Viết về Hội Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình

  • 29/12/2021 19:25
  • Đôi lời cảm nhận của Đức ông Giuse Phạm Xuân Thắng về Hội Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình. Cộng đoàn các Dì Phước Đa Minh Thái Bình đã hiện diện ở Thái Bình từ rất lâu rồi. Các Bà quy tụ thành những cộng đoàn nhỏ, rải rác, sống theo tôn chỉ và chiều hướng tông đồ phục vụ trong tinh thần Truyền giáo. Họ sống chủ đích là khó nghèo, tự lực cánh sinh làm tông đồ bác ái. Tự huấn luyện mình để trưởng thành trong khói lửa! Cuộc sống tu trì thời bấy giờ nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ; nhiều ngày cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có những lúc tự do không có để được sống với quyền làm người.

    VIẾT VỀ HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH


    Đức ông Giuse Phạm Xuân Thắng, người con quê lúa Thái Bình sống tại Mỹ, viết lên tâm tình của mình về chị em Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình khi Đức ông có dịp về thăm quê hương. Đáp lời mời của Đức Cha cố Phanxicô Savie Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình. Năm 1993 tôi đến Thái Bình vào một buổi tiết trời se lạnh. Nơi đây vừa vào những ngày trời lập đông. Buổi chiều tà mùa đông lại thêm những áng mây đang vần vũ kéo về giăng kín khung trời. Bầu trời như một tấm màn màu xám tro, báo hiệu cơn mưa giông sắp đến! Ký ức về chuyến thăm lần đầu tìm về nơi chôn nhau cắt rốn vẫn còn in sâu trong tâm trí của tôi đến ngày nay. 

    Bữa cơm tối hôm đó được tổ chức tại nhà ăn ở dãy nhà đằng sau trong khuôn viên Tòa Giám Muc Thái Bình. Có khá đông các Cha ở các Giáo xứ lân cận gần nhà Thờ Chính tòa trong Giáo hạt thành phố Thái Bình. Cùng một số các Thầy già và các Chú đang sinh sống và làm việc tại Tòa Giám Mục. 

     

    Điều ngạc nhiên tôi lấy làm lạ, là sự hiện diện của các Bà Phước tuổi đã cao cũng có mặt trong bữa cơm. Tò mò hỏi Đức Cha và Ngài tâm sự, cho biết lý do về sự hiện diện của các Dì Phước sinh sống nơi dãy nhà ngang của Tòa Giám Mục như sau: Cộng đoàn các Dì Phước Đa Minh Thái Bình đã hiện diện ở Thái Bình từ rất lâu rồi! (Cả một trăm năm trước). Các Bà quy tụ thành những cộng đoàn nhỏ, rải rác và sống theo tôn chỉ và chiều hướng tông đồ phục vụ trong tinh thần Truyền giáo. Họ sống chủ đích là khó nghèo, tự lực cánh sinh làm tông đồ bác ái, sống cuộc đời bác ái, yêu thương: vị tha, vô vị lợi, không điều kiện, không đòi trả lại! Tự huấn luyện mình để trưởng thành trong khói lửa! Vẫn biết rằng cuộc sống thời bấy giờ rất khó khăn về mọi mặt. Cuộc sống tu trì thời bấy giờ nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ; nhiều ngày cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có những lúc tự do không có để được sống với quyền làm người. 

    Không biết thực hư ra sao nhưng nghe một Dì lớn tuổi thời đó tâm sự, đi tu thời đó là tội - cái tội đối với xã hội! Các Dì khởi sự đời tu thật gian nan, nhưng vẫn tâm nguyện: Vạn sự khởi đầu nan, gian nan không sờn chí! Sướng khổ là do ta, tự tâm ta quyết định! Dẫu đời có đắng cay, phải nỗ lực vượt qua. Với ý chí kiên cường và lòng quả cảm nên các Dì đã trải qua được những phong ba bão tố cuộc đời !

    Biến cố lịch sử  của năm 1954, Hiệp định Geneve ký kết chia cắt, đất nước ta thành hai miền Nam – Bắc! Lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới và cầu Hiền Lương trên dòng Sông Bến Hải, dùng rào chặn giữa cầu làm điểm mốc, làn ranh phân chia hai miền!  Dòng Sông Bến Hải từ đó u buồn vắng tiếng gái giặt. Ngay sau Hiệp định ký kết; một làn sóng di cư vĩ đại của người miền Bắc di cư vào Nam làm thay đổi cục bộ cuộc sống của người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam!  Trong làn sóng di cư, chúng ta nhận thấy hình ảnh một số đông các Linh mục, Tu sĩ nam nữ Công giáo đi theo đoàn chiên rời bỏ quê cha đất tổ vào Nam. Hiện tượng này có thể nói là một cuộc xóa sổ của nhiều Dòng tu miền Bắc thời đó. Vì hầu hết Tu sĩ Nam Nữ trong các Dòng di cư vào Nam. Các Dì của Nhà Phước Thái Bình cũng nằm trong dòng người Di cư đó. Gần như toàn bộ nhà Phước lên đường Nam tiến! Chỉ còn lại vài Dì lớn tuổi tình nguyện ở lại để giữ nhà, giữ đất. Cuộc nội chiến tương tàn trên hai mươi năm kết thúc vào năm 1975, đánh dấu một trang sử mới cho Dân tộc Việt Nam. Ngày Hai Miền Nam Bắc Thống nhất.

    Ngay sau ngày Thống nhất, một cảnh tượng trái ngược, khi mà một số đông người miền Bắc tìm cách vào Nam lập nghiệp, tìm cách thay đổi cuộc sống! Người ta lại nhận thấy một số các Tu sĩ Nam Nữ lục tục hồi hương về Bắc! Tìm về cội nguồn, trở lại cái nơi ban đầu của cuộc đời dâng hiến!

    Như đã trình bày nơi phần khởi đầu của bài viết, cuộc viếng thăm lần đầu tiên ở Thái  Bình năm 1993. Lần đầu tiên được gặp và tiếp xúc cũng tìm hiểu với các bà Phước ở dãy nhà đằng sau Tòa Giám Mục. Lúc đó có khoảng 10 Dì hầu hết đã cao niên, đang sinh sống và làm việc! Bẵng đi 17 năm sau; trở lại Thái Bình, tôi tìm đến Tòa Giám Mục  với mục đích là thăm lại các Dì. Nhưng hỡi ôi! Cảnh cũ còn đây mà người đâu tá?. Nhà phước Thái Bình giờ không còn nữa mà đã được thay ngôi, đổi chủ. Nhà Phước Thái Bình thay hình đổi dáng trở thành Hội Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình. Nhà Mẹ của Hội Dòng Nữ Đa Minh đã di chuyển sang phía bên kia cầu Bo, chiếc cầu nổi tiếng của Tỉnh Thái Bình bắc qua dòng sông Trà Lý. Tôi đến tìm các Dì phước không được, nghe nói hơn một nửa các Dì già trước đây đã: Giã từ quán trọ cuộc đời, chỉ còn lại ba bốn Dì.

    Một năm sau trở lại thăm Đức Cha Sang, khi chào Ngài ra về Đức Cha nói: “ngày mai Hội Dòng Đa Minh mừng Kỷ niệm 9 năm thành lập, Ngài mời tôi trở lại đi đến dâng lễ Tạ ơn của nhà dòng với Ngài”. Tôi ngạc nhiên đến độ sững sờ, khi nhìn thấy số rất đông đảo của các Nữ tu Đa Minh hiện diện trong lễ mừng hôm đó. Lễ xong có dịp ngồi nói chuyện với Dì Bề trên Tổng quyền lúc đó là Soeur Maria Ngô Thị Hạnh. Mới biết được diễn tiến và sự hình thành Hội dòng Đa Minh Thái Bình.

     

    Nhìn lại quá trình hình thành và xây dựng Hội Dòng Đa Minh Thái Bình. Với biết bao gian nan thử thách, gian truân và khó khăn của thời cuộc mà Hội Dòng đã trải qua. Chúng ta thành tâm ghi nhận: "Nhờ sự quan phòng và an bài của Lòng Chúa thương xót! Hội dòng Đa Minh Thái Bình như một hạt cải được gieo nơi cánh đồng truyền giáo Thái Bình. Vậy mà mới chỉ một thời gian rất ngắn (9 năm) nhờ mưa thuận gió hòa nay trở thành một cây đại thụ cành lá xum xuê cho chim trời (những Bồ câu trắng) đến làm tổ. Thành quả đó chỉ có được nơi những tâm hồn của người nữ tu Đa Minh hiền lành luôn biết phó thác vào Chúa và cố gắng góp công góp sức cho công cuộc hình thành Hội dòng. Các Dì luôn ý thức là phó thác vào Chúa chứ không phó mặc cho Ngài. 

    Chỉ trên dưới 20 năm, khởi sự với con số đếm trên đầu ngón tay, vậy mà ngày nay số các Nữ tu giờ đã xít soát 200. Ta chỉ có thể hát lên câu: "Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người". Nhìn lại những tháng ngày gian khó thưở ban đầu: Nguyên lo việc sinh nhai cho số đông người, trong thời kỳ gạo châu củi quế, nhà Dòng thời mới phôi thai đa số là các người trẻ tuổi, đang sức ăn, sức mặc! Về cuộc sống tu trì, nhân sự đào tạo không có, Đức Cha Địa phận phải gửi các chị em vào Nam để nhờ Dòng Nữ Đa Minh  Rosa Lima, Miền Mân Côi - Hố Nai đào tạo! Nhưng tháng ngày tha phương cầu thực, ăn đậu ở nhờ. Cuộc sống lang thang nơi xứ lạ quê người, nay Hố Nai mai Củ Chi, mốt Thủ Đức. Cuộc sống chẳng khác gì dân du Mục! Đời sống buồn tủi với giá lạnh xâm chiếm bởi sầu rộng thương dài! Các chị em mặc dầu phải xa mặt nhưng không cách lòng. Những buổi chiều tà, khi hoàng hôn buông xuôi, sau lời kinh đêm lòng trí họ, tâm hồn lại luôn hướng về miền Bắc xa xôi ấy, mong sớm được trở về đất mẹ: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau, hướng về quê Mẹ ruột đau chín chiều"! .

    Những ngày tháng xa quê, những người Nữ tu trẻ luôn ý thức và nỗ lực vun trồng kiến thức với châm ngôn: "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời". Để gặt hái được thành quả tốt đẹp họ luôn nhắc nhở, khuyến khích nhau: "muốn giúp người, giúp đời, giúp Hội dòng sinh tồn và phát triển, trước hết phải giúp mình!" Muốn cho đi thì phải có cái để cho, không ai cho cái mình không có được! Nhờ nhận thức và quyết tâm sống và học tập tốt họ đã vượt khó và đạt tới thành công như ngày nay. Một điều người viết rất tâm phục, khẩu phục về tình thương yêu??? và sự đoàn kết cùng lý tưởng sống quên mình của các Nữ tu Đa Minh Thái Bình. Họ hy sinh, chấp nhận nhau??? khi vui cũng như lúc buồn. Luôn sống vui vẻ, hồn nhiên và tin tưởng, phó thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa! Vẫn biết cuộc sống không thể không có những khó khăn, va chạm  vì “10 người 10 ý”, chỉ có tình yêu thương, quên mình  mới  hòa giải được những rào cản, khó khăn trong đời sống Cộng đoàn của người tu sĩ.

     Như một lời kết: Nhìn vào những thành quả hiện tại, chúng ta vui mừng, lạc quan và tin tưởng để có thể nói với nhau rằng:  Đất Thái Bình chưa khô, lúa chưa muộn, cánh đồng truyền giáo của Hội Dòng Đa Minh nơi đây đang hứa hẹn một mùa lúa bội thu! Deo Gracias! 

    Pax Christi!
    Đức ông Giuse Phạm Xuân Thắng

     

    Bài viết liên quan