Bài giảng lễ của Đức Thánh Cha cho Lễ Lá, được Đức Hồng y Leonardo Sandri đọc.
“Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa !” (Lc 19,38). Đó là lời tung hô của đám đông dành cho Chúa Giêsu khi Người tiến vào thành Giêrusalem. Đấng Cứu Thế đi qua cánh cổng thành thánh, mở rộng để nghênh đón Người mà chỉ vài ngày sau sẽ bị đưa ra như một kẻ bị nguyền rủa và bị kết án, vác lấy thập giá.
Hôm nay, chúng ta cũng đã theo chân Chúa Giêsu, trước tiên là trong cuộc rước long trọng, rồi sau đó là trên con đường khổ nạn, khởi đầu Tuần Thánh để chuẩn bị tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa.
Khi nhìn vào đám đông, từ khuôn mặt của những người lính đến những giọt nước mắt của các phụ nữ, sự chú ý của chúng ta bị thu hút bởi một nhân vật bí ẩn, người đột ngột xuất hiện trong Tin Mừng: ông Simon thành Kyrênê. Quân lính “bắt ông vác thập giá đi sau Chúa Giêsu” (Lc 23,26). Ông vừa từ ngoài đồng về, tình cờ đi ngang qua và bị cuốn vào một biến cố khiến ông phải vác lấy những thanh gỗ nặng trên vai.
Trên hành trình tiến lên Núi Sọ, chúng ta hãy dừng lại suy niệm về hành động của ông Simon, tìm hiểu con tim của ông, và bước theo bước chân của ông bên cạnh Chúa Giêsu.
Trước hết là hành động của ông, một hành động đầy nghịch lý. Một mặt, Simon bị ép buộc vác thập giá: ông không giúp Chúa Giêsu vì lòng tin, mà vì bị bắt buộc. Mặt khác, ông trở thành người trực tiếp tham dự vào cuộc thương khó của Chúa. Thập giá của Chúa Giêsu trở thành thập giá của Simon. Nhưng đây không phải là Simon Phêrô, người đã hứa sẽ theo Thầy đến cùng. Simon ấy đã biến mất trong đêm phản bội, sau khi tuyên bố: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng" (Lc 22,33). Giờ đây, theo sau Chúa Giêsu không phải là môn đệ, mà là người Kyrênê này. Thế nhưng, Chúa đã dạy rõ ràng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Simon người Galilê nói mà không làm. Simon người Kyrênê làm mà không nói: giữa ông và Chúa Giêsu không trao đổi lời nào, chỉ có khúc gỗ thập giá.
Để biết liệu người Kyrênê đã giúp đỡ hay oán ghét Chúa Giêsu kiệt sức, người mà ông phải chia sẻ hình phạt, để hiểu ông vác thập giá với thái độ nào, chúng ta phải nhìn vào trái tim của ông. Khi trái tim Thiên Chúa sắp mở ra, bị đâm thâu bởi nỗi đau biểu lộ lòng thương xót, thì trái tim con người vẫn khép kín. Chúng ta không biết điều gì ẩn chứa trong trái tim người Kyrênê. Hãy đặt mình vào vị trí của ông: chúng ta cảm thấy giận dữ hay thương cảm, buồn bã hay khó chịu? Nếu nhớ lại những gì Simon đã làm cho Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy nhớ những gì Chúa Giêsu đã làm cho Simon – cũng như cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta – Người đã cứu chuộc thế gian. Thập giá bằng gỗ mà người Kyrênê vác, chính là thập giá của Đức Kitô, Đấng gánh tội lỗi của nhân loại. Người vác nó vì yêu thương chúng ta, trong sự vâng phục Chúa Cha (x. Lc 22,42), chịu khổ với chúng ta và vì chúng ta. Đây chính là cách thức bất ngờ và gây chấn động mà người Kyrênê được tham dự vào lịch sử cứu độ, nơi không ai là người xa lạ, không ai bị bỏ rơi.
Vậy chúng ta hãy theo bước chân của Simon, vì ông dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu đến với mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi chứng kiến vô số người bị hận thù và bạo lực ném vào con đường lên Núi Sọ, chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa biến con đường này thành nơi cứu độ, vì Người đã đi qua đó bằng cách hiến mạng sống mình cho chúng ta. Biết bao người Kyrênê đang vác thập giá của Đức Kitô! Chúng ta có nhận ra họ không? Chúng ta có thấy Chúa hiện diện trên khuôn mặt họ, tan nát vì chiến tranh và đói nghèo không? Trước sự bất công tàn khốc của sự dữ, vác thập giá của Đức Kitô không bao giờ là vô ích, trái lại, đó là cách cụ thể nhất để chia sẻ tình yêu cứu độ của Người.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu trở thành đồng lòng trắc ẩn khi chúng ta giơ tay trợ giúp người kiệt sức, nâng đỡ kẻ ngã quỵ, ôm lấy người tuyệt vọng. Anh chị em thân mến, để cảm nghiệm phép lạ vĩ đại của lòng thương xót này, trong Tuần Thánh, chúng ta hãy chọn cách vác thập giá: không đeo trên cổ, nhưng trong trái tim. Không chỉ vác thập giá của mình, mà còn của những người đang đau khổ bên cạnh chúng ta; có lẽ là người xa lạ “tình cờ” – nhưng có thực sự là tình cờ không? – mà Người đã đưa đến gặp gỡ chúng ta. Chúng ta hãy chuẩn bị mừng sự Phục Sinh của Chúa bằng cách trở nên những người Kyrênê cho nhau.
Vào cuối thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường để chào các tín hữu hiện diện trong Thánh Lễ. Vì vẫn còn yếu nên ngài chỉ chào các tín hữu một câu ngắn: Mừng Chúa Nhật Lễ Lá! Chúc anh chị em Tuần Thánh sốt sắng!
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 34 | Tổng lượt truy cập: 6,509,604