Marie Duhamel và Linda Bordoni
Thật vậy, ngày 13/1/2003, trong bài phát biểu trước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra lời kêu gọi ngăn chặn mối đe dọa của cuộc chiến tranh mà sau đó đã giáng xuống người dân Iraq; ngài nói: “Chiến tranh không bao giờ được coi là một phương tiện giống như bất kỳ phương tiện nào khác, được sử dụng để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.” Ngài khuyến cáo đừng phớt lờ những hậu quả mà một cuộc xung đột sẽ gây ra “trong và sau các hoạt động quân sự.” Lời kêu gọi cũng được nhắc lại trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 16/3 sau đó, khi “đối mặt với những hậu quả khủng khiếp mà một chiến dịch quân sự quốc tế sẽ gây ra cho người dân Iraq và cho sự cân bằng của toàn bộ khu vực Trung Đông, vốn đã đau khổ rất nhiều, cũng như đối với những chủ nghĩa cực đoan có thể xảy ra”, ngài nói với thế giới: “Vẫn còn thời gian để đàm phán; vẫn còn chỗ cho hòa bình; không bao giờ là quá muộn để hiểu nhau và tiếp tục đàm phán.”
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Feloni đã nhớ lại tình cảnh của Iraq khi cuộc chiến xảy ra và tình trạng vô chính phủ sau chiến tranh, với một trong những hậu quả là sự ra đời của nhóm Nhà Nước Hồi giáo - ISIS. Về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y nói rằng Đức Thánh Cha “đã mở ra những cánh cửa và cho thấy rằng có thể đối thoại.”
** Thưa Đức Hồng Y, vào ngày 20/3/2003, Hoa Kỳ đã bắt đầu can thiệp quân sự vào Iraq. Ngài đã ở đó hàng tháng trời và nhìn thấy chiến tranh đang đến. Ngài đã trải nghiệm tất cả những điều này như thế nào? Thực tế của cuộc xung đột này là gì?
- Cảm giác của tất cả chúng tôi, những người ở Iraq, đó là một sự chết chóc, nghĩa là chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc nghe những quyết định từ bên trên, những điều có thể dẫn đến chiến tranh và chúng tôi chỉ là nạn nhân. Chúng tôi đã phải gánh chịu nó! Đây là nhận thức của những người tôi đã gặp. Tất cả họ đều chờ đợi điều gì sẽ xảy ra. Không ai biết chiến tranh sẽ ra sao, bom đạn, đụng độ, chuyện gì sẽ xảy ra… Người ta tích trữ gạo, bánh mì, nhưng không ai biết chính xác nó sẽ kết thúc như thế nào và làm thế nào để đối phó với các cuộc ném bom mà chúng tôi không biết chúng sẽ xảy ra ở đâu, như thế nào hoặc khi nào.
** Vì vậy, người dân đã không còn hy vọng cho hòa bình …
- Tất cả các khả năng đã biến mất. Đức Giáo hoàng (Gioan Phaolô II) đã nói và không ai lắng nghe ngài, Liên Hiệp Quốc đã đứng về phía ủng hộ chiến tranh, ở châu Âu có nhiều ý kiến khác nhau về chiến tranh, nhưng quyết định đã có vài ngày trước đó ở Azores giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Aznar (của Tây Ban Nha) và sau đó là Thủ tướng Blair của Anh, những người đã quyết định cách thức và thời điểm tấn công. Chúng tôi chỉ là nạn nhân của thực tế này. Về phía giới lãnh đạo Iraq, đã có thiện chí. Ít nhất họ đã luôn bày tỏ với tôi ý định có thể đối thoại. Nhưng họ chỉ yêu cầu một điều: chúng ta không được hạ bệ sỉ nhục các lãnh đạo, sau đó chúng ta có thể thương lượng mọi thứ. Điều này cũng không được chấp nhận...
** Và người dân đã chỉ chờ đợi cuộc chiến bắt đầu…
- Vâng, chúng tôi đã sống với sự chờ đợi của số phận về vụ đánh bom đầu tiên xảy ra trong khoảng thời gian từ đêm 19 đến 20/3 và nhắm vào các tòa nhà chính phủ, đồng thời đánh trúng các đường dây liên lạc. Điện thoại ngay lập tức bị hỏng, không còn khả năng liên lạc. Sau đó, cuộc xâm lược cũng bắt đầu ở miền nam Kuwait, đúng vậy, quân đội của Saddam đã được triển khai, nhưng ưu thế của hoạt động quân sự đã đánh tan tất cả các tuyến phòng thủ được triển khai.
** Phần Đức Hồng y, với tư cách là Sứ thần, đã chọn ở lại để đồng hành với người dân. Vì sao lại có sự lựa chọn này và ngài có thể đồng hành với người dân như thế nào?
- Chúng tôi, với tư cách là cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh, đang ở nhiều nơi vì hòa bình, để đảm bảo quyền tự do của Giáo hội, để gần gũi với các Kitô hữu của chúng ta, để thể hiện tình liên đới của Đức Giáo hoàng với tất cả các Giáo hội này, dù là thiểu số hay đa số. Sứ Thần ở đó để đại diện cho Đức Thánh Cha. Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần bày tỏ sự gần gũi với người dân Iraq. Bất chấp những gì đã được nói ở nhiều quốc gia, không phải tất cả mọi người đều chống lại Iraq, Giáo hội chống lại chiến tranh và ủng hộ người dân Iraq. Các vấn đề khác có thể được chúng ta thảo luận.
** Do đó, quý vị đã ở lại vì tình liên đới…
- Đúng, chúng tôi đã ở đó để thể hiện sự liên đới này. Và tôi có thể nói rằng không chỉ có Sứ thần; không có linh mục, giám mục, tu sĩ nam hay nữ nào ra đi: tất cả mọi người đều ở lại. Có thể có nhiều gia đình phải rời khỏi Baghdad, có người tìm mọi cách để ra đi, nhưng điều này cũng dễ hiểu khi họ có trẻ em và người già. Thật ra, người dân cũng vẫn luôn ở lại đó; sau đó các Kitô hữu bắt đầu xuất cư. Vì vậy, Sứ thần, người đại diện cho Đức Thánh Cha, cũng cần phải ở lại với các Kitô hữu, các linh mục, các giám mục. Điều này luôn được cả người dân và chính quyền Iraq đánh giá cao.
** Sau một vài tháng, chính quyền đã mất quyền lãnh đạo. Chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của Saddam Hussein. Sau đó là những năm rất khó khăn với sự đối đầu giữa người Hồi giáo Shiite và người Sunni và khó khăn trong việc tìm kiếm một chính quyền ổn định…
- Saddam Hussein là một người Sunni và thiểu số Hồi giáo Sunni - một thiểu số mạnh mẽ - đã nắm giữ quyền lực. Người Hồi giáo Shiite thì không; ngược lại, họ đã bị áp bức đặc biệt ở vùng Trung Nam. Vì vậy, khi chế độ Saddam sụp đổ, điều đầu tiên là người Shiite nắm quyền. Vì vậy, giữa những đồng minh chiến thắng và hạ bệ, quyền lực của chế độ và những người khác không biết sẽ hành động như thế nào, tình trạng vô chính phủ ngự trị. Ngày nào cũng có những cuộc tấn công, không phải quân sự mà bởi những kẻ cố gắng nắm quyền hoặc lợi dụng để cướp bóc. Đó là thời kỳ của những đám cháy lớn, của những nạn nhân… Hỗn loạn, không biết ai lãnh đạo… quân đội, cảnh sát biến mất, không có bất cứ chính quyền nào để kiểm soát. Mọi người đều nhớ đến các cuộc cướp bóc ở các Bộ, ngoại trừ một bộ được kiểm soát ngay lập tức: đó là dầu mỏ. Tôi nhớ rất rõ một trong những điều khủng khiếp nhất là cuộc cướp bóc các viện bảo tàng, nơi hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật biến mất. Ngay cả quân đội Mỹ cũng lấy chúng đi và thực tế là sau đó chúng được tìm thấy trong ba lô của họ. Đám cháy ở Thư viện Baghdad rộng lớn cũng rất khủng khiếp. Trong 2-3 ngày, trời mưa tro bụi trên thành phố. Đó là một cuộc tàn phá không thể chấp nhận được: tấn công vào thư viện cũng có nghĩa là tấn công vào lịch sử, cuộc sống của một dân tộc, cũng như việc cả nhân loại bị tước đoạt những tài sản vô giá.
** Thời kỳ chiến tranh này đã gây ra những hậu quả nào đối với Giáo hội và những hậu quả này được phản ánh như thế nào trong Giáo hội ngày nay?
- Giáo hội đã chịu đau khổ... Đó là lần đầu tiên có nhiều vị tử đạo, nhiều vụ giết người, nhiều vụ nổ bên trong hoặc trước nhà thờ. Các tín hữu của chúng ta nằm trong số những người đầu tiên bị nhắm mục tiêu. Nhiều của cải đã bị mất vì có tình trạng vô chính phủ, nhiều ngôi nhà của người Công giáo và Kitô hữu đã bị chiếm. Tất cả những điều này đương nhiên có tác động đến triển vọng tương lai: chúng ta đã có loại chế độ nào? Những loại chính phủ nào có thể được thành lập? Dựa trên luật nào, vì nhiều luật đã bị bãi bỏ? Tôi đang đề cập đến những vấn đề về tự do tôn giáo, về quyền công dân, về quyền của mọi công dân được sống trên đất nước của họ. Dẫu có những nỗ lực để áp đặt một luật, các cuộc tấn công vẫn tiếp tục. Điều này đã xảy ra trong nhiều năm. ISIS là hậu quả của tình trạng vô chính phủ, của những vấn đề chưa được giải quyết, của một sự bảo vệ chưa được xác định. Tất cả những điều này đã tạo ra ưu thế của các băng đảng và các nhóm khiến dân chúng rơi vào khủng hoảng. Toàn bộ dân chúng, nhưng đặc biệt là các Kitô hữu, ở khu vực phía bắc Iraq, ở Đồng bằng Ninivê, ở các làng của người Kurdistan, cùng với các nhóm thiểu số khác trong khu vực, đã trở thành đối tượng của một cuộc săn lùng tàn nhẫn.
** Vào năm 2015, ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến Iraq để bày tỏ sự gần gũi của ngài. Sau đó là chuyến tông du của chính Đức Thánh Cha, Giáo hội được nhìn nhận như thế nào?
- Nhận thức của chính quyền cũng như của người dân thường là một sự tôn trọng lớn đối với Giáo hội Công giáo. Trước đây không có nhận thức này, Giáo hội Công giáo không bao giờ được nhắc đến, báo chí, truyền hình không bao giờ nói bất cứ điều gì. Tôi nhớ rằng mọi người đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên, sau khi Saddam sụp đổ, họ có thể mua những chiếc tivi mà trước đây không thể có - hàng triệu ăng-ten vệ tinh được chở đến bằng những chiếc xe tải khổng lồ - và mọi người có thể nhận ra rằng có một thế giới bên ngoài và một trong những điều mà họ khám phá ra vào khoảng thời gian đó là sự kiện Đức Gioan Phaolô II qua đời, đó là những dòng tín hữu đông đảo đến cầu nguyện. Và người dân ở Iraq nói, “Mà thế nào được? Họ đã luôn nói với chúng ta rằng các Kitô hữu là những người không có đức tin và làm thế nào mà những người này cầu nguyện?”. Đây là lần đầu tiên họ có ấn tượng với một thực tế khác với thực tế đã được mô tả cho họ. Và điều này vẫn còn, nghĩa là, về cơ bản, Giáo hội đã bảo vệ người dân Iraq. Luôn luôn, luôn luôn, ngay cả trong thời gian của chế độ. Đó không phải là sự bảo vệ chống lại Saddam Hussein, nhưng đó là sự bảo vệ người dân, quyền của một người dân có tự do, phẩm giá và sự thể hiện đức tin. Điều này cũng tiếp tục với các hành động tiếp theo của Đức Giáo hoàng: khi ngài gửi tôi đến để liên đới với hàng trăm ngàn Kitô hữu chạy trốn khỏi Đồng bằng Ninivê, điều đó được coi là một dấu hiệu cho thấy sự gần gũi của Giáo hoàng và Giáo hội. Điều đó rất quan trọng bởi vì trước đây họ quan niệm Kitô hữu là một người vô đạo, ngược lại, Kitô hữu là những người duy nhất thể hiện sự rất gần gũi, không chỉ về mặt luân lý mà còn cả về mặt kinh tế với sự hỗ trợ của Caritas và các tổ chức viện trợ khác.
** Vậy chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Iraq đã được trải nghiệm như thế nào?
- Vâng, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là sự đáp ứng ước muốn của Đức Gioan Phaolô II đến Iraq để dự Năm Thánh vào năm 2000. Mong ước đó đã bị từ chối. Điều này đã hoàn thành một sự chờ đợi và mở ra những cánh cửa, bắt đầu với sự kiện là Đức Thánh Cha đã tham gia đối thoại với thế giới Sunni và cả với thế giới Shiite bằng cách đến gặp Al-Sistani, ngài đã cho thấy rằng việc đối thoại là có thể. Đây là những cánh cửa đã được mở ra và là khởi đầu của một hành trình dài.
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 267 | Tổng lượt truy cập: 3,052,804