Là một người đã trải nghiệm về Thiên Chúa, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng tĩnh tâm. Qua mười hai bài giảng của mình, Cha đã giúp cho chị em khởi đi từ tình trạng tâm hồn mình, khơi lên cho chị em lòng khao khát Chúa, ý thức mình yếu đuối, cảm nếm lòng khoan dung của Thiên Chúa, nhận biết những khó khăn sẽ gặp phải và lời mời chung chia sứ mạng, ý thức làm mới lại tiếng thưa ‘xin vâng’ ngày nào. Đôi dòng vắn tắt xin lược qua nội dung các bài giảng như sau:
Tiếng gõ cửa tâm hồn (Kh 3, 20): Một tiếng gõ tuy vô thanh, nhưng nếu ta thao luyện thì tâm hồn ta sẽ có sự nhạy bén để nghe được tiếng Ngài. Việc mở cửa hay không còn phụ thuộc vào ta, tình yêu luôn luôn mang tính tự nguyện. Nếu ta không mở thì làm sao Chúa vào nhà tâm hồn ta được, Ngài luôn tôn trọng và không ép buộc ta.Vậy làm sao để khi ta nghe thấy tiếng gõ cửa của Chúa, thì can đảm mở cửa cho Chúa, để ánh sáng Ngài chiếu rọi vào mọi góc trong tâm hồn ta? Bởi sự lớn lên của một tâm hồn hoàn toàn lệ thuộc vào sự hiện diện của Chúa nơi họ. Bài giảng gợi lên lòng khao khát muốn được đón Chúa vào nhà mình. Đón rồi thì sao? Cha tiếp tục dẫn chị em tới việc phải ở lại với Người.
Ở lại với Người (Ga 1, 35-39; 15, 1-10): Các môn đệ đã đến với Chúa, ở và ở lại suốt đời với Chúa. Kinh nghiệm của ta đến với Chúa là con đường có khởi đầu và tiếp tục hành trình nhưng không có điểm dừng, bởi ta chẳng bao giờ có thể khám phá hết được tình yêu của Chúa. Ý giảng giúp chị em xác định lại động lực đi theo Chúa của mình. Để thấy rõ hơn ta đi tìm gì hay tìm chính Chúa? Muốn theo Chúa, thì người ta không thể không đến – đến là điều kiện để ta có thể xem. Đến trong đời sống tâm linh là một sự di chuyển từ cái tôi đến tha nhân. Biết đặt người khác ở vị trí trung tâm, vì người ta chỉ có thể gặp được Chúa khi ra khỏi chính mình. Ở lại trong Chúa để ta có thể khám phá ra con người thật của mình. Khi có Chúa trong mình thì mọi sự sẽ trở nên nhẹ nhàng siêu thoát.
Bình tâm và siêu thoát (Mc 10, 17-22): Là hai thái độ căn bản giúp ta vượt mọi khó khăn. Muốn được như thế ta phải tập luyện để làm chủ cuộc đời mình, tổ chức cuộc đời mình cho có trật tự, biết hướng về Chúa, biết tìm kiếm và chu toàn thánh ý Chúa trong từng giây phút đời mình. Bình tâm là tự do thiêng liêng khi chọn Chúa, dám chọn Ngài làm gia nghiệp cho mình. Từ sự bình tâm này ta mới có thể nhận ra mình và hiểu hơn lòng thương xót Chúa dành cho ta.
Lòng thương xót đầy khoan dung và tha thứ (Ga 8, 2-11): Khi ta phạm tội, dù người khác không biết thì Chúa vẫn biết, chính Chúa là người bắt quả tang mỗi lần ta phạm tội, nhưng Chúa luôn kiên trì chờ đợi ta hối cải. Ta phải tập sống trước nhan Chúa, tập thống nhất cuộc sống mình. Là người đi theo Chúa, ta có một giao ước tình yêu, vậy những lúc ta đi tìm một thụ tạo nào khác thì ta cũng đang rơi vào tình trạng phạm tội rồi. Lòng xót thương của Chúa đã làm cho người phụ nữ đang ở giữa vòng khép tội được vào giữa một không gian tâm linh, giữa lòng Chúa thương xót. Chị được bao bọc bởi tình yêu của Chúa. Chúa không kết án chị, Chúa tha thứ cho chị và mời gọi chị lên đường, đường của lòng thương xót Chúa đã mở ra cho chị. Nếu chúng ta cũng trải nghiệm được lòng thương xót của Chúa dành cho ta thì lẽ nào ta có thể làm ngơ trước tiếng gọi tình yêu của Ngài?
Tiếng gọi tình yêu (Mc 1, 16-20): Tiếng gọi của con tim cũng phải được đáp trả bằng con tim. Tiếng Chúa gọi các môn đệ ngày xưa cũng là tiếng Chúa gọi ta hôm nay, để nên bạn đường với Chúa, san sẻ sứ vụ của Ngài. Sứ vụ mang lửa vào thế gian và làm cho lửa ấy bùng lên. Ngọn lửa ta đã lãnh nhận ngày ấy hôm nay thế nào? Còn sáng còn nóng không? Ta có xác tín là chính Chúa gọi ta, trao lửa cho ta? Bởi nếu không có niềm xác tín này ta sẽ không thể vượt qua khó khăn để đi tới mà trao lửa yêu cho người khác. Khi ta không còn thuộc về ta nhưng thuộc về Chúa hoàn toàn thì Chúa sẽ hoạt động nơi ta. Nếu ta để Chúa chiếm đoạt ta thì Chúa sẽ biến đổi ta. Ở lại với Ngài để được Ngài sai đi. Ta nhận lệnh truyền đó với thái độ nào? Có trong thái độ vâng phục không?
Ba lời thưa “Xin Vâng” (Ga 1, 1-4; 14-18; Lc 1, 26-38; Mt 1, 18-25): Công trình cứu chuộc của Chúa khởi đi từ tiếng ‘xin vâng’ của Ngôi Lời trong sứ mạng nhập thể của Người. Hai tiếng ‘xin vâng’ của hai thụ tạo đầu tiên được mời gọi cộng tác đó là lời thưa vâng của Đức Maria và của thánh Giu se. Để thưa vâng Mẹ đã phải rất can đảm, phó thác tương lai của mình trong tay Chúa. Mẹ mở toang trái tim mình để Chúa đi vào, để Người tự do làm theo ý mình. Một lời thưa vâng đầy khó khăn thử thách và gian nan. Lời vâng của thánh Giuse là một lời vâng không hề dễ dàng bởi đó là lời vâng không có đối thoại – lời vâng trong đêm tối của đức tin. Vậy trong cơn thử thách đâu là con đường hay hướng sống mà tôi phải chọn?
Con đường Giêsu và con đường Satan (Mt 7, 13-14; 4, 1-11): Con đường Giê su có những nguyên tắc riêng: đường chật, cửa hẹp. Con đường hẹp đòi ta phải hy sinh, hãm dẹp thân xác. Đường Satan là đường dễ dãi, thuận theo những cám dỗ của bản tính tự nhiên; là đường mưu mô, xảo quyệt, ngụy biện và lừa dối. Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu phút hồi tâm, thiếu mối tương quan với Chúa thì ta sẽ dễ dàng hướng bước trên đường của Satan. Mỗi ngày tôi đang bước đi trên đường nào? Lúc này tôi đang trên đường nào?
Nhận định để tìm thánh ý Chúa (Mt 7, 21-23): Quyết định cam go nhất của Chúa Giêsu là trong vườn Cây Dầu. Để có thể đi đến việc thuận theo thánh ý Chúa Cha, Chúa Gêsu đã phải chiến đấu rất quyết liệt với chính mình. Làm theo ý Chúa là điều cần thiết. Nhưng để biết ý Ngài ta phải có một tâm hồn sạch tội và khao khát kiếm tìm Thiên Chúa. Tám yếu tố thiết yếu cần áp dụng khi phải quyết định một điều quan trọng nào đó đối với mình: phân biệt tình cảm lệch lạc, nhận biết tình trạng thiếu bình tâm, gọi tên điều ta đang vướng mắc, lấy lại sự bình tâm, lựa chọn, cách thức giúp ta lựa chọn, xin ơn chuẩn nhận, dấu hiệu của sự chuẩn nhận. Nếu là thánh ý Chúa thì chắc chắn sự lựa chọn của ta sẽ cho ta được bình an và sẽ sinh hoa trái trong đời sống sứ vụ.
Thánh thể và phục vụ (Ga 13, 1-17; Lc 22, 19-20. 24-27): Yêu là cho đi tất cả những gì mình có để người khác được sống dồi dào hơn. Chính Chúa nơi bí tích Thánh thể đã tự hiến hoàn toàn cho ta vì yêu. Chúa dạy ta không chỉ yêu người khác như chính mình nhưng phải yêu người khác như Chúa đã yêu ta. Chúa không chê sự yếu lòng nơi Phêrô, Chúa không xa lánh sự phản bội của Giuđa. Nhưng Chúa rửa sạch những vết nhơ tội lỗi ấy, Chúa lấy tình yêu mà thức tỉnh lương tâm các ông.
Con đường tình yêu (Lc 23, 26-46): Con đường của những giọt nước mắt chảy ngược vào trong, giọt nước mắt ăn năn thống hối vì lỗi lầm của mình. Ta phải học cách đón nhận đau khổ như Chúa để qua đau khổ hoa trái ân phúc được phát sinh (x.Ga 16,21). Trong vườn cây Dầu Chúa tỏ ra sợ hãi nhưng không tránh né. Chúa không giải thích tội lỗi và sự dữ từ đâu mà ra, nhưng Ngài mang lấy cả mà đưa lên cây thập giá. Tình yêu của Chúa được thể hiện trọn vẹn qua con đường thương khó, không gì có thể đo được tình yêu của Chúa dành cho ta. Ơn gọi thánh hiến mời ta hiệp thông với Chúa trong tình yêu, để Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài.
Chúa phục sinh ở cùng chúng ta (1Cr 15, 20-21; Lc 24, 13-35): Thập giá không phải là cùng đích, đau khổ không phải là mục tiêu để ta nhắm tới, nhưng phải qua thập giá và đau khổ thì ta mới đến được vinh quang. Chúa Ki tô là nền tảng bảo đảm cho ta về sự sống đời sau và màu nhiệm Phục sinh mở ra cho chúng ta một không gian trải rộng đến vô biên. Nếu cái đẹp đời này là cái đẹp của thể lý, thì cái đẹp đời sau là cái đẹp của ân sủng. Chúa đồng hành với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, Chúa lắng nghe họ, Chúa gợi chuyện để họ có cơ hội mà giãi bầy nỗi lòng, Chúa giúp họ đi xuống tân đáy sâu trong tâm hồn họ và rồi Ngài chiếu sáng cho họ từ nơi sâu nhất ấy bằng ánh sáng đức tin, bằng cái nhìn của Thiên Chúa. Chúa chấp nhận đi vào ngả rẽ của họ, là ngõ cụt của họ để tiếp tục mở lòng cho họ. Để rồi, sau việc bẻ bánh, Chúa không còn đó với họ, nhưng trong họ đầy ắp Chúa, đầy ắp ánh sáng của niềm tin, của tình yêu và ân sủng. Tôi có dám mở lòng ra để Ngài đi vào ngõ cụt đời tôi và kéo tôi ra khỏi đó không?
Cộng đoàn hiệp thông trong sứ vụ (Ga 21, 1-17): Qua hình ảnh cộng đoàn môn đệ ‘còn sót lại’ sau khi Chúa chịu đóng đinh. Họ còn ở lại cùng với nhau không phải vì có cùng sở thích hay nghề nghiệp, họ ở lại cùng nhau vì họ cùng được gặp Chúa, cùng được Chúa gọi, Chúa chọn, chia sẻ sứ mạng với Chúa và đặc biệt là họ họ đã từng sống với Chúa ba năm. Họ hiệp nhất một lòng một ý, mọi người đều hưởng ứng khởi xướng của Phêrô, cùng nhau đi đánh cá. Mệt mà không bắt được gì, họ vẫn cùng nhau chung chia sự không may đó. Và phép lạ đã xảy ra khi có sự hiệp nhất. Chúa không hỏi người theo Chúa phải có khả năng chuyên môn, nhưng Chúa hỏi về mối tương quan, về lòng mến, về tình yêu mà họ dành cho Chúa. Lời Ngài lại tiếp tục vang gọi chúng ta: ‘Hãy theo Thầy!’.
Lạy Chúa, thời gian trôi đi nhanh quá, khiến chúng con ngỡ ngàng tiếc nuối vì muốn kéo dài thêm thời gian được lắng lòng bên Chúa. Cám ơn Chúa đã khơi lên trong chúng con lòng khao khát Chúa, niềm xác tín về sự hiện diện âm thầm nhưng đầy yêu thương của Chúa trong mọi biến cố đã xảy ra trong cuộc đời. Cám ơn Chúa đã cho chúng con có thời gian để nhìn lại, để làm mới quyết tâm tiếp tục cuộc hành trình trong sự tự do, tự nguyện và mong được chia sẻ sứ mạng của Chúa. Cám ơn Chúa đã cho chúng con ý thức lại thân phận yếu đuối mỏng giòn của mình, cho chúng con biết chúng con luôn cần đến Chúa. Cám ơn Chúa đã soi sáng để chúng con hiểu và yêu hơn nét đẹp của đời thánh hiến mà chúng con đang sống. Xin cho chúng con biết nhận ra lòng thương xót của Chúa và sống xứng với ơn Ngài ban. Xin Chúa ban muôn ơn cho Cha giảng phòng và quý chị em đã phục vụ chúng con trong suốt tuần qua.
Nhóm Linh thao 2017- Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 120 | Tổng lượt truy cập: 4,165,356