của Thiên Chúa, nơi mà mỗi người chúng ta không còn xấu hổ. Tôi không bao giờ quên được một phòng khám dành cho người Siđa tại ngoại ô thủ đô Harare của Zimbabwe với cái tên “Mashaambanzou”, nghĩa là “đã tới giờ voi đi tắm”, tức lúc bình minh. Đó là thời điểm bọn voi xuống dưới sông tắm, dùng vòi phun nước lên người của mình và của nhau. Chúng vui chơi đùa giỡn vào giờ đó. Tại phòng khám, các bệnh nhân tại hầu hết trẻ tuổi. Các em không còn sống được lâu nữa nhưng phong khám là nơi của niềm vui. Tôi nhớ nhất cậu thanh niên tên Courage, người đã làm cho cả căn phòng tràn ngập tiếng cười. Tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, tôi cũng đi thăm một nơi khác dành cho người Siđa sắp chết. Chỗ này do một linh mục tên Jim quản lý. Cha và các nhân viên ra đường gom những bệnh nhân Siđa sắp chết về cái nhà gỗ đơn sơ của họ. Lúc đó có một thanh niên vừa được mang tới. Anh ta gầy còm hốc hác ra như không còn sống bao lâu nữa. Ngươi ta tắm rửa rồi cắt tóc cho anh và khuôn mặt anh lúc này tươi tỉnh hẳn. Anh chàng kia là con của Chúa, anh là người Chúa Cha hài lòng!

    Khi các môn đệ mang thức ăn trở về, họ bị sốc khi thấy Đức Giêsu đang nói chuyện với một phụ nữ. Trong Kinh Thánh, bờ giếng là một nơi lãng mạn để gặp gỡ! Cuộc đối thoại bắt đầu hết sức chậm rãi như cuộc đối thoại trước với người phụ nữ, với chỉ có hai từ: “(Mời) thầy ăn”. Nhưng người phụ nữ đã trở thành người rao giảng trước cả các môn đệ. Vai trò của các linh mục chúng ta thường là để trợ giúp những người vốn đã gặt hái trước cả khi chúng ta thức dậy.

    Chuyển ngữ: Tôma Trần Hiệu, OP.

    Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.

     

    [1] Hallowing the Time:Meditations on the Cycle of the Christian Liturgy, Darton, Longman and Todd, London, 1980, p.83.

    [2] Revelations of Divine Love, chapter 31

    [3] ND: “Chính là Tôi” (egô emi, Ta là) là một mặc khải về căn tính của Đức Giêsu. Kiểu nói “egô emi” là kiểu nói long trọng xác nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Kiểu nói này còn gợi về tước hiệu “egô emi” không có bổ túc từ, xuất hiện ở Ga 8,24.28.58; 13,19 mô tả thần tính của Đức Giêsu và đây còn là danh xưng của ĐỨC CHÚA trong Cựu Ước ở Is 48,12: “Hãy nghe Ta, hỡi Giacóp, hỡi Ítrraen, kẻ Ta dã gọi! Ta vẫn là Ta, Ta là (egô emi) khởi nguyên, Ta cũng là (egô emi) cùng tận.” (x. Giu-se Lê Minh Thông, OP, Chú giải Tin Mừng Gio-an, Tập 3. Ga 4,1 – 5,47, (Hà Nội: Hồng Đức, 2023), tr. 202-203.)

    [4] ND: Thánh Romanus the Melodist, một nhà thần học và thi sĩ gốc Syria. Ngài là người sáng tác các thánh thi Byzantine vào cuối thế kỉ thứ V. Ngài được tôn kính trong các giáo hội Chính Thống, Công giáo và Armenia.

    [5] Cant. 10, quoted by Simon Tugwell OP, Reflections on the Beatitudes, Darton, Longman and Todd, London, 1980, p.101

    [6] Placid Conway OP, St Thomas Aquinas, Longmans Green, London 1911, p.88

    [7] Virgil Elizondo Charity New York 2008 p.22

    [8] Breviary Reading for the Feast: Confessions, Bk 10, xxvii (38).

    Bài viết liên quan